<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Câu chuyện về người lính cận vệ</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Câu chuyện về
người lính cận vệ của Bác Hồ</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong những ngày tháng 5 này, cả
nước đang nô nức hướng tới kỉ niệm 118 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh -
vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Bác đã đi xa nhưng những câu chuyện về Người
vẫn được những người từng có dịp được sống và làm việc với Bác kể lại với tất cả
sự tôn kính và đầy xúc động. Thông tin trong Đoàn có dịp được trò chuyện với bác
Phan Văn Xoàn, người cận vệ năm xưa của Bác Hồ. </font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Vinh dự lớn
của người lính trẻ</font></b></p>
<div style="float: right; width: 118px; height: 38px">
<table border="0" width="100%" id="table1" cellspacing="0" cellpadding="0">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="cau%20chuyen1.jpg" width="167" height="220"></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sinh ra trong một gia đình đông
anh em ở Cà Mau, tuổi thơ của bác Phan Văn Xoàn không được trọn vẹn như bao trẻ
cùng trang lứa. Lên 6 tuổi, bố mất. Mẹ phải gồng gánh nuôi mấy anh em khôn lớn.
Dù nghèo nhưng mẹ vẫn luôn dặn các con rằng “Mình nghèo nhưng phải sống đừng để
người ta chê cười”. Ý thức được lời mẹ, ngay từ nhỏ Xoàn đã là một cậu bé rất
chăm chỉ. Lớn lên trong cảnh đất nước bị giặc Pháp xâm lược, 16 tuổi Xoàn đã
tham gia cách mạng. Lanh lợi. Nhanh trí. Cậu bé mồ côi cha sớm được mọi người
tin tưởng giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng. Đến cuối năm 1950, anh lính trẻ
Phan Văn Xoàn được cử ra Bắc học để về phục vụ quê hương. Vượt qua một chặng
đường dài đầy gian nguy, đầu năm 1951, bác Xoàn cùng các đồng chí của mình đã
đặt chân trên đất Bắc. Tại đây, người con của đất Nam Bộ không thể ngờ rằng mình
lại có vinh dự được gặp Bác Hồ. Bác Phan Văn Xoàn vẫn nhớ như in đó là ngày
15/1/1951. Từ lâu đã có mơ ước đó nên khi được toại nguyện ai cũng rưng rưng
nước mắt, không nói nên lời. Sau lần gặp đó, bác Xoàn sang Trung Quốc học 3 năm.
Ngày về, cả đoàn lại hạnh phúc khi lại được Bác Hồ tới thăm và dặn dò: “Các chú
được học nhiều nhưng không bao giờ được giáo điều, phải luôn có những vận dụng
hợp lí những gì đã học được. Các chú cũng đừng bao giờ tự cao, tự đại khi mình
được học hơn người khác”. Thấm nhuần lời dạy đó, anh lính Phan Văn Xoàn đã ra
sức phục vụ cách mạng. Những năm sau đó, trong quá trình hoạt động, thỉnh thoảng
bác Xoàn cũng được làm việc cho Bác Hồ trong vai trò là người cận vệ. “Càng ở
với Bác tôi càng học được nhiều điều bổ ích. Thấy mình còn phải học và tu dưỡng
rất nhiều”- bác Xoàn xúc động nói. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hạnh phúc hơn, đến năm 1959, bác
Xoàn được trực tiếp ngày đêm làm cận vệ cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một vinh dự mà
bác chưa bao giờ dám nghĩ tới. “Tôi đã rất lo lắng, hồi hộp trong những ngày đầu
tiên nhận nhiệm vụ” - bác Xoàn chia sẻ - “Những ngày được gắn bó với Bác Hồ cũng
là khoảng thời gian tôi học được rất nhiều đức tính quý báu từ lãnh tụ thiên tài
của dân tộc”. Trong dòng hồi ức, cùng lần giở cuốn hồi kí viết tay của bác Xoàn,
chúng tôi đã được nghe những câu chuyện về Bác. Đó là chuyện về việc Bác Hồ đã
chọn ngôi nhà của hai người thợ điện làm nơi làm việc cho mình sau ngày cả dân
tộc tiến vào tiếp quản Thủ đô. Đó là chuyện Bác Hồ mang chiếc máy điều hòa nhiệt
độ được tặng để biếu lại cho một trung tâm điều dưỡng thương binh chỉ vì “Ở đó,
các chú ấy đang điều trị cần sự mát mẻ hơn. Hơn nữa, Bác đã quen chịu cái nóng
rồi”. Bác Xoàn kể về sự đơn sơ, giản dị của Bác Hồ: “Trong căn phòng của vị Chủ
tịch nước ấy chỉ đặt những đồ dùng cần thiết, vài ba bộ quần áo, một chiếc
Radio, đôi dép cao su mòn đế, đóng đinh chi chít”... Được sống và làm cận vệ
thân cận của Bác, bác Phan Văn Xoàn đã học được biết bao đứctính của Người để mà
khi chiến tranh qua đi bác vẫn tiếp tục đem sức mình cống hiến cho xã hội.
