<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Đối thoại từ Vườn ươm</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span id="lbHeadline" class="text16b">Đối thoại từ Vườn ươm</span> </font></b>
</p>
<table id="AvatarTable" align="left" border="0" cellpadding="0" cellspacing="3" width="1">
<tr>
<td align="left" valign="top">
<p align="justify">
<img border="0" src="doi%20thoai.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr height="1">
<td align="left" valign="top">
<p align="center"><span id="AvatarDesc"><i>
<font size="2" face="Arial" color="#808080">Nhóm tác giả đề tài "Nghiên
cứu chế tạo bộ kít phát hiện hàn the nhanh trong thực phẩm"</font></i></span></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><span class="indexstorytext">Nhân
triển khai chương trình Vườn ươm Sáng tạo khoa học và công nghệ trẻ lần thứ 13 -
năm 2009, Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ TP.HCM, Sở Khoa học -
Công nghệ TP.HCM đã có buổi đối thoại với những tác giả, nhà nghiên cứu quan tâm
đến Vườn ươm. </span></font><span id="lbBody" class="indexstorytext"></p>
<p align="justify"><strong><font color="#008000" face="Arial" size="2">Sẽ có
ngân hàng đề tài</font></strong></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chị Nguyễn Thị Hoài Hương - Viện
Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, bày tỏ: Vườn ươm là một chương trình rất hay, đã
tạo điều kiện và tiền đề cho những bạn trẻ tập cách nghiên cứu. Tuy nhiên, Vườn
ươm cũng nên chú trọng chất lượng khoa học, chứ không thể để tiêu chí quá đơn
giản. "Tôi được biết có năm, số lượng đề tài tham gia Vườn ươm lên đến trên 100
nhưng chỉ có khoảng chục đề tài được chọn. Theo tôi, Ban tổ chức cần công khai
ngay từ đầu chỉ tiêu đề tài được duyệt trong số những đề tài đăng ký. Việc biết
tỷ lệ "chọi" sẽ giúp các tác giả tự lượng sức mình đồng thời tránh sự lãng phí",
chị Hương đặt vấn đề. Anh Đinh Minh Hiệp - Phó phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa
học - Công nghệ TP.HCM, đơn vị quản lý Vườn ươm - giải đáp: "Chúng tôi khẳng
định là không đặt ra một tỷ lệ đề tài được xét chọn như tỷ lệ "chọi" trong tuyển
sinh. Số đề tài được chọn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và do Hội đồng khoa học xét
chọn". </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong khi đó, anh Lê Ngọc Dũng -
giảng viên trường CĐ Tài chính Hải quan TP.HCM nhận xét, khá nhiều đề tài được
đưa ra xét duyệt là những đề tài cũ. Vì vậy, đơn vị phụ trách Vườn ươm nên mở
mục nhận xét những điểm mới của đề tài để tránh sự chồng chéo, lãng phí. Anh
Dũng đưa ra câu hỏi: "Các giảng viên trẻ lấy đề tài luận văn thạc sĩ của mình để
tham gia Vườn ươm có được không?", ngay lập tức anh Minh Hiệp lưu ý: Không hạn
chế đề tài luận văn thạc sĩ tham gia nhưng nếu đề tài không có điểm mới, tác giả
bê y chang đề tài vào Vườn ươm thì rất dễ bị loại! Còn anh Nguyễn Công Tĩnh -
Giám đốc Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ TP.HCM, cơ quan chủ trì
chương trình Vườn ươm - cho biết: Ngân hàng đề tài Vườn ươm dự kiến ra đời trong
quý III/2008 nhằm mục đích giúp các tác giả hệ thống được những đề tài trước giờ
đã được nghiên cứu, từ đó tìm ra hướng đi mới cho mình; giới thiệu, chuyển giao
những đề tài mang tính khả thi cho những doanh nghiệp, các đơn vị quan tâm.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong><font color="#008000">
"Cây" mọc từ Vườn ươm</font></strong><font color="#008000"> </font></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chị Đỗ Kim Hoàng - Phòng sau đại
học - Quản lý khoa học, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - thắc mắc:
"Vườn ươm thì ươm từ những mầm non. Như vậy, đề tài chỉ dừng ở mức mầm, còn cho
lên cây thì biết đến khi nào? Nên chăng có những chương trình mắt xích kết nối,
để các tác giả Vườn ươm có thể tham dự được ở những mức độ cao hơn?". Mặc dù còn
ít ỏi nhưng đã có một số "mầm" từ Vườn ươm "ra lá ra cành". Trong đó, phải kể
đến đề tài "Bước đầu nghiên cứu phương pháp lý luận và phương pháp huấn luyện
judo cho người khiếm thị" của tác giả Lý Đại Nghĩa (hiện đang công tác tại
trường Nghiệp vụ Thể dục thể thao TP.HCM). Đề tài này đã được phát triển thành
công trình "Nghiên cứu trình độ của vận động viên judo khiếm thị lứa tuổi từ
12-16 tại TP.HCM sau 1 năm tập luyện". Tổng kinh phí thực hiện công trình này là
250 triệu đồng.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Một "cây" khác cũng đã "mọc" lên
khá tươi tốt từ Vườn ươm là đề tài "Nghiên cứu chế tạo bộ kít phát hiện hàn the
nhanh trong thực phẩm" của nhóm tác giả thuộc Viện Công nghệ hóa học tại TP.HCM,
gồm: thạc sĩ Phùng Văn Trung (chủ nhiệm đề tài), kỹ sư Phạm Thị Thùy Dương và
thạc sĩ Phan Nhật Minh. Đề tài này tham gia Vườm ươm từ năm 2006 với kinh phí 50
triệu đồng (hiện nay kinh phí tối đa là 80 triệu đồng/đề tài - PV). Nhận thấy đề
tài mang tính khả thi cao, Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM đã xét cấp thêm 70
triệu đồng hỗ trợ các tác giả hoàn thiện và triển khai ứng dụng sản phẩm. </font>
</p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TNO</i></b></font></p>
</span>
</body>
</html>