<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>New Page 3</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">“Ánh sáng thời
đại” và những người tiếp lửa cho sinh viên</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cuộc thi tìm hiểu Chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng thời đại” do Thành đoàn TPHCM tổ chức phối
hợp Sở GD-ĐT, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức lần 3 đã khép lại, nhưng hình ảnh
rạng rỡ trong phút đăng quang giải nhất của các giảng viên trẻ Trường Đại học
Khoa học Tự nhiên (ĐH KHTN TPHCM) vẫn còn đọng lại trong lòng nhiều người tham
dự. </font></p>
<font face="Arial">
<div align="left">
<table cellSpacing="0" cellPadding="3" width="1" align="left" border="0">
<tr>
<td><font size="2">
<img border="0" src="anh%20sang%20thoi%20dai.bmp" width="200" height="153">
</font></td>
</tr>
</font><font face="arial">
<tr>
<td class="Image">
<p align="center"><i><font face="Arial" color="#808080" size="2">
Đồng chí Phan Xuân Biên (bìa phải) và các giảng viên trẻ Trường ĐH
KHTN TPHCM trong phút đăng quang tại cuộc thi tìm hiểu Chủ nghĩa
Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng thời đại” lần 3 năm 2008.</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
</font><font face="Arial">
<p align="justify"><font size="2">Họ là những giảng viên vừa mới ra trường và
cùng công tác tại khoa Sinh học. Cả 5 thành viên đều có sở thích tìm hiểu các
môn khoa học Mác - Lênin. Để vượt qua 50 đối thủ ở 4 vòng loại, họ đã bỏ thời
gian dài để nghiên cứu các môn học này.<br>
<br>
Từ thời sinh viên, các cuộc thi tìm hiểu Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh ở trường đại học chính là những cuộc “thử lửa” đầu tiên để sau đó họ tự tin
đăng ký tham gia cuộc thi cấp thành phố. </font></p>
<p align="justify"><font size="2">Đội trưởng Trần Thanh Hòa cười tươi: “Từ hồi
sinh viên tới giờ, mình có ít nhất 10 lần tham gia các cuộc thi tương tự, nhưng
mỗi lần thi là một cảm xúc khác nhau. Mình thấy ở các môn học này có một sức hút
kỳ lạ”. Lê Sơn, giảng viên bộ môn Di truyền (Phòng thí nghiệm sinh học phân tử)
cho rằng, các môn học về chủ nghĩa Mác - Lênin trang bị cho sinh viên khả năng
tư duy logic, suy luận, tổng hợp, nhất là đối với việc nghiên cứu khoa học của
Sơn hiện nay. </font></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sơn chia sẻ: “Giảng viên đại học
không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải vững vàng lập trường, bản lĩnh chính
trị, để làm gương cho sinh viên. Ai cũng nghĩ, sinh viên tự nhiên “học thuộc”
rất dở nên khó lòng địch nổi các quận, huyện đoàn trong cuộc thi này, thế nhưng
chính khả năng suy luận logic đã giúp chúng tôi phản biện rằng: học các môn khoa
học Mác - Lênin không nhất thiết là phải thuộc làu làu mà phải thực sự yêu
thích, say mê nó. Chỉ khi cảm nhận bằng cái tâm thì kiến thức mới ngấm lâu. Và
mình đã không thấy nó khô khan, giáo điều mà hoàn toàn có thể ứng dụng vào học
tập, nghiên cứu khoa học”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 2007, Sơn đoạt giải nhì
Eureka sinh viên nghiên cứu khoa học với đề tài “Xây dựng quá trình thử nghiệm
hoạt chất chiết từ thực vật có khả năng kháng ung thư”. Sơn cho rằng, đề tài này
không liên quan đến các môn khoa học Mác - Lênin, nhưng từ các môn học đó, Sơn
có được phương pháp luận, tư duy logic, khả năng khái quát tổng hợp cho một đề
tài khoa học. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">3 giảng viên trẻ Phương Hiếu, Hải
Nhung, Hoàng Lâm cũng như Hòa và Sơn đều rất bận vì phải đứng lớp và thực hành
thí nghiệm. Nhưng lúc nào rảnh, họ họp nhau lại để ôn kiến thức về tư tưởng Hồ
Chí Minh. Trong 5 người thì có 4 người là đảng viên nên những cuộc họp chi bộ
cũng là dịp để họ trao đổi kiến thức. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sơn cho rằng: “Thắng tại một cuộc
thi chưa đủ, đó là cả quá trình học tập, tích lũy. Kiến thức về Chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là cả một kho tàng nên càng khám phá càng lý thú”.
Sơn và các đồng nghiệp của mình sẽ tiếp lửa cho các em sinh viên và bồi dưỡng
cho các em tiếp tục tham gia cuộc thi. Đó cũng là một cách rèn luyện kiến thức
về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chị Nguyễn Thị Tuyết Phương, Bí
thư Đoàn Trường KHTN TPHCM chia sẻ: “Đoàn trường đã duy trì được cuộc tìm hiểu
Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh từ năm 2000, nên đã tạo được phong
trào học tập, tìm hiểu các môn học này trong sinh viên. Với đặc thù sinh viên
nghiên cứu khoa học, nên nhà trường phải đổi mới hình thức và nội dung các cuộc
thi, hạn chế những câu hỏi lý thuyết, khô khan để thay vào những câu hỏi mang
tính ứng dụng cao và gắn liền với thực tiễn cuộc sống”.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo SGGPO</i></b></font></p>
</body>
</html>