<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Những ngày kỷ niệm tháng 3</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Những ngày kỷ
niệm tháng 3</font></b></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3)</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngày Quốc tế Phụ nữ là thành quả
đấu tranh lâu dài và lặng lẽ của hàng triệu phụ nữ trên thế giới, bắt đầu từ
phong trào đấu tranh đòi quyền sống của nữ công nhân Mỹ, mở đầu là cuộc đấu
tranh của nữ công nhân ngành dệt may tại hai thành phố Chicago và New-York (của
nước Mỹ) ngày 8/3/1899 đòi tăng lương, giảm giờ làm. Mặc dù bị thẳng tay đàn áp,
bắt bớ, đuổi ra khỏi nhà máy nhưng chị em vẫn đoàn kết, bền bỉ đấu tranh, buộc
bọn chủ tư sản phải nhượng bộ. Thắng lợi đó đã cổ vũ tinh thần đấu tranh của phụ
nữ lao động Mỹ. Ðến tháng 2/1909, lần đầu tiên phụ nữ khắp nơi trên nước Mỹ đã
tổ chức “Ngày phụ nữ” mít tinh, biểu tình rầm rộ đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ.
Những cuộc đấu tranh đầu tiên đó của nữ công nhân Mỹ đã có tiếng vang lớn, là
nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của phụ nữ lao động trên khắp toàn
cầu. Trước sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng của phong trào phụ nữ trên thế
giới. Ngày 26 và 27/8/1910, Đại hội lần thứ 2 của những người phụ nữ thế giới đã
được triệu tập ở Cô-pen-haghen (thủ đô Ðan Mạch), quyết định lấy ngày 8/3 làm
ngày quốc tế phụ nữ với mục đích đấu tranh đòi các quyền lợi của phụ nữ và trẻ
em. Từ đó đến nay, ngày 8/3 trở thành ngày hội của phụ nữ thế giới, đoàn kết đấu
tranh để tự giải phóng, thực hiện quyền nam nữ bình đẳng. Ở nước ta, ngày 8/3
còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, hai vị nữ anh hùng dân tộc
đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc.
Niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam một phần cũng từ cội nguồn
truyền thống dân tộc. Ngày Quốc tế Phụ nữ được Liên Hiệp Quốc chính thức hóa
ngày 8 tháng 3 năm 1977. Trong một thế kỷ qua, người phụ nữ đã giành được sự
bình đẳng trước pháp luật trong hầu hết các lĩnh vực và ở hầu hết các nước trên
thế giới. Tuy thế, hiện nay phụ nữ vẫn không ngừng tranh đấu vì quyền bình đẳng
với nam giới. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>Ngày thành lập Binh chủng Đặc
công (19/3/1967 - 19/3/2009)</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Kể từ khi ra đời cho đến nay,
Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã lập nên nhiều chiến công vẻ vang, hiển
hách, xứng đáng là đội quân bách chiến, bách thắng, trong đó đặc công là binh
chủng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội Nhân dân Việt Nam, do Bộ Tổng
Tham mưu trực tiếp quản lý, chỉ đạo. Ra đời từ ngày 19 tháng 3 năm 1967, Binh
chủng Đặc công luôn là một lực lượng được tổ chức, trang bị và huấn luyện đặc
biệt, có phương pháp tác chiến linh hoạt, táo bạo, bất ngờ, thường dùng để đánh
các mục tiêu hiểm yếu nằm sâu trong đội hình chiến đấu, bố trí chiến dịch và hậu
phương của địch. Nhân ngày thành lập Binh chủng đặc công, Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã viết: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố
gắng đặc biệt...”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cách đánh giặc của Bộ đội Đặc
công vốn có tiền đề từ truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, được
Đảng và quân đội ta kế thừa, phát triển lên một trình độ mới. Đó là đỉnh cao của
cách đánh giặc lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy chất lượng cao thắng số
lượng đông, là sự phát triển sáng tạo độc đáo của học thuyết quân sự Việt Nam
trong thời đại Hồ Chí Minh. Quá trình chiến đấu, xây dựng lực lượng, dưới sự
lãnh đạo của Đảng, được nhân dân đùm bọc, giúp đỡ, kế thừa truyền thống tốt đẹp
và tài thao lược của ông cha, Bộ đội Đặc công luôn luôn nêu cao ý chí quyết
chiến, quyết thắng, phát huy trí thông minh và lòng dũng cảm, làm tròn chức năng
của một binh chủng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam,
hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chiến đấu và công tác đặc biệt, góp phần cùng
toàn Đảng, toàn quân, toàn dân kết thúc thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội
chủ nghĩa và làm tròn nhiệm vụ quốc tế vẻ vang, xứng đáng với bề dày thành tích
của một binh chủng anh hùng với 16 chữ vàng truyền thống “Đặc biệt tinh nhuệ,
anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>Ngày Thể thao Việt Nam (27/3)</b></font></p>
<div style="float: right; width: 105px; height: 19px">
<table border="0" width="100%" id="table2" cellspacing="0" cellpadding="0">
<tr>
<td>
<img border="0" src="ngay%20ky%20niem.jpg" width="220" height="203"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hẳn không ai trong chúng ta có
thể quên được không khí náo nhiệt và niềm vui khôn tả khi khúc khải hoàn ca về
một giấc mơ có thật được vang lên trong đêm 28/12/2008 khi Đội tuyển bóng đá
Việt Nam lần đầu tiên sau 48 năm chờ đợi đã đoạt cúp vàng AFF Suzuki Cup 2008!
