<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>TPHCM</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">TPHCM, ngột
ngạt khói xe</font></b></p>
<p align="justify"><strong><em><font size="2" face="Arial">Đó là lo ngại của
nhiều chuyên gia môi trường trước tình trạng ùn tắc giao thông ngày một gia tăng
tại TPHCM. Các chất thải nguy hiểm từ khói xe như NO</font><font face="arial" size="2"><sub><font face="Arial">2</font></sub></font><font size="2" face="Arial">,
CO… đang có xu hướng ngày một tăng cao. Số liệu quan trắc của Chi cục Bảo vệ Môi
trường thành phố cho thấy như vậy.</font></em></strong></p>
<blockquote dir="ltr" style="margin-right: 0px">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Chạy chậm, chở quá
tải, dừng đậu liên tục... đều có hại cho môi trường</strong></font></p>
</blockquote>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ông Ngô Ngọc Sơn, Phó phòng Kiểm
định xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam phân tích: xe chở quá tải hoặc phải
dừng, đậu liên tục sẽ làm cho động cơ xe phải cố gắng làm việc nhiều hơn. Sự cố
gắng liên tục này sẽ có tác động xấu đến độ bền của động cơ, mức tiêu hao nhiên
liệu và đặc biệt là chất lượng khí thải. Khí thải của xe trong những trường hợp
như vậy thường sẽ có nhiều tạp chất hơn những lúc xe vận hành bình thường. Người
ta có thể cảm nhận thấy rất rõ điều này nếu quan sát khói xe (thường là có màu
đen ngòm) sau mỗi lần xe dừng rồi lại lăn bánh. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Còn xe phải chạy dưới công suất
thiết kế quá nhiều, nhiên liệu không được đốt cháy hoàn toàn sẽ thải ra môi
trường nhiều chất độc hại như CO, S, NO, NOX… Đặc tính này đúng cho tất cả các
loại xe: xe tải, xe buýt, xe gắn máy 2 bánh…</font></p>
<div align="right">
<table width="1" align="right" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0" id="table2">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<a onclick="return openImageNews(this,168,250)" href="http://sggp.org.vn/dataimages/original/2009/03/images284396_5a.jpg">
<img style="width: 268px; height: 179px" src="http://sggp.org.vn/dataimages/original/2009/03/images284396_5a.jpg" width="200" border="0" height="175"></a>
</font></td>
</tr>
<tr>
<td class="Image">
<p align="center"><i><font color="#808080" face="Arial" size="2">Mỗi
xe gắn máy chỉ cần thải ra một lượng khói như thế này cũng đủ gây ô
nhiễm.</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tại TPHCM, hiện tượng xe phải
chạy chậm dưới công suất thiết kế của xe, xe chở quá tải, dừng đậu liên tục diễn
ra khá phổ biến, thậm chí có xu hướng gia tăng theo từng năm. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Theo thống kê của Ban An toàn
Giao thông TPHCM, trong năm 2008 có tới 48 vụ ùn tắc giao thông lớn, kéo dài
trên 30 phút, tăng 19 vụ so với năm 2007. Riêng 2 tháng đầu năm 2009 đã xảy ra 9
vụ ùn tắc giao thông lớn, tăng 6 vụ so với cùng kỳ năm 2008. Vận tốc lưu hành
trung bình trên đường của các xe cũng đang giảm dần. Nếu cách đây hơn 1 năm, tốc
độ lưu thông của nhiều phương tiện giao thông tại các ngã tư lớn còn trên
10km/giờ thì nay có nơi còn chưa tới 5 km/giờ. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tình trạng chở quá tải không quá
phổ biến trên toàn thành phố như tình trạng xe phải chạy quá chậm, dưới công
suất thiết kế, xe phải dừng, đậu liên tục song chúng cũng diễn ra khá nghiêm
trọng ở các trục giao thông chính ra, vào các cảng biển của thành phố như đường
Huỳnh Tấn Phát (quận 7), đường Nguyễn Tất Thành (quận 4)…</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tình trạng này lại càng ngày tồi
tệ khi mà các phương tiện giao thông tham gia giao thông ngày một tăng. Cũng
theo thống kê của Ban An toàn giao thông thành phố, trung bình mỗi ngày ở TPHCM
vẫn có khoảng 100 ô tô và hơn 1.000 xe gắn máy 2 bánh đăng ký mới. Xe quá nhiều
so với khả năng đáp ứng của hệ thống cầu đường mà ý thức chấp hành Luật Giao
thông của một bộ phận không nhỏ người dân còn chưa tốt thì tình trạng ùn tắc
giao thông tăng cao là điều khó tránh khỏi.</font></p>
<blockquote dir="ltr" style="margin-right: 0px">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>Thay đổi cách sử dụng
xe để bảo vệ môi trường</strong></font></p>
</blockquote>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong điều kiện giao thông còn
