<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Cầu truyền hình trực tiếp -</title>
</head>
<body>
<p><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Cầu truyền hình trực tiếp - "Vinh quang thanh niên Việt Nam"</font></b></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#FF0000"><b><span class="text16b" id="lbHeadline0">"Lửa thanh niên"
truyền qua các thế hệ</span></b></font></p>
<font face="Arial" size="2">
<span class="indexstorytext">Tối 25/3, báo Thanh Niên, Thành đoàn TP.HCM và
Truyền hình kỹ thuật số Việt Nam VTC phối hợp tổ chức chương trình cầu truyền
hình trực tiếp ca nhạc và giao lưu mang chủ đề "Vinh quang thanh niên Việt Nam"
(Công ty cà phê Trung Nguyên tài trợ). Ngay từ phút đầu tiên, không khí tại hai
đầu cầu truyền hình đã sinh động với tiếng hát hào hùng của tuổi trẻ.</span>
</font>
<span class="indexstorytext" id="lbBody0">
<p><font face="Arial" size="2"><strong>Đánh giặc bằng... âm nhạc</strong></font></p>
<table id="table4" cellSpacing="3" cellPadding="0" width="1" align="left" border="0">
<tr>
<td vAlign="top" align="left">
<img border="0" src="2.JPG" width="220" height="147"></td>
</tr>
<tr height="1">
<td vAlign="top" align="left">
<p align="center">
<span id="AvatarDesc" style="font-style: italic; font-family: Arial">
<font size="2" color="#0000FF">Anh Ma Xuân Việt - Phó bí thư Thành đoàn tặng hoa cho các tác giả đoạt
giải cuộc vận động sáng tác ca khúc về đề tài thanh niên.</font></span></td>
</tr>
</table>
<p><font face="Arial" size="2">Dù tối 25/3 Hà Nội có gió mùa đông bắc, mưa phùn lất phất, nhưng rất đông các
bạn trẻ vẫn đội mưa đến trường quay của VTC tham gia cầu truyền hình. Đến dự có
Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Dân vận T.Ư, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Vũ
Trọng Kim; Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông Trần Đức Lai... Trường quay S4
mới đưa vào sử dụng vẫn không đủ chỗ ngồi.</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Nếu như ngày trước, các bài hát đầy chất lửa như: <em>Tự nguyện, Dậy mà đi,
Lá xanh, Hành khúc ngày và đêm</em>... và cả những bài hát về tình yêu đậm chất
trữ tình như: <em>Tình</em> <em>em, Lên ngàn</em>... một thời đã tiếp thêm sức
mạnh cho cả dân tộc chiến đấu giành độc lập, thì nay, những bài hát ấy được các
ca sĩ thuộc thế hệ trẻ hôm nay như: AC&M, Đan Trường, Mỹ Linh, Hồ Quỳnh Hương...
trình bày, khán giả vẫn cảm nhận nhiệt tình tuổi trẻ vẫn còn "nóng hổi". Trường
Huy, thành viên tốp ca TT Kid rất xúc động khi khoác trên người trang phục bộ
đội thể hiện bài hát <em>Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân</em>. Huy nói: <em>
"Mặc dù tuổi trẻ chúng mình chưa từng trải qua chiến tranh nhưng qua những bài
hát như thế này mình cũng cảm nhận được sự hy sinh, gian lao của các thế hệ cha
anh".</em> Yến Nhi, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn TP.HCM xúc động: <em>"Những
bài hát sôi động và tạo được khí thế, hòa vào lòng mình những cảm giác rất
thiêng liêng. Dường như mình đang sống trong một bầu không khí khác vậy!".</em></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Nhạc sĩ (NS) Phan Huỳnh Điểu, Huy Thục, Nguyễn Văn Hiên, Tôn Thất Lập... đã
