<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch lần</title>
</head>
<body>
<p class="pSuperTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Giải
thưởng Phạm Ngọc Thạch lần 1-2009:</font></b></p>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Thầm lặng những trái tim “áo trắng”</font></b></p>
<p class="pHead" align="justify"><font face="Arial" size="2">“Giàu y đức, giỏi
chuyên môn, dấn thân vì cộng đồng” trở thành nét chung của những thầy thuốc trẻ
được trao giải thưởng Phạm Ngọc Thạch lần đầu tiên của Thành đoàn TP.HCM…</font></p>
<table style="border-collapse: separate" width="40" align="center" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=318217" hyperlink border="1" hspace="0"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p class="tLegend" align="center"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Niềm vui chăm sóc sức khỏe
các bé sinh non của TS.BS Vũ Tề Đăng tại khoa sơ sinh (Bệnh viện Từ Dũ)</font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Tự tin
cống hiến </font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Sáu năm ĐH, chưa
thua cuộc trước những môn dân y nhưng lại rớt đến hai lần môn nhi khoa. Tự ái,
anh tìm cách chứng minh và rời trường với luận văn tốt nghiệp về nhi khoa bằng
tiếng Pháp. Năm năm sau ngày ra trường có một bác sĩ trẻ (29 tuổi) đầu quân về
Bệnh viện Từ Dũ với học vị tiến sĩ y khoa của Pháp, nghiên cứu về sự trưởng
thành của não trẻ em, đó là TS.BS Vũ Tề Đăng, hiện công tác tại khoa sơ sinh.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ba năm đi về giữa
VN và Pháp, thu thập mẫu cho luận án tiến sĩ, BS Đăng còn kịp công bố thêm cho
mình một nghiên cứu khác. So sánh giữa việc nuôi trẻ trong lồng kính với phương
pháp kangaroo (mẹ “ấp” bé sinh non) của anh đi đến kết luận bé sẽ phát triển tốt
hơn với phương pháp kangaroo. Phương pháp này đang được áp dụng rộng rãi tại các
bệnh viện tuyến tỉnh.</font></p>
<table style="border-collapse: separate" bordercolordark="#456ae1" bordercolorlight="#4792d9" width="200" align="right" border="0" bordercolor="#ecf2fe" cellpadding="5" cellspacing="5" id="table2">
<tr>
<td valign="center" bgcolor="#cfe6f9">
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">Nhiều bà con huyện Cần Giờ
(TP.HCM) nói về đồn biên phòng 562 với một tình cảm thật sự. Không chỉ
với những lần sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, giúp dân chằng nhà chuẩn
bị đón bão, khắc phục hậu quả khi bão đi qua, mà đó còn là điểm đến của
nhiều bà con nghèo mỗi lần có bệnh. </font></p>
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">Quân y Nguyễn Chí Công bộc
bạch: “Bà con mình nghèo nhưng tình cảm lắm, hết bệnh lại mang quà đến
cảm ơn nhưng không nhận được. Không phải vì quy định mà bà con khó khăn
quá, nhận sao đành. Những lúc vậy phải từ chối khéo nếu không bà con
nghĩ mình chê, lại buồn”. </font></td>
</tr>
</table>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Khu cấp phát thuốc
bảo hiểm y tế (Bệnh viện Chợ Rẫy) tấp nập người chờ đợi, chen lấn, tắc cả lối đi
thang máy chuyển bệnh nhân. Vì vậy ý tưởng cải tiến quy trình của dược sĩ Nguyễn
Thị Phương Thảo và tập thể, chuyển nơi cấp thuốc sang chỗ rộng rãi hơn đã rất
được ủng hộ. Người bệnh nộp toa, lấy số tự động và chờ chừng 15 phút đã có
thuốc. Mỗi dược sĩ sẽ phụ trách từng nhóm tên thuốc theo thứ tự abc, toa thuốc
được “đi” theo vòng khép kín thay cho cảnh dược sĩ cầm toa thuốc chạy lòng vòng.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">“Quy trình mới
không chỉ giải quyết nhanh gọn mà còn mang đến sự yên tâm hơn cho bệnh nhân”,
Thảo chia sẻ. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Riêng với Nguyễn
Chí Công, bốn năm làm quân y tại đồn biên phòng 562 (Cần Giờ, TP.HCM), niềm vui
của Công là đồng đội đều khỏe mạnh. Để có kết quả ấy, Công cẩn thận kiểm tra
thực phẩm khi chưa chế biến, lưu mẫu các món ăn trong từng bữa đề phòng khi có
sự cố ngộ độc thực phẩm. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Những tháng ngày
“gác cổng” giữ sức khỏe cho mọi người, anh vẫn nhớ hoài câu chuyện một đồng đội
đau ruột thừa nhưng cứ nghĩ đau bụng bình thường. Mãi đến khi không chịu được
mới tìm đến quân y. Ngay trong đêm, anh chuyển đồng đội đến viện mà chỉ chậm
chút nữa thôi biết đâu đã không cứu được. </font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">“Chỉ được
thêm chứ chẳng mất gì”</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Bệnh viện Từ Dũ giờ
đã là ngôi nhà thứ hai của bác sĩ Đăng. Làm ở khoa sơ sinh, bao lần người bác sĩ
trẻ ấy cắn răng nén xúc động khi tiễn một hài nhi ra đi trong sự bất lực của y
học. Anh tâm sự: “Nhiều lúc cả bàn tay cháu bé cứ nắm lấy ngón tay mình như muốn
nói chú hãy cứu cháu đi nhưng mình chẳng còn cách nào để cứu bé”. Hiện tại 50%
trẻ sơ sinh cực non (dưới 1kg) đều tử vong với nhiều lý do mà nguyên nhân chính
do suy hô hấp. Anh đang nghiên cứu xem có hay không những trẻ sinh cực non tử
vong vì xuất huyết não, yếu tố nguy cơ nào dẫn đến tình trạng này.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Là bí thư chi đoàn
khu B với ba khoa, anh đã lập nhóm “Những người bạn” để hướng dẫn, tìm thông tin
nhanh nhất về một bé trong số hàng trăm trẻ có mặt cùng lúc cho người thân khi
thăm bệnh. Bác sĩ Đăng, một trong hai tiến sĩ bác sĩ của khoa, còn được nhắc đến
là một người của những chuyến đi tình nguyện. Bận rộn và căng thẳng với công
việc, chúng tôi vẫn gặp anh trong những chuyến đi khám bệnh cho bà con nghèo, từ
đồng bằng tới vùng núi mà “chỉ có được thêm chứ chẳng mất gì” như anh nói.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Đang ổn định công
việc tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), y sĩ Nguyễn Văn Tuyến lại
bỏ hết, khoác balô tìm đến bệnh nhân là học viên cai nghiện tại Trung tâm chữa
bệnh Đức Hạnh (Bình Phước). Vượt qua nỗi sợ căn bệnh thế kỷ nhiều học viên cai
nghiện mang trong người, Tuyến tâm niệm: “Đã là người bệnh ai cũng cần được chăm
sóc, mình lại học chuyên về chăm sóc bệnh nhân sao không đến với họ”. </font>
</p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>