<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Khi học trò giúp thầy cô</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span id="lbHeadline" class="text16b">Khi học trò giúp thầy cô... soạn bài</span>
</font></b></p>
<table id="AvatarTable" align="left" border="0" cellpadding="0" cellspacing="3" width="1">
<tr>
<td align="left" valign="top">
<p align="justify">
<img border="0" src="khi%20hoc%20tro.bmp" width="200" height="153"></td>
</tr>
<tr height="1">
<td align="left" valign="top">
<p align="center"><span id="AvatarDesc"><i>
<font size="2" face="Arial" color="#808080">Vương Hải đang thuyết trình
về bài giảng điện tử của mình </font></i></span></td>
</tr>
</table>
<span class="indexstorytext">
<p align="justify"><font size="2" face="Arial">22 phần mềm của học sinh tiểu
học, THCS và THPT tại TP.HCM đã cùng so tài trong cuộc thi "Phần mềm sáng tạo"
sáng 1.7 tại Thành Đoàn TP.HCM, (số 1 Phạm Ngọc Thạch, Q.1, TP.HCM). </font>
</span><span id="lbBody" class="indexstorytext"></p>
<p align="justify"><font color="#008000" size="2" face="Arial"><strong>Giờ học =
show trình diễn</strong></font></p>
<p align="justify"><font size="2" face="Arial">Nhiều phần mềm mang tính thiết
thực cao, khi được hoàn thiện và phổ biến sẽ hỗ trợ các bạn học sinh rất nhiều
trong việc học. Chẳng hạn, mang đến cuộc thi 2 sản phẩm "Bài giảng điện tử tiếng
Anh 10 - Unit 9: Undersea World" (thế giới dưới biển) và "Bài giảng điện tử hỗ
trợ tiếng Anh 10 - Unit 12: Music" (Âm nhạc), Vương Hải, cậu học sinh lớp 10
(ngụ tại 102B Nguyễn Xuân Khoát, Q.Tân Phú) cho biết 2 bài giảng điện tử này đã
được cô giáo của mình thử nghiệm rất thành công. Cả lớp đã gọi những tiết học vô
cùng sinh động và lôi cuốn đó là "show trình diễn". Không phải là học sinh
chuyên Tin, chỉ với mục đích làm sao cho giờ học cuốn hút và hiệu quả hơn, Vương
Hải đã tự "mò" với chương trình Pro Show Gold 3.0 trong vòng 1 tuần để cho ra
bài giảng điện tử Undersea World. Nếu như bài giảng trong sách giáo khoa chỉ
cung cấp phần văn bản và ảnh chụp, thì Vương Hải đã đưa vào bài giảng điện tử
của mình rất nhiều hình ảnh động, bản nhạc, bài hát với thông điệp "Mọi người
hãy cùng nhau bảo vệ biển cả". </font></p>
<p align="justify"><font size="2" face="Arial">Được bạn bè và cô giáo cổ vũ, Hải
"thừa thắng xông lên" soạn tiếp bài giảng điện tử cho Unit 12 có chủ đề Music
hoàn thiện hơn. Lần này, có đến 1 tháng để hoàn thành nên cậu thỏa sức đưa vào
nhiều hình ảnh, bài hát "cực đỉnh" mà Hải tìm được trên mạng internet. Bài giảng
được thiết kế trọn vẹn cho 45 phút của 1 tiết học, được cô giáo giảng tại nhiều
lớp và rất được tán thưởng.</font></p>
<p align="justify"><font size="2" face="Arial">Phần mềm "Soạn thảo trắc nghiệm"
của Nguyễn Đức Thiện, học sinh lớp 9 (ngụ tại 73/C10 Cộng Hòa, Q.Tân Bình) lại
giúp các thầy cô giảm tải rất nhiều thời gian và công sức trong việc soạn đề thi
trắc nghiệm. Với phần mềm này, từ một "ngân hàng câu hỏi" có trước, chỉ cần vài
phút và vài cú nhấp chuột, các thầy cô có thể nhanh chóng có ngay hàng loạt đề
thi, không đề nào giống với đề nào để các bạn học sinh ngồi cạnh không thể "liếc
bài" của nhau.</font></p>
<p align="justify"><font color="#008000" size="2" face="Arial"><strong>Những
phần mềm học tốt</strong></font></p>
<p align="justify"><font size="2" face="Arial">Các "lập trình viên" nhỏ tuổi này
đều là học sinh, nên thật dễ hiểu khi đa số phần mềm dự thi các em mang tới đều
nhằm giúp việc học trở nên thú vị và dễ dàng hơn. Ví dụ như với môn Tiếng Anh,
việc học thuộc vô số những động từ bất quy tắc khiến không ít học sinh lúng
túng: "Nhiều như thế, học đến bao giờ cho... hết!". Xuất phát từ nỗi niềm này
của bạn bè mà hai bạn Lê Thiện Hòa và Nguyễn Hữu Cẩm Đình (học sinh lớp 11, Q.3)
viết phần mềm "Irregular Verbs" (động từ bất quy tắc). Phần mềm này giúp thống
kê và tập hợp lại và phân nhóm các động từ bất quy tắc theo một cách... có quy
tắc. Nhờ vậy, các động từ bất quy tắc tưởng chừng "bất trị" hẳn sẽ dễ nhớ hơn
rất nhiều. </font></p>
<p align="justify"><font size="2" face="Arial">Phần mềm "Từ điển hóa học" của Lê
Chơn Nhựt Bình (học sinh lớp 11, Q.Phú Nhuận" sẽ giúp việc học môn Hóa học thêm
phần thú vị. Với phần mềm này, việc tìm hiểu quá trình điều chế các chất, cân
bằng phương trình hóa học trở nên rất đơn giản. Thậm chí phần mềm này có thể chỉ
cho bạn tới vài trăm cách để điều chế ra một chất. Ngoài ra, các lập trình viên
tuổi học trò này còn thử sức viết phần mềm trò chơi như: gỡ mìn online, chiếc
nón kỳ lạ, trò chơi tìm hiểu địa lý và lịch sử VN... Có bạn còn viết phần mềm để
quản lý đoàn viên từ cấp T.Ư Đoàn đến chi đoàn cấp cơ sở. </font></p>
<p align="justify"><font size="2" face="Arial">"Phần mềm sáng tạo" là cuộc thi
nằm trong khuôn khổ hội thi Tin học trẻ TP.HCM lần thứ 17 năm 2008 dành cho học
sinh TP.HCM do Thành Đoàn TP.HCM tổ chức. Các tác giả đoạt giải sẽ tham gia đội
tuyển thành phố tranh tài tại hội thi toàn quốc ở Đà Nẵng ngày 10.8<i><b>.</b></i></font></p>
</span>
<p align="right"><i><b><font size="2" face="Arial">Theo TNO</font></b></i></p>
</body>
</html>