<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Một thời tuổi trẻ giữa rừng - Kỳ</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><font face="Arial" size="2">
<span style="color: #0000FF; font-weight: bold">Một thời tuổi trẻ giữa rừng</span><b><font color="#0000FF">
- Kỳ cuối: Căn cứ lòng dân</font></b></font></p>
<p class="pHead" align="justify"><font face="Arial" size="2">Không chỉ là
“trường học giữa rừng”, vùng hậu cứ còn được nhiều thế hệ cán bộ phong trào đấu
tranh đô thị Sài Gòn - Gia Định ngày đó xem như mái ấm đi về của những người
cùng chung lý tưởng. Ở đó, họ cùng với người dân đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu
xương để xây dựng và bảo vệ “nhà mình”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>>> Kỳ 1:
<a href="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/web/tintuc/default.aspx?cat_id=566&news_id=8298#content">
Xếp bút nghiên về cứ</a></strong><br>
<strong>>> Kỳ 2:
<a href="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/web/tintuc/default.aspx?cat_id=566&news_id=8321">
Trường học giữa rừng già</a></strong><br>
<strong>>> Kỳ 3:
<a href="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/web/tintuc/default.aspx?cat_id=665&news_id=8337#content">
Chuyện tình bên cánh võng</a></strong></font></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" width="40" align="center" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=323719" hyperlink border="1" hspace="0"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p class="tLegend" align="center"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Nhà làm việc của Thành đoàn
ở căn cứ Tân Vạn (Biên Hòa) trên sông Đồng Nai trước năm 1975 - Ảnh tư
liệu</font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Cuộc chiến
giữ “nhà”</font></b></p>
<table style="border-collapse: separate" bordercolordark="#456ae1" bordercolorlight="#4792d9" width="200" align="right" border="0" bordercolor="#ecf2fe" cellpadding="5" cellspacing="5" id="table2">
<tr>
<td valign="center" bgcolor="#cfe6f9">
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">“Các căn cứ
của Thành đoàn khó tồn tại lâu dài và an toàn nếu thiếu sự đùm bọc, nuôi
giấu, bảo vệ, đưa đón, cảnh giới, cung cấp địch tình… của người dân địa
phương. Những anh Ba, chị Bảy, má Hai... là ân nhân, hơn thế còn là
những anh hùng thầm lặng”, chị Tư Liêm, nguyên quyền bí thư Thành đoàn
Sài Gòn - Gia Định, nhận định.</font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đầu năm 1967, đối phương mở trận
càn Cedar Falls vào vùng “tam giác sắt”, nơi có căn cứ Khu đoàn Thanh niên nhân
dân cách mạng Sài Gòn - Gia Định. Đối phương huy động 30.000 quân cùng nhiều máy
bay, xe tăng, bom đạn, chất độc hóa học để “bóc vỏ trái đất” khu vực này. Theo
tư liệu truyền thống của Thành đoàn TP.HCM, trong trận này hàng chục cán bộ cách
mạng bị vây hãm dưới lòng địa đạo vẫn kiên trì chiến đấu trong đói khát. Hơn 20
anh chị đã hi sinh, trong đó có mười mấy người vượt sông Sài Gòn trên chiếc ghe
bị phục kích. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ở cứ núi Dinh (nay
thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu), theo hồi ức của anh Ba Khắc (Phan Anh Điền, hiện sống
