<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Làm giàu trên đất nghèo</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#FF0000"><b>Làm giàu trên đất nghèo</b></font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Trong ký ức nhiều người Huế, Bình Điền (huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên -
Huế) là vùng đất “kinh tế mới” cằn khô sỏi đá, có ăn cũng đã khó huống chi làm
giàu. Vậy mà có một người trẻ bắt đất nghèo giàu lên.</font></p>
<table style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table5">
<tr>
<td>
<img border="0" src="untitled.JPG" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p class="tLegend" align="center">
<font face="Arial" size="2" color="#456AE1">Nguyễn Anh Tuấn bên tác phẩm
mỹ nghệ anh tận dụng những gốc cây rừng </font></td>
</tr>
</table>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Trước mặt tôi là một thanh niên trông vẻ ngoài bụi bặm với
chiếc áo thun cũ sờn, bộ râu quai nón thật ấn tượng. Đó là Nguyễn Anh Tuấn, 35
tuổi. Trong ngôi nhà khang trang hai tầng của Tuấn ở thôn Bình Lợi, khách dễ bị
mê hoặc bởi đồ mỹ nghệ gia dụng do chính anh thiết kế.
</font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Cũng như nhiều gia đình khác đi “kinh tế mới” từ TP Huế lên
Bình Điền, gia đình Tuấn có mặt ở đấy từ năm 1976. Bốn tuổi, Tuấn đã lẽo đẽo
theo chân gia đình đến vùng đất ở bìa rừng và cũng là nơi xa khu vực trung tâm
nhất. </font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Tuổi thơ của Tuấn đã trải qua bao nỗi nhọc nhằn với những đoạn
đường lầy lội, đá nhiều hơn đất, và cả nỗi kinh hãi đêm đêm tiếng thú rừng vọng
lại hay khi đối mặt với chúng. Tuấn trầy trật học phổ thông cơ sở tại Bình Điền,
rồi về phố học tại Trường THPT Quốc học Huế.
</font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Nhưng ngang lớp 11, gặp lúc gia đình khó khăn về kinh tế, Tuấn
chia tay trường lớp để lao vào mưu sinh. Hết sản xuất bia hơi rồi lại đi buôn.
Anh nhớ lại: “Mình buôn không vốn liếng nên chỉ mấy thứ mây tre, lá nón...
</font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Thời ấy bán buôn mà cứ thấp thỏm, đầu óc luôn toan tính chuyện
đối phó”. Năm 2003, Tuấn chính thức chiêu mộ thợ để lập xưởng mộc.
</font> </p>
<table style="border-collapse: separate" borderColor="#ecf2fe" height="100" cellSpacing="5" borderColorDark="#456ae1" cellPadding="4" width="220" align="right" borderColorLight="#4792d9" id="table4">
<tr>
<td vAlign="center" bgColor="#cfe6f9">
<p class="pBody"><font color="#030303" face="Arial" size="2">Tại Liên hoan thanh niên nông
thôn sản xuất - kinh doanh giỏi toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế mới đây do
Tỉnh đoàn tổ chức, lần đầu tiên đất Bình Điền có một đại diện được tuyên
dương là Nguyễn Anh Tuấn. </font></p>
<p class="pBody"><font color="#030303" face="Arial" size="2">“Nhờ phần nộp thuế khá lớn của
Tuấn mà ngành thuế địa phương đã hoàn thành nghĩa vụ thuế. Nhưng điều
quan trọng khác là Tuấn đã giúp xã nhà tạo việc làm thường xuyên cho
hàng chục người với thu nhập khá ổn định” - ông Lâm Thông, bí thư Đảng
ủy xã Bình Điền, nhận xét. </font></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Ở vùng đất nghèo mà lương thợ thầy Tuấn trả đến 2 triệu đồng/người/tháng; thấp
nhất cũng 1,3 triệu đồng. Ngoài những người thợ ở Bình Điền, Tuấn còn chiêu mộ
thợ từ những làng nghề mộc nổi tiếng ở xã Hương Hồ (huyện Hương Trà), rời đồng
bằng để lên rừng với anh. </font></P>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Lê Văn Đông, 26 tuổi, một thợ trẻ từ thôn Long Hồ Thượng, xã
Hương Hồ, lên đầu quân cho Tuấn gần hai năm nay, tâm sự: “Trước khi lên làm với
anh Tuấn tui chỉ làm thợ phụ, thu nhập lại bấp bênh nên cũng nản. Anh Tuấn lại
rất tình nghĩa. Tiếng là chủ xưởng nhưng anh xem thợ như anh em...”.
</font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Ngôi nhà của Tuấn cũng chính là mái ấm của thợ thầy đến từ khắp
mọi nơi. Tuấn thường quan tâm đến nhu cầu sinh hoạt của từng người, ngay cả việc
ứng tiền cho thợ mua xe máy để có điều kiện về thăm nhà...
</font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Những điều này đã khiến “người đi thì không mà người đến ngày
một đông, ở vùng đất ni không nơi mô thợ về đầu quân nhiều như rứa” - bí thư Xã
đoàn Bình Điền Nguyễn Trung Kiên thổ lộ.
</font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Những gì mang lại từ nghề mộc mỹ nghệ, mộc xây dựng và mộc gia
dụng đang hút hàng đều do chính tay Tuấn có được từ những vạt rừng trồng với
47ha, trong đó gần 10ha rừng 3 - 5 tuổi. </font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Tuấn cũng đang xuống giống 7ha trồng thử nghiệm các loài quí
như gió (lấy trầm), xà cừ, kiền... Điều đáng nói là hơn 10ha trong số diện tích
rừng hiện có vốn là của một đơn vị nhà nước nhưng trồng kém hiệu quả, để hoang
hóa được Tuấn hợp đồng tận dụng sử dụng.
</font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Một phần diện tích khác là đất của bạn bè khai hoang, Tuấn đầu
tư tiền, cây giống trồng. Ngoài ra, Tuấn đã giúp bạn đồng lứa xã nhà trồng rừng
mỗi người từ 2 - 5ha. Nhưng tôi còn trố mắt khi Tuấn cho biết anh hiện có 20 con
trâu (mỗi con khoảng 4-5 triệu đồng), chiếm 1/10 số trâu toàn xã.
</font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Bí thư Xã đoàn Bình Điền nhẩm tính: “Chỉ trong vòng năm năm tới
đến khi rừng khai thác, cứ mỗi hecta cho thu bình quân 40 triệu đồng, cứ thế
nhân lên thì Tuấn có cả bạc tỉ, hàng trăm công lao động địa phương sẽ được sử
dụng...”. </font> </p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Tuấn đang có dự tính năm nay lên công ty - công ty đầu tiên của
vùng đất này. </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b>Theo Tuổi Trẻ</b></font></p>
<p> </p>
</body>
</html>