<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Thêm vững tin vào sự nghiệp trồn</title>
<style>
<!--
p.MsoNormal
{mso-style-parent:"";
margin-bottom:.0001pt;
font-size:12.0pt;
font-family:"Times New Roman","serif";
margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
-->
</style>
</head>
<body>
<p class="MsoNormal" style="text-align: left; margin: 0 0in">
<b><font face="Arial" size="2">Liên hoan giáo viên trẻ tiêu biểu TP.HCM lần
1-2008:</font></b></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: center; margin: 0 0in">
</p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: center; margin: 0 0in">
<font face="Arial"><b><span style="font-size: 10pt; color: blue">Thêm vững tin
vào sự nghiệp trồng người</span></b></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in">
<font face="Arial"><span style="font-size: 10pt">Trong khuôn khổ Liên hoan Giáo
viên trẻ tiêu biểu TP.HCM lần 1 năm 2008 do Thành Đoàn TP.HCM tổ chức, hơn 90
thầy cô là giáo viên, giảng viên trẻ tiêu biểu đã có buổi giao lưu và đối thoại
với lãnh đạo TP.HCM vào chiều 16/11/2008. Lần đầu tiên, các thầy cô giáo có cơ
hội đối thoại trực tiếp với lãnh đạo thành phố, thể hiện tâm tư nguyện vọng của
mình trong công tác dạy học. Đến dự buổi đối thoại có đồng chí Nguyễn Văn Đua -
Phó Bí thư thường trực Thành ủy, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND
TP.HCM, đồng chí Tất Thành Cang - Bí Thư Thành Đoàn và đại diện lãnh đạo các sở,
ban, ngành thành phố. Những ý kiến đóng góp chân tình, những lo lắng rất thật,
những sẻ chia đầy tâm huyết đã làm cho không khí buổi gặp gỡ trở nên ấm cúng,
thân thiện.</span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in">
<font face="Arial" color="#008000"><b><span style="font-size: 10pt">Buổi đối
thoại chân tình</span></b></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in">
</p>
<div style="float: left; width: 100px; height: 38px">
<table border="0" width="100%" cellspacing="0" cellpadding="0">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="them%20vung%20tin.jpg" width="220" height="147"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><font color="#808080" face="Arial" size="2"><i>
Đồng chí Lê Quốc Phong - Phó Bí thư Thành Đoàn tham dự triển lãm sản
phẩm "Giáo viên trẻ làm theo lời Bác"</i></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in">
<font face="Arial"><span style="font-size: 10pt">Buổi đối thoại xoay quanh 7 nội
dung chính: tìm ra những giải pháp đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng giáo
dục; các phương pháp mang đến cho học sinh niềm tin yêu trong cuộc sống, xác lập
lí tưởng cách mạng, cống hiến sức lực, trí tuệ vào thực tiễn giảng dạy; cách đào
tạo nguồn nhân lực thông qua hoạt động khoa học, góp phần phát triển kinh tế,
khoa học kĩ thuật của thành phố; tạo sự chuyển biến tích cực trong suy nghĩ và
hành động của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên trên địa
bàn thành phố về việc “làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, để “mỗi thầy cô
giáo là 1 tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Ngoài ra, các ý kiến đóng góp
chỉ thị 40/2008/CT-BGDĐT về việc phát động phong trào thi đua “xây dựng môi
trường học tập thân thiện” trong các trường phổ thông giai đoạn 2008 - 2013 nhằm
huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài nhà trường để xây
dựng mục tiêu giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của
địa phương và đáp ứng nhu cầu xã hội. </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in">
<font face="Arial"><span style="font-size: 10pt">Năm 2008 - năm thành phố thực
hiện “Nếp sống văn minh đô thị”, đội ngũ giáo viên, giảng viên trẻ cần thực hiện
tốt những nội dung mà ngành giáo dục đề ra như ý thức tự giác chấp hành luật
giao thông đường bộ, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, ý thức ứng xử
văn minh nơi công cộng. Những nhiệm vụ cụ thể đề ra trong buổi gặp gỡ và đối
thoại nhằm thực hiện mục tiêu chung vì sự tiến bộ, phát triển của bản thân giảng
viên, giáo viên trẻ thành phố và vì sự phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo
của thành phố. Hiện nay, thành phố có hơn 1.500 cơ sở giáo dục đào tạo, trên 50
