<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Các doanh nghiệp ngoài quốc doan</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#FF0000"><b>Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh: Vì sao Đoàn chưa với tới
thanh niên?</b></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Tính đến nay, Thành đoàn TPHCM đã xây dựng được 756 chi
đoàn, chi hội thanh niên với 21.120 đoàn viên, hội viên tại các đơn vị kinh tế
ngoài quốc doanh. So với nhu cầu thực tế của hơn 1 triệu lao động là đối tượng
thanh niên đang làm việc tại hàng chục ngàn doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên
địa bàn TP thì đây là một con số rất khiêm tốn. Vì sao ở các doanh nghiệp ngoài
quốc doanh, tổ chức Đoàn chưa với tới thanh niên?</font></p>
<font face="Arial">
<ul>
<li>
<div align="justify">
<strong><font size="2" color="#33CC33">Rào cản từ doanh nghiệp</font></strong></div>
</li>
</ul>
<div align="right">
<table cellSpacing="0" cellPadding="3" width="1" align="right" border="0" id="table6">
<tr>
<td>
<font size="2"> <img border="0" src="images106234_p11a.jpg" width="250" height="148"></font></td>
</tr>
</font>
<font face="arial">
<tr>
<td class="Image">
<p align="center"><font face="Arial" color="#0000ff" size="2">Công
nhân Công ty May Nhà Bè trong chương trình tuyên truyền phòng chống
HIV/AIDS do Đoàn Thanh niên tổ chức.</font></td>
</tr>
</table>
</div>
</font>
<font face="Arial">
<p align="justify"><font size="2">Khi nghe chúng tôi hỏi về công tác phát triển Đoàn tại các
đơn vị ngoài quốc doanh, chị Trương Thị Ngọc Yến, Bí thư Đoàn Ban Quản lý các
KCX-KCN TPHCM (Hepza) chỉ nói đúng một chữ: Khó! <br>
<br>
Cái khó ở đây là có thật. Tính đến nay, trong số hơn 1.000 doanh nghiệp (DN) vừa
và nhỏ tại các KCX và KCN TP, chỉ mới 24 đơn vị có tổ chức Đoàn. Còn lại phần
lớn là con số không. Chị Yến cho biết thêm: “Tụi mình đến gặp DN cũng nhiều rồi
nhưng phần lớn là bị từ chối khéo. Thậm chí bị từ chối ngay lúc gặp chủ tịch
công đoàn hay đại diện ban lãnh đạo người Việt, chứ chưa nói tới lúc gặp chủ DN
là người nước ngoài”. <br>
<br>
Theo anh Trần Thiên Long, cán bộ chuyên trách Đoàn tại Hepza: “Công việc của họ
là kinh doanh nên áp lực lợi nhuận rất nặng nề. Tâm lý chung của các chủ DN
thường rất ngán ngẩm khi nghe đến các tổ chức hội đoàn”. <br>
<br>
Còn vai trò của cán bộ công đoàn? Anh Long lý giải: “Cán bộ công đoàn thì cũng
nhận lương từ chủ DN nên họ chỉ đơn thuần nghĩ đến kinh tế. Họ sợ nếu thành lập
thêm 1- 2 đoàn thể thì họ sẽ tăng thêm nhiều đầu việc và làm không xuể. Mặt
khác, họ cũng sợ bị DN “để ý” nếu tham gia vào những công việc ngoài sản xuất
này”. </font> </p>
<p align="justify"><font size="2">Đây cũng là câu trả lời chung khi chúng tôi tiếp xúc với các
Đoàn cơ sở quận-huyện. “Điệp khúc hứa” là câu nói cửa miệng của hầu hết cán bộ
Đoàn khi chúng tôi đề cập đến công tác Đoàn ở DN ngoài quốc doanh. Bí thư Quận
đoàn 12 Trần Thị Huyền Thanh kể lại những lần “xông pha trận mạc” của mình ở
Công ty Vĩnh Hưng: “Nhiều lần tụi mình ăn sáng chầu chực trước cổng công ty đến
nỗi lãnh đạo, công đoàn và chi bộ “mòn mặt” luôn. Xin gặp gỡ trao đổi được với
ban giám đốc, mừng như là trúng số. Sau đó, hơn 3.000 phiếu thăm dò ý kiến được
chuyển đến tìm hiểu những tâm tư tình cảm của công nhân.
