<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Thực hiện nếp sống văn minh đô t</title>
</head>
<body>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Thực hiện nếp sống văn minh đô
thị:</font></b></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Giải quyết nạn
ô nhiễm nguồn nước mặt khu vực Thành phố Hồ Chí Minh</font></b></p>
<div style="float: right; width: 63px; height: 19px">
<table border="0" width="100%" cellspacing="0" cellpadding="0">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="giai%20quyet.bmp" width="220" height="165"></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trước những năm 1960, các nguồn
nước sông ở nước ta nhìn chung đều có chất lượng tốt và đạt tiêu chuẩn để phục
vụ cho nhu cầu sản xuất cũng như sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, trong 20 năm
trở lại đây, với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội và quá trình công
nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, các nguồn nước sông đã có dấu hiệu bị ô
nhiễm và suy thoái trầm trọng. </font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Thực trạng
hiện nay </font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi
trường nước mặt đang là thách thức lớn của các đô thị trọng điểm phía Nam, nhất
là thành phố Hồ Chí Minh. Những con sông, kênh, rạch nằm trong nội thành thành
phố Hồ Chí Minh mỗi ngày phải gánh trên 1 triệu m3 nước thải sinh hoạt, gần
400.000 m3 nước thải công nghiệp; 4.000 - 5.000 tấn rác thải sinh hoạt và 7 tấn
rác y tế chưa qua xử lý... Do đó hệ thống nước mặt này đều ở tình trạng ô nhiễm
nghiêm trọng vượt quá mức tiêu chuẩn cho phép từ 5 - 10 lần. Theo số liệu giám
sát chất lượng nước sông định kỳ hàng tháng các hệ thống sông khu vực Nam bộ của
Đài Khí Tượng Thủy Văn khu vực Nam Bộ cho thấy, mức độ ô nhiễm ở hạ lưu của các
con sông này ngày càng tăng nhanh. Tại vùng trung lưu và lưu vực của hệ thống
sông Sài Gòn - Đồng Nai đang có xu hướng tăng nhanh mức độ nhiễm bẩn do các chất
hữu cơ (COD), dinh dưỡng (NH3-N), dầu mỡ và vi sinh, nặng nhất là sông Sài Gòn
và Nhà Bè với các chỉ số đo nồng độ các chất hữu cơ (COD) cao gấp 1.5 - 3.1 lần
so với tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt; sông Thị Vải, kênh Tham Lương và kênh
Nhiêu Lộc Thị Nghè ô nhiễm nặng nề với màu nước đen kịt, đầy váng dầu và bốc mùi
hôi nồng nặc, nhiều bao tải rác xác thực vật, động vật trôi lềnh bềnh trên
kênh...</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sự ô nhiễm môi trường nước sẽ gây
ảnh hưởng trực tiếp đời sống và sức khỏe của mọi người. Các loại bệnh phổ biến
do ô nhiễm nguồn nước gây ra là các bệnh đường ruột, phụ khoa, da liễu và cả ung
thư. Mặt khác, vấn đề ô nhiễm làm cho công tác xử lý nước cấp của các nhà máy xử
lý nước cấp càng thêm khó khăn sẽ gây ra nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng
tới đời sống của hàng triệu người dân thành phố. Nguyên nhân gây ra tình trạng ô
nhiễm ngoài tác nhân chất thải sinh hoạt do cộng đồng dân cư sống dọc theo sông,
kênh rạch và hệ thống cống xả của người dân toàn thành phố chưa được xử lý “hòa”
vào các dòng sông, kênh rạch thì chất thải công nghiệp từ khoảng 800 nhà máy, xí
nghiệp lớn và hơn 30.000 cơ sở sản xuất có quy mô vừa và nhỏ nằm xen lẫn trong
các khu dân cư chưa hề qua xử lý “vô tư” thả vào hệ thống kênh thông ra sông Sài
Gòn suốt hàng chục năm nay là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm này.
