<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>NHÌN LẠ I 15 NĂM PHONG TRÀ O TÌN</title>
</head>
<body>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Nhìn lại 15 năm phong trào
tình nguyện:</font></b></p>
<p align="center"><font color="#0000FF" face="Arial" size="2"><b>Biểu
tượng đã đến lúc phải được mài sáng</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Khi nhắc đến cái tên Mùa hè xanh, người ta hình
dung ngay những người trẻ tình nguyện lao vào
gian khó để cống hiến sức trẻ và hình ảnh đã trở
nên quá đỗi quen thuộc với mọi người. Phong
trào tình nguyện của tuổi trẻ TP.HCM và “thương
hiệu” Mùa hè xanh đã vang xa và được nhân rộng
trên phạm vi cả nước… </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Còn nhớ, “cái thuở ban đầu”- hè năm 1994 với 700 bạn trẻ
quảy ba lô lên đường tham gia chiến dịch Ánh sáng văn hóa
hè, đến nay đã có hàng trăm ngàn lượt người đến với những
chiến dịch tình nguyện. Ngày trước nói đến hè tình nguyện
người ta thường nghĩ đó là “đất” của SVHS. Nhưng nay, có rất
nhiều đối tượng: thanh niên công nhân lao động, lực lượng vũ
trang, thanh niên địa phương và hàng chục bạn trẻ đến từ nhiều
nước đã cùng hòa mình vào phong trào tình nguyện của tuổi trẻ
thành phố. Một phong trào phải có sức cuốn hút mạnh mẽ mới
có thể lôi kéo được đông đảo thanh niên đến vậy; mặt khác có
thể thấy được nhiệt huyết, nhu cầu tình nguyện rất lớn và ngày
càng tăng của tuổi trẻ thành phố mang tên Bác. Địa bàn của
chiến dịch từ một vài xã nghèo ở TP.HCM giờ đã tỏa rộng các nơi
xa xôi, hẻo lánh của nhiều tỉnh thành và sang cả nước bạn Lào,
Campuchia…</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhìn lại 15 năm, những ngày hè trước với dấu mốc “khởi công”
là Ánh sáng văn hóa hè - xóa mù chữ đến chiến dịch Mùa hè xanh
(1997) đã được duy trì, phát triển với các mô hình giải pháp, cách
làm ngày càng mới từ nhiều ý tưởng đầy hiệu quả qua việc thực
hành những bài học thực tế từ cuộc sống: trí thức trẻ khuyến nông,
khuyến ngư; xóa cầu khỉ; làm sân chơi cho thiếu nhi; tham gia xây
dựng đường Hồ Chí Minh; thực hiện đề án “ba giảm” của thành
phố; bảo vệ môi trường; phòng chống tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội;
khám chữa bệnh; hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho
người dân vùng sâu vùng xa (văn nghệ, thể thao...); phổ cập kỹ
thuật thường thức (mang về thôn quê những chiếc máy sấy rất rẻ,
những điện kế, giọt nước…); tuyên truyền pháp luật...
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ năm 2002, mặt trận các trường trại - trung tâm cai nghiện
được mở ra, một mặt trận mà ngay từ đầu được nhận định là rất
khó khăn. Học viên cai nghiện - đối tượng thanh niên đặc biệt
đang hẫng hụt tinh thần rất khó tiếp cận. Các chiến sĩ tình nguyện
đến đây, đem đến lửa, nhiệt huyết tuổi trẻ để hâm nóng lại tình
cảm, suy nghĩ của học viên, đã một phần giúp học viên thấy được
ánh sáng trên con đường tìm lại cuộc đời đã từng đánh mất.
