<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Quy hoạch người trẻ</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><font color="#0000FF" face="Arial" size="2"><b>
Quy hoạch người trẻ (Bài 1): Cái nhìn từ người trong cuộc</b></font></p>
<p class="pHead" align="justify"><font face="Arial" size="2">Họ là những người
trong diện đào tạo 300 và 500 thạc sĩ, tiến sĩ (nhánh của chương trình chung về
quy hoạch thanh niên cán bộ dài hạn của Thành ủy TP.HCM). </font></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="center" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=306263" hyperlink border="1" hspace="0"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font color="#808080" face="Arial" size="2">Anh
Trần Tuấn Anh ngày học ở Mỹ theo chương trình 300 tiến sĩ, thạc sĩ
</font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chương trình đài
thọ chi phí cho những người trẻ ra nước ngoài học tập với mục tiêu đạt trình độ
cao, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo kế thừa cho TP. Sau nhiều năm thực hiện chương
trình, những người trong cuộc nói gì?</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify">
<font color="#008000" face="Arial" size="2"><b>Cách làm mới - ý tưởng tốt</b></font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Anh Trần Tuấn Anh,
giám đốc vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao (Khu công nghệ cao TP.HCM), sang Mỹ
học ngành công nghệ thông tin từ năm 2003-2005, nhận định: “Ý tưởng, mục tiêu
của chương trình rất tốt khi thành phố chuẩn bị nguồn cán bộ kế cận, có năng lực
bằng cách gửi đi đào tạo”. Việc tuyển chọn người cho chương trình tiến hành rất
sát sao với các tiêu chuẩn liên quan đến điểm tốt nghiệp đại học, trình độ tiếng
Anh, đang làm việc cho cơ quan nhà nước, phỏng vấn trực tiếp… </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Anh Nguyễn Anh Đức,
giám đốc kế hoạch đầu tư, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op,
được chương trình cử và đài thọ đi học ở Úc ngành quản trị kinh doanh), cho rằng
cách làm này loại bỏ việc ngồi “chờ thời” để có người giỏi mà là có bước đi, có
quy trình. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhưng với ý tưởng
và cái nhìn thoáng đó, quy trình quy hoạch nói trên đã bị chựng lại sau khi số
học viên trở về từ nước ngoài. </font></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="center" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table2">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=306264" hyperlink border="1" hspace="0"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font color="#808080" face="Arial" size="2">Bà
Nguyễn Thị Lan - phó Ban tổ chức Thành ủy TP.HCM - trao giấy khen cho
Câu lạc bộ Cán bộ trẻ năm 2008, nơi quy tụ những bạn thuộc diện quy
hoạch cán bộ dài hạn</font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pInterTitle" align="justify">
<font color="#008000" face="Arial" size="2"><b>Có đi ngược với “bản năng khoa
học”?</b></font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tại buổi đối thoại
“Nói và làm” do Hội đồng nhân dân TP.HCM tổ chức mới đây, nhiều nhà khoa học đã
đề cập đến việc chương trình này gây ức chế cho người tài khi quy định học xong
phải làm việc theo sự phân công. Họ cho rằng điều này đi ngược với bản năng khoa
học của các nhà khoa học. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Theo nhiều người,
những ràng buộc của chương trình khiến họ thấy bị “cùm chân”. Điển hình là việc
sau khi học xong được nước sở tại cho phép ở lại thêm một thời gian để thực tập,
tiếp xúc thực tế như vậy có ích hơn rất nhiều với việc học trong nhà trường,
trước khi trở về nước làm việc. Tuy nhiên, chương trình không chấp nhận chuyện
này.</font></p>
<table style="border-collapse: separate" bordercolordark="#456ae1" bordercolorlight="#4792d9" align="right" border="0" bordercolor="#ecf2fe" cellpadding="5" cellspacing="5" width="200" id="table3">
<tr>
<td bgcolor="#cfe6f9" valign="center">
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">Kết thúc giai đoạn 1 của
chương trình 300 thạc sĩ, tiến sĩ năm 2007, Thành ủy TP.HCM đã thống kê
trong năm năm ngân sách chi cho 256 học viên đi đào tạo nước ngoài là
115 tỉ đồng. </font></p>
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">Các ngành đào tạo gồm: công
nghệ thông tin, quản trị nhân sự, quản lý dự án, thương mại quốc tế,
quản trị kinh doanh… Con số thống kê đến năm 2007 cũng cho thấy đã có
160 người tốt nghiệp được phân công về làm việc trong các quận, huyện,
sở ban ngành, các công ty thuộc UBND TP...</font></td>
</tr>
</table>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Con đường mà thạc
sĩ N.T.H.C., học ngành thương mại marketing ở hai nước, lại khá ngoằn ngoèo. Đầu
tiên chị được phân công làm việc ở một công ty in. Mặc dù nơi làm việc rất xa
nhà nhưng chị vẫn mong muốn được làm việc, song mức lương 1,2 triệu đồng không
đáp ứng nhu cầu cuộc sống về lâu dài. C. phản ảnh với ban tổ chức và được sắp
xếp công việc thứ hai. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Một cán bộ đã trao
đổi với C.: “Vị trí marketing, thương mại, chúng tôi không có nhu cầu”. C. lại
được chỉ sang một nơi khác. Cũng tương tự lần trước, phúc đáp của nơi này:
“Chúng tôi không thiếu người”. C. thấy đã đến lúc mình cần gỡ cho chính mình.
Chị đền lại cho chương trình số tiền trên 20.000 USD. “Cực chẳng đã mới làm vậy,
vì mình cũng mong muốn làm việc trong cơ quan nhà nước. Ngoài số tiền không nhỏ
phải trả, cái quan trọng mình tiếc là việc lãng phí thời gian” - C. nhận xét.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chị M. cũng đành
trả lại chi phí sau khi được phân công về làm chân… đánh máy trong một sở. Nhiều
người khác cho biết công việc được phân công dành cho nhiều người không nhất
thiết phải đào tạo chuyên sâu (thạc sĩ, tiến sĩ) mới làm được. Có những việc như
soạn thảo văn bản, đánh máy, quản lý phần mềm tin học… chỉ cần trình độ trung
cấp là có thể đảm nhiệm. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Môi trường làm việc
cũng là yếu tố quan trọng khác. Chị Tr. sau khi được phân công về làm trợ lý ban
giám đốc, suốt thời gian dài những đề xuất để quy trình làm việc được trơn tru
không hề được để mắt đến. Dần dần nhiệt huyết của chị nhường chỗ cho “sức ì”.
Chị đành rời khỏi chương trình trước thời hạn, hiện đang làm việc sung sức ở một
công ty do chị tự tìm được với vị trí và mức lương tốt.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Được đào tạo chuyên
sâu về sản xuất phần mềm, từ khi về nước đến nay Trần Tuấn Anh không hề ứng dụng,
bởi công việc nằm ngoài lĩnh vực. Tuấn Anh đề xuất: cần có những linh hoạt với
công chức nhà nước, chẳng hạn vẫn đảm nhiệm nhiệm vụ ở đơn vị, nhưng được tự do
làm việc theo ngành học thông qua các công việc riêng mà bản thân họ nhận thấy
mình có thể đảm đương. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Đông đảo người
trong cuộc đề nghị việc khảo sát cung - cầu của chương trình với các cơ quan nhà
nước và các vị trí làm việc phải được tiến hành đồng bộ, bài bản, hợp lý, đúng
việc, đúng người mới mong làm một nhịp cầu tốt cho thị trường nhân lực đang rất
cạnh tranh hiện nay.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>