Nguyên nhân là do công nghệ sản xuất ở các cơ sở sản xuất hiện đóng trên địa bàn
thành phố còn lạc hậu, trang thiết bị máy móc còn thiếu đồng bộ. Nhưng quan
trọng hơn là ý thức bảo vệ môi trường của các chủ doanh nghiệp còn thấp. Nhiều
khu vực các chất thải công nghiệp từ các nhà máy sản xuất thải ra làm cho các
dòng kênh bị ô nhiễm nặng. Điển hình trong năm nay là vụ phát hiện Công ty Vedan
Việt Nam có hành vi xả hàng ngàn khối nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng
nặc ra sông Thị Vải ước tính tới 5.000 m3/ngày mà không qua một công đoạn xử lý
nào với thủ đoạn “che mắt” cơ quan chức năng nhằm trốn tránh hành vi gây ô nhiễm
hết sức tinh vi, khiến người dân sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản trở nên khốn
đốn vì tôm cá nuôi trồng chết hàng loạt do nguồn nước quá ô nhiễm. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Một nguyên nhân khác là nước rác
rò rỉ từ các bãi rác. Đây là loại nước rác có nồng độ chất ô nhiễm cao, độ màu
lớn chảy ra các con sông, kênh, rạch thậm chí thấm xuống đất gây ô nhiễm các
nguồn nước ngầm. Ngoài ra, nước thải ở một số bệnh viện, nước thải từ hoạt động
nông nghiệp, hoạt động giao thông đường thủy, các sự cố tràn dầu và các hiện
tượng mưa axit cũng là nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng ô nhiễm trên.</font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Những hoạt
động bảo vệ môi trường</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Mặc dù ô nhiễm môi trường ở TP.
HCM hiện nay là rất nghiêm trọng, nhưng việc giải quyết ô nhiễm không dễ và còn
rất tốn kém. Theo EEPSEA, ba vấn đề quan trọng nhất theo ý kiến của người dân
Thành phố là việc làm và thu nhập; quản lý nhà nước và giáo dục - y tế. Môi
trường chỉ đứng hàng thứ tư với tỷ lệ được chọn thấp hơn nhiều. Nói chung, thái
độ của người dân đối với việc bảo vệ môi trường còn chưa đúng mức và vẫn bình
thản với những hiện tượng ô nhiễm môi trường và càng chưa có ý thức cùng cơ quan
chức năng của Nhà nước đấu tranh bảo vệ môi trường. Vì vậy công tác thường xuyên
tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về thực trạng cũng như
những ảnh hưởng xấu do ô nhiễm nguồn nước gây ra là việc rất quan trọng và cần
thiết. UBND thành phố cùng các sở ban ngành đã đưa ra nhiều phương án như cho
các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi nhằm đổi mới công nghệ, sản xuất sạch hơn và xử
lý chất thải; giới thiệu các công nghệ xử lý nước thải cùng các đơn vị, chuyên
gia tư vấn về môi trường ở thành phố để giúp đỡ cho các doanh nghiệp giảm thiểu
ô nhiễm. Điều này đã cho thấy quyết tâm của thành phố trong việc ngăn chặn các
tác nhân gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường, song đến nay, tình hình vẫn
chưa được cải thiện. Đồng thời, UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo tiến hành
thực hiện các dự án nhằm giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước như xây dựng mạng lưới
thoát nước hoàn chỉnh và nhà máy xử lý nước thải, nạo vét lòng sông, kênh rạch…
</font></p>
<div style="float: right; width: 161px; height: 38px">
<table border="0" width="100%" cellspacing="0" cellpadding="0">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="giai%20quyet1.bmp" width="220" height="165"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><font color="#808080"><i>
<span style="font-size: 10pt; font-family: Arial">Rác ứ đọng dưới
lòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè</span></i><span style="font-size: 10pt; font-family: Arial">
</span></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đối với ô nhiễm nước, các chính
sách kiểm soát và xử lý ô nhiễm hiện nay vẫn còn rất nhẹ, chưa có tính răn đe.
Các tiêu chuẩn về nước thải đã có, nhưng rất khó cưỡng chế thi hành một cách
nghiêm ngặt. Luật Bảo vệ môi trường mới xây dựng năm 2005, nhưng trên thực tế có
rất nhiều vấn đề cần được bổ sung cụ thể. Để giải quyết triệt để, chính quyền
thành phố Hồ Chí Minh cần có biện pháp mạnh mẽ xử lý nguồn ô nhiễm là các cơ sở
sản xuất công nghiệp ở xung quanh sông, kênh rạch. Các cơ sở sản xuất không đủ
điều kiện xử lý nước thải bắt buộc phải đóng cửa hoặc di dời đến nơi quy định.