trường Đại học - Cao đẳng, hơn 75.000 giáo viên, trên 10.000 giảng viên đang
công tác tại các trường. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn dành sự
quan tâm, đầu tư cần thiết cho giáo dục phát triển. Các đồng chí lãnh đạo thành
phố đã đánh giá cao Liên hoan giáo viên trẻ tiêu biểu do Thành Đoàn tổ chức vì
giáo viên trẻ là lực lượng quan trọng tiếp nối truyền thống giáo dục của thành
phố hôm nay và mai sau. </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in">
<font face="Arial"><span style="font-size: 10pt">Vượt qua thời lượng 2 tiếng cho
phép của buổi gặp gỡ, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, những bức xúc
của các thầy cô giáo trong bối cảnh cuộc sống đang gặp nhiều khó khăn.</span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in">
<font face="Arial" color="#008000"><b><span style="font-size: 10pt">Những trăn
trở rất thật</span></b></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in">
<font face="Arial"><span style="font-size: 10pt">Giảng viên trẻ Nguyễn Tuyết
Phương - khoa Hóa học trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, bày tỏ mong muốn có
một lớp tập huấn dành cho đội ngũ giảng viên, giáo viên trẻ. Một số thầy cô thể
hiện sự lo ngại khi đào tạo tín chỉ là một khuynh hướng mới của giáo dục hiện
đại nhưng với thời lượng tiết học giảm tải, người học cần tự học, tự rèn luyện
nhiều hơn, hàm lượng kiến thức qua mỗi bài giảng nhiều liệu người học có thể
lãnh hội hết kiến thức? Đồng chí Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào
tạo chia sẻ với các thầy cô: sỉ số lớp học cần được chia nhỏ và nâng cao trình
độ của giáo viên, việc đầu tư trang thiết bị, củng cố đội ngũ giáo viên, công
tác quản lí giáo dục cần phải chú trọng hơn nữa. Thầy Trần Quốc Toản - Trường
tiểu học Trung Nhất, bày tỏ lo lắng khi đồng lương giáo viên hiện nay không đủ
sống. Ngoài giờ lên lớp, nhiều thầy cô còn phải làm thêm nhiều công việc khác để
tăng thu nhập, sắm sửa các trang thiết bị dạy học. Không chỉ thầy Toản, vấn đề
lương bổng, chế độ đãi ngộ dành cho giáo viên đã được rất nhiều thầy cô nhắc
đến. </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in">
</p>
<div style="float: right; width: 148px; height: 38px">
<table border="0" width="100%" cellspacing="0" cellpadding="0">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="them%20vung%20tin1.jpg" width="220" height="158"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><font color="#808080" face="Arial" size="2"><i>
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TP
(áo trắng) trao đổi với các giáo viên trẻ bên lề buổi đối thoại</i></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in">
<font face="Arial"><span style="font-size: 10pt">Bên cạnh đó, nhiều thầy cô băn
khoăn khi chương trình học còn quá tải. Học sinh tiểu học “kiêm” quá nhiều môn,
các em không có thời gian rãnh để vui chơi, vì vậy cần tinh gọn chương trình nhẹ
nhàng hơn, thiết thực hơn. Cô Nguyễn Thị Hồng Gấm - Trường Mầm non Bông Sen 2,
mơ ước một nguồn tư liệu dành cho việc dạy học. Ở đó, những bài văn, lịch sử,
địa lí được sinh động linh hoạt bằng những buổi liên hoan, bằng những ngày biểu
diễn các hoạt động nghệ thuật tái hiện lại nội dung tác phẩm, kết hợp với tổ
chức học nhóm, tham quan bảo tàng hay các chuyến đi thực tế. Lấy học sinh làm
đối tượng trung tâm là phương pháp giảng dạy hiệu quả, cần đặt lợi ích người học
lên hàng đầu. Đồng thời, ứng dụng Công nghệ Thông tin trong giảng dạy như giáo
án điện tử là phương pháp dạy học hiện đại. Tuy nhiên, không chỉ đơn giản là
việc thay viên phấn bằng giáo án điện tử mà còn thay đổi phương pháp giảng dạy
từ ghi chép sang chủ động xây dựng bài, tự học của học sinh. Để làm được điều
đó, nhiều thầy cô đã mong muốn thành phố đầu tư nhiều hơn nữa vào các nguồn tư
liệu, kinh phí để thực hiện kho tư liệu dành cho giáo viên, mong muốn có được
một phòng tra cứu tư liệu dành cho giáo viên. </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in">
<font face="Arial"><span style="font-size: 10pt">Một ý kiến khác cho thấy cần
phải sâu sát và quan tâm nhiều hơn đối với các em học sinh bậc tiểu học là khả
năng nhận thức của các em ngay trong đời sống thực tế, làm sao để các em quen
