<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Chàng bác sỹ mê tình nguyện vùng</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Chàng bác sỹ mê
tình nguyện vùng sâu</font></b></p>
<p><font face="Arial" size="2"><span style="font-weight: bold">Trong 22 gương
mặt được tuyên dương thầy thuốc trẻ tiêu biểu, Phan Minh Hoàng, bác sỹ Bệnh viện
An Sinh là người trẻ nhất, 27 tuổi. Anh chàng mê làm tình nguyện, khám chữa bệnh
cho người nghèo vùng sâu vùng xa từ khi còn ngồi trên giảng đường. </span></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Tình
nguyện để trưởng thành</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Khi còn là sinh viên (sv) Trường
ĐH Y dược TP.HCM, Hoàng đã tham gia chiến dịch mùa hè xanh đi khám bệnh miễn
phí. Từ cuối năm thứ 5, đầu năm 6, Hoàng làm đội phó đội CTXH tTường ĐH Y dược,
dẫn quân xuống vùng sâu vùng xa khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">“Đi để trải nghiệm, khám chữa
bệnh cho bà con, vừa nâng cao trình độ chuyên môn, vừa cảm nhận được tình cảm
của người dân dành cho các thầy thuốc đến từ TP. HCM” - Hoàng nói. “Khi còn là
SV, vì mình chưa có kinh nghiệm nên chỉ đo huyết áp, bắt mạch rồi nghe cách các
bác sỹ, các thầy hỏi bệnh nhân để rút kinh nghiệm.” </font></p>
<table class="image center" fck_template="imagecontener" width="400" align="center" cellpadding="3" cellspacing="0" id="table1">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img alt="" src="http://images.vietnamnet.vn/dataimages/200902/original/images1727270_SDC10434%201.jpg" width="400" border="2" height="317"></font></td>
</tr>
<tr style="color: rgb(0, 0, 0)">
<td class="image_desc" align="middle"><i>
<font size="2" face="Arial" color="#808080">Bác sỹ Hoàng đang khám bệnh
cho bệnh nhân</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Những người ở vùng sâu, không
phải ai cũng có cơ hội được bác sỹ khám bệnh. Đến khi bệnh nặng họ mới tìm đến
bác sỹ thì đã muộn. “Công sức mình bỏ ra không đáng kể nhưng thấy bệnh nhân vui
vẻ, an tâm nên ai cũng mừng” - Hoàng bộc bạch. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Khám chữa bệnh cho người nghèo
không chỉ để nâng cao trình độ, mà còn phải dùng trình độ mình học được để giúp
họ. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">“Nhà mình ở Sài Gòn, gia đình
không khó khăn nhưng những ngày là sinh viên, cùng ăn cùng ngủ với bạn bè nên
cảm nhận được sự thiếu thốn của sinh viên, người nghèo” - Hoàng tâm sự. “Ba mẹ,
cậu, dì đều theo ngành y nên từ nhỏ nhiệt huyết ngành y đã ngấm vào người lúc
nào… Chính những đợt đi về vùng sâu giúp mình ngày càng chững chạc hơn, có những
nhận định đúng hơn về cuộc sống. Đằng trước có thể là cuộc sống phồn hoa nhưng
phía sau mình bao mảnh đời bất hạnh cần được giúp đỡ…” </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>“Những
mảnh đời làm tôi nhớ”</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ấn tượng nhất là lần xuống Bến
Tre, lúc đó cả đoàn hẹn người dân khoảng 7h rưỡi, 8h sáng, đoàn từ thành phố
khởi hành lúc 5h sáng. Tới nơi trước giờ hẹn nhưng người dân đã đứng chờ từ bao
giờ, nghe cán bộ xã nói “người dân ngủ không được vì nghe đoàn bác sỹ trên thành
phố xuống khám bệnh. Họ nghĩ đơn giản là xếp hàng trước được khám trước nên rủ
nhau đi từ sớm tinh mơ… xếp hàng” - Hoàng kể. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Lúc khám cho một bà cụ 86 tuổi, ở
một mình. Cụ có con cái nhưng cuộc sống quá khó khăn khiến con cụ không có thời
gian chăm sóc. Bà cụ bị suy tim, cao huyết áp, đau khớp… “Nghe cụ hỏi “có thuốc
gì uống giúp cụ sống được 2-3 tháng nữa không?” làm tôi bất ngờ. Cụ sợ chết!” -
Hoàng nhớ lại.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">“Cụ bà nói không dám ngủ vì sợ
