<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Phỏng vấn Bí thư Thường trực Tru</title>
</head>
<body>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><font color="#FF0000">
Phỏng vấn Bí thư
Thường trực Trung ương Đoàn TNCSHCM Nguyễn Thành Phong:
</font><font color="#0000FF"><b>Đoàn phải là bạn thân
của thanh niên</b></font></font></p>
<p align="justify"><i><font face="Arial" size="2"><strong>Bên cạnh những hoạt động
sôi nổi kỷ niệm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, một góc nhìn khác:
Đâu là thuốc “trị” căn bệnh hành chính hóa của Đoàn, vào Đoàn có phải
tìm cơ hội thăng quan tiến chức, cán bộ Đoàn có phải là “thủ trưởng”
thanh niên… Vấn đề đã được đồng chí Nguyễn Thành Phong, Bí thư Thường
trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (ảnh) trao đổi thẳng thắn với PV
báo SGGP. </strong></font></i><b><font face="Arial"></p>
<div align="left">
<table cellSpacing="0" cellPadding="3" width="1" align="left" border="0" id="table1">
<tr>
<td>
<font size="2"> <img border="0" src="images122994_y2a.JPG" width="131" height="160"></font></td>
</tr>
<tr>
<td class="Image">
<p align="center"><font color="#0000ff" size="2">Ông Nguyễn
Thành Phong</font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font size="2">- PV:</font></font></b><font size="2"><font face="Arial"> <i>Có một nghịch
lý: rất nhiều thanh niên từng tham gia hoạt động đoàn sôi nổi lúc còn
ngồi trên ghế nhà trường, nhưng khi ra trường đạt được những thành công
nhất định thì lại “thờ ơ” với Đoàn. Phải chăng chiếc “áo” của Đoàn đã
không còn phù hợp?</i><br>
</font><b><font face="Arial"><br>
- Đồng chí Nguyễn Thành Phong:</font></b></font><font size="2" face="Arial">
Không phải họ “thờ ơ”, mà vấn đề là Đoàn phải đến với họ bằng những
chương trình nội dung gì để giúp họ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn. Điều
này đòi hỏi năng lực đội ngũ cán bộ Đoàn. Nói đến thanh niên là nói đến
khát vọng, hoài bão và nhu cầu muốn tự thể hiện.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thế nên, người thủ lĩnh thanh niên
phải biết thiết kế chương trình để khơi dậy những dòng nhiệt huyết của
họ. Đừng nhìn họ dưới góc nhìn thực dụng mà chính Đoàn phải tự nhìn lại
mình trong công tác tập hợp thanh niên. Tuổi trẻ đến với Đoàn theo nhiều
kênh khác nhau, với nguồn quan trọng hàng đầu là “khát vọng trưởng
thành”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đáp ứng được khát vọng này, tổ
chức Đoàn mới có thể xem mình vừa là người bạn thân thiết đồng hành định
hướng phát triển toàn diện cho thành niên. Đây là một vấn đề luôn đặt ra
đối với tổ chức Đoàn, phải khắc phục bằng được căn bệnh hành chính hóa.
Vì đây là tổ chức do thanh niên, vì thanh niên, nơi nào có thanh niên là
nơi đó có Đoàn, có Hội. </font></p>
<p align="justify"><font size="2" face="Arial">Không thể hiểu một cách đơn thuần
là chỉ có chi đoàn, xã, phường, quận huyện đoàn… mới tập hợp thanh niên,
mà phải đa dạng hóa rất nhiều loại hình tập hợp như hệ thống nhà văn
hóa, sân chơi, câu lạc bộ…, nếu không Đoàn sẽ bị “xơ cứng”. <br>
</font><font size="2"><i><font face="Arial"><br>
- Chính vì “căn bệnh hành chính hóa” trong hệ thống
Đoàn nên đã xuất hiện lối suy nghĩ: cán bộ Đoàn là “thủ trưởng” chứ
không phải “thủ lĩnh”?</font></i></font><font size="2" face="Arial"><br>
<br>
- Dứt khoát phải khắc phục cách suy nghĩ này. Thực tế cũng có một bộ
phận cán bộ Đoàn biểu hiện bệnh “quan liêu, quan đoàn”. Sức mạnh của
Đoàn chính là tạo được gạch nối với thanh niên. Tức giữa Đoàn và thanh
niên không thể tách rời, điều này sẽ tạo một nền tảng để Đoàn phát
triển. Muốn vậy cán bộ Đoàn phải thẩm thấu và hiểu từng khía cạnh cuộc
sống của thanh niên, nếu không anh sẽ trở thành “quan đoàn”.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Mà trở thành “quan đoàn” là hỏng!
Cán bộ Đoàn có phải là “thủ trưởng” thanh niên đâu mà muốn làm “quan”.
Bản chất của Đoàn là tổ chức tự giáo dục, có nghĩa là trước khi thực
hiện chức năng giúp Đảng giáo dục bồi dưỡng thanh niên thì tự thân mình,
Đoàn phải phấn đấu trở thành một tổ chức tự giáo dục thật sự. </font>
</p>
<p align="justify"><font size="2" face="Arial">Hiện nay, ranh giới giữa đoàn viên
và thanh niên có nơi, có lúc còn rất mờ nhạt, tính gương mẫu của một bộ
phận đoàn viên chưa có sức thuyết phục. Người cán bộ Đoàn bây giờ phải
không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực thực tiễn để nhận
diện nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thanh niên. Anh phải có trí tuệ,
có tầm, chứ chỉ có tâm và tấm lòng không là chưa đủ. <br>
</font><font size="2"><i><font face="Arial"><br>
- Đồng chí suy nghĩ như thế nào khi có ý kiến cho
rằng hiện nay vào Đoàn là tìm cơ hội để thăng quan tiến chức chứ không
phải vì giúp thanh niên vươn lên?</font></i></font><font size="2" face="Arial"><br>
<br>
- Tôi cho rằng, nếu có thì cũng chỉ một bộ phận nhỏ cán bộ chưa nhận
thức đầy đủ bản chất của tổ chức Đoàn. Và không còn cách nào khác, nếu
có biểu hiện, thì phải quyết liệt tìm giải pháp chặn đứng ngay. Khi làm
việc với các tỉnh, thành đoàn, tôi luôn yêu cầu: cần phải đi vào thực
chất những đòi hỏi của thanh niên để tìm điểm tựa làm “đòn bẩy” phát huy
nguồn lực thanh niên. </font></p>
<p align="justify"><font size="2" face="Arial">Khi đến các vùng cao, vùng sâu,
chúng ta sẽ nhìn thấy có những cán bộ Đoàn ở thôn, xã rất tận tuỵ với
công việc dù điều kiện sống rất khó khăn. Và có đến những nơi ấy, mới
thấy được những điều kiện, cơ sở vật chất cho cán bộ Đoàn còn rất hạn
chế, từ đó mới thấy anh em nỗ lực cho Đoàn như thế nào. Cần phải nhìn
toàn diện như thế mới thấy được bước trưởng thành của Đoàn và tấm lòng
của đội ngũ cán bộ Đoàn.<br>
</font><i><font size="2" face="Arial"><br>
- Xin cảm ơn đồng chí!</font></i></p>
</body>
</html>