với môi trường học tập thân thiện, thay đổi phương pháp dạy học và làm thay đổi
cách học thụ động của các em học sinh. Dạy học không chỉ bằng những lí thuyết
trong giáo trình, sách vở, nhiều thầy cô đã cụ thể hóa những bài học thành những
câu chuyện cụ thể, thắm đượm tình người, dạy cho học sinh cách sống đẹp, sống
tốt, làm một công dân có ích cho xã hội. Những bài học giáo dục công dân, văn,
sử, địa mà một bộ phận học sinh lười học vì tâm lý “sợ học bài” đã được các thầy
cô trẻ rất quan tâm. Những bài học từ con chim nhỏ bị thương, hình ảnh người lao
công làm việc mệt mỏi trong những câu chuyện của thầy Trần Tuấn Anh đã giúp học
sinh suy nghĩ lại hành động của mình và từ đó thực hiện lối sống tốt một cách tự
giác.</span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in">
<font face="Arial"><span style="font-size: 10pt">Học sinh khu vực nội thành có
nhiều điều kiện để tiếp cận với nhiều nguồn thông tin cần thiết, điều kiện sống,
vật chất phục vụ cho học tập cũng hiện đại và đầy đủ hơn so với các em vùng sâu
vùng xa thành phố. Vì thế, công tác giảng dạy ở nhà trường vùng sâu cũng gặp
nhiều khó khăn hơn. Cô Nguyễn Thị Lan - giáo viên môn Vật lý ở huyện Cần Giờ bày
tỏ nỗi lòng của mình: “Thật khó khi trường chỉ có 3 cái máy vi tính, giáo viên
không đủ máy để dạy học vì vậy gặp khó khăn khi soạn giáo án điện tử, không thể
“ké” máy hiệu phó hoài, buộc lòng giáo viên phải ra tiệm net mướn máy để dạy.
Nhưng lại khổ nỗi, những chương trình ngoài tiệm net chỉ có chat hoặc game rất
ít có những chương trình dành cho việc dạy và học”. Cô còn bày tỏ mong muốn
người giáo viên đứng lớp cần có lý luận chính trị vững chắc, muốn được kết nạp
vào Đảng để được cống hiến. Cô Lan mong muốn với những trường vùng ven, ngoại
thành thành phố cần được quan tâm hơn nữa để giáo viên có đủ điều kiện đổi mới
phương pháp dạy và học, các em học sinh ngoại thành cũng có cơ hội theo kịp với
các bạn nội thành thành phố</span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in">
<font face="Arial"><span style="font-size: 10pt">Trong buổi gặp gỡ ấy, thật xúc
động khi thầy Nguyễn Thành Long - Trường giáo dục đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu,
bày tỏ khó khăn của học sinh khuyết tật. “Thầy ơi, chúng con sau này ra trường
sẽ làm gì?”, thầy tỏ ra lo lắng khi tìm một “lối ra” cho các em. Hiện nay, sách
giáo khoa dành cho học sinh khiếm thị còn rất thiếu, phần lớn do nhà trường tự
làm hoặc vận động các tổ chức cùng làm. Với các em muốn học lên cao hơn thì tư
liệu học không có. Chủ trương chăm lo cho người khuyết tật của thành phố là đúng
đắn nhưng phương thức thực hiện còn nhiều hạn chế. Ngành giáo dục trong những
năm qua đã quan tâm nhiều đến giáo dục cho học sinh khuyết tật và thật may mắn
nếu các em sau khi ra trường cũng sẽ có một cơ hội nghề nghiệp như những người
bạn bình thường. Các giảng viên trẻ khu vực đại học, cao đẳng quan tâm đến việc
chảy máu chất xám từ khối Nhà nước sang các khu vực khác, đề xuất cần có một cơ
chế cho giáo viên. </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in">
<font face="Arial" color="#008000"><b><span style="font-size: 10pt">Thành phố
luôn đồng hành cùng thầy cô giáo</span></b></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in">
<font face="Arial"><span style="font-size: 10pt">Lắng nghe những lời bộc bạch
chân thành nhất của mỗi thầy cô giáo trẻ, lãnh đạo thành phố tiếp thu những ý
kiến đóng góp và san sẻ với thầy cô những lo toan trong cuộc sống. Đồng chí Vũ
Kim Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch động viên thầy cô sử dụng
các nguồn tư liệu cho việc dạy học ở các bảo tàng, khuyến khích thành lập môi
trường học tập thân thiện. Hệ thống thư viện thành phố cùng với thư viện “số
hóa” và thư viện xe lưu động dành cho người khiếm thị sẽ tạo điều kiện thuận lợi
trong việc tìm kiếm nguồn tư liệu cho giáo viên. Đồng chí Huỳnh Công Minh - Giám
đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh các ban, ngành đoàn thể cần có hợp tác vời
nhau nhiều hơn, yêu cầu đổi mới là cần thiết, trong đó trình độ đội ngũ giảng
viên trẻ cần được nâng cao. Một đất nước sau 20 năm đi lên với nhiều khó khăn
thử thách ban đầu, những thành quả đạt được trong ngày hôm nay rất đáng tự hào.
