<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Những</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Những “họa sĩ”
tô màu cho thành phố</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><em>Cuộc triển lãm tổ chức vừa
xong, cỏ cây ở công viên trở nên xơ xác, nền đất lún sâu nhão nhoét… thế nhưng
chỉ vài ngày sau một sức sống mới lại trỗi dậy, một gam màu mới lại hình thành.
Tất cả là nhờ đôi bàn tay của những người “ươm màu xanh cho phố”, họ là những
họa sĩ của cỏ cây, hoa lá, bất kể dù mưa hay nắng họ vẫn miệt mài với công việc
của mình.</em></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Tô màu
xanh lên phố</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">10g sáng, nắng đến cay mắt, rát
da, những chiếc áo xanh của công nhân vẫn miệt mài với công việc trồng dặm cỏ ở
công viên, dải phân cách, bùng binh... Giữa cuộc sống xô bồ, tấp nập của thành
phố, họ là những người lao động thầm lặng, cần mẫn ngày đêm, giản dị nhưng lại
làm những công việc rất có ý nghĩa: tô màu cho bức tranh sống động của thành
phố.</font></p>
<div align="center">
<table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0" width="1">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="nhung%20cong%20nhan.jpg" width="400" height="214">
</font></td>
</tr>
<tr>
<td class="Image">
<p align="center"><i><font color="#808080" face="Arial" size="2">
Những công nhân đang làm cỏ và trồng hoa cho công viên Dạ cầu Sài
Gòn</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Với những công nhân đang làm việc
ở đây, sự bài trí, quản lý, chăm sóc cây xanh, thảm cỏ, cây cảnh trên những dải
phân cách cũng là một nghệ thuật. Anh Phạm Văn Hải, công nhân thuộc Công ty dịch
vụ công ích Thanh niên xung phong đang làm việc tại công viên Dạ cầu Sài Gòn
chia sẻ: “Chăm sóc cây cỏ cho công viên không chỉ là công việc của mình mà còn
thể hiện ý thức giữ gìn cơ sở hạ tầng, cảnh quan đô thị”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Công việc ở đây dường như vô
chừng, không có một sự cố định nào, lúc thì tỉa cành, khi làm cỏ, trồng mới cỏ,
xới đất, bón phân, tưới nước… công việc tuy đơn giản nhưng suốt ngày “bán mặt
cho đất, bán lưng cho trời”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chị Thạch Thị Sà Vinh, một công
nhân làm việc tại công viên 23-9 tâm sự: “Những hôm công viên tổ chức triển lãm,
hàng ngàn người dẫm đạp lên cỏ làm chúng trở nên xơ xác, khi triển lãm xong rồi,
chỗ thì dặm lại được nhưng có chỗ thì phải trồng mới… vì thế phải chăm sóc cẩn
thận chứ bỏ lơ sao được”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Có đội nắng, dầm mưa cùng các
công nhân cây xanh của thành phố mới hiểu hết sự vất vả của họ. Nắng cũng mặc,
mưa cũng phải làm, vì đặc trưng công việc là làm ở ngoài trời, làm cả thứ bảy và
chủ nhật. Có nhiều người suốt ngày làm bạn với nắng, mưa và cũng có những người
phải bắt đầu ngày làm việc của mình từ 4g sáng, để tưới nước cho cây cỏ ở những
dải phân cách, bùng binh trên các con đường, khi thành phố vẫn còn im lìm trong
giấc ngủ.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Anh Trịnh Hữu Mong, công nhân
tưới nước bằng xe bồn, sau khi hoàn thành xong công việc của mình, lót dạ bằng ổ
bánh mì, vui vẻ nói: “Phải làm sớm và nhanh như vậy chứ muộn một tí thành phố
kẹt xe thì khổ lắm…”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Còn những công nhân đảm nhiệm
việc leo trèo, cắt tỉa cây thì công việc còn nguy hiểm hơn bội phần, những tai
nạn “nghề nghiệp” trặc tay, bong gân, thậm chí nặng hơn là điều khó tránh khỏi.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thành phố trở nên xanh, sạch, đẹp
và xây dựng tốt nếp sống văn minh đô thị, không thể thiếu bàn tay của những công
nhân này, để chăm chút cho những khoảng xanh của thành phố. Đồng thời để thành
phố thêm đẹp, thì mỗi người dân cũng phải góp sức cùng bảo vệ màu xanh đó, thể
hiện ở ý thức của mình qua những hành động cụ thể như không vứt rác bừa bãi,
không dẫm đạp lên thảm cỏ, không ngắt hái hoa, bẻ cành phá cây… Đó cũng chính là
mong muốn của “những họa sĩ tô màu cho phố”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Vất vả và
ước mơ</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong số những công nhân mà chúng
tôi gặp ở công viên Dạ cầu Sài Gòn và công viên 23-9 thì hầu hết đều là dân từ
các tỉnh khác đến. Có người gắn bó với công việc 10 năm, cũng có người mới vào
vài tháng, song tất cả họ đều có điểm chung là bôn ba kiếm sống giữa thành phố,
vì quê nhà cuộc sống quá khó khăn.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chị Lê Thị Thoan, quê Hà Tây gắn
bó với nghề gần 4 năm nhưng đồng lương hơn 1,3 triệu của chị giờ đây cần kiệm
lắm mới đủ chi tiêu và gửi vài trăm về nhà cho con cái học tập, nào tiền thuê
nhà, tiền điện nước, ăn uống, đôi khi phải thuốc men do đau cảm… một tháng cũng
mất hơn 1 triệu đồng. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chị Thoan ngậm ngùi kể: “Những
ngày mới vào nhớ nhà, nhớ con đến não ruột. Rồi những lúc hay tin con đau ốm
liên miên đòi mẹ về, ngồi làm mà chảy nước mắt. Nhưng không về được, phần xa
xôi, phần tốn kém, kiếm được việc làm ổn định đâu phải dễ…”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cũng như chị Thoan, chị Vân quê
Thanh Hóa cũng phải tha hương kiếm sống khi đứa con đầu lòng của chị chưa đầy
một năm tuổi. “Giao con cho bà ngoại trông giúp, tôi cùng chồng vội vã vào lại
thành phố để tiếp tục công việc của mình, vì không làm ra tiền thì không biết
cuộc sống của gia đình ra sao nữa khi hai đứa em bệnh tật, mẹ thì đã già không
lao động được”. Chị Vân tâm sự.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Bênh cạnh những con người vất vả
với công việc vì cuộc mưu sinh thì cũng có những người vất vả vì những ước mơ,
tương lai phía trước. Anh Nguyễn Văn Phước, quê Sóc Trăng, năm nay 21 tuổi,
trước khi lên thành phố anh còn chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, vì không có
tiền để học tập. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cuộc sống quê nhà lênh đênh theo
những mùa đi cắt lúa thuê, làm thuê những công việc vặt. Hôm chúng tôi bắt
chuyện anh vui vẻ khoe: “Hết năm nay nữa mình sẽ tốt nghiệp trung cấp, ngành
khuôn viên cây cảnh, tất cả cũng nhờ vừa làm, vừa học và lòng yêu nghề với cỏ
cây hoa lá này…”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đằng sau cái màu xanh của những
công viên, những con đường, những dải phân cách trong thành phố, không ít niềm
vui, nỗi buồn, nụ cười và nước mắt của những người làm xanh thành phố này. Họ
xứng đáng là những “họa sĩ” thầm lặng, những người chăm sóc màu xanh giữa lòng
thành phố.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo SGGPO</i></b></font></p>
</body>
</html>