mang tới chương trình kỷ niệm về những ngày đấu tranh giành độc lập tự do, về
phong trào học sinh - sinh viên thành phố. Khi đó, những bài hát cách mạng đã
luôn là ngọn đuốc thổi bùng khí thế và nuôi dưỡng bầu nhiệt huyết trong lồng
ngực trẻ. NS Phan Huỳnh Điểu tâm sự: <em>"Nhờ cách mạng đã cứu sống đời tôi và
đưa tôi vào con đường âm nhạc. Hồi nớ không khí cách mạng rất sôi sục, mọi thanh
niên sẵn sàng tòng quân. Bài hát Giải phóng quân ra đời từ đó và cũng nhờ bài
hát này mà tôi đi đến đâu ai cũng gọi tôi là nhạc sĩ (lúc đó tôi chưa được học
một trường âm nhạc nào), tôi rất vui. Sau đó tôi tiếp tục sáng tác, hễ được đưa
ra công chúng một bài hát là rất quý. Tôi viết cho công chúng hát, không đòi hỏi
quyền lợi gì hết".</em> MC hỏi: <em>"Vượt qua hai cuộc kháng chiến, NS có những
kỷ niệm nào sâu sắc nhất?".</em> NS Phan Huỳnh Điểu nói: <em>"Tôi nhớ nhất là
thời gian cùng kham, cùng khổ với đồng bào dân tộc và tôi đã sáng tác bài hát
Bóng cây Kơ-nia...".</em></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Lúc này, ở đầu cầu Hà Nội vừa dứt bài hát <em>Bác cùng chúng cháu hành quân</em>,
NS Huy Thục đã có cuộc giao lưu đầy cảm động. NS nhớ lại, những năm tháng tham
gia vào đội Nhi đồng Mai Hắc Đế và vinh dự được đi đón Bác Hồ. Sau đó NS vào bộ
đội và dành cả tuổi thanh xuân của mình đi đánh giặc bằng con đường âm nhạc. <em>
"Thời gian ở Khe Sanh (Quảng Trị), nhiều thanh niên trai trẻ đi bộ đội ai cũng
quyết tâm đánh thắng giặc, điều đó đã thôi thúc tôi sáng tác bài hát Bác cùng
chúng cháu hành quân".</em> Đó là kỷ niệm nhớ nhất của NS Huy Thục.</font></p>
</span><span class="indexstorytext" id="lbBody1">
<p><font face="Arial" size="2"><strong>Tiếng hát những người đi tiếp!</strong></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Thay mặt các bạn trẻ, MC tại đầu cầu Nhà văn hóa Thanh niên đã đặt câu hỏi
giao lưu với nhà báo Nguyễn Công Khế - Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Tổng Biên
tập báo Thanh Niên và nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên: <em>"Hồi đó các anh đang trong độ
tuổi thanh niên, đã tham gia phong trào đấu tranh như thế nào ạ?".</em> Anh
Nguyễn Công Khế tâm tình: <em>"Tôi tham gia phong trào đấu tranh một phần cũng
qua nhạc của các anh Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn... Tôi nhận thấy điều thú vị
nhất, như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã nói, là hồi đó mặc dù không có trường dạy
nhạc nhưng các nhạc sĩ đã sáng tác hay đến vậy, lay động lòng người đến vậy!".</em>
Nhà báo Nguyễn Công Khế hồi tưởng: <em>"Nhớ khi ở khám Chí Hòa, mỗi khi bị giặc
tra tấn, chúng tôi đã nối kết tay lại và hát những bài hát đấu tranh, như bài
Tiếng gọi sinh viên của nhạc sĩ Tôn Thất Lập... Phải nói rằng đến nay, khi nghe
các bạn trẻ hát lại những bài hát ấy, chúng tôi vẫn thấy hừng hực khí thế một
thời hào hùng".</em></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Thật bất ngờ, một khán giả đã gửi tặng nhà báo Nguyễn Công Khế tấm ảnh trắng
đen, người trong ảnh rất trẻ và thư sinh. Anh Khế xúc động nói: <em>"Đây là tấm
ảnh lúc tôi 18 tuổi, đã đậu tú tài và bị giặc bắt, "được" cấp số tù. Tấm ảnh này
lưu trữ trong Tổng nha Cảnh sát. Cách đây khoảng hai tháng, một Thứ trưởng Bộ
