<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Biển báo giao thông Nghịch lý</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Biển báo giao
thông Nghịch lý "thừa và thiếu"</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong><em>Không ít ngã ba hoặc
ngã tư trong nội thành có đến trên dưới 20 biển báo tín hiệu giao thông, với
không ít biển báo chưa phát huy tác dụng. Trong khi đó nhiều tuyến giao thông ở
ngoại thành lại đang thiếu những biển báo giao thông. Phải chăng đây là một
trong những nguyên nhân góp phần gia tăng tình trạng kẹt xe tại nội thành cũng
như tăng số lượng các vụ tai nạn giao thông ở ngoại thành…?</em></strong> </font></p>
<ul>
<li>
<div align="justify">
<font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Thừa…</strong> </font></div>
</li>
</ul>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nếu để ý, người tham gia giao
thông hiện nay sẽ phải hoảng sợ vì số lượng những biển báo giao thông trên đường
quá nhiều đến mức khó hiểu. Trên tuyến đường từ xa lộ Hà Nội vào nội thành, ta
bắt gặp một hệ thống các biển báo dày đặc. Cụ thể, ở giao lộ Quốc Hương - xa lộ
Hà Nội (Q2), gần cầu Sài Gòn có tới 22 biển báo giao thông. Tiếp đến là ngã ba
của đường Điện Biên Phủ - đường D2 với 26 biển báo đặt rất gần nhau. Người điều
khiển phương tiện chưa hết bàng hoàng thì lại đụng phải hàng chục biển báo vòng
xoay Hàng Xanh. <br>
</font></p>
<div align="right">
<table align="right" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0" width="1">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="bien%20bao.jpg" width="201" height="250">
</font></td>
</tr>
<tr>
<td class="Image">
<p align="center"><i><font color="#808080" face="Arial" size="2">
Người lưu thông có thể đọc kịp những dòng chữ li ti, dày đặc trên
biển báo giao thông?</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hơn một tiếng đồng hồ đi trên vài
tuyến đường khu vực quận 1, quận 3 chúng tôi bắt gặp quá nhiều ngã tư có trên 15
biển báo giao thông trên đường như: đoạn Võ Văn Tần - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Văn
Tần - Cách Mạng Tháng Tám, Cách Mạng Tháng Tám - Điện Biên Phủ, Nguyễn Huy Tự -
Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh)… Trên tất cả các tuyến đường trong nội thành,
cứ cách 30-50m lại có một biển báo. Rồi góc ngã tư Điện Biên Phủ - Cao Thắng
cũng có ít nhất 10 biển báo, chạy tới Nguyễn Thị Minh Khai – Cao Thắng cũng gần
20 biển báo…<br>
<br>
Điều hiếm nơi nào trong cả nước lại có nhiều biển báo giao thông ghi bằng chữ
như tại TPHCM. Hầu hết các tuyến đường trong nội thành, đặc biệt trên tuyến hành
lang xuyên tâm như Điện Biên Phủ, Ba Tháng Hai, Cách Mạng Tháng Tám… có nhiều
biển báo thể hiện bằng chữ, thậm chí trích cả đoạn trong một quyết định về giao
thông (?!). Đặc biệt, tại ngã tư Hàng Xanh có 2 tấm biển như thế đặt kề nhau với
dòng chữ "Cấm xe tải có trọng tải từ 2,5 tấn trở lên hoặc có tổng trọng tải từ 5
tấn trở lên lưu thông từ: 6 giờ đến 21 giờ. Cấm xe tải dưới 2,5 tấn lưu thông…".
