<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Trong suốt 15 năm thời chống Mỹ</title>
</head>
<body>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2"><em><strong>Trong
suốt 15 năm thời chống Mỹ (1960-1975), Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định đã gầy dựng
được hơn 40 căn cứ kháng chiến ở miền Đông, miền Tây Nam bộ và trên đất bạn
Campuchia. </strong></em></font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2"><em><strong>Các căn
cứ này đã thật sự trở thành hậu phương vững chắc cho phong trào đấu tranh của
sinh viên, học sinh đô thị. </strong></em></font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2"><em><strong>Về cứ,
với những cán bộ lãnh đạo phong trào có thể chỉ là chuyện bình thường như trở về
nhà mình. Nhưng với sinh viên, học sinh mới bước vào đời hoạt động cách mạng,
hai tiếng ấy có sức hấp dẫn lạ kỳ.</strong></em></font></p>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Một thời tuổi trẻ giữa rừng - Kỳ 1: Xếp bút nghiên về cứ</font></b></p>
<p class="pHead" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nữ sinh Hiền “Trưng
Vương” (Đặng Thị Hiền, hiện trú tại Q.1, TP.HCM) kể thời gian về cứ có khi dăm
ba ngày, mươi bữa nửa tháng, vài tháng hoặc cả năm. Vào cứ là dấn thân vô cuộc
sống nửa du mục nửa nông thôn, khác xa cuộc sống tiện nghi nơi phồn hoa đô hội.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Cực khổ, nguy hiểm
tính mạng nhưng tinh thần phơi phới tự do. Chỉ cần sau một lần về cứ, bất cứ cô
cậu sinh viên học sinh (SVHS) hay “công tử, tiểu thư” nào cũng biết lao động,
gan góc và chững chạc hơn trong nhận thức, biết yêu thương... Có những lúc nói
cười vui vẻ, nhưng cũng có lúc ngậm ngùi bên nấm mộ của đồng chí mình sau trận
chống càn, và những lần chia tay không hẹn ngày gặp lại.</font></p>
<table style="border-collapse: separate" width="40" align="center" border="0" cellpadding="0" cellspacing="4" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=323081" hyperlink border="1" hspace="0"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p class="tLegend" align="center"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Tiểu ban văn nghệ của Thành
đoàn tại căn cứ Thanh An - Bến Cát năm 1973 - Ảnh tư liệu</font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Hội tụ</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Hiền “Trưng Vương”
là con gái của một ông chủ có nhiều tiệm mộc ở Sài Gòn. Không muốn mãi là một
tiểu thư sống trong nhung lụa, Hiền đã hòa mình vào phong trào đấu tranh của
SVHS đang ngùn ngụt khí thế. Cô Năm Nga móc nối Hiền vào tổ chức và phân công cô
làm “chủ xị” các cuộc đấu tranh tại Trường nữ Trưng Vương. Một bữa vừa tan
trường, Hiền được một người đến báo tin phải thoát ly gấp vì đường dây bị lộ.
