<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Đoàn cũng cần một</title>
</head>
<body>
<p><b><font size="2" face="Arial" color="#FF0000">Đoàn cũng cần một “chiến lược thương hiệu"</font></b></p>
<p class="pHead"><font size="2" face="Arial">Từng là cựu cán bộ Đoàn, từng thức trắng đêm cả
tháng trời viết đề án “Thành đoàn điện tử”, tổ chức những diễn đàn thanh niên
trên mạng thu hút hàng ngàn thành viên, là doanh nghiệp trẻ chuyên về mạng thuộc
thế hệ 8X. </font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Bên ly cà phê trong một quán café-wifi, vừa theo
dõi<a href="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=128052&ChannelID=7"><span style="text-decoration: none"><font color="#000000">
</font></span></a>
<a resizable="yes" toolbar="yes" titlebar="yes" scrollbars="yes" menubar="yes" statusbar="yes" location="yes" href="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=128052&ChannelID=7">
<span style="text-decoration: none"><font color="#000000">cuộc đối thoại giữa tuổi trẻ và lãnh đạo TP.HCM</font></span></a> trên máy tính, Nguyễn Cao
Trí (giám đốc Công ty Yeuthethao.com) vừa trăn trở về vai trò của Đoàn trong
thời đại “công nghệ số”</font></p>
<p class="pBody" align="center"><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="nguyen%20cao%20tri.%20doan%20can%20thuong%20hieu.jpg" width="120" height="160"></font></p>
<p class="pQuestion"><font size="2" face="Arial">* <i>Nhiều năm liền, suốt ngày vẫn thấy anh
ở Thành đoàn, Nhà văn hóa Thanh niên?</i></font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial"><strong><font size="2"> Nguyễn Cao Trí:</font></strong><font size="2">
Từ Nhà thiếu nhi TP.HCM, tôi bắt đầu làm quen với Trung tâm Phát triển khoa học
công nghệ trẻ Thành đoàn trong các cuộc thi tin học trẻ không chuyên. Từ năm
1998 đến đầu 2005, tôi ở đó rồi Nhà văn hóa Thanh niên như cơm bữa. Cái này nói
vui thôi: trung tâm đã thay đổi sáu “đời” giám đốc mà tôi vẫn ở lại.</font></font></p>
<p class="pQuestion"><font size="2" face="Arial">* <i>Gắn bó với Đoàn mật thiết như vậy, nay
là một giám đốc trẻ, công ty của anh có gần 20 thành viên dưới 25 tuổi, sao các
bạn không thành lập một chi đoàn?</i></font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">- Nhiều khi tôi cũng tranh cãi với ba tôi (một
đảng viên), những chuyện tương tự. Công ty chúng tôi thành lập năm 2003, chưa
bao giờ thấy Đoàn đến tiếp cận với chúng tôi. Ra vô Thành đoàn đến nỗi mấy chú
giữ xe cũng quen mặt trong tám năm trời vậy mà nói thật tôi cũng không biết làm
thế nào để thành lập chi đoàn ở một công ty tư nhân.</font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Ở điểm này tôi thấy không phải mình tôi đâu.
Trong cuộc gặp gỡ đối thoại giữa thanh niên với lãnh đạo thành phố sáng 18-3, có
người đặt câu hỏi: làm thế nào để sinh hoạt Đoàn khi bạn này làm ở công ty trách
nhiệm hữu hạn? Bí thư Thành đoàn đã trả lời Đoàn chưa tiếp cận đầy đủ đối tượng
này. Theo dữ liệu của tôi, ở TP.HCM có tới hàng chục ngàn doanh nghiệp tư nhân,
rồi những thanh niên đoàn viên trong các công ty nước ngoài nữa chứ. </font></p>
<p class="pQuestion"><font size="2" face="Arial">* <i>Có phải anh đang nói tới việc “tiếp
thị” Đoàn?</i></font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">- Marketing! Theo tôi, trong thời đại bùng nổ
thông tin như hiện nay, nếu Đoàn suy nghĩ thanh niên phải biết đến mình là đang
giậm chân tại chỗ. Tại sao anh bạn kia đi học vi tính? Vì anh ta thấy được lợi
ích của nó. Theo một nghĩa rộng, tôi nghĩ Đoàn cũng cần tư duy theo hướng ấy.
