<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Diễn đàn văn hóa thanh niên Đông</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Diễn đàn văn
hóa thanh niên Đông Nam Á lần 6 - Gần gũi và thân thiết hơn</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">“We are one!” đó là câu được nói
đến nhiều nhất trong diễn đàn văn hóa thanh niên Đông Nam Á lần này. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Một khối
ASEAN đồng nhất</strong></font></p>
<font face="Arial">
<div align="right">
<table cellSpacing="0" cellPadding="3" width="1" align="right" border="0">
<tr>
<td>
<a onclick="return openImageNews(this,187,250)" href="images256684_6a.jpg">
<font size="2">
<img src="images256684_6a.jpg" width="200" border="0"></font></a><font size="2">
</font></td>
</tr>
</font><font face="arial">
<tr>
<td class="Image">
<p align="center"><i><font face="Arial" color="#808080" size="2">
Nghệ sĩ Hải Phượng (bìa phải) biểu diễn đàn tranh tại tư gia giáo sư
Trần Văn Khê.</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
</font><font face="Arial">
<p align="justify"><font size="2">Đây là lần thứ 6 “Diễn đàn văn hóa thanh niên
Đông Nam Á” được AUN (ASEAN University Network – Mạng lưới đại học Đông Nam Á)
tổ chức, và Việt Nam vinh dự là nước đăng cai. </font></p>
<p align="justify"><font size="2">Diễn đàn lần này thật sự đã làm cho những bạn
trẻ Đông Nam Á hiểu rõ hơn về một cộng đồng ASEAN vững chắc. </font></p>
<p align="justify"><font size="2">Lễ khai mạc long trọng nhưng cũng không kém
phần nồng ấm, 80 bạn trẻ trong trang phục truyền thống của nước mình, hãnh diện
làm quen với những người bạn mới. Nếu không có những bộ trang phục ấy thì có lẽ
khó phân biệt được họ đến từ nhiều nước khác nhau, bởi sự tương đồng ở màu da,
gương mặt, đôi mắt… </font></p>
<p align="justify"><font size="2">Nét tương đồng còn được thể hiện trong các
tiết mục đặc sắc của từng nước. Điệu múa Zapin, Joghee dịu dàng, uyển chuyển của
Malaysia hòa nhịp với điệu múa Saman linh hoạt, nhịp nhàng của Indonesia, hay
những khúc hát Kundiman, Bulaklakan của Philippines hòa chung với những làn điệu
dân ca Việt Nam… </font></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngày tiếp theo, cả hội trường sôi
động với buổi học về múa cung đình và múa sạp Việt Nam. Những tiếng cười thích
thú vang rộng khắp nơi với bài thực hành múa chén của Việt Nam. Những người bạn
nước ngoài lúng túng vừa cố cầm chắc 2 chén nhỏ trong tay để phát ra âm thanh,
vừa cố theo kịp những chuyển động nhịp nhàng từ những vũ sư của Việt Nam. </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Văn hóa thể hiện sức mạnh kỳ diệu
của nó, khi chỉ sau một giờ đồng hồ, các bạn khá thuần thục và mạnh dạn trình
diễn trên sân khấu. Dẫu đã làm vỡ khá nhiều chén, những bước chân chưa nhuần
nhuyễn, nhưng mỗi đoàn đã kịp sáng tạo ra những điệu múa mang phong cách riêng,
độc đáo. Nhìn thoáng qua, không ai biết rằng họ là người nước ngoài và mới chỉ
vừa học điệu múa này…</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Không bó hẹp trong những không
gian nhất định, các thành viên của diễn đàn đã lần lượt có những chuyến tham
quan bổ ích như thăm những địa điểm nổi tiếng của TPHCM, xem múa rối nước, thăm
chợ nổi, du lịch vườn cây ăn trái bằng thuyền, xem đàn ca tài tử Nam bộ v.v…
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Totte Martinez, chuyên ngành
triết học (Philippines), hào hứng cho biết: bạn rất thích những món ăn Việt Nam
và bạn muốn mua những trang phục truyền thống, học được nhiều điệu múa dân tộc
của Việt Nam.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hay như Sasipa Piomsamer, chuyên
ngành âm nhạc (Thái Lan), tỏ ra thích thú khi tận mắt chứng kiến cây đàn bầu, và
bạn muốn được học cách chơi nhạc cụ này. Vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, về
