<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Chuyển nước biển thành nước ngọt</title>
</head>
<body>
<div class="mainTitle">
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Chuyển nước biển thành nước
ngọt </font></b></div>
<font face="Arial" size="2">
<!-- Date -->
<!--NGay gio Modified -->
</font>
<div>
<div class="dateStart">
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </div>
</div>
<font face="Arial" size="2">
<!-- Page Img & Content -->
</font>
<div class="pageImgCont">
<font face="Arial" size="2">
<!-- Page Img -->
</font>
<div style="float: left; width: 255px; height: 217px">
<table class="pagepic" cellpadding="0" cellspacing="0">
<tr>
<td class="pagepic-img">
<div class="general-image">
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.thanhnien.com.vn/News/Pictures/p9a96974912.jpg" width="250" height="201"></font></div>
</td>
</tr>
<tr>
<td class="pagepic-des">
<div dir>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Ngô Anh Quân
và mô hình dụng cụ chuyển nước biển thành nước ngọt </font>
</i></div>
</td>
</tr>
</table>
</div>
<div class="article-Des-Cont">
<div class="pageDes">
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">Anh Ngô Anh Quân - Chủ nhiệm CLB Khoa
học trẻ (Thành Đoàn Hà Nội) đã chế tạo dụng cụ chuyển nước biển
thành nước ngọt tặng chiến sĩ Trường Sa. </font></div>
<div class="pageContent">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đầu năm 2008, Thành
Đoàn Hà Nội phát động chương trình đồng hành với chiến sĩ nơi biên
giới hải đảo. Vốn là nhà khoa học tại Viện Thủy công (Viện Khoa học
thủy lợi Việt Nam), lại là Chủ nhiệm CLB Khoa học trẻ nên Ngô Anh
Quân trăn trở rất nhiều, muốn làm một việc ý nghĩa tặng bộ đội
Trường Sa. Ngô Anh Quân bộc bạch: “Qua những hình ảnh trên truyền
hình, thông tin trên sách báo và nghe lời kể của những người ra thăm
đảo về cuộc sống khắc nghiệt nơi đây, mình mới thấu hiểu vì sao các
chiến sĩ đảo Trường Sa lại ví nước ngọt như máu. Bởi lẽ họ có nước
mưa nhưng không có điểm chứa, có nước biển nhưng nước biển chỉ có
thể thành nước ngọt nhờ quy trình khử muối”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tìm đọc tài liệu, Ngô
Anh Quân nhận thấy, trên thế giới việc khử muối trong nước biển có 2
dạng phổ biến là khử bằng phương pháp hóa học và khử bằng các thiết
bị ngưng tụ hoặc lọc... Những thiết bị do nước ngoài sản xuất có ưu
điểm thu được hàng trăm lít nước/giờ nhưng giá thành lên tới vài
chục ngàn USD. Đấy là chưa kể trong quá trình vận hành tiêu tốn điện
năng hoặc xăng dầu. Trong điều kiện khó khăn trên đảo, thiếu cả điện
lẫn nước, để sở hữu một chiếc máy hiện đại hoàn toàn không khả thi.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Qua phân tích các đặc
tính kỹ thuật, cuối cùng Ngô Anh Quân lựa chọn cách đơn giản nhất:
sử dụng phương pháp ngưng tụ tự nhiên, nghĩa là dùng ánh sáng mặt
trời. Chỉ với một chiếc hộp bằng kính, phía trên có đặt tấm cản vật
liệu trong suốt (kính hoặc nhựa trong), hơi nước sẽ bốc hơi, ngưng
tụ thành những giọt nước bám ở dưới tấm kính. Những hạt nước bám ở
tấm kính lớn dần lên và tới lúc nào đó sẽ tách khỏi tấm kính trượt
xuống dưới. Những giọt nước đó là nước ngọt. TS Ngô Anh Quân cho
biết: “Đây không phải là một phát minh hay sáng kiến. Thực ra nguyên
tắc khử muối biển bằng phương pháp cơ học này đã được những thủy thủ
Hy Lạp áp dụng từ thời cổ xưa. Mình chỉ vận dụng phương pháp đó, chế
tạo dụng cụ chuyển nước biển thành nước ngọt. Với mẫu đó, mỗi chiến
sĩ đều có thể tự làm lấy thiết bị này mà không cần có tay nghề hay
vật liệu gì đặc biệt cả”. </font></p>
<table style="border-collapse: separate" align="right" border="2" bordercolor="#6896bd" cellpadding="3" cellspacing="3" width="200">
<tr>
<td bgcolor="#cfe6f9">
<p style="text-align: justify; padding: 5px">
<font face="Arial" size="2"><em style="font-style: normal">
Đây không phải là một phát minh hay sáng kiến. Thực ra
nguyên tắc khử muối biển bằng phương pháp cơ học này đã được
những thủy thủ Hy Lạp áp dụng từ thời cổ xưa. Mình chỉ vận
dụng phương pháp đó, chế tạo dụng cụ chuyển nước biển thành
nước ngọt </em>- Ngô Anh Quân</font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Việc thí nghiệm kiểm
chứng khả năng thu nước ngọt từ nước biển từ mô hình trên đã được
tiến hành tại đảo Bạch Long Vỹ trong tháng 7 vừa qua. Kết quả, với
mô hình thiết bị hộp kính đã chế tạo mỗi mét vuông có thể cung cấp
từ 8,5 - 10 lít nước ngọt/ngày. “So với máy móc hiện đại, lượng nước
ngọt thu được quả là không nhiều, nhưng với các chiến sĩ đảo xa, một
giọt nước cũng quý lắm rồi. Nếu biết chọn góc nghiêng tấm kính hợp
lý sẽ giúp thu được nhiều nước hơn” - Anh Quân nói. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Với công trình “dụng
cụ chuyển nước biển thành nước ngọt”, Ngô Anh Quân là một trong 6
gương mặt tiêu biểu được UBND TP Hà Nội khen thưởng tại Festival
Sáng tạo trẻ thủ đô lần thứ VI. Sau khi tiến hành thử nghiệm tại Hà
Nội, tháng 12 tới, mô hình này sẽ được Thành Đoàn Hà Nội gửi tặng
các chiến sĩ đảo Trường Sa. Nhưng Ngô Anh Quân còn ấp ủ dự định sẽ
sản xuất hàng loạt mô hình này với giá thành từ 1-1,5 triệu
đồng/chiếc và nghiên cứu máy phát điện bằng sức sóng. </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TNO</i></b></font></div>
</div>
</div>
</body>
</html>