<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Học kỳ trên biển</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span id="lbHeadline" class="text16b">Học kỳ trên biển</span> </font></b></p>
<table id="AvatarTable" align="left" border="0" cellpadding="0" cellspacing="3" width="1">
<tr>
<td align="left" valign="top">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img style id="StoryAvatar" class="img_avatar" onmouseover="this.style.cursor='hand'" onclick="showDialog('/News/ViewImage.aspx?file=,Uploaded,tuanthanh,0808,26,080826p9aa1.jpg')" src="http://www2.thanhnien.com.vn/Uploaded/tuanthanh/0808/26/080826p9aa1.jpg" alt="" border="0" width="200" height="150"></font></td>
</tr>
<tr height="1">
<td align="left" valign="top">
<p align="center"><span id="AvatarDesc"><i>
<font size="2" face="Arial" color="#808080">Sinh viên Nhật giao lưu cùng
bạn trẻ TP.HCM</font></i></span></td>
</tr>
</table>
<span class="indexstorytext">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Gần 500 sinh viên (SV) tỉnh Hyogo
(Nhật Bản) đang trải nghiệm một "Học kỳ trên biển" 21 ngày trên con tàu
Fujimaru. Điều thú vị là lần đầu tiên, có 20 SV Việt Nam cùng tham gia một hải
trình khá dài trong học kỳ độc đáo này. </font></span>
<span id="lbBody" class="indexstorytext"></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Muôn vẻ
gia đình nuôi</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong 2 ngày 24 và 25.8, con tàu
Fujimaru đã đưa các sinh viên Nhật trong hành trình "Học kỳ trên biển" đến
TP.HCM. 20 SV thuộc ba trường ĐH trên địa bàn TP.HCM: ĐH Khoa học xã hội và nhân
văn, ĐH Ngoại thương và ĐH Hồng Bàng đã có gần 10 ngày tham gia chương trình (từ
15 đến 24.8) được cùng "ở nhà dân" (homestay) tại tỉnh Hyogo và cùng tìm hiểu,
giao lưu văn hóa với SV Nhật trên tàu. Khi trở về TP.HCM, các SV Việt Nam trở
thành những người tình nguyện hỗ trợ SV Nhật tiếp cận gia đình nuôi tại TP.HCM.
Bạn Trần Thị Thương Thương (SV năm 2 trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) bỗng
trở thành "chị nuôi" khi đón hai bạn Mayu Kimura và Ayaka Tsujimoto về nhà mình.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chiều 24.8, bác Nguyễn Công Tánh,
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt-Nhật TP.HCM, phụ trách đoàn SV
Việt Nam tham dự "Học kỳ trên biển" năm 2008 cũng tay xách nách mang, đưa hai
"con nuôi" về cư xá 30.4, P.25, Q.Bình Thạnh. Bác Tánh nói, đây là lần đầu tiên
bác tham gia chương trình homestay do Thành Đoàn TP.HCM tổ chức. Còn cô Dương
Chiêu Vân (P.12, Q.Phú Nhuận) cho biết gia đình cô đã 6 lần đón đại biểu tàu
Thanh niên Đông Nam Á. Hiện nay, cô có nhiều "con nuôi" ở các nước như: Thái
Lan, Campuchia, Nhật, Myanmar, Lào, Indonesia, Malaysia, Brunei. Với kinh nghiệm
"nuôi con" như vậy, cô đã nhanh chóng giúp hai "con nuôi" mới là Yoshiki Kimura
và Shunichi Oshita trút bỏ sự e dè... Còn bạn Phạm Thị Thanh Hiền, sinh viên năm
thứ ba khoa Đông phương, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cũng bỗng chốc
trở thành "chị nuôi" chín chắn bên cạnh hai bạn nam người Nhật. Từ sáng, Hiền đã
phụ mẹ làm bánh ít để đãi những thành viên mới của gia đình mình. Cô bạn này
đang học ngành Nhật học nên cho rằng đây cũng là cơ hội để tìm hiểu văn hóa
Nhật và thực tập ngoại ngữ. </font></p>
<table style="width: 20px; height: 20px" align="right" border="0" cellpadding="2" cellspacing="2" rules="all" frame="box">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www2.thanhnien.com.vn/Uploaded/tuanthanh/0808/26/080826p9aa2.jpg" border="0"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><em><font color="#808080" face="Arial" size="2">Đưa
"con nuôi" người Nhật về nhà</font></em></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Thu hoạch
từ "Học kỳ trên biển"</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trở về sau 7 ngày lênh đênh trên
biển cùng những SV Nhật, bạn Huỳnh Nguyên Thảo, SV trường ĐH Khoa học xã hội và
nhân văn cho biết, trên tàu Fujimaru, đoàn SV Việt Nam đã có một đêm giới thiệu
văn hóa Việt Nam, trình diễn áo dài, múa truyền thống và múa hiện đại. Thảo cũng
đã học được cách gói đồ bằng vải, nghệ thuật xếp giấy Origami, thắt nút dây...
và một số phong tục đặc trưng của người Nhật. "Mình học được phong cách làm việc
nghiêm túc và rất đúng giờ của các bạn Nhật. Trên tàu, hầu như tối nào các bạn
ấy cũng qua từng phòng có SV Việt Nam ở để hỏi thăm về văn hóa, phong tục tập
quán của người Việt Nam. Không chỉ trong học hành, các bạn Nhật còn rất nghiêm
túc cả trong khi tập văn nghệ" - Thảo kể. Ca Văn Anh, SV năm thứ tư trường ĐH
Hồng Bàng bày tỏ: "Đây là lần đầu mình đến thăm Nhật Bản. Mình được lên tàu cùng
ăn, cùng ở, cùng học tập, tìm hiểu văn hóa nước bạn và có điều kiện áp dụng vào
thực tế những điều mình được học trong trường". </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đối với những SV Nhật, sau
chuyến đi 21 ngày (từ 18.8 đến 8.9) qua Việt Nam, Singapore, Trung Quốc, các bạn
sẽ có điều kiện trải nghiệm thực tế, mở rộng kiến thức và tầm nhìn của mình. Bạn
Soichiro Yoshiura (trường ĐH Konan) mong muốn tìm hiểu nhiều hơn về tính cách,
văn hóa và món ăn của người Việt Nam, qua hai ngày tham gia homestay tại TP.HCM.
Khi mùa hè 2008 khép lại cùng những bài thuyết trình và thu hoạch, các bạn sẽ
nhận được chứng chỉ cho một học kỳ tìm hiểu về "con người, quốc gia và cuộc sống
các nước châu Á". Nhưng có lẽ, điều giá trị hơn cả là tình bạn, tình hữu nghị
được thiết lập và gắn kết giữa bạn trẻ các nước.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngày 26.8, tàu Fujimaru rời Việt
Nam để đến Singapore<i><b>.</b></i></font></p>
</span>
<p align="right"><i><b><font face="Arial" size="2">Theo TNO</font></b></i></p>
</body>
</html>