</font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Thanh niên
tham gia bảo vệ môi trường</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cùng chung tay góp phần làm sạch
môi trường thành phố, đoàn viên thanh niên với công trình cải thiện môi trường 5
tuyến kênh, trong chiến dịch tình nguyện hè 2008, 2.502 chiến sĩ tình nguyện các
trường ĐH - CĐ - TCCN và thanh niên địa bàn đã tham gia thực hiện công trình cải
thiện môi trường tại 5 tuyến Kênh Hàng Bàng, Tân Hóa - Lò Gốm, Đầm Sen, Hiệp Tân
- Bàu Trâu, Bùi Hữu Nghĩa (quận 6, Quận 11, Tân Phú, Tân Bình, Bình Thạnh), thực
hiện 20.000 ngày công, phát hoang, khơi thông dòng chảy, thu được 1.120 tấn rác,
trồng mới 100 cây xanh dọc các tuyến kênh, tổng kinh phí thực hiện hơn 700 triệu
đồng. Ngoài ra, việc thực hiện công trình Số hóa các điểm đen ô nhiễm môi
trường, 30 chiến sĩ hình chuyên Đại học Bách Khoa cùng chiến sĩ mặt trận 24
quận, huyện cập nhật số hóa các điểm đen ô nhiễm môi trường tồn đọng và phát
sinh trên địa bàn thành phố. Phần mềm ứng dụng phục vụ quản lý các điểm ô nhiễm
rác, nước theo đơn vị hành chính này một mặt gởi về Sở Tài nguyên – môi trường
nghiên cứu giải pháp quản lý, mặt khác giúp Đoàn - Hội các cấp quản lý và có
giải pháp thực hiện một cách hệ thống, đồng bộ trong xử lý các điểm ô nhiễm môi
trường trong các chiến dịch tình nguyện, đợt hoạt động Chủ nhật xanh, và xem đây
như là một giải pháp của Đoàn - Hội tham gia cùng chính quyền thực hiện mục tiêu
xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Các thanh niên tình nguyện cùng tham gia với
chính quyền và người dân thành phố giải quyết các vấn đề bức xúc, các điểm đen
về ô nhiễm môi trường, tuyên truyền và tham gia giữ gìn an toàn giao thông, đã
thu hút hơn 370.776 lượt thanh niên; công trình cải thiện môi trường các tuyến
kênh thu hơn 1489,9 tấn rác, xóa 31.320 bảng quảng cáo sai quy định, gom được
15,3kg kim tiêm, phát 31.650 phiếu bướm tuyên truyền và trồng mới 1.209 cây
xanh. Về lâu dài, cần có nhiều giải pháp cụ thể, tập trung nỗ lực bảo vệ và cải
thiện tài nguyên môi trường, bảo đảm cho mọi người dân đều được sống trong môi
trường trong sạch và lành mạnh. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trước hết cần chấm dứt nạn đổ rác
và xả nước thải chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường. Thu gom toàn bộ rác
thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp bằng các phương pháp thích hợp, trong đó
ưu tiên cho việc tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tối đa lượng rác chôn
lấp. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tác động của môi trường đối với khu vực
phát triển sản xuất, kinh doanh. Thử nghiệm các phương án, chính sách để tăng
thêm sự tham gia của người dân khu vực trong các dự án sản xuất; bảo đảm tiếp
cận lâu dài nguồn nước bằng cách tăng cường bảo vệ nguồn nước ngầm, nước mặt.
Khuyến khích phát triển áp dụng các công nghệ sạch và quy trình sản xuất ít chất
thải, ít gây ô nhiễm môi trường. Các nhà máy, khu tập trung nguyên liệu, chăn
nuôi tập trung có thể sử dụng khí đốt sinh học và phát triển năng lượng mặt
trời, gió và các nguồn nhiệt năng khác. Tăng cường đầu tư phục hồi các vùng
nguyên liệu đã được khai thác để không xuất hiện nguy cơ làm tổn hại đến tài
nguyên môi trường. Cần kiểm soát ô nhiễm và ứng cứu sự cố môi trường, khắc phục
tình trạng ô nhiễm môi trường trên các dòng sông, hồ ao, kênh mương kịp thời.
Thực hiện các dự án về cải tạo, bảo vệ môi trường như: trồng cây xanh, giữ gìn
đa dạng sinh học, xây dựng các công trình làm sạch môi trường... Phát triển các
dịch vụ môi trường như trồng vườn hoa, thu gom rác thải, cung cấp nước sạch, xây
dựng các vườn sinh thái, vườn cây cảnh... Kết hợp hài hòa giữa sản xuất kinh
doanh, dịch vụ với xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên môi trường và các tác
động về mặt xã hội. Giáo dục ý thức, trách nhiệm và đạo đức môi trường, nếp sống
văn hóa sinh thái trong toàn đội ngũ cán bộ, công nhân viên, đoàn viên thanh
niên và mọi người dân thành phố. Có chính sách khen thưởng cụ thể đối với người
thực hiện tốt các quy định bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, vệ sinh môi
trường xanh - sạch - đẹp và xử phạt nghiêm khắc đối với người vi phạm nguyên tắc
bảo vệ môi trường và tích cực nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về bảo
vệ môi trường tại địa phương, đơn vị. </font></p>
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2">QUỐC TUẤN - THẢO</font></b></p>
</body>
</html>