<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Trường Sa ký sự</title>
</head>
<body>
<p class="pSuperTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Trường Sa
ký sự:</font></b></p>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Bài 2: Sắt son người lính đảo chìm</font></b></p>
<p class="pHead" align="justify"><font face="Arial" size="2">Không hiểu từ bao
giờ, cánh lính hải quân mặc nhiên coi đảo nổi Trường Sa Lớn là Thủ đô của cả
quần đảo. Lẽ dĩ nhiên, đã có Thủ đô thì phải có ngoại thành, đảo chìm chính là
“vùng ngoại ô” theo quan niệm của lính. </font></p>
<p class="pHead" align="justify"><font face="Arial" size="2">
<a href="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/web/tintuc/default.aspx?cat_id=790&news_id=8658#content">
>>>Bài 1: Thị trấn giữa trùng khơi</a></font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Thường “ngoại ô”
bao giờ cũng rộng và vắng vẻ, ấy thế mà lần đầu tiên đặt chân đến những hòn đảo
chìm này, nhà thơ Hữu Thỉnh đã thảng thốt kêu lên: “Đảo nhỏ quá nói một câu là
hết…”. Đảo là vậy, nhưng câu chuyện về những người đang canh giữ vùng đất “nói
một câu là hết” ấy thì tôi lại có thể kể quanh năm.</font></p>
<table style="border-collapse: separate" width="40" align="center" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.anninhthudo.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=51108" hyperlink onclick="return showImage(this.src)" class="lImage" vspace="3" width="300" border="0" height="300" hspace="3"></font></td>
</tr>
<tr>
<td class="pCaption">
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Đảo
Thuyền Chài</font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pSubTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Chưa đến đảo
chìm, chưa biết Trường Sa</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Lúc ngồi trên boong
tàu chuẩn bị lên thăm đảo Tốc Tan, tôi cứ nhớ mãi câu chuyện của nhà báo Trần
Bình Minh (hiện là Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An) kể lại kỷ niệm lần đầu tiên anh
đặt chân đến Trường Sa khi còn làm phóng viên cho VTV từ những năm 80 của thế kỷ
trước. Trần Bình Minh bảo: “Ngày ấy, tớ trẻ lắm, tóc lại để hơi dài. Anh em lính
hải quân từ trên đảo nhìn ra xa thấy vậy lại tưởng có văn công lên đảo. Mừng
lắm. Thế mà khi xuồng cập bờ, họ mới biết cô gái trên xuồng chính là phóng viên
Trần Bình Minh đeo kính đang tíu tít bắt tay lính đảo. Buồn mất… 5 giây”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Đấy là chuyện của
lính đảo chìm từ cách đây ngót 20 năm, còn bây giờ thì khác nhiều lắm rồi - nghe
tôi kể lại câu chuyện Đại úy Lê Xuân Thủy - Đảo trưởng đảo Tốc Tan cười ha hả át
cả tiếng sóng. Anh kể: Thực ra, hồi mới ra nhận công tác tại những đảo chìm như
Tốc Tan này, không ít cậu lính trẻ cũng thấy sốc bởi đảo nhỏ quá. ở đảo chìm,
lính đảo vẫn có câu nói cửa miệng: “Đảo là nhà”. Xét cho cùng câu nói ấy đúng
theo cả 2 nghĩa bởi cả hòn đảo bé đúng bằng một ngôi nhà. Lính ta suốt ngày chỉ
quanh quẩn trên cái diện tích vài chục mét vuông chơ vơ giữa biển đó. </font>
</p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nếu đảo nổi được
phân thành từng cấp tùy thuộc vào diện tích thì đảo chìm lại chẳng có một cấp
nào. Gọi là đảo, nhưng so với bài học địa lý “đảo là một vùng đất nổi lên giữa
biển” mà tôi được học từ hồi phổ thông mà đem áp dụng ở đây thì sai bét. Vì thế
người ta mới gọi nơi đây là đảo chìm, một hòn đảo mà khi nước triều lên thì từ
xa chỉ còn nhìn thấy một ngôi nhà đa giác màu vàng nhô lên với lá cờ đỏ sao vàng
tung bay trong gió.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tôi đặt chân lên
đảo, nhỏ thật, nhỏ đến mức nơi đặt phần mộ cho những người lính đã hy sinh trên
