<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Kịch diễn đàn về pháp luật</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Kịch diễn đàn
về pháp luật</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Kịch diễn đàn về pháp luật được
dàn dựng theo cách thức kịch diễn đàn (forum theatre) của các hoạt động thanh
niên trên thế giới. Kịch chỉ nêu lên sự kiện và đẩy lên cao trào, sau đó dừng
lại và mời người tham dự (khán giả) lên thay vai và xử lý tình huống theo cách
của họ.</font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Ra đời từ thực tiễn công tác
tuyên truyền pháp luật:</font></b></p>
<div style="float: left; width: 115px; height: 19px">
<table border="0" width="100%" cellspacing="0" cellpadding="0">
<tr>
<td>
<img border="0" src="kich%20dien%20dan.jpg" width="220" height="165"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong những năm qua công tác
tuyên truyền pháp luật luôn được sự quan tâm của các cấp chính quyền tại Thành
phố Hồ Chí Minh nói chung và của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nói riêng. Điều này được
thể hiện rõ nét thông qua các chương trình nhằm nâng cao về đời sống pháp luật
cho người dân, không chỉ là những hoạt động tuyên truyền pháp luật trong các
chiến dịch Mùa hè xanh mà còn là những chương trình thường xuyên vào các ngày
cuối tuần. Sự tham gia tuyên truyền pháp luật của các cơ quan, phối hợp với
nhiều lực lượng cũng ngày càng đa dạng như: các đội hình chuyên của sinh viên
trường Đại học Luật TP. HCM, Đoàn khối dân chính Đảng, Sở Tư pháp,… Sự đa dạng
về lực lượng này cũng kéo theo sự xuất hiện của nhiều mô hình tuyền truyền pháp
luật được áp dụng như: “tòa tập sự”, “Tư vấn trực tiếp”, hội thi tìm hiểu pháp
luật,… đã góp phần thu hút sự tham gia của người dân vào các hoạt động. </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tuy nhiên, thực tiễn công tác
tuyên truyền pháp luật đòi hỏi cần phải có nhiều hơn nữa các mô hình, giải pháp
mới nhằm thu hút sự tham gia theo dõi của người dân đối với lĩnh vực pháp luật
vốn được coi là “khô khan”, và cũng để góp phần bổ trợ thêm cho các mô hình đã
có. Xuất phát từ nhu cầu đó, và thực tiễn hoạt động, Trung tâm Ứng dụng và phổ
biến pháp luật trường Đại học Luật (nay là Trung tâm Tư vấn pháp luật) đã nghiên
cứu và thực hiện có hiệu quả mô hình tuyên truyền pháp luật thông qua hình thức
“Kịch diễn đàn về pháp luật”.</font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Cách thức để xây dựng và tổ
chức thực hiện tuyên truyền pháp luật thông qua “Kịch diễn đàn”:</font></b></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">- Chuẩn bị các cơ sở</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Thực chất đây là những công tác
xây dựng các nền tảng cần thiết cho kịch diễn, các cơ sở này gồm có: kịch bản,
diễn viên, đạo cụ, tập luyện, giải đáp,… Kịch bản là cái cần xây dựng từ đầu
theo mục đích là tuyên truyền về nội dung gì? về pháp luật gì? Tuyên truyền cho
đối tượng nào?,… Xác định được những yếu tố trên sẽ giúp cho người xây dựng kịch
bản sẽ xác thực với đối tượng và ngữ cảnh hơn. Việc xây dựng kịch bản phải đảm
bảo được nguyên tắc khái quát được nội dung vấn đề, xây dựng vấn đề đến cao trào
mà cái kết là “mở” dành cho mọi người. Việc lựa chọn diễn viên, phân vai, tập
luyện được thực hiện trên cơ sở số lượng nhân vật trong kịch bản mà lựa chọn các
diễn viên phù hợp và tiến hành tập luyện. Diễn viên phải đảm bảo được những vai
diễn “chốt” khéo léo trong việc xử lý các tình huống trong kịch nhằm tránh
trường hợp người lên thay vai để xử lý vấn đề lại “lái” nội dung theo một chiều
hướng mới làm “chệch” đi mục đích tuyên truyền. Bên cạnh đó còn cần chuẩn bị về
nội dung sẽ giải đáp trên cơ sở tổng kết lại các phương án của những người thay
vai, đồng thời việc chuẩn bị những đạo cụ cũng không thể thiếu như mâm cơm, ghế