Thậm chí có nơi, trên một cột có đến ba biển báo nhiều chữ như thế. Theo lãnh
đạo Phòng CSGT Đường bộ Công an TPHCM, quy định của luật giao thông đường bộ,
các biển báo hiệu hướng dẫn giao thông phải là những biểu tượng có tính hiệu
lệnh. Người lưu thông chỉ cần liếc qua cũng có thể hiểu, còn những biển hướng
dẫn có quá nhiều chữ sẽ gây khó khăn cho người lưu thông.<br>
<br>
Cái thừa thứ hai là trong khi chúng ta bỏ ra khá nhiều tiền để cắm đủ các loại
biển báo trên khắp thành phố thì cơ quan hữu quan lại không tìm một giải pháp
hợp lý để các biển báo này phát huy tác dụng. Một ngã tư có đến trên 20 biển báo
tín hiệu phải chăng là hợp lý? Như vậy, người lưu thông đến đây muốn hiểu hết
các quy định khi lưu thông vào tuyến đường này phải dừng xe lại ít nhất vài
phút? Đồng thời không ít nơi trong thành phố có những biển báo giao thông không
hề có tác dụng, thậm chí có những biển báo giao thông đã "rơi" khỏi vị trí của
nó nhưng chẳng được cơ quan chức năng quan tâm như ở ngã tư Cao Thắng - Nguyễn
Thị Minh Khai. </font></p>
<ul>
<li>
<div align="justify">
<b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Thiếu… </font></b></div>
</li>
</ul>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong khi nhiều nơi ở nội thành,
biển báo được mọc lên như nấm và rất "chi tiết" thì ngược lại không ít các tuyến
đường ngoại vi thành phố lại rất thiếu các biển hướng dẫn giao thông khiến nhiều
người đã lúng túng khi xử lý tình huống như những tuyến đường có mật độ giao
thông dày đặc như xa Lộ Hà Nội, quốc lộ 13… Cái thiếu tiếp theo không kém phần
quan trọng là thiếu tinh thần trách nhiệm của đơn vị chức năng quản lý biển báo
giao thông. Không ít biển đã được dựng lên nhưng người lưu thông không thể nhìn
thấy do biển báo nằm khuất sau những tán cây hoặc biển quảng cáo (trên đoạn
đường Điện Biên Phủ). Lại có nhiều nơi, Sở GTCC chỉ đặt biển báo… cho có bởi ở
những nơi ấy, mọi người vẫn lưu thông như chưa hề có biển cấm, ví dụ như tại ngã
ba Cống Quỳnh - Bùi Thị Xuân, chân cầu Chữ Y…<br>
<br>
Theo một cán bộ Khu Quản lý giao thông đường bộ TPHCM - đơn vị chịu trách nhiệm
khảo sát và cắm biển báo giao thông - hệ thống biển báo hiện nay ở thành phố
được lắp đặt theo Luật Giao thông và theo nhu cầu thực tế của từng tuyến đường.
Và trong luật cũng không quy định số lượng tối đa biển báo hiệu giao thông cho
một tuyến đường hay một nút giao thông. Các biển báo trước khi lắp đặt đều qua
quá trình khảo sát và tham khảo ý kiến của những đơn vị có liên quan như CSGT…
Còn việc có quá nhiều chữ trên các biển báo tín hiệu giao thông thì được cơ quan
chức năng giải thích là diện tích của các biển báo hiện đang được sử dụng là
đúng quy định. Nhưng do đặc thù của TPHCM, việc quy định giờ lưu thông, tải
trọng được phép lưu thông của các phương tiện rất chi tiết nên rất khó xây dựng
thành biểu tượng (?). <br>
<br>
Như vậy, phải chăng để dễ cho người cắm biển báo tín hiệu giao thông, dễ cho
CSGT khi xử phạt những người vi phạm… nên những biển báo dày đặc chữ vẫn đã,
đang và có thể sẽ tiếp tục mọc ra. Được biết, hàng năm thành phố chi vài trăm
triệu đồng cho việc cắm biển báo tín hiệu giao thông, tuy nhiên với những nghịch
lý thừa và thiếu hiện nay của biển báo hiệu giao thông thì việc phát huy hiệu
quả của mỗi biển báo sẽ còn hạn chế. Năm 2008 là năm văn minh đô thị, thiết nghĩ
để góp phần làm đẹp đô thị, việc làm của các cơ quan chức năng là nhanh chóng
chấn chỉnh lại hệ thống biển báo giao thông hợp lý hơn, góp phần cùng thành phố
lập lại trật tự an toàn giao thông nói chung và an toàn cho mỗi người dân nói
riêng. </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo SGGPO</i></b></font></p>
</body>
</html>