<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Thành Đoàn - một thời hoa lửa</title>
</head>
<body>
<p><font face="Arial" size="2" color="#FF0000"><b>Thành Đoàn - một thời hoa lửa (kỳ 2):</b></font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#FF0000"><b>Chiến trường không vũ khí</b></font></p>
<font face="Arial" size="2">Đi “tàu bay”, “tàu lặn”, “hút thuốc Salem”..., những đòn tra tấn tàn bạo trong
lao tù của kẻ thù với phong trào SVHS là một cuộc chiến tàn khốc. Ở đó, chiến
thắng chỉ đến với những ai có ý chí, lòng tin mãnh liệt vào con đường mình đang
bước tới... Và họ đã vững tâm bước tới.
</font>
<div style="float: right; width: 205px; height: 179px">
<table border="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td><img border="0" src="svhs.JPG" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">SVHS
biểu tình chống quân sự học đường trên đường phố Sài Gòn năm 1971</font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p class="pInterTitle"><font face="Arial" size="2" color="#0000FF"><b>Giữa lằn ranh sống chết</b></font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Trước khi bị bắt đêm 24-1-1975, đoàn viên Nguyễn Văn Nhã, SV
Trường ĐH Khoa học (nay là Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM), đã từng nhiều
lần xuống đường tranh đấu. </font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Tại nha cảnh sát đô thành, anh Nhã một mực kêu oan: “Tôi chỉ là
SV, thấy bất công xã hội nên đấu tranh”. Thiếu úy Nhơn bắt anh đặt tay lên bàn
rồi quật ma trắc. Ngón tay, bàn tay rồi cả cánh tay sưng lên. Đau, nhưng anh
nghĩ: đây là cuộc đối đầu không chỉ của ý thức hệ, mà còn là khí tiết của những
người cộng sản trẻ tuổi. Khí tiết ấy đã giúp anh đứng lên.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Qua nhiều lần bị tra tấn không khai, anh Nhã bị đưa đến gặp Cù
Lũ Nhí - “cao thủ” tra tấn “nổi danh” của cảnh sát quốc gia. Cù Lũ Nhí phủ đầu
tâm lý ngay: “Gặp tôi hoặc là khai hoặc là đi luôn!”. Rồi y mở hộc bàn lấy ra
mấy cây kim, lạnh lùng cắm từng cây vào ngón tay anh Nhã và gõ thước.
</font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Đến cây thứ năm, anh té xuống bất tỉnh. Hôm sau, Cù Lũ Nhí dùng
cây đánh vào xương bánh chè, anh bật té xuống đất. Thấy “dễ chịu” hơn đâm kim,
anh chủ động đưa chân lãnh đòn. Cù Lũ Nhí kéo quần anh, gí đầu thuốc vào chỗ
kín, anh nghiến răng trấn áp cơn đau thể xác. Đến lần gí thứ tư, anh ngoẹo đầu,
sùi bọt mép. </font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">“Biết bao người đã hi sinh, tiếc gì thân mình, quyết không
khai”, anh nghĩ vậy khi đang mơ hồ giữa lằn ranh sống chết. Về sau, anh Nhã được
bạn tù tôn vinh “anh hùng nha đô thành”, với hàm ý là “người tù gan lì số 1”.
</font>
</p>
<font face="Arial" size="2">Ngoài anh Nhã, một người nữa cũng từng qua đủ “các món” tra tấn trong lao tù, đó
là anh Lê Công Giàu. Anh bị bắt ngày 4-8-1972 và ở nhà lao suốt tám tháng. Thấy
anh đeo nhẫn đính hôn, kẻ thù dọa sẽ làm nhục vợ chưa cưới khiến lòng anh rối
bời. Điệp khúc “đánh, vô bệnh viện, đánh” cứ lặp đi lặp lại suốt tám tháng trời,
có lần một bác sĩ dứt khoát không ký giấy cho anh Giàu xuất viện. </font></P>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Người cuối cùng tra tấn anh Giàu chính là “sát thủ” Cù Lũ Nhí.