</font> </p>
<p align="justify"><font size="2">Tưởng đâu đã trót lọt, tụi mình đặt vấn đề tổ chức đêm hội
diễn văn nghệ, tuyên truyền kiến thức về hôn nhân gia đình, chương trình cho CN
ăn Tết xa quê… CN hưởng ứng rầm trời nhưng Ban giám đốc và Bí thư chi bộ thì cứ
hẹn liên tục, lúc thì bận đơn hàng, lúc bận tăng ca đợt hàng Tết, đến giờ này
vẫn chưa được. Tụi mình nhiệt tình nhưng DN không thiện chí thì biết làm gì khác
được”. </font> </p>
<p align="justify"><font size="2">Trường hợp ở Công ty Furukawa (KCX Tân Thuận) cũng tương tự.
Đoàn Hepza đã bị cho “chờ dài cổ” khi vị chủ tịch công đoàn công ty (cũng là
người trực tiếp điều hành khi chủ DN vắng mặt) hứa hẹn: “Chờ giám đốc về sẽ bàn
bạc”, “Chưa có kinh phí”, thậm chí có khi lại đưa lý do kẹt đơn hàng gấp nên
không có thời gian. Không từ chối nhưng cứ “diễn” điệp khúc hứa hẹn nên đã từ
nhiều năm nay, hơn 4.000 công nhân công ty vẫn chưa thể có sân chơi cho riêng
mình. </font> </p>
<ul>
<li>
<div align="justify">
<strong><font size="2" color="#33CC33">Khó từ công nhân lao động</font></strong></div>
</li>
</ul>
<p align="justify"><font size="2">Một thực trạng chung hiện nay là ngoài giờ làm việc, đời sống
văn hóa tinh thần và điều kiện giải trí của công nhân rất hạn chế, nếu không
muốn nói là con số không. Với khoảng 130.000 công nhân lao động nhập cư từ các
tỉnh hiện đang làm việc tại các KCN-KCX TPHCM thì việc tìm một nơi vui chơi, thư
giãn lại càng là điều không tưởng. Bạn Nguyễn Thị Thanh Hồng, công nhân Công ty
PouYuen (Bình Chánh) tâm sự: “Tan ca xong là mệt rã người.
</font> </p>
<p align="justify"><font size="2">Về đến nhà trọ, nấu nướng, ăn uống, giặt giũ là đã hết thời
gian. Gọi là vui chơi giải trí thì quanh quẩn chỉ có mấy quán cà phê chiếu phim,
quán nhậu cạnh khu nhà trọ thôi. Nhưng đó cũng là những nơi đắt đỏ, lâu lâu dành
để đãi bạn đến thăm chứ bình thường tụi em chẳng bao giờ vào quán… Với mức lương
công nhân, tụi em phải gói ghém từng đồng mới xoay xở được, có đâu mà hàng quán
nước nôi”. </font> </p>
<p align="justify"><font size="2">Ngoài vấn đề thu nhập, áp lực tăng ca liên tục đã khiến công
nhân không còn thời gian để nghĩ đến chuyện vui chơi, giải trí. Vì thế, tham gia
vào các “hoạt động Hội-Đoàn chỉ tổ mất thêm thời gian chứ được ích gì” - bạn Lê
Kim Thúy, công nhân Công ty May Việt Tiến bày tỏ. Chính vì vậy hơn 5 năm làm
công nhân, Thúy và nhóm bạn cùng khu nhà trọ không hề quan tâm và cũng không
biết gì về hoạt động Hội-Đoàn. “Có tham gia cũng được mà không có cũng chẳng
sao, miễn nó không ảnh hưởng đến tiêu chuẩn thi đua là được rồi”, Thúy nói.<br>
<br>
Một thực tế không thể phủ nhận là vai trò rất quan trọng của tổ chức Đoàn-Hội
trong việc làm cầu nối để DN và công nhân gần nhau hơn, thông hiểu và chia sẻ.
Các cơ sở Đoàn cũng cần xem lại những chương trình hoạt động của mình có thật sự
bổ ích để có thể thu hút được thanh niên chưa. Nhất là đối với thanh niên công
nhân thì càng có những hoạt động đặc thù hơn. Nếu công nhân có sân chơi, có điều
kiện giao lưu chia sẻ, gặp gỡ và đối thoại với DN… thì chắc chắn họ sẽ không
chọn đình công là giải pháp duy nhất.</font></p>
</font>
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2">Theo Sài Gòn giải phóng</font></b></p>
</body>
</html>