Ngôi vô địch chẳng những đã mang đến sự thăng hoa và niềm tự hào cho hàng chục
triệu người dân Việt Nam mà còn khẳng định đỉnh cao mới của bóng đá Việt Nam nói
riêng và phong trào thể dục - thể thao nói chung của toàn dân tộc. Nhớ về những
ngày tháng lịch sử năm 1946, khi nhân dân ta vừa chào đón mùa xuân độc lập đầu
tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong niềm hạnh phúc thiêng liêng của
những người làm chủ, khi công cuộc dựng xây của một nhà nước mới vẫn còn nhiều
thách thức, bộn bề với hàng trăm, hàng nghìn nhiệm vụ đặt ra đối với chính phủ
mới lúc ấy. Từ nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe cũng như vai trò của thể
dục trong cuộc sống, nhất là trong công cuộc kiến thiết nước nhà, Chủ tịch Hồ
Chí Minh – người đứng đầu chính phủ mới đã quan tâm ngay đến việc bắt tay xây
dựng một ngành thể thao cường thịnh, bởi Người tin tưởng chắc chắn rằng: “Dân có
cường thì nước mới thịnh”. Mỗi người khỏe mạnh thì cả dân tộc sẽ mạnh… Chính
Người đã thay mặt Chính phủ ký Sắc lệnh số 14 (văn bản quy phạm pháp luật đầu
tiên của Chính phủ) vào ngày 30/01/1946 thành lập một cơ quan thể dục thể thao
Trung ương của quốc gia (thuộc Bộ Thanh niên) với nhiệm vụ hàng đầu là liên lạc
mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục để “nghiên cứu phương pháp và thực hành thể
dục trong toàn quốc”. Tại kỳ họp Quốc hội đầu tiên (2/3/1946), do việc cải tổ
lại Chính phủ nên Bộ Thanh niên không còn nữa, Người tiếp tục ký sắc lệnh số 38
về việc thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục (thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục), khai
sinh nền thể dục thể thao của chế độ mới. Ngày 27/3 sau này đã trở thành “Ngày
thể thao Việt Nam” hàng năm, ngày phát động trong toàn dân tập thể dục để bảo vệ
sức khỏe và xây dựng đất nước. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>Ngày thành lập lực lượng Thanh
niên Xung phong TP.Hồ Chí Minh (28/3)</b></font></p>
<div style="float: right; width: 246px; height: 320px">
<table border="0" width="100%" id="table1" cellspacing="0" cellpadding="0">
<tr>
<td bgcolor="#D9F2FF">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngày 05/1/2009, Thành
Đoàn TP. HCM và Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố đã ký kế
hoạch liên tịch về việc phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 78
năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, 33 năm thành lập Lực lượng
TNXP Thành phố và tưởng niệm các cán bộ, đội viên TNXP hy sinh tại
chiến trường biên giới Tây Nam với những nội dung thực hiện gồm:
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Tuyên truyền sâu
rộng đến đoàn viên thanh niên và mọi tầng lớp nhân dân hiểu biết về
quá trình TNXP TP. Hồ Chí Minh tham gia chiến đấu và phục vụ chiến
đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam, làm cho mọi người hiểu rõ về
tấm gương hy sinh anh dũng của 24 cán bộ, đội viên TNXP hy sinh vào
rạng sáng ngày 22/7/1978 tại xã Taei, huyện Svâyteab, tỉnh
Svâyriêng, Campuchia. Qua đó, phát động đợt sinh hoạt chính trị
trong toàn thể đoàn viên, thanh niên thành phố tiếp tục phát huy
truyền thống vẻ vang của Đoàn, phẩm chất tốt đẹp của thanh niên
thành phố, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi tổ quốc cần. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Tổ chức trang
nghiêm và trọng thể lễ tưởng niệm 24 liệt sĩ TNXP tại huyện Bến Cầu,