Sau khi giở hết các ngón đòn thâm độc nhưng không quật ngã được khí tiết người
cộng sản trong anh, một buổi tối sau khi uống rượu say khướt, Cù Lũ Nhí bất ngờ
xuống nơi giam tù chính trị bắt tay anh Giàu và xin chào thua!</font></p>
<div style="float: right; width: 205px; height: 179px">
<table border="0" width="100%" id="table2">
<tr>
<td>
<img border="0" src="anh%20nguyen%20van%20nha.JPG" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Anh Nguyễn Văn Nhã (trái) - "người tù gan lì số 1"
ngày ấy và người bạn chiến đấu một thời Hạ Đình Nguyên (nguyên phó chủ
tịch Tổng hội SV Sài Gòn)</font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Đối với nữ, cuộc chiến giữ khí tiết còn khốc liệt hơn nhiều.
Trong hồi ký của bà Lê Mỹ Lệ (Năm Trang, nguyên phó bí thư Thành đoàn Sài Gòn -
Gia Định, nay đã mất) về giai đoạn bị địch bắt đầu năm 1968, có đoạn kể chuyện
Năm Trang bị tra tấn liên tục suốt bốn ngày bằng đủ “món” như trói ngoặt tay
treo lên, đóng kim gút vào ngón tay, tra điện vào chỗ kín... cho đến khi bị băng
huyết xối xả phải đưa vào Bệnh viện Từ Dũ. Các bác sĩ nói với cảnh sát: “Cô này
nếu tiếp tục đánh sẽ khó cứu”. Chớp thời cơ, Năm Trang dùng tàn lực để trốn.</font></p>
<font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<b>“Giáo trình đấu tranh” viết bằng máu</b> </font></P>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Tháng 9-1965, tử tù Lê Hồng Tư bị đưa trở lại Côn Đảo. Ba anh
Tư, Việt và Vịnh bàn kế hoạch vượt ngục. Đến giờ, họ tựa người vào tường, đứng
trên vai nhau, gỡ ngói chui lên, xé áo cột thành dây kéo người lên sau. Vượt qua
bốn tường rào kẽm gai, họ mới thoát được ra bên ngoài, đến gần sáng tới được
chân núi. Địch truy đuổi ráo riết nên họ lạc nhau.
</font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Chiều xuống, thấy êm, anh Tư ra suối bắt cua ăn sống hai con,
để dành hai con cho đồng đội đang trốn đâu đó trong rừng. Sáng hôm sau, anh Tư
lọ mọ tìm đường ra thì bị địch phục kích bắt giữ, vài ngày sau hai bạn tù cùng
trốn cũng không thoát khỏi “địa ngục trần gian”. Kẻ thù đánh đập tàn nhẫn nên
anh Việt suy kiệt nhanh, sau đó hi sinh. </font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Chuẩn bị đợt 2 Mậu Thân 1968, anh Phan Chánh Tâm (Ba Vạn,
nguyên bí thư Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định) bị bắt. Địch bắn anh Tâm xuyên từ
má phải qua má trái rồi “hốt” lên xe. Tương kế tựu kế, anh giả vờ chết ngất để
được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
</font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Bác sĩ chỉ định: gãy xương hàm, bể răng, đứt lưỡi. Thấy cô y tá
nhìn mình thương xót, anh Tâm nháy mắt ra dấu nhưng tiếp tục nhắm mắt dưỡng sức
chờ cơ hội. Đến khoảng 4g sáng, tranh thủ lúc tên cảnh sát ngủ gật, anh ra dấu
với y tá, cố ngồi dậy rút kim truyền nước biển, vòng cửa sau thoát ra khỏi
phòng, chạy lòng vòng một hồi cũng đến bờ tường để trốn được. Khuôn mặt anh sưng
vù, vương đầy máu đến nỗi người chị ruột cũng không nhận ra.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Anh Phạm Chánh Trực (Năm Nghị), nguyên bí thư Thành đoàn Sài
Gòn - Gia Định, được đồng đội một thời gọi là “chuyên gia vượt ngục”. Lần thứ
nhất là năm 1961. Ở nha cảnh sát, anh Năm Nghị tự làm cho vết thương thêm nặng
hơn để được vào Bệnh viện Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới) và lập nhóm
vượt ngục. </font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Họ thường xung phong hứng nước vào ca đêm, leo qua cửa sắt mục,
lợi dụng tiếng nước nhỏ tí tách để đục tường. Đến giờ G (ngày 31-12-1961), họ
chui qua lỗ đục, leo rào kẽm gai, hòa vào dòng người đi chợ.