</font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Vị tổng giám
đốc 85 tuổi </font></b></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="cau%20chuyen.jpg" width="400" height="300"></font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font color="#808080" face="Arial" size="2"><i>Bác Phan Văn Xoàn đang giới thiệu
quyển Nhật ký của mình</i></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hiện nay, bác Xoàn là tổng Giám
đốc Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Bảo vệ Long Hải (đường Nguyễn Văn Trỗi,
Quận Phú Nhuận). Năm nay, bác đã 85 tuổi, mái tóc bạc trắng nhưng dáng đi và
giọng nói thì vẫn sang sảng, phong thái nhanh nhẹn và khỏe khoắn. Lẽ ra, ở tuổi
này, bác đã có thể an dưỡng, tìm niềm vui bên con cháu nhưng nhớ lời Bác dạy “Về
hưu rồi, nếu chú nào còn cảm thấy mình còn làm việc được thì nên làm”, bác lại
tiếp tục đem sức của mình cống hiến cho xã hội. Vốn có những kiến thức trong
việc làm vệ sĩ, nên sau khi về hưu, đến năm 1995 bác đã xin giấy phép thành lập
công ty đào tạo vệ sĩ. Những ngày đầu mới thành lập công ty, một mình bác phải
cáng đáng nhiều công việc rất khó khăn. Tài chính thiếu thốn, ngay cả việc đào
tạo vệ sĩ cũng không có người, vừa lo hoàn thành thủ tục cho sự phát triển của
công ty, vừa soạn giáo án để dạy cho các nhân viên. Với bàn tay “chèo lái” của
bác, công ty ngày một phát triển. Hiện nay, cả công ty có tới 3.000 nhân viên
với nhiều chi nhánh trong khắp cả nước. Sự tồn tại và phát triển của công ty
luôn gắn với phương châm “Phi chất lượng bất thành doanh nghiệp”, nghĩa là công
ty luôn lấy chất lượng và uy tín để phục vụ cho khách hàng. Là một Tổng giám đốc
nhưng với các nhân viên bác vẫn luôn thăm hỏi rất ân cần. Những lúc ai gặp hoạn,
ốm đau bác đều động viên thăm hỏi kịp thời. Bác luôn coi công ty như một “đại
gia đình” luôn gắn bó để cùng nhau phát triển. Công ty của bác cũng luôn quan
tâm tới việc làm việc thiện ở nhiều nơi, nhất là các mái ấm, nhà mở. Thấm thía
những lời dạy năm xưa của Hồ Chủ Tịch, bác Xoàn không quên truyền lại cho thế hệ
trẻ hôm nay những bài học đó, nhất là bài học về làm người, phải luôn có đạo đức
để đem lại những điều tốt đẹp cho xã hội.</font></p>
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2">QUANG QUÝ - PHẠM NGA</font></b></p>
</body>
</html>