nhiều bất cập như đã nêu trên, điều đáng lo ngại là nhiều người dân còn chưa có
ý thức bảo trì, bảo dưỡng xe định kỳ, hợp lý. Cũng theo Cục Đăng kiểm Việt Nam,
chỉ tính riêng ô tô các loại, đã có khoảng 15% - 20% xe vào đăng kiểm chất
lượng, an toàn kỹ thuật không đạt ngay trong lần đầu tiên kiểm tra. Mức độ này
tăng cao ở những xe có tuổi đời càng cao. Với xe khoảng 10 tuổi thì có khoảng 5%
- 8% xe không đạt an toàn kỹ thuật ngay trong lần kiểm tra đầu tiên. Xe khoảng
15 tuổi là khoảng 15% - 20%. Và xe 20 tuổi là khoảng trên 20%. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Với xe gắn máy 2 bánh, ngành đăng
kiểm Việt Nam hay bất cứ cơ quan có chức năng nào khác đều chưa có kế hoạch kiểm
soát khí thải. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mô
tô, xe gắn máy 2 bánh trên tổng số phương tiện giao thông cao nhất thế giới
(96%), với hơn 16 triệu chiếc. Đã vậy, đa phần trong số này lại có kết cấu, công
nghệ lạc hậu và thiếu các hệ thống kiểm soát khí thải trên xe. Đặc biệt, còn rất
nhiều xe có trên 10 năm sử dụng nhưng không được bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ nên
đang là nguồn gây ô nhiễm chính cho không khí. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Kết quả kiểm tra 1.675 xe tại Hà
Nội có tới 59% số xe không đạt tiêu chuẩn khí thải. Còn tại TPHCM - địa phương
có nhiều xe cơ giới nhất nước, theo Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM,
tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay ở thành phố có nguồn gốc đáng kể nhất là
từ hoạt động giao thông, đóng góp 60% – 70% khí thải. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhiều ngành chức năng cũng đã
từng có ý định kiểm định chất lượng khí thải của xe gắn máy 2 bánh song chưa
thực hiện được bởi chúng quá nhiều. Hiện nay đã có nhiều hãng sản xuất xe gắn
máy 2 bánh lớn như Honda, Suzuki… nỗ lực đưa ra thị trường nhiều loại xe gắn máy
2 bánh với tiêu chuẩn khí thải đạt Euro 2 hay Euro 3… Thế nhưng, những loại xe
máy này hiện nay chưa nhiều và giá cả vượt quá khả năng kinh tế của nhiều người.
Đại bộ phận người lao động vẫn sử dụng những loại xe rất cũ, khói thải đen ngòm,
nhiều tạp chất.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cách đây chưa lâu, Báo Sài Gòn
Giải Phóng đã đề cập đến một hiện tượng: tốc độ lưu thông trong TPHCM ngày càng
chậm nhưng nhiều người dân thành phố lại thích sử dụng xe phân khối lớn. Đây
thực chất là hiện tượng xe phải chạy dưới công suất thiết kế. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngành đăng kiểm Việt Nam cũng đã
cảnh báo: Điều ấy sẽ gây hại cho môi trường song cho đến nay tình trạng này vẫn
chưa được cải thiện. Thói quen sử dụng phương tiện giao thông không thông minh,
thiếu ý thức bảo dưỡng hợp lý của nhiều người đã và đang làm cho môi trường
thành phố thêm ngột ngạt, ô nhiễm.</font></p>
<table id="table3" bordercolordark="#00aa00" bordercolorlight="#00aa00" width="90%" bgcolor="#f7fff7" border="1" cellpadding="2" cellspacing="1">
<tr>
<td>
<p align="center"><font size="2" face="Arial"><strong>Ý kiến: Phun nước
để giảm bụi</strong></font></p>
<p align="justify"><font size="2" face="Arial">Trong số báo phát hành
cách nay 2 tuần, Báo Sài Gòn Giải Phóng có đề cập đến một thực tế: TPHCM
có quá nhiều bụi. Tôi cho rằng, đây là điều hoàn toàn đúng nhưng cũng
không quá khó để xử lý. </font></p>
<p align="justify"><font size="2" face="Arial">Tại nhiều thành phố lớn
khác trên thế giới cũng như tại Hà Nội đã áp dụng một cách xử lý bụi rất
đơn giản là dùng xe phun nước, liên tục đi phun nước khắp đường phố.
Nước không chỉ làm cho giảm bụi mà còn làm cho không khí mát hơn - điều
mà có lẽ thành phố rất cần trong mùa nắng gay gắt này. Nếu thành phố có
khả năng có thể cho phun nước ở nhiều nơi, tại những khu vực tập trung
đông người. </font></p>
<p align="justify"><font size="2" face="Arial">Nếu không thể, thành phố
có thể chọn ra vài điểm “nóng”, đặc biệt là cho những công trình thi
công - nơi thải ra nhiều bụi, để phun nước. TPHCM cũng có thể buộc các
nhà thầu thi công tại các công trình lớn phải liên tục phun nước để giảm
bụi và giữ cho môi trường thành phố trong sạch.</font></p>
<p align="right"><font size="2" face="Arial"><strong>Nguyễn Văn Bảo</strong>
<br>
<em>(Gò Vấp)</em></font></td>
</tr>
</table>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo SGGPO</i></b></font></p>
</body>
</html>