<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>New Page 2</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span id="lbHeadline" class="text16b">Văn minh đô thị bắt đầu từ những điều nhỏ
nhất</span> </font></b></p>
<table id="AvatarTable" align="left" border="0" cellpadding="0" cellspacing="3" width="1">
<tr>
<td align="left" valign="top">
<p align="center">
<img border="0" src="van%20minh%20do%20thi.jpg" width="250" height="188"></td>
</tr>
</table>
<span class="indexstorytext">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngày xưa, cứ mỗi lần đi xe gặp
đèn đỏ tôi cố luồn lách để chen lên vị trí đầu tiên trong dòng người dừng lại.
Lên được vị trí đầu tiên, tôi lại nhích xe dần dần đến lúc bánh xe trước sắp
đụng vào những người đang lưu thông theo hướng đèn xanh mới thôi. Có lần, một
người bạn tôi thấy được. Đến lớp, anh ta "rêu rao" với các bạn. Tôi mắc cỡ quá.
Từ đó, tôi không làm như vậy nữa.</font></span><span id="lbBody" class="indexstorytext"></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 2001, tôi "đâm đầu" vào đuôi
xe gắn máy của một anh chàng vượt đèn đỏ, phải vào Trung tâm cấp cứu Sài Gòn nằm
2 ngày, khâu 3 mũi trên đầu. Anh chàng tội nghiệp bị cảnh sát giao thông tóm cổ
và bị buộc phải bỏ công ăn việc làm để vào bệnh viện chăm sóc tôi và bồi thường
tiền thuốc thang, viện phí. Xe bị giam do vượt đèn đỏ gây tai nạn, hẳn anh ta bị
"hành" một trận ra trò. Ái ngại cho anh ta, tôi nhủ thầm: "Chớ bao giờ cố tình
vượt đèn đỏ!".</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Rồi tôi có những người bạn từ
châu Âu tới. Thỉnh thoảng, tôi đưa họ đi ăn tối và cuốc bộ dạo phố. Ở những nơi
giao nhau, khi tôi băng qua đường theo đúng tín hiệu đèn báo thì những người bạn
Tây thường nắm áo kéo tôi lại: "Stop, quá nguy hiểm!". Đúng vậy, dù đèn đã báo
hiệu dừng lại nhưng người lưu thông bên phía đèn đỏ vẫn cố tình đi tiếp. Tôi
thấy thật xấu hổ vì điều đó. Hổ thẹn bởi nhìn thấy họ sợ hãi, bởi cái quyền qua
đường dành cho người đi bộ của họ bị xâm phạm không thương tiếc ở ngay tại một
thành phố được xem là văn minh. Và tôi dặn mình: "Không bao giờ dừng xe trên các
vạch trắng dành cho người đi bộ!".</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hôm nọ, tôi đi xe ôm lúc 5 giờ
sáng. Anh chàng chạy xe ôm chở tôi lao vun vút, vượt qua mấy bận đèn đỏ êm ru
như không có gì. Tôi hoảng quá. Thấy anh ta lại sắp băng qua một cái đèn đỏ nữa,
nơi mà bên phần đường của đèn xanh - đại lộ một chiều Điện Biên Phủ (TP.HCM),
những chiếc xe tải đang lao tới vun vút, tôi bảo anh ta dừng lại. Anh ta đáp
tỉnh queo: "Giờ này ai mà dừng lại vì đèn đỏ hả em? Anh mà dừng lại, người ta
bảo anh khùng đó!".</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Một đêm nọ, đã gần 23 giờ, tôi
đang vội vàng phóng xe về nhà. Đèn đỏ trên đường Nguyễn Văn Cừ mà tôi đang đi
vụt sáng ngay ngã ba Nguyễn Văn Cừ - An Dương Vương. Tôi dừng xe lại ngay vạch
trắng ngang cột đèn. Từ sau lưng tôi, hàng chục xe máy vượt qua, tiến lên phía
trước, cắt ngang mạch lưu thông của những chiếc ô tô trên đường An Dương Vương
từ phía quận 5 đang rẽ trái vào đường Nguyễn Văn Cừ. Tôi biết không ít người
đang bảo tôi "khùng". Thế nhưng, khi nhìn sang hai bên, có 3 người cũng dừng lại
ở vị trí như tôi, chờ đến đèn xanh để được đi tiếp. Tôi thấy mình như được tiếp
thêm sức để bảo vệ cho cái quyết tâm làm "người khùng tiên phong". Nếu 4 người
chúng tôi thực hiện điều này một cách bền bỉ, mọi lúc mọi nơi, tôi tin sẽ có
thêm nhiều người làm như chúng tôi. </font></p>
</span>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><i><b>Theo TNO</b></i></font></p>
</body>
</html>