</font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Cuối năm 1969, anh Năm Nghị lại bị bắt. Trong tù, anh tìm cách
vận động cho khỏe đôi chân, hễ có tiếng động là giả vờ đau đớn. Trên đường đi
nhà lao Tân Hiệp, do không bị còng tay, đến cầu Điện Biên Phủ anh đạp bung cửa.
“Theo kế hoạch lẽ ra tôi tiếp tục lao xuống rạch rồi đến nhà một người thân gần
đó, nhưng xui xẻo bị đám lính gác cầu hốt lại” - anh nhớ lại.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Ở nhà lao Tân Hiệp, sau khi bị đánh đập “cho chừa”, anh Năm
Nghị và các bạn tù lại bàn kế hoạch vượt ngục. Thấy có công trình đang xây dựng
gần đó, họ quyết định đào địa đạo để “độn thổ”. Lúc đi ăn cơm, họ nhặt một thanh
sắt để đào ximăng và lon sữa để cào đất.
</font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Tất cả quần áo được huy động để đựng đất: tối lôi lên, đào suốt
đêm, xong lại lấp xuống. Đêm đó, trời bất ngờ đổ mưa, “địa đạo” ngập nước, họ
phải chuyển sang “phương án 2” là bẻ cửa. Họ rạch lõm cửa gỗ đủ một người chui,
làm từ khoảng 8g tối đến gần sáng mới xong.
</font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Ra khỏi “nhà”, bốn người cởi quần áo khéo léo vượt rào kẽm gai,
sau đó công kênh nhau vượt tường có hai tầng kẽm gai gắn đầy pháo sáng. Ra khỏi
trại giam, anh Năm Nghị cải trang, thay đổi địa điểm, trốn tránh liên tục, ròng
rã từ đêm 20-6-1970 đến đầu năm 1972 mới về đến căn cứ.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Anh Năm Nghị, cũng là một trong những “thầy giáo chiến khu” của
Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định, nhớ lại: “Tất cả kinh nghiệm đối phó với kẻ thù
đều được đưa vào chương trình huấn luyện cán bộ, vì đấu tranh trên chiến trường
không vũ khí gần như là điều tất nhiên đối với những người trẻ dám dấn thân đi
làm cách mạng”. “Giáo trình đấu tranh” viết bằng máu đó đã thôi thúc họ đứng lên
trong mọi tình huống với niềm tin mãnh liệt vào ngày chiến thắng...
</font> </p>
<p class="pBody"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">“Nhất lý, nhì lì, tam suy, tứ tử”</font></b></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Chị Đặng Thị Hiền (Tư Khoa) cho biết cán bộ Thành đoàn
ngày ấy có bí quyết “nhất lý, nhì lì, tam suy, tứ tử”. Chuyện anh Ba
Vạn, Năm Nghị giả bệnh tật, suy kiệt để tìm cơ hội vượt ngục gọi là “tam
suy”. Bản thân chị cũng từng bị bắt vào năm 1973 khi hai cơ sở bị lộ.
</font>
</p>
<div style="float: right; width: 200px; height: 48px">
<table border="0" width="78%" id="table3">
<tr>
<td>
<img border="0" src="co%20Tu%20khoa.JPG" width="150" height="200"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center">
<font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Chị Đặng Thị Hiền (Tư Khoa)</font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Lúc đối chất, chị Hiền không nhận tội vì không có chứng
cứ, sau đó lén động viên hai chị nọ phản cung (nhất lý). Lúc về trại Hậu
Nghĩa, chị bị đánh dữ dội nhưng nhất quyết không khai (nhì lì), rồi giả
vờ như sắp chết tới nơi để được đưa vào Bệnh viện Bình Dân.
</font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Tại bệnh viện, chị nhờ móc nối với các nhà báo nước
ngoài đến quay phim “phụ nữ vô tội bị tra tấn đẫm máu”, mẹ chị khóc lóc
thảm thiết trước ống kính “con nhỏ đi học về, tui biểu đi chợ mua bông
về cúng ông bà”. </font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Đâu ai biết trước đó một ngày khi mẹ vô thăm, chị nhờ
mẹ hôm sau trở lại diễn xuất theo “kịch bản” đó, ai ngờ “bà già diễn quá
đạt, cứ như thật”. </font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Về sau, bị chuyển sang nhà lao Tân Hiệp, chị tiếp tục
áp dụng “cẩm nang ở tù” cho đến khi được thả.</font>
</body>
</html>