<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Công trình khoa học</title>
</head>
<body>
<p class="title" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Công trình khoa học “made in” sinh viên</font></b></p>
<span class="subcontent">
<div align="right">
<table style="background-color: rgb(255, 255, 255)" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="170" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.nld.com.vn/img/4565/11-CHOT.jpg" border="1"></font></td>
</tr>
<tr>
<td class="commentimg">
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">
Phạm Phú Hiếu (trái) đang cùng các bạn chỉnh sửa lại robot tại xưởng
chế tạo của Trường ĐH Bách khoa TPHCM</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Không chỉ học giỏi, sinh viên
ngày nay còn biết áp dụng những điều đã học vào thực tế, đem lại lợi ích cho
cộng đồng</font></span></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">“Học mà không nghiên cứu khoa học
sẽ không có kinh nghiệm thực tế quý báu để ứng dụng vào cuộc sống” - sinh viên
Hồ Tấn Cường, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, đã nhìn nhận như vậy. Đây cũng là nhận
định chung của thế hệ sinh viên ngày nay trong việc học ĐH, hứa hẹn về một lớp
nhà nghiên cứu mới năng động, thực tế. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Nhà chế
tạo robot </strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong cuộc thi robot “Đường đua
trẻ” 2008 của Thành đoàn TPHCM tổ chức tháng 12-2008 vừa qua, đội BKCTM1 do Phạm
Phú Hiếu, Khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa TPHCM, làm đội trưởng đã xuất sắc vượt
qua 26 đội để đoạt giải nhất. “Mệt mỏi tan biến hết dù trước đó là một đêm thức
trắng để ráo riết chuẩn bị cho cuộc thi” - Hiếu hân hoan kể lại. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Niềm say mê chế tạo robot không
dừng lại ở đó. Hiếu và các bạn cùng nhóm đang quyết tâm chuẩn bị cho kỳ thi
Robocon tổ chức ở Huế vào giữa năm 2009. Khi được hỏi chế tạo robot khá tốn kém,
Hiếu tươi cười khoe: “Mỗi robot tốn khoảng 2 triệu đồng. Là sinh viên không có
nhiều tiền nên nhóm kết hợp với một số nơi tổ chức sự kiện thầu phần thiết kế
điện và cơ khí, kiếm tiền “nuôi” niềm say mê robot”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hiếu mong muốn thành lập các diễn
đàn phổ biến kiến thức, trao đổi kinh nghiệm cho các sinh viên say mê chế tạo
robot, mua bán các mô hình về robot... Hiếu cũng sẽ bắt tay vào chế tạo một
robot biết mang nước uống, đồ ăn, dọn dẹp vệ sinh... phục vụ cho gia đình, tiến
tới thương mại hóa sản phẩm phục vụ công chúng. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Chuyển
giao công nghệ khi vừa hoàn thành </strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Với đề tài “Nghiên cứu và xây
dựng từ điển trên G-phone”, nhóm nghiên cứu của Đoàn Chánh Thức, Trường ĐH Khoa
học Tự nhiên – ĐH Quốc gia TPHCM, đã đoạt giải nhất Euréka năm 2008. Ngay tại lễ
trao giải, công trình được chuyển giao cho Bưu điện TPHCM để đưa vào ứng dụng.
G-phone là điện thoại thời thượng dùng hệ điều hành Android - một hệ điều hành
còn mới toanh, ít người biết đến. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhưng nhận thấy đây là sản phẩm
có nhiều tính năng độc đáo, thông minh và sẽ được ưa chuộng trong tương lai,
Thức đã chấp nhận thử thách lao vào tìm hiểu. Ngoài dữ liệu phong phú, tra từ
nhanh và chính xác... làm hài lòng người sử dụng, ứng dụng còn hỗ trợ phát âm
cho tiếng Việt và tiếng Anh. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">“Hệ điều hành này quá mới nên tài
liệu ở VN chưa có, những người hiểu về vấn đề này ở VN cũng rất hiếm nên em phải
tự mò mẫm trên internet, trao đổi trên các diễn đàn nước ngoài, thông tin đã ít
mà lại không đáng tin cậy nên nhiều khi thấy “đuối” ghê lắm” - Thức kể. Có những
buổi Thức ngồi miệt mài trên máy tính quên cả ăn uống, nghỉ ngơi. Có những phần
phải thử đi thử lại không biết bao nhiêu lần, nhưng cuối cùng Thức cũng thành
công. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Nuôi
nhộng ruồi xử lý rác thải </strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhộng ruồi có khả năng xử lý chất
thải, làm giảm thể tích rác thải từ chế biến thủy sản và nông nghiệp. Những con
ruồi sau khi xử lý chất thải lại có hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể đem sấy khô
làm thức ăn cho gia súc và thủy sản. Đó là kết quả nghiên cứu từ đề tài “Tận
dụng phụ phẩm trong chế biến thủy sản để nuôi nhộng ruồi” của Hồ Tấn Cường cùng
các sinh viên Khoa Thủy sản Trường ĐH Nông Lâm TPHCM. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cường đã cùng các bạn lân la tới
các nhà máy, xí nghiệp chế biến thủy sản để mua ruột, da, xương cá, vỏ thơm, vỏ
trái cây đem về nuôi nhộng ruồi. Sau 3 đợt nuôi thử nghiệm trên các môi trường
khác nhau với các thành phần nội tạng mực, ruột cá, vỏ thơm, phế phẩm khoai
tây... nhóm đã thu được kết quả khả quan, được các thầy cô đánh giá có tính ứng
dụng cao. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Những ngày đầu nuôi nhộng bị chết
nhiều khiến cả nhóm muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, cả nhóm đã quyết tâm dù khó nhưng
cũng phải làm cho được vì học phải có nghiên cứu để ứng dụng vào cuộc sống.
Cường mong muốn đề tài của mình được ứng dụng rộng rãi, góp phần giải quyết tình
trạng ô nhiễm ở các nhà máy, xí nghiệp chế biến thủy sản. </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo NLĐO</i></b></font></p>
</body>
</html>