Thoáng ngập ngừng, nhưng rồi Hai Hồng (bí danh của Hiền bấy giờ) đã quyết định
ra đi. Cô quơ vội mấy bộ đồ, viết lại dăm câu cho gia đình rồi rời Sài Gòn.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Cũng vậy, Phạm Thị
Ngọc Loan (nữ sinh Trường Gia Long) tuy sớm mất cha nhưng ông bà nội khá giàu
nên từ nhỏ cô gần như không phải mó tay làm chuyện gì. Bị bắt từ vụ biểu tình
trong đám tang của học sinh yêu nước Lê Văn Ngọc, Sáu Thủy (bí danh của Loan) bị
tra tấn bầm dập nhưng vẫn không “chừa”. Ra tù, cô lại tiếp tục tham gia phong
trào đấu tranh. Giữa năm 1965, đang hoạt động thì cô giao liên Út Thu đến tận
cổng trường đưa Loan thoát ly về cứ.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngoài các “tiểu
thư”, có rất đông “công tử” SVHS vào cứ. Là con trai út của một quan chức ngành
canh nông của chính quyền Sài Gòn, Trần Hưng Đoàn (bí danh Bảy Gắng, SV trường
luật) là “cậu ấm” thứ thiệt. Không chỉ đầy đủ vật chất, Đoàn còn được xe hơi đưa
đón đi học. Thấy anh em SVHS “quây” lính Mỹ tả tơi, “cậu ấm” cũng lén gia đình
tham gia xuống đường. Ngày nọ, ba mẹ Đoàn hoảng hốt khi hay tin con trai bị bắt
trên đường phố rồi bị đẩy ra chiến tuyến. Sau khi đào ngũ, Đoàn tìm cách móc nối
với tổ chức và được đưa về cứ...</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhiều, rất nhiều
những “công tử”, “tiểu thư” đã dấn thân như vậy.</font></p>
<table style="border-collapse: separate" width="80" align="center" border="0" cellpadding="0" cellspacing="4" id="table2">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img class="lImage" onclick="return showImage(this.src)" src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=323082" hyperlink width="150" border="1" height="200" hspace="0"></font></td>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img class="lImage" onclick="return showImage(this.src)" src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=323083" hyperlink width="150" border="1" height="200" hspace="0"></font></td>
</tr>
<tr>
<td align="center">
<p class="tLegend"><font face="Arial" size="2" color="#808080"><i>Đặng
Thị Hiền (</i><em>Hiền “Trưng Vương”</em><i>), nữ sinh Trường Trưng
Vương</i></font></td>
<td align="center">
<p class="tLegend"><font face="Arial" size="2" color="#808080"><i>Phạm
Thị Ngọc Loan (</i><em>Sáu Thủy</em><i>), nữ sinh Trường
Gia Long - Ảnh
tư liệu</i></font></td>
</tr>
</table>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">“Nhập môn”
ở cứ</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Đêm đầu tiên ở cứ
Thanh An (Bến Cát, nay thuộc Bình Dương), Chín Thảo (bí danh của Nguyễn Thị
Lương Ngọc) đang thao thức nhớ nhà thì nghe tiếng đạn pháo hú như xẹt ngay trên
nóc nhà hầm mình ở. Loay hoay hoảng loạn bên trong cánh võng, tới khi chui ra
được khỏi cái mùng bọc, Chín Thảo theo thói quen ở Sài Gòn quơ chân tìm dép bị
anh bảo vệ hét: “Xuống hầm mau, pháo bắn trên đầu ở đó lo mang dép”. Những ngày
sau đó, Chín Thảo (hiện công tác tại NXB Trẻ) đã được các anh chị truyền kinh
nghiệm nghe tiếng pháo hú từ xa và cô đã “thao tác” xuống hầm rất nhanh.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chui hầm tránh đạn
pháo chắc không ở đâu cực khổ như căn cứ bên dòng sông Sở Thượng (giáp biên giới
Campuchia). Theo lời kể của Hiền “Trưng Vương”, có khi anh chị em vừa mới thay
xong bộ đồ dính sình ướt nhẹp thì pháo lại dập tiếp, hết đồ thay (vì mỗi người
thường chỉ có hai bộ đồ), họ cứ thế để nguyên bộ đồ ướt sũng đi ngủ tiếp. So với
nam giới, chị em cực hơn nhiều. Vào những “ngày ấy” mà cứ nhảy lên chui xuống