Công an đã cho tôi xem tấm ảnh này...".</em> Trong khi đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn
Hiên khi được hỏi về hoạt động sáng tác gắn với thanh niên trong giai đoạn hiện
nay đã vui vẻ nói: <em>"Chúng tôi đã và đang sáng tác những ca khúc Tiếng hát
của những người... đi tiếp, để tiếp nối truyền thống Tiếng hát của những người
đi tới hào hùng". </em></font></p>
<table style="width: 20px; height: 20px" align="center" border="0" id="table5">
<tr>
<td>
<img border="0" src="1.JPG" width="320" height="214"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><font face="Arial" color="#0000ff" size="2">Các bạn
trẻ “sống” cùng những ca khúc hào hùng.</font></td>
</tr>
</table></P>
<p><font face="Arial" size="2">Chương trình cũng dành sự tôn vinh cho 16 NS đã có tác phẩm lọt vào vòng
chung kết cuộc vận động sáng tác ca khúc thanh niên "Sức trẻ thành phố anh
hùng". Các tác phẩm đã khắc họa khí thế tình nguyện, sáng tạo vì đất nước của
thế hệ trẻ hôm nay. Như nhạc sĩ Thập Nhất, tác giả ca khúc <em>Đuốc sáng niềm
tin</em> lọt vào vòng chung kết đã sáng tác bài này trên cảm hứng từ các phong
trào thanh niên đi xây dựng những công trình thủy điện, dạy học cho trẻ em vùng
sâu vùng xa... Còn nhạc sĩ Hoàng Thế Châu lại sáng tác ca khúc <em>Em là cô gái
tình nguyện</em> sau rất nhiều chiến dịch tình nguyện mùa hè xanh cùng các bạn
trẻ lăn lộn ở các tỉnh. Bài hát này ra đời năm 2003 tại mặt trận Bến Tre, lời ca
rất trìu mến: <em>"Em là cô gái thanh niên tình nguyện, không ngại gian khó,
không ngại nắng mưa. Với khối óc bàn tay chuyên cần, em đây xin dâng tuổi xuân
cho đời...".</em></font></p>
<p><font face="Arial" size="2"><strong>"Bài toán" cho giới trẻ hôm nay</strong></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Bạn Nguyễn Minh Tiến - sinh viên trường ĐH Quốc gia TP.HCM đặt câu hỏi với
anh Đặng Lê Nguyên Vũ - Tổng giám đốc Công ty cà phê Trung Nguyên về cơ hội gia
nhập WTO và sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Anh Nguyên Vũ đánh giá: <em>
"Ngoài những cơ hội mà WTO đem tới thì tôi cũng rất lo lắng vì thấy rủi ro nhiều
cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. Trong đó các lý do
như: Nền tảng của doanh nghiệp Việt Nam, họ chưa được đào tạo một cách bài bản
nhất; tâm lý người tiêu dùng vẫn còn hướng về sản phẩm dịch vụ của nước ngoài;
chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam…".</em>
</font> </p>
<p><font face="Arial" size="2">Anh Nguyên Vũ nói thêm:<em> "Chúng ta đã từng nghe nói đến học thuyết "biên
giới mềm", họ đi chinh phục các nước khác bằng văn hóa. Tôi cho rằng nước ứng
dụng học thuyết đó hay nhất đó là Hàn Quốc, đi từ văn hóa đến hàng hóa và mỗi
năm số con số lãi rất cao".</em> Đánh giá về tầm vóc Việt Nam trên trường quốc
tế, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định: <em>"Ông cha ta ngày xưa đã tự hào
coi mình là nước Đại Việt, Đại Nam. Danh xưng ấy thể hiện ý chí của chúng ta
không thua kém ai. Chính vì thế, tôi nghĩ rằng chúng ta có niềm tin rằng chúng
ta có thể vươn lên trong huyền thoại quá khứ thì không có lý do gì mà không tạo
nên một Việt Nam phát triển".</em></font></span></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b>Theo Thanh Niên</b></font></p>
</body>
</html>