đẩu, tivi,… các yếu tố này sẽ góp phần làm cho vở kịch lôi cuốn, hấp dẫn hơn.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>- Thực hiện Kịch diễn đàn:</b>
Trên cơ sở chuẩn bị kỹ lưỡng về kịch bản, tập luyện nhuần nhuyễn các nội dung,
lời thoại khi thực hiện kịch diễn đàn với công chúng cần phải theo chu trình
sau: </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">+ Sau khi thực hiện các hoạt động
bổ trợ như phiên tòa tập sự hay văn nghệ,… nhằm thu hút sự chú ý của người tham
dự vào sân khấu chính, người dẫn chương trình sẽ giới thiệu sơ nét về bối cảnh
vở kịch và đề nghị mọi người chú ý theo dõi vì mọi người sẽ tham gia vào vở kịch
với tư cách người “xử sự trong tình huống này”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">+ Đến đoạn cao trào, “điểm thắt”
của vở kịch người dẫn chương trình sẽ chủ động mời những nguời tham dự nhiệt
tình lên tham gia vào vai diễn thay thế để minh họa cách cư xử của bản thân mình
trong tình huống kịch đặt ra như thế nào. Giai đoạn này đòi hỏi các vai diễn
“cứng” còn lại phải hết sức khéo léo để người thay vai không bị “hụt” mà chủ
động tham gia với những câu nói hành động dí dỏm sẽ làm cho sân khấu và mọi
người tham dự vui vẻ hơn. </font></p>
<div style="float: right; width: 211px; height: 19px">
<table border="0" width="100%" cellspacing="0" cellpadding="0">
<tr>
<td>
<img border="0" src="kich%20dien%20dan2.jpg" width="220" height="180"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">+ Để có sự so sánh và mang yếu tố
đa dạng nên cho 2 đến 3 người thay vai để có những cách giải quyết tình huống
khác nhau từ đó người chốt chương trình (là người nắm rõ về luật) sẽ lên chốt
lại vấn đề và giới thiệu các quy định của pháp luật điều chỉnh về vấn đề này.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">+ Trong một buổi tuyên truyền
pháp luật nên có ít nhất là 02 kịch diễn đàn (tùy theo thời lượng chương trình
có thể nhiều hơn) để người dự cảm thấy sự háo hức trong việc tham gia giải quyết
và tìm hiểu những lĩnh vực khác nhau. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>- Các hoạt động bổ trợ:</b> Để
cho hoạt động kịch diễn đàn thành công trong mục đích tuyên truyền cần có những
hoạt động bổ trợ nhằm lôi cuốn và tập hợp người tham dự tập trung sự chú ý đến
sân khấu chính để nghe rõ hơn từng chi tiết lời thoại,… Thực tiễn hoạt động của
trung tâm Ứng dụng và phổ biến pháp luật đã áp dụng các hình thức như: diễn các
Phiên tòa tập sự, hay giao lưu các tiết mục văn nghệ,… </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>- Hiệu quả của hình thức kịch
diễn đàn:</b> Cách thức này sẽ hiệu quả hơn những giải pháp thông thường như:
báo cáo chuyên đề, đố vui, lựa chọn đáp án có sẵn… Vì thông qua việc tham gia
kịch diễn đàn, người tham dự sẽ hiểu, nhớ và có thể thực hành theo các quy định
pháp luật trong các tình huống tương tự, đồng thời cũng được hiểu thêm về những
kiến thức sơ đẳng hoặc đã được giải đáp những vấn đề pháp luật chung trước khi
được tư vấn pháp luật trực tiếp với các luật sư, sinh viên. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trước những thành công của mô
hình đã mang những kiến thức pháp luật “khô khan” đến với nhiều đối tượng tiếp
nhận khác nhau. Qua mô hình trên Trung tâm đúc kết ra những bài học kinh nghiệm
như sau:</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">+ Thứ nhất, là sự phối hợp chặt
chẽ giữa các đơn vị phối hợp với nhau trong việc thực hiện chương trình. </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">+ Thứ hai, sự linh hoạt trong
cách thức tổ chức chương trình để thu hút sự tham gia của người tham dự, đặc
biệt là sự mạnh dạn tham gia vào các vai thay thế để giải quyết các tình huống.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">+ Thứ ba, cần phát huy sự tích
cực, nhiệt tình đeo bám trong việc thực hiện chương trình.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b>TRUNG TÂM TƯ VẤN PHÁP LUẬT ĐẠI
HỌC LUẬT TP. HỒ CHÍ MINH</b></font></p>
</body>
</html>