đảo cũng được quy tập chung vào một tấm bia. Ông Phan Tiến Bình - Chủ tịch UBND
quận Hai Bà Trưng đi cùng tôi trong chuyến xuồng đầu tiên lên đảo, việc đầu tiên
là thắp nén nhang chắp tay thành kính trước tấm bia ấy. Tôi đếm cả thảy 4 cái
tên được khắc ngay ngắn, con ông Bình thì bùi ngùi: “Đồng đội tôi đấy, các anh
sống bảo vệ đảo và đến khi nằm xuống vẫn kiên trung giữ đảo”.</font></p>
<p class="pSubTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Những bài ca
lộng gió</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Khi đặt chân đến
những hòn đảo chìm, tôi nghiệm ra một điều, lính hải quân là những người mê văn
nghệ nhất. Có lẽ không ở đâu có được sự đồng cảm và tự nhiên giữa đoàn công tác
Hà Nội với những người lính trên đảo chìm. Chỉ sau những cái bắt tay chào hỏi,
nhoáng một cái đã thấy mấy anh chị trong Nhà hát chèo Hà Nội và Đoàn ca múa
Thăng Long quây quần thành vòng tròn cùng với cánh lính trẻ bập bùng tiếng ghi
ta. Căn phòng tập thể dục của lính bỗng chốc biến thành sân khấu dã chiến cho
những tràng pháo tay nổ giòn giã.</font></p>
<table style="border-collapse: separate" width="40" align="center" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" id="table2">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.anninhthudo.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=51111" hyperlink onclick="return showImage(this.src)" class="lImage" vspace="3" width="400" border="0" hspace="3"></font></td>
</tr>
<tr>
<td class="pCaption">
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Giao
lưu văn nghệ trên đảo</font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chuẩn úy Khuất
Quang Thục quê ở Phúc Thọ, Hà Nội, vừa vỗ tay theo nhịp đàn vừa bảo: “Lính đảo
chìm quanh năm chỉ biết hát cho nhau nghe, mấy khi được hát cho khách như thế
này. ở đảo bây giờ vật chất không thiếu, chỉ mỗi khách là hiếm vô cùng, vì thế,
được dịp thể hiện là anh em thể hiện hết mình”. Lính hát cho ca sỹ nghe, ca sỹ
hát tặng lại lính, những bài ca cứ liên tiếp mãi không ngừng. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Thiếu úy Chu Công
Diệp, quê ở Vật Lại, Ba Vì, Hà Nội tâm sự: “Lính trên đảo chìm suốt ngày nhìn
nhau rồi nhìn biển nhìn trời và nhớ về đất liền. Nhiều khi thấy tàu đánh cá của
ngư dân chạy qua, anh em chỉ mong họ ghé vào xin nước ngọt rồi nói chuyện cho đỡ
buồn. Các anh ra đây thế này, tụi em mừng lắm”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tôi tin tâm sự đó
là thật bởi trước đó, khi đặt chân lên đảo Đá Tây chính tôi đã thấy Trung úy Ngô
Minh Đức trau chuốt từng bông hoa được làm từ những con ốc biển để chuẩn bị tặng
cho các nghệ sỹ của Nhà hát chèo Hà Nội. Những bông hoa mà theo Đảo trưởng Lê
Xuân Thủy bật mí thì cánh lính trẻ đã phải kỳ công sơn, vẽ, chế tác từ trước đó
cả tháng trời. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Quà của đảo chìm
tặng cho chúng tôi chỉ có thế, nhưng tôi thấy rõ sự xúc động hiện lên trong từng
ánh mắt ca sỹ trong đoàn. Buổi giao lưu văn nghệ thoáng chốc đã kéo dài tới gần
2 tiếng đồng hồ, chỉ đến khi tiếng còi tàu giục giã đoàn công tác rời đảo trước
khi thủy triều rút tất cả mới như bừng tỉnh. Những nét bút vội vã ghi địa chỉ,
những số điện thoại thoăn thoắt được trao. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Khi rời đảo, cánh
lính trẻ lội nước ngập tới bụng đẩy xuồng đưa chúng tôi ra khỏi bãi cạn. Và
trong tiếng gió bỗng vang lên lời bài hát: “Vì nhân dân quên mình… vì nhân dân
hy sinh…”. Đó là bài hát mà những người lính đảo chìm đã hát tặng chúng tôi khi
tạm biệt. </font></p>
<p class="pBody" align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo An ninh
Thủ đô</i></b></font></p>
</body>
</html>