Năm 2020, nước ta cơ bản là một nước công nghiệp hiện đại, nguồn nhân lực là yếu
tố hàng đầu, tương lai của một thành phố, dáng hình của đất nước đang trông chờ
vào nguồn nhân lực trẻ, có phẩm chất đạo đức tốt. Và ngành giáo dục cần phải
thực hiện nhiều hơn nữa để đào tạo nguồn nhân lực thật sự có chất lượng cho xã
hội. Vấn đề toàn cầu hóa, thế giới phẳng ngoài những tác động tích cực đến nền
kinh tế cũng đặt ra cho những người thầy, người cô những vấn đề cần giải quyết.
Trong đó, cơm áo gạo tiền là những vấn đề thiết yếu nhất. Thành phố đang cố gắng
để cải thiện đời sống giáo viên. Đồng chí Phan Thanh Bình - Giám đốc Đại học
Quốc gia TP.HCM cho biết: “Bản thân tôi là một nhà giáo, tôi thật vui mừng khi
thấy những thế hệ giáo viên trẻ đầy nhiệt huyết như thế. Và ngày nay, sự nỗ lực
của mỗi thầy cô là quan trọng hơn bao giờ hết”. </span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in">
</p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: center; margin: 0 0in">
<font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="them%20vung%20tin2.jpg" width="400" height="249"></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: center; margin: 0 0in">
<font color="#808080" face="Arial" size="2"><i>Lãnh đạo Thành phố chụp hình lưu
niệm với các giáo viên trẻ tiêu biểu lần 1 năm 2008</i></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in"> </p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in">
<font face="Arial"><span style="font-size: 10pt">Có thể nói rằng, chính tình yêu
đối với các em học sinh đã giữ thầy cô gắn bó với nghề dạy học. Học, học nữa,
học mãi. Những người ươm mầm xanh tốt luôn phải được bồi dưỡng và tự học suốt
đời. Xã hội hóa giáo dục, thành phố hướng đến những đối tượng học không chỉ là
học sinh, sinh viên mà còn cả những đội ngũ công nhân viên, thanh niên ngoại
thành không có điều kiện đi học. Đội ngũ giáo viên ở các trung tâm giáo dục
thường xuyên, các mái ấm, nhà mở, các trung tâm dạy nghề cần quan tâm nhiều hơn.
Xã hội đang còn rất nhiều người cần học, cần dạy cho con chữ, phép tính. Công
tác Đoàn, Hội sẽ giúp những giảng viên trẻ hòa mình với cộng đồng. Mỗi bước chân
đi, sẽ thấy có rất nhiều mảnh đời cần được thắp sáng. Và ngành giáo dục sẽ được
mở rộng ra nhiều đối tượng để đạt mục tiêu cuối cùng “vì sự nghiệp trăm năm
trồng người” của toàn dân tộc.</span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="text-align: justify; margin: 0 0in"> </p>
<p class="MsoNormal" align="right" style="text-align: right; margin: 0 0in">
<font face="Arial"><b><span style="font-size: 10pt">THIÊN THANH - ảnh: T.M</span></b></font></p>
</body>
</html>