tại quận Phú Nhuận, TP.HCM), vào một buổi sáng tháng 2-1966, đối phương đưa binh
lính vây chặt dưới chân núi, pháo các cỡ và máy bay B.52 giội bom rung chuyển
núi rừng. Trên đỉnh núi trực thăng thòng dây đổ quân. Trận chiến diễn ra ác liệt
suốt 20 ngày đêm. Anh chị em trong cứ lấy hang đá, gốc cây làm công sự bẻ gãy
hàng chục cuộc tấn công của đối phương. Dòng suối nước ngọt bị đối phương chiếm,
lương thực dự trữ cạn dần, các anh Hai Hùng, Hai Tùng, Hai Sơn và nữ y tá Bảy
Hoàng đã anh dũng hi sinh. Trước nguy cơ tổn thất lớn nếu kéo dài trận chiến
không cân sức, cấp trên ra lệnh rút khỏi núi Dinh.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ở vùng căn cứ Đức
Hòa (Long An), tài liệu truyền thống cũng ghi chép chi tiết câu chuyện xảy ra
vào tháng 8-1961: anh Tám Lượng (Trần Quang Cơ), khi đó là bí thư Đoàn thanh
niên khu Sài Gòn - Gia Định, đã anh dũng hi sinh trước họng súng kẻ thù. </font>
</p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Còn ở cứ Hội Cư (Mỹ
Tho, nay thuộc Tiền Giang), theo hồi ức của anh Sáu Quang (Nguyễn Chơn Trung,
hiện sống tại quận 7, TP.HCM), vào ngày 30-7-1967, trong trận chống càn, hai anh
Lê Văn Ninh (Ba Thoại) và Trần Trung Tín (Sáu Trúc) đã bị ngộp dưới hầm và chấp
nhận hi sinh để giữ bí mật cho cứ và đồng đội. Sau đó, vào ngày 3-8-1967, trong
một trận chống càn khác, anh Tám Lễ (Ngô Văn Nói, Ngô Văn Thật) đã hi sinh khi
dũng cảm “dụ” đối phương ra khỏi chỗ anh em ẩn nấp. </font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Một lần
dời cứ </font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Cho dù đổ máu xương
chống càn bảo vệ cứ, nhưng không ít lần Thành đoàn buộc phải “dời nhà”. Với
nhiều anh chị, mỗi lần dời cứ là bước vào một cuộc hành quân đầy rủi ro nhưng
cũng không ít niềm vui. Và đây là hồi ức của anh Tám Đăng (Trương Anh Dũng, hiện
sống tại quận Bình Thạnh, TP.HCM), chị Tư Tín (Trần Thị Ngọc Hảo, hiện sống tại
quận Gò Vấp, TP.HCM) và một số anh chị từng tham gia chuyến đi từ cứ Phụng Hiệp
(nay thuộc Hậu Giang) lên vùng giải phóng trên đất bạn Campuchia:</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chuyến đi khởi hành
vào ngày 26-10-1972. Đoàn gồm 17 người (4 nữ), do anh Dương Văn Đầy (Bảy Không)
làm trưởng đoàn. Sau lần may mắn thoát “chết chùm” trong một đợt pháo kích kinh
hoàng, chúng tôi tiếp tục băng đồng suốt 20 ngày đêm rồi hành quân bằng xuồng
trên sông nước U Minh. Đến trạm, mạnh ai nấy cột võng giữa hai thân tràm, căng
tấm tăng phía trên làm nóc, nằm ngủ cách mặt nước vài gang tay. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Một bữa, chúng tôi
nghe tiếng máy bay rất gần. Năm chiếc xuồng được nhấn chìm, mạnh ai nấy “chém
vè”. Chiếc xuồng lớn nhất chở đồ hậu cần nên không thể nhấn chìm. Anh em nhanh
tay cắt vội mấy nắm đưng phủ lên nghi trang thì “cá rô”, “cá lẹp”, “cá nóc” ập
đến. Bắn vu vơ một hồi, cả bầy “cá” đi chỗ khác. Ngay sau đó, trưởng đoàn Bảy
Không trồi lên, giọng hớt hải điểm danh. Từng người lên tiếng, không ai thương
vong, vật dụng hậu cần còn nguyên. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhưng nguy hiểm
nhất là khi vượt kênh Vĩnh Tế, con kênh này còn được du kích gọi là kênh “vĩnh
biệt” bởi vì địch muốn cắt đứt con đường thông thương giữa T3 (Tây Nam bộ) với
