<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Trường Sa ký sự</title>
</head>
<body>
<p class="pSuperTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Trường Sa
ký sự:</font></b></p>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Bài 3: Dấu lặng đơn trên biển</font></b></p>
<p class="pHead" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngư dân đi biển,
mỗi khi gặp bão tố, ốm đau hay đơn thuần là tàu cạn dầu, thiếu nước ngọt… là họ
cho tàu cập bến đảo Trường Sa. Chính vì thế cái tên Trường Sa từ lâu đã trở nên
thân thương với hầu hết những ngư dân cả đời gắn bó với những con sóng biển. Với
họ, giữa đại dương mênh mông sóng nước, Trường Sa chính là đất liền.</font></p>
<table style="border-collapse: separate" width="40" align="center" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.anninhthudo.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=51197" hyperlink onclick="return showImage(this.src)" class="lImage" vspace="3" width="300" border="0" height="300" hspace="3"></font></td>
</tr>
<tr>
<td class="pCaption">
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Cấp cứu
ngư dân bị nạn</font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pHead" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Điểm tựa giữa
phong ba</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Có lẽ không một ngư
dân nào mỗi khi đi đánh cá trên vùng biển Đông của Tổ quốc lại không thuộc lòng
từng vị trí, từng tọa độ của các hòn đảo lớn nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa. Tôi
rút ra điều ấy khi gặp ông Nguyễn Văn Tố, chủ con tàu BĐ 1763 thuộc trên đảo
Trường Sa Đông vào sáng 11-4. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Đêm 31-3-2009, con
tàu đánh cá ngừ đại dương 60 mã lực của ông bất ngờ gặp nạn sau một cơn áp thấp
nhiệt đới. Cho đến khi ngồi nói chuyện với tôi dưới bóng cây phong ba trên đảo,
ông Tố vẫn chưa hết bàng hoàng. Trong đôi mắt bạc màu nắng gió vì 40 năm đi biển
ấy ánh lên vẻ biết ơn khi nhận ca nước ngọt từ tay Đại úy, đảo trưởng Đỗ Thế
Tuyến. Ông Tố bảo: “Nếu không có bộ đội Trường Sa thì có lẽ giờ này tôi và 7
thủy thủ trên tàu đã làm mồi cho cá”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Đêm hôm đó mưa gió
mịt mùng, con tàu của ông Tố cố chạy trốn khỏi những con sóng cao 7-8 mét. Khi
chỉ còn cách đảo Đá Đông A độ 2 hải lý thì nó kiệt sức, sóng đánh trùm lên tận
nóc tàu. Ông Tố chỉ kịp vớ lấy bộ đàm mở tần số cấp cứu gọi bộ đội Trường Sa xin
giúp đỡ xong thì tàu mất liên lạc. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Anh Bùi Ngọc Nhẫn,
tài công của tàu, quê ở thôn Kim Giao Bắc, xã Hòa Hải, huyện Hoài Nhơn, tỉnh
Bình Định nhớ lại: “Anh em chúng tôi đã tưởng chết. Tất cả thủy thủ lấy dây buộc
người lại với nhau chờ đợi những đợt sóng cuối cùng trước khi tàu chìm. ấy thế
mà chỉ sau 1 giờ đồng hồ, chiếc tàu cứu nạn của đảo Đá Đông A đã ngược sóng tiến
ra đưa cả 8 ngư dân lên bờ an toàn”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Lúc lên tàu anh
Nhẫn còn cố ngoái nhìn lại con tàu của mình lần cuối thì nó biến mất tự bao giờ.
Sau gần 10 ngày nghỉ ngơi, dưỡng sức, toàn bộ số thủy thủ của tàu BĐ 1763 được
chuyển sang đảo Trường Sơn Đông để đợi tàu vận tải đưa về đất liền.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Một câu chuyện
tương tự lặp lại ngay trước mắt chúng tôi diễn ra trên đảo Phan Vinh vào lúc
0h55 sáng 12-4. Cú điện khẩn từ Trường Sa Lớn gọi tới cho biết, do bất cẩn trong
lúc vận hành máy xay đá để ướp cá, một ngư dân của tàu PY 902179 thuộc tỉnh Phú
Yên đã bị máy nghiền nát bàn tay. Thuyền trưởng tàu PY 902179 cho tàu đang chạy
hết tốc lực về đảo Phan Vinh - điểm gần nhất để xin cấp cứu. Toàn bộ tổ quân y
của đảo lập tức sẵn sàng. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngoài cầu tàu,
Trung tá Phạm Văn Lý, đảo trưởng đảo Phan Vinh liên tục gọi qua bộ đàm hướng dẫn
tàu PY 902179 tránh bãi đá ngầm vào đảo. Đèn pha quét loang loáng, những bước
chân chạy rầm rập khi chiếc mủng đưa nạn nhân Lê Kim Trúc quê ở phường 6, thành
phố Tuy Hòa, Phú Yên vừa cập mạn. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhìn đồng nghiệp
trắng nhợt vì mất máu quá lâu đang nằm trên chiếc băng ca với bàn tay nát nhừ,
anh Trần Văn Định, tài công của tàu bàng hoàng hỏi Thiếu tá, bác sỹ Nguyễn Văn
Hoa - Bệnh xá trưởng đảo Phan Vinh: “Liệu còn cứu được không anh?”. Thay cho câu
trả lời, bác sỹ Hoa lặng lẽ đóng cửa phòng mổ: “Hôm nay sẽ là một đêm rất dài”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">5h sáng, bác sỹ Hoa
bước ra với đôi mắt đỏ ngầu vì mất ngủ, nhưng lại ánh lên sự vui mừng. Xong rồi!