nguồn gốc, những cuộc hành trình đã gắn kết những người bạn mới đây còn xa lạ
giờ đã trở nên vô cùng thân thuộc.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Buổi gặp
mặt khó quên</strong></font></p>
<font face="Arial">
<div align="right">
<table cellSpacing="0" cellPadding="3" width="1" align="right" border="0">
<tr>
<td>
<a onclick="return openImageNews(this,184,250)" href="images256682_6b.jpg">
<font size="2">
<img src="images256682_6b.jpg" width="200" border="0"></font></a><font size="2">
</font></td>
</tr>
</font><font face="arial">
<tr>
<td class="Image">
<p align="center"><i><font face="Arial" color="#808080" size="2">Tập
múa chén Việt Nam tại diễn đàn.</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
</font><font face="Arial">
<p align="justify"><font size="2">Có lẽ sự kiện khó quên nhất đối với đại biểu
dự diễn đàn lần này chính là cuộc gặp gỡ với giáo sư Trần Văn Khê. Giáo sư giới
thiệu một cách sinh động về các nhạc cụ dân tộc nổi tiếng của Việt Nam như trống
đồng, đàn bầu, đàn đá, đàn tranh… </font></p>
<p align="justify"><font size="2">Giáo sư còn chỉ ra cho mọi người thấy được nét
tương đồng giữa các nhạc cụ trong cộng đồng ASEAN, có những nhạc cụ có kết cấu
giống nhau nhưng lại được mỗi nước chơi theo cách khác nhau, đã tạo nên những âm
điệu mang bản sắc riêng của mình. Cuối buổi gặp mặt, các thành viên được cùng
hòa tấu một bản nhạc với giáo sư bằng chính những nhạc cụ được giáo sư nhắc đến.
</font></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Với cấu tạo và âm thanh độc đáo,
những nhạc cụ của Việt Nam thật sự thu hút các bạn nước ngoài. Hamnorzeki,
chuyên ngành giáo dục (Brunei), tỏ ra thích thú trước những nhạc cụ có hình thù
đơn giản nhưng lại tạo ra được những âm thanh độc đáo kỳ lạ. Hay như Sonesavanh,
chuyên ngành văn (Lào), thích nhất là đàn bầu vì chỉ có một dây mà có thể chơi
cả một bản nhạc, đặc biệt là âm thanh của nó tạo cho bạn cảm giác sâu lắng, thư
thái. Nhìn các bạn nước ngoài ngân nga theo làn điệu dân ca từ phần trình diễn
của nghệ sĩ Hải Phượng, những đại diện của Việt Nam không khỏi xúc động và tự
hào về đất nước mình…</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Việt Nam
trong mắt những người bạn nước ngoài</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Dù là lần đầu tiên đăng cai,
nhưng nước chủ nhà đã thật sự gây ấn tượng với các nước bạn. Qua một tuần ở Việt
Nam, các bạn nước ngoài càng yêu mến Việt Nam hơn. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Aimi, chuyên ngành nghệ thuật
(Malaysia), cho biết: bạn chưa đến Việt Nam lần nào, cũng chưa biết nhiều về
Việt Nam, nhưng bạn thật sự bất ngờ trước sự đón tiếp thân thiện của nước chủ
nhà. Hamnorzeki thì rất thích trái cây Việt Nam. Anh cho biết nhất định sẽ kể
cho bạn bè, người thân nghe về đất nước xinh đẹp này. Hay như Sonesavanh, chuyên
ngành văn (Lào) cảm thấy gần gũi hơn với cộng đồng Đông Nam Á. Cô có ý định trở
thành một thông dịch viên, và từ đó phá đi rào cản ngôn ngữ, đưa các nền văn hóa
đến gần nhau hơn mà nhất là 2 nước anh em Việt Nam - Lào</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Bà Naparat Phiranattanakul, đại
diện của AUN tại diễn đàn lần này cảm thấy rất ngạc nhiên trước công tác tổ chức
của Việt Nam, vì đây là diễn đàn có quy mô lớn với số lượng người tham dự đông
nhất trong các lần tổ chức. Công việc này không dễ dàng, bao gồm từ thiết kế
chương trình, tổ chức đưa đón, ăn nghỉ cho các đoàn nhưng nước chủ nhà đã thực
hiện rất tốt. Bà đặc biệt ấn tượng với những bạn tình nguyện viên rất năng động,
rất nhiệt tình, luôn cố gắng hết sức để người tham dự thoải mái nhất.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Qua diễn đàn lần này, các nước
trong cộng đồng ASEAN đã xích lại gần hơn với nhau, và Việt Nam đã tạo được một
hình ảnh tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo SGGPO</i></b></font></p>
</body>
</html>