tỉnh Tây Ninh. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Tổ chức xây dựng và
khánh thành khu tưởng niệm 24 liệt sĩ TNXP. </font></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngày 28/3/1976 hàng vạn thanh
niên Thành phố tự nguyện đứng vào đội ngũ Thanh niên Xung phong (TNXP) - một lực
lượng đã có truyền thống hào hùng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hơn
một vạn TNXP quyết tâm lên đường, cùng cả thành phố tiến quân vào mặt trận mới,
hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại đất nước. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhiều phong trào lớn của thanh
niên được dấy lên rộng khắp và có sức lan tỏa diệu kỳ: ngay năm đầu tiên sau
giải phóng, hai đại công trường thủ công Trần Quang Cơ, Lê Minh Xuân được Lực
lượng TNXP thành phố tổ chức thực hiện gây tiếng vang lớn. Rồi phong trào “uống
nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” được hưởng ứng một cách tích cực và sôi nổi,
trở thành những hoạt động thường nhật trong thanh niên, học sinh thành phố.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhiều thanh niên lại tiếp tục
đăng ký lên đường đi đến những nơi khai hoang, phục hóa xây dựng những nông
trường, lâm trường, những cánh đồng lúa ngoại thành, nơi đang chờ đợi những bàn
tay khai phá của tuổi trẻ. Bằng lao động miệt mài, cần mẫn nhưng cũng rất khẩn
trương và sôi nổi, lực lượng TNXP Thành phố đã dần dần phủ màu xanh, tạo nên sức
sống mới cho đất và cho cả con người trên những vùng đất mà hôm qua mỗi tấc đất
ở đây đã thấm bao dòng máu đỏ, chỉ với tâm nguyện cháy bỏng: “Tim còn đập, máu
còn nóng, tuổi trẻ còn cười trong gian khổ, khó khăn”… </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hòa bình chưa được bao lâu, nhân
dân Miền Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh phải đứng lên cầm vũ khí chiến đấu
bảo vệ biên giới Tổ quốc, đồng thời vẫn phải phát triển kinh tế – xã hội nhanh
chóng ở những địa bàn không có chiến tranh. Cuộc sống nửa chiến tranh, nửa hòa
bình đã bắt đầu với những thách thức mới song vẫn không làm gục ngã ý chí của
lực lượng TNXP và nhân dân toàn thành phố. Đáp lời kêu gọi của sông núi, hàng
nghìn lá đơn tình nguyện được viết và gửi đến UBND xin được lên đường ra trận
khi cuộc chiến đấu nơi miền biên giới đang bước vào giai đoạn khốc liệt, có
những người sắp tới cái tuổi “thất thập cổ lai hy” và cũng có những cô cậu học
trò chỉ chừng mười lăm, mười sáu. Còn những người ở lại hăng say trên mặt trận
lao động, sản xuất nhằm cải tạo và xây dựng từng nấc thang của cuộc sống đầy
gian truân, thiếu thốn trăm bề… càng tiếp thêm sức mạnh cho đoàn quân lên đường
chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế đối với nước
bạn Campuchia đang lâm vào họa diệt chủng… với tất cả trái tim và lòng nhiệt
huyết của tuổi trẻ. Ở nơi gian khổ nhất, nơi nóng bỏng lửa đạn, họ vẫn lạc quan,
yêu đời, đem nụ cười, tiếng hát để động viên mình và thúc giục mọi người cùng
tiến lên phía trước. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hơn 30 mùa hoa rực rỡ của thành
phố chúng ta cũng là hơn 30 mùa hoa bừng sáng cho sức trẻ, lòng nhiệt huyết và
sự cống hiến quên mình của lực lượng TNXP thành phố trong công cuộc dựng xây và
bảo vệ Tổ quốc. Những giọt mồ hôi, những dòng nước mắt hay những hy sinh thầm
lặng, anh dũng của họ đã vẻ nên một thế hệ vàng của thành phố anh hùng – thành
phố Hồ Chí Minh! </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b>V. LÂM</b></font></p>
</body>
</html>