hầm sình lầy tránh đạn pháo thì “vải mùng” không sao kịp khô để “tái sử dụng”...</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ở cứ, tiếng đạn
pháo không chỉ hiện diện trong giấc ngủ mà còn cả trong bữa ăn. Để phòng tránh,
tới bữa ai nấy đều ăn thật nhanh. Ở nhà quen cà rịch cà tang, giờ thấy mọi người
ăn uống kiểu “hỏa tốc” như thế các cô cậu đâm sượng, nhơi tới nhơi lui chậm rì
nên “đói nhăn răng”. Đã vậy, thức ăn thường chỉ là canh rau rừng chấm nước mắm
(nước quậy muối bỏ thêm bột ngọt), họa hoằn lắm mới được thêm món cá kho muối
hạt mặn lòi. “Muốn no bụng phải lùa cơm thật mau”, chị Sáu Thủy (hiện trú tại
Q.9, TP.HCM) kể.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chuyện nước xài
cũng là một nỗi ám ảnh khác của các “cậu ấm, cô chiêu”. Hồi còn ở nhà chỉ cần mở
vòi là nước sạch tuôn ra ào ào nhưng vào cứ thì khác hẳn. Theo lời kể của nhiều
“tiểu thư, công tử” về rừng miền Đông, vào mùa khô các ao, suối cạn khô nước, họ
thay phiên đi lấy nước sình đục ngầu từ những ao trâu bò tắm về lóng phèn để nấu
ăn, tắm giặt. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngược lại, vào mùa
mưa nước đầy các hố bom thì lại lo đỉa, vắt tấn công. Riêng căn cứ Long Đước
(Cần Giuộc, Long An), theo chị Sáu Thủy, chị em được một ca nước mỗi tuần để gội
đầu, còn cánh con trai tắm gội bằng nước mặn suốt nên tóc cứ rụng dần, rụng dần.</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Cực nhưng
nhiều niềm vui</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Dạo mới vào rừng,
Sáu Thủy dốt đặc chuyện nấu ăn. Lúc nấu cơm, vì lo bị khét nên cô cứ giở nắp xem
hoài, hậu quả là đến giờ ăn mọi người tá hỏa vì cơm vừa khét vừa sống. Được phân
công đi hái rau rừng, xà quần cả buổi vẫn chưa đủ cho mình ăn. Các má phong trào
thấy con gái Sài Gòn lóng ngóng, da trắng, tóc thề, khăn rằn che mặt nên hái
giúp, loáng cái được cả thúng rau khiêng về muốn chết. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Cánh trai tráng dù
chưa quen lao động tay chân cũng được phân công cuốc đất, đào địa đạo. Còn chị
em như Sáu Thủy thường chỉ ngồi kéo đất lên, vậy mà cũng để thanh tre cứa tay đổ
máu hoài. Đơn vị tổ chức đi gặt lúa giúp dân, Sáu Thủy và các “tiểu thư” khác
hăm hở cầm liềm nhảy xuống, lúa không cắt cứ nhè tay mình cắt cho chảy máu
chơi... </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Với hầu hết cánh
SVHS, khoảng thời gian ở cứ tuy cực nhưng cũng nhiều niềm vui. Hát hò, nấu chè
ăn đêm, đánh bài túlơkhơ phạt ăn chuối... Có những việc như chuyện phê bình và
tự phê bình ban đầu thấy khó chịu, nhưng rồi trở thành “món ăn” không thể thiếu
hằng ngày để đồng chí đồng đội là điểm tựa cho nhau cùng tiến bộ. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Thời gian đầu về
cứ, “con gái Sài Gòn” hay gửi thư yêu cầu gia đình gửi vô rừng đủ thứ thức ăn
như sôcôla, phômai, khô bò... và thậm chí cả búp bê. Giữa rừng chẳng có gương
soi, lại phải bịt mặt “ngăn cách bí mật” suốt nên đâu có ai ngắm nghía? Theo chị
Sáu Thủy, nghĩ như vậy là lầm to vì đã có không ít “cuộc tình che mặt” nảy nở
thành những đám cưới hẳn hoi.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>
_____________</strong></font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2"><em>Họ tham gia
những lớp học dã chiến giữa bạt ngàn rừng núi. Những buổi học mà đôi khi cả thầy
và trò nếu chậm chân chút thôi đã không thể thoát khỏi cái chết trong gang
tấc...</em></font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2"><em>Kỳ tới: <strong>
Trường học giữa rừng già</strong></em></font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>