Trung ương Cục (đang đóng trên đất Campuchia). Cách lòng kênh khoảng 100m, các
xuồng ép sát vào các bụi đưng lát, chờ đợi. Chiếc xuồng giao liên đổ ra mặt
kênh, ngay sau đó sáu chiếc xuồng nối đuôi theo. Bỗng xuồng giao liên quay đầu,
cùng lúc có tiếng máy nổ, tiếng dây xích loảng xoảng và tiếng la “đặc công Việt
cộng”. Phải gần cả phút sau mới nghe những tràng đại liên. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Hóa ra xuồng giao
liên “gặp” phải tàu tuần tra thả trôi phục kích. Có lẽ khi thấy cả đoàn xuồng
lao đến, bọn lính trên tàu tưởng đặc công nên luýnh quýnh nổ máy bỏ chạy, rồi
khi thấy các xuồng tản ra tứ phía mới định thần bắn theo hú họa? Bốn ngày sau,
chúng tôi lại vượt kênh, lần này thì trót lọt. Vậy là chỉ với một quả lựu đạn
(chưa khai hỏa), một viên đạn (bắn trượt), chúng tôi đã về được “nhà mới” của
mình sau hơn một tháng rưỡi hành quân “bão táp”.</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">“Ba cùng”
với dân</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Đến tận bây giờ,
chị Tư Liêm (Trương Mỹ Lệ, hiện sống tại quận 7, TP.HCM) vẫn còn nhớ nhiều câu
chuyện về chị Hai Hợi trong thời gian ở cứ Cần Thơ. Không chỉ giỏi đưa đón cán
bộ, chị Hợi còn dùng nhà mình làm trạm giao liên và nuôi cán bộ. Có lần chị chở
Tư Liêm từ trong cứ ra thì gặp quân lính đi càn. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tay lính chỉ tay về
phía chị Tư Liêm: “Bà bận áo nâu lên đây!”. Chị Hợi bỏ xuồng đi theo. Hóa ra
quân lính sợ bị du kích bắn nên bắt dân đi cùng. Đang đi chợt chị Hợi la lên:
“Mấy ông ơi, cổ bị suyễn đi hổng nổi!”. Lính bèn bắt chị Hợi cõng Tư Liêm, chị
giả vờ té lên té xuống: “Tui cõng hổng nổi nữa!”. Tới bờ kênh, quân lính buộc
lòng phải thả cả hai người.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chị Sáu Thủy (Phạm
Thị Ngọc Loan, hiện sống tại quận 9, TP.HCM) kể lần quá giang xuồng dân từ căn
cứ Long Đước ra bến đò Cần Giuộc (Long An): “Thay vì cập bến đò, họ lại tấp
xuồng vô một nhà ven sông xin đi lòn ra bến xe”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chuyến về, Sáu Thủy
mới biết họ đã khôn khéo giúp chị né mật vụ đón lõng ở bến đò. Và cũng vì đối
phó với mật vụ, lại chưa rành đường sá nên chuyến về chị đã bị lạc vào một chòi
chăn vịt vắng vẻ. Anh chăn vịt nhận chở giúp chị về Long Đước. Trên xuồng, khi
Sáu Thủy xưng cháu của “bà Mười” thì anh này giao luôn chị cho du kích xã. “Hóa
ra ảnh là cháu của bà Mười nên nghi ngờ tôi là gián điệp của chế độ Sài Gòn”,
chị Sáu Thủy cho biết. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Còn ở xã Phú Mỹ
Hưng, Củ Chi có má Bảy (Lê Thị Nguyên). Theo lời kể của anh Sáu Thơ (Tăng Anh
Dũng, hiện sống tại quận 3, TP.HCM), má Bảy chính là người thầy đáng kính của
nhiều sinh viên học sinh lần đầu về cứ. Không chỉ hướng dẫn cách đào và chui địa
đạo, phòng ngừa tai nạn và biệt kích, má còn dạy “các con” trồng tỉa, nấu ăn,
cắm câu bắt cá… Chỉ cần “ba cùng” với má ít lâu là các “cậu ấm, cô chiêu” quen
sống đầy đủ tiện nghi sẽ hòa nhập ngon lành vào cuộc sống vùng hậu cứ. Những câu
chuyện của má Bảy về lẽ sống ở đời được “các con” ngày ấy nhắc nhớ đến tận bây
giờ.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>