Tôi bước vào bên trong, nạn nhân Lê Kim Trúc đang thở nhè nhẹ, bàn tay nát bấy
khi nãy đã được phẫu thuật ổn định. Thuyền trưởng tàu PY 902179 Trần Văn Lai thở
hắt ra như trút được gánh nặng: “Tui tưởng thằng Trúc chết rồi, khi còn trên tàu
rờ đã không thấy mạch. Lúc nó bị nạn, tàu còn cách đảo hơn 50 hải lý, ai cũng
nghĩ chạy vô đây mất đến 7 tiếng đồng hồ chắc không cứu kịp. Máu ra nhiều, garo
cách gì cũng không cầm. Vậy mà…”.</font></p>
<p class="pSubTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Những hy
sinh lặng lẽ</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Đối với cánh lính
đảo, những “chuyến xe cấp cứu” giữa biển khơi như vậy là chuyện rất đỗi bình
thường như thể công việc ngày nào cũng đều đều như thế. Họ cứu tàu, cứu người cứ
lặng lẽ và đối mặt hiểm nguy, hy sinh cũng lặng lẽ. Khi tôi gọi đó là những
chiến công thì đảo trưởng Phạm Văn Lý gạt phắt đi bằng câu nói đùa tếu táo của
lính: “Đáng kể gì. Chuyện thường ngày ở đảo”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhưng những chuyện
thường ngày ấy mãi đến hôm nay tôi mới biết khi đặt chân lên Trạm Dịch vụ kinh
tế khoa học kỹ thuật tại khu vực DK1 của quần đảo Trường Sa, nơi mà bộ đội vẫn
quen gọi là nhà giàn. Gọi là trạm, nhưng thực tế đó chỉ là một chiếc nhà sàn
bằng sắt được dựng trên bãi đá ngầm sâu hàng chục mét nước và sóng gió có thể
vùi dập bất cứ lúc nào. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Một đồng nghiệp
cùng tàu của tôi kể lại, anh đã khóc khi tình cờ được nghe lại đoạn bộ đàm liên
lạc giữa trạm Phúc Nguyên 2A với đất liền trước khi “tổ chim” này bị bão gió
đánh sập năm 1998. Khi tôi yêu cầu được nghe lại những câu chuyện ấy, Đại tá
Nguyễn Hữu Vinh - Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân đỏ hoe mắt kể: </font>
</p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Cuối tháng 12-1998
một cơn áp thấp nhiệt đới kéo dài nhiều ngày đã đánh bật chân trạm dịch vụ này
khiến nó nghiêng 45 độ. Nhận được tin dữ toàn bộ phòng tác chiến Quân chủng Hải
quân tập trung bên máy bộ đàm liên lạc với trạm Phúc Nguyên 2A. Dù nguy hiểm đã
cận kề, nhưng toàn bộ 9 cán bộ của trạm vẫn kiên cường bám trụ trên đỉnh nhà
giàn trước những cột sóng cao tới chục mét. Từng phút, từng giây, họ đều đặn
thông báo về đất liền tình hình của trạm. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Câu nói cuối cùng
mà Đại tá Vinh nghe được trước khi trạm Phúc Nguyên 2A cùng toàn bộ cán bộ, nhân
viên trên đó biến mất trong bão biển là: “Xin lỗi quân chủng… xin lỗi thủ
trưởng… chúng em đã không giữ được vị trí. Chào đất liền… chào thủ trưởng… chúng
em “đi”…”. Sau đó chỉ còn là tiếng vo vo nhiễu sóng. Đến tận lúc hy sinh, họ vẫn
đau đáu vì chưa tròn nhiệm vụ giữ trạm. Đại dương đã ôm vào lòng mình những cán
bộ trung kiên ấy - Đại tá Vinh nói.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tính đến nay đã có
6 nhà giàn như vậy bị bão tố đánh sập, hàng chục cán bộ đã hy sinh lặng lẽ,
nhưng khi đối diện với những nhân viên đang ngày đêm làm việc ở khu vực DK1 tôi
lại chẳng hề nhìn thấy sự e ngại nào trong mắt họ. Anh Nguyễn Văn Suốt - Trạm
trưởng Trạm Dịch vụ kinh tế khoa học kỹ thuật Ba Kè 1 nói về công việc của mình
với một giọng như không: “Đã không ra biển thì thôi, đã dám đối mặt với đại
dương là chấp nhận hết. Gian khổ không sợ, chỉ sợ nhiệm vụ không tròn. Giữ biển
không phải là công việc dành cho những trái tim mềm yếu”. </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo An ninh Thủ đô</i></b></font></p>
</body>
</html>