ngủ rồi sáng mai không dậy được. Dù con cháu không chăm sóc nhưng sáng nào cụ
cũng qua chơi với các cháu, sợ ngủ rồi không tỉnh lại để nhìn thấy các cháu
nữa…”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Mỗi lần khám bệnh cho người
nghèo, Hoàng cảm nhận được không chỉ có tình cảm của những người trong gia đình
dành cho nhau mà còn thấy mình được quan tâm. “Nãy giờ cháu khám nhiều có mệt
lắm không?” - bà cụ hỏi Hoàng.</font></p>
<table class="image center" fck_template="imagecontener" width="400" align="center" cellpadding="3" cellspacing="0" id="table2">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img alt="" src="http://images.vietnamnet.vn/dataimages/200902/original/images1727274_SDC10443%202.jpg" width="400" border="2" height="300"></font></td>
</tr>
<tr style="color: rgb(0, 0, 0)">
<td class="image_desc" align="middle"><i>
<font size="2" face="Arial" color="#808080">Mỗi lần đi tình nguyện là
một lần trải nghiệm, học thêm nhiều điều trong cuộc sống</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hoàng cùng đoàn bác sỹ đi khám
bệnh cho người dân ở Lào 2 lần, lần đầu năm 2006 lúc mới ra trường, khám cho
4.000 người dân ở tỉnh Attapu và Champasak.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tuy có đội ngũ phiên dịch là Việt
kiều, sinh viên Lào học tập tại Việt Nam nhưng nhiều thuật ngữ y học không thể
truyền tải tới bệnh nhân là điều khó khăn nhất. “Nhiều bệnh nhân khi thấy máy
siêu âm liền hỏi “sao ông bác sỹ cứ đưa cái cục gì xoay qua xoay lại trên bụng
tôi vậy?” làm ai cũng cười” - Hoàng nhớ lại.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhớ nhất trường hợp một chị bị
thai ngoài tử cung, rất nguy hiểm phải mổ gấp. Bệnh nhân cần chuyển lên tuyến
bệnh viện tỉnh để phẫu thuật nhưng lại không có tiền. Hoàng cùng bác sỹ Trần Văn
Khanh, Bí thư đoàn trường ĐH Y dược gom hết tiền trong túi được khoảng 5 triệu
đồng tiền Việt để giúp bệnh nhân phẫu thuật. Sau đó, trong đoàn của Hoàng có một
chị bác sỹ sản bên nội trú đi theo hỗ trợ cấp cứu. Hai tuần sau chị bệnh nhân
qua cơn nguy kịch và khỏe lại.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">“Mình cảm thấy bản thân chưa dùng
hết sức, còn muốn làm nhiều việc nhưng chưa thực hiện được. Đi khám bệnh ở vùng
sâu vùng xa thấy được hoàn cảnh của người dân, để nhìn lại mình và làm một bác
sỹ tốt hơn” - Hoàng nói.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hoàng luôn tâm niệm, bệnh nhân
khi có bệnh họ luôn lo lắng, u sầu vì bệnh tật của mình. Khi họ tìm tới bác sỹ,
họ gặp mình mình nói chuyện làm sao để khi họ ra về họ mỉm cười… Bác sỹ không
chỉ khám bệnh, cho thuốc mà còn phải trở thành người bạn của bệnh nhân.<br>
</font></p>
<table class="quote center" width="400" align="center" id="table3">
<tr>
<td bgcolor="#CCEEFF">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Phan Minh Hoàng sinh năm
1982, hiện là bác sỹ, Bí thư chi đoàn Bệnh viện An Sinh, Phó Chủ tịch
Hội thầy thuốc trẻ TP.HCM. Thành tích, thực hiện khám chữa bệnh, tổ chức
đêm văn nghệ phục vụ cho nhân dân tại vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa
các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang; thực hiện vận động tài trợ chiến
dịch “Kỳ nghỉ hồng”, khám bệnh tại 2 tỉnh Attapu và Champasak của Lào.
Bằng khen của UBND tỉnh Kiên Giang, UBND tỉnh Bến Tre, UBND tỉnh Trà
Vinh về công tác khám chữa bệnh cho nhân dân năm 2008… Năm 2007, Hoàng
là 1 trong 50 bác sỹ trẻ tiêu biểu của Hội thầy thuốc trẻ TP.HCM.</font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"> </p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo Vietnamnet</i></b></font></p>
</body>
</html>