</font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="bieu%20tuong.jpg" width="400" height="300"></font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font color="#808080" face="Arial" size="2"><i>Chiến sĩ tình nguyện làm vệ sinh
tuyến đường sắt tại Quận Phú Nhuận</i></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cũng chính từ đây, những người thiết kế nội dung các phong
trào tình nguyện sáng tạo ra nhiều cách làm mới để nâng chất
phong trào và đã xuất hiện hàng loạt mô hình tình nguyện của
tuổi trẻ TP.HCM: hiến máu nhân đạo, tham gia lập lại trật tự an
toàn giao thông, trí thức trẻ tình nguyện về vùng sâu vùng xa,
các nhóm đồng đẳng, tiếp sức mùa thi... khá thành công và để
lại dấu ấn khá sâu đậm trong lòng người dân. Từ chiến dịch Ánh
sáng văn hóa hè, đến Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, đến
nay lan rộng thành các chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ,
Hành quân xanh, Kỳ nghỉ hồng, Tiếp sức mùa thi dành cho từng
đối tượng. Những việc làm bổ ích, thiết thực, những công trình
từ các chiến dịch tình nguyện này đã được nhiều tổ chức xã hội,
các đơn vị kinh tế... công nhận, đánh giá cao và chung sức, ủng
hộ vật chất và tình thần cho mỗi mùa chiến dịch đã làm cho
phong trào lớn mạnh lên từng ngày.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 2004, phong trào thanh niên tình nguyện đã phát triển
khá mạnh. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế lúc đó, nhận thức
được phong trào tình nguyện cần phát triển ra khỏi lãnh thổ một
quốc gia, Ban chỉ huy chiến dịch Mùa hè xanh TP.HCM lập ngay
đội hình tình nguyện tại nước bạn Lào, và sau này đến
Campuchia. Những đội hình chuyên: công nghệ thông tin, nông
lâm, chăm sóc sức khỏe, du lịch, các hoạt động cộng đồng (văn
hóa văn nghệ, thể dục thể thao) và các chiến sĩ tình nguyện Mùa
hè xanh quốc tế đã trở thành những “sứ giả” mang hình ảnh đất
nước Việt Nam thân thiện, năng động… giới thiệu hoạt động
tình nguyện của tuổi trẻ TP.HCM với thanh niên các nước bạn.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Mùa hè xanh 2005 được nâng chất, chuyên nghiệp hơn với
việc đẩy mạnh thành lập các Đội hình chuyên - kinh nghiệm
từ thành công của những mô hình này ở các năm trước giờ được
tiếp tục phát huy - nhằm tham gia những công việc đặc thù tại
từng mặt trận với hơn 100 Đội hình chuyên ra đời: đội hình
khuyến nông, tư vấn phát triển nông nghiệp, xây dựng cầu,
đường, nhà ở, tư vấn phát triển kinh tế nông thôn, hướng dẫn
du khách nước ngoài… </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thật không quá khi ai đó bảo rằng Mùa hè xanh đã là một biểu
tượng, một thương hiệu. Một phong trào với 15 năm tuổi đã quá đủ?
Phong trào đạt đến đỉnh điểm sẽ dần thoái trào là quy luật tất yếu?
Không hẵn vậy! Đã có nhiều phong trào không có điểm dừng và sẽ
không bao giờ dừng. Và chúng ta có quyền tin rằng phong trào
thanh niên tình nguyện vẫn tồn tại mãi trong thanh niên.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cần phải nhìn từ hai phía: cho và nhận. 15 năm ấy đã có
nhiều địa bàn chuyển động tích cực, có những mảnh đời được
cứu vớt, có những lớp thanh niên trưởng thành từ phong trào và
họ có quyền tự hào về những ngày hè tình nguyện của mình.
Các bạn trẻ đem thời gian, công sức của mình để “cho” những
vùng khó, nơi khổ. Nhưng họ “nhận”, cảm và tích lũy được gì?
Có người đã xa Tổ quốc để làm việc và học tập ở nhiều nước trên
thế giới, họ từng là chiến sĩ tình nguyện “3, 4 mùa”, nhưng vẫn
nhớ nhung, thèm khát được tham gia Mùa hè xanh mỗi độ hè
về. Vì sao? Họ thấy mình lớn lên nhiều, “từ những ngày hè này
mình đã đổi khác, trong niềm cảm thông cuộc sống nghèo khổ
của bà con - những người nghèo trên khắp Tổ quốc còn nhiều
lắm. Mình đã học được sự chịu đựng và nhẫn nại khi khép mình
với kỷ luật “ba cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân...” –
như lời một cựu chiến sĩ Mùa hè xanh “3 mùa” đang học tập ở
tận đất Mỹ xa xôi, nhắn gửi về quê hương trong mùa hè năm
trước. Có bạn ngộ ra “tại sao mình chỉ có được hạnh phúc khi biết
sống vì mọi người?.” Những người nhận cũng tin vào tổ chức
Đoàn, vào lớp trẻ. Nên chú ý đánh giá về những giá trị vô hình,
hiệu quả và sức sống của phong trào. Khi đánh giá như vậy, ta
sẽ thấy được chất lượng của phong trào. Nếu chỉ nhìn ở những
con số: kinh phí, đề mục công trình… thì chưa đủ và không
công bằng! </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tuy nhiên, qua 15 năm thực hiện, chúng ta cũng dần đúc
kết, nhìn nhận lại thực tiễn hoạt động để tạo nên động lực mới
cho phong trào. Mong muốn không chỉ là mức độ mà mỗi đột
phá phải nâng chất mới bền vững được.
</font></p>
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2">TRẦN HUỲNH </font>
</b></p>
</body>
</html>