Cần có “chiến lược thương hiệu” một cách bài bản mới thu hút được thanh niên
trong thời đại hôm nay.</font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">* <i>Mùa hè xanh cũng là một cách marketing của
Đoàn đấy chứ? </i></font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial"> Đúng như vậy. Nhưng chúng tôi không thích
lắm những con số mà hằng năm chiến dịch này đưa ra. Tôi có mấy người bạn tham
gia Mùa hè xanh vì “thích du lịch đến một vùng chưa bao giờ mình đến”. Tôi cũng
thấy chuyện đó râm ran trong nhiều người khác. Chúng tôi biết ý nghĩa, giá trị
của chương trình tình nguyện. Nhưng nếu không khéo, chính việc “tiếp thị” đó lại
làm mất hình ảnh tốt đẹp của nó. </font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh đã đặt ra vấn đề: phong
trào hay chuyên nghiệp sau cuộc tọa đàm về Mùa hè xanh - phong trào tình nguyện
và tôi thấy Đoàn cần suy nghĩ thấu đáo. Chị nghĩ sao khi đi ngang con đường ở
kênh Nhiêu Lộc và thấy hàng chục thanh niên tình nguyện nhổ cỏ? Loài cỏ hoang,
nhổ hôm nay, mai lại mọc xanh um! Đã đến lúc chúng ta phải xem lại cụm từ “dấy
lên phong trào”. Chúng ta đừng làm “phong trào” mà cần làm theo hiệu quả.</font></p>
<p class="pQuestion"><font size="2" face="Arial">* <i>Nhưng là một đoàn viên, có bao giờ anh
tự hỏi mình đã làm gì cho Đoàn?</i></font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">- Tôi đã từng một tháng thức đêm làm đề cương
“Thành đoàn điện tử”, đề xuất một đề án nâng cấp website cũng như lập trình hệ
thống quản lý Đoàn từ cấp thành đến cơ sở. Với qui trình quản lý “số” này, có
thể kiểm soát cấp chi đoàn có hoạt động hay không, thậm chí không cần phải “vi
hành” (tất nhiên xuống cơ sở vẫn là việc cần thiết nhưng là để gần gũi chứ
không phải để kiểm tra). </font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Tôi còn đề xuất cả một diễn đàn như thế nào là
thu hút thanh niên. Nhưng nói thật tôi thấy buồn không chỉ là vì ý tưởng của
mình rơi vào thinh lặng đâu. Báo chí vẫn viết về những chi đoàn, chi hội ở cơ sở
đã thành lập nhưng không hoạt động, vậy mà người quản lý không nắm được con số
thấu đáo. </font></p>
<p class="pQuestion"><font size="2" face="Arial">* <i>Anh vừa nói đến “diễn đàn thu hút thanh
niên”. Anh và bạn bè đã rất thành công với những “forum” của mình?</i></font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">- Một nhóm bạn của tôi đã thành công với
diendantinhoc.com. Diễn đàn này hiện có mấy chục ngàn thành viên. Vì sao vậy?
Những bạn trẻ lên đó chia sẻ với nhau về kiến thức công nghệ thông tin. Họ cùng
nhau nghiên cứu phát triển. Rồi những forum xitrum.net, hoathuytinh,
diendanamnhac... đều có đông đảo thành viên tham gia, toàn người trẻ.
Yeuthethao.com của tôi mới ra đời, dù “khắt khe” lựa chọn cũng đã có 2.000 thành
viên.</font></p>
<p class="pQuestion"><font size="2" face="Arial">* <i>Vào diễn đàn, những bạn trẻ không chỉ
nói chuyện kiến thức?</i></font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">- Tất cả những vấn đề thời sự. Mới đây, diễn đàn
của tôi xôn xao chuyện cá độ đá banh. Một nữ sinh lớp 12 viết lên day dứt của
mình khiến người đọc khó quên: “Từ tuổi thanh niên họ đã sống với trái bóng và
dành gần hết thời gian cho trái bóng. Họ chưa kịp học được cách tồn tại trong
cuộc sống thì đã bị dòng chảy cuộc sống cuốn đi”. Người trẻ luôn khao khát được
bày tỏ mình.</font></p>
<p class="pBody"><font size="2" face="Arial">Các diễn đàn bắt đúng nhu cầu, nói thật có
“đuổi” họ cũng không đi. Đoàn đứng đâu trong “thời đại số” ấy? Sao không chủ trì
những forum chia sẻ chuyện “cơm tù”, “tham nhũng”, “điện kế điện tử” hay mới
nhất là lỗ thủng cầu Văn Thánh 2...?</font></p>
<p class="pQuestion"><font color="#030303" size="2" face="Arial">* <i>Nghĩa là làm công tác
Đoàn thật sự phải là một nghề?</i></font></p>
<p class="pBody"><font color="#030303" size="2" face="Arial">- Bác Hồ đã nói “làm cách mạng
là một nghề”. Cần có những trường lớp đào tạo những cán bộ Đoàn, Hội giỏi,
chuyên nghiệp, tuyển sinh hẳn hòi, thậm chí phải được học về tâm lý nữa, như các
nước đã làm. </font></p>
<p class="pBody"><font color="#030303" size="2" face="Arial">Ở Singapore có trung tâm phát
triển thế hệ trẻ, là nơi mà những công trình, dự án, ý tưởng, tâm huyết, nguyện
vọng của thanh niên được chia sẻ một cách bài bản và đầy chuyên nghiệp. Điều đó
kích thích và thu hút ghê gớm những thanh niên tham gia, cống hiến một cách đầy
tự nguyện.</font></p>
</body>
</html>