<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Sinh viên học</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Sinh viên học</font></b></p>
<p class="pHead" align="justify"><font face="Arial" size="2">Vào đại học, phương
pháp học theo nhóm là hình thức khá phổ biến, khiến nhiều bạn không khỏi bỡ
ngỡ. Dĩ nhiên, không phải sinh viên nào cũng có thể “bắt nhịp” được với kiểu học
này...</font></p>
<table style="border-collapse: separate" width="40" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://www.tienphong.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=207978" hyperlink width="200" border="1" height="150" hspace="0"></font></td>
</tr>
<tr>
<td class="tLegend">
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Học đại
học đòi hỏi phải làm theo việc theo nhóm.</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Chọn mặt gửi vàng</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Đó là kinh nghiệm
mà Như - sinh viên năm ba, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn) rút ra sau hai
năm học. Nhà ở tỉnh xa, vào TP.HCM học, cô bạn mừng hết cỡ khi gặp được những
người bạn cùng quê trong lớp. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chơi chung một nhóm
nên khi thầy giáo cho bài tập nhóm về nhà, cả “hội đồng hương” thống nhất làm
chung một bài.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tưởng rằng chơi
thân với nhau nên dễ làm việc, ai dè khi bắt tay vào thì Như mới dở khóc, dở
cười. Bài luận cần nhiều tài liệu trên mạng, nhưng mấy cô bạn cùng nhóm, ngoài
tài nhảy Audition ra, thì chẳng biết vào chỗ nào để kiếm tài liệu. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Được các anh chị
khóa trên hướng dẫn trong những ngày đầu nhập học nên Như cũng biết chút ít, tận
tình chỉ lại cho các bạn. Thế nhưng, đến khi họp nhóm, cô bạn hết hồn khi nhận
xấp tài liệu dày cồm cộp từ các bạn nhưng... bới mãi cũng chẳng thấy chút dính
dáng đến đề tài. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Hóa ra, để cho
nhanh, gọn, mấy cô bạn cùng nhóm chỉ việc gõ từ khóa vào Google, và in ra hàng
loạt, mà không kiểm tra, lọc thông tin. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Báo hại Như phải
xoay vần ra kiếm tài liệu luôn phần cho bạn, và lụi cụi ngồi gõ bài một mình.
Hôm đi in bài nộp cho thầy, cũng một mình Như loay hoay, vì các bạn đang mải mê
“làm đám cưới” trên mạng với nhau.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Điểm thì cùng nhận
chung, nhưng hầu như mấy bài tập sau của cả nhóm, các bạn đều dồn cả về cho Như
làm. Thậm chí, đến khi Như đưa bài cho bạn góp ý, cũng chỉ nhận được cái lắc đầu
hờ hững: “Thôi, cậu làm nốt luôn đi cho rồi, bọn tớ có hiểu gì đâu mà ý với
chẳng kiến”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Đến khi hết chịu
nổi, Như đành lặng lẽ tách nhóm học, bởi “học nhóm cùng nhau mà không thảo luận,
góp ý thì làm thế nào sửa những chỗ sai, làm bài cho tốt được. Sau này, chọn bạn
lập nhóm thì cũng nên để ý tìm người siêng học hỏi và có sáng tạo một chút, như
thế mới nhanh tiến bộ và bài làm chung mới mong kiếm được điểm tốt”.</font></p>
<p class="pSubTitle" align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Học theo
nhóm = ê kíp phối hợp nhịp nhàng</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ở đại học, chuyện
sinh viên cúp học là điều cực kì bình thường nên việc một sinh viên cả học kì
mới thấy ló mặt trên lớp vài lần là... chuyện thường ngày ở huyện. Chính vì vậy,
nhóm học tập nào có một vài sinh viên kiểu này thì coi như... xui cả đám.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhóm học môn Phương
pháp nghiên cứu khoa học của Ngân - sinh viên năm hai, Đại học Khoa học Xã hội
& Nhân Văn, tuy chỉ có tám người nhưng lại có đến ba thành viên “sâu lười” như
thế. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Làm chung một đề
tài nhưng chẳng mấy khi họp nhóm có đủ các thành viên. Từ khâu chọn đề tài, lập
đề cương, tìm kiếm tài liệu, đến khi lập bảng hỏi cũng không thấy các “sâu” hỏi
đến, các thành viên còn lại phải xoay ra làm hộ bạn. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Bảng hỏi được chia
về khảo sát cũng chẳng thấy những sinh viên lười này nộp lại, báo hại cả nhóm
suýt rớt môn vì nộp bài không đúng hạn. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">“Lần sau có cho
vàng tớ cũng không dám nhận các bạn này vào nhóm, học nhóm kiểu gì mà toàn đùn
đẩy trách nhiệm cho người khác” - Ngân phân trần.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ở những môn yêu cầu
nộp bài gấp, sinh viên phải thức đêm online làm bài là bình thường. “Nhóm của
mình hầu hết các thành viên đều ở xa trường, không thể họp nhóm thường xuyên,
thời gian trên lớp thì có hạn, nên thống nhất bài vở sẽ được trao đổi qua chat,
hoặc gửi bài qua mail là lẹ nhất. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Trường hợp gấp quá
mà không có net thì đành rút gọn rồi nhắn tin cho nhau. Chỉ cần một thành viên
không tham gia với cả nhóm là cầm chắc điểm thấp, vì bài vở được phân chia cụ
thể cho từng người” - Khánh, sinh viên năm hai Đại học Luật chia sẻ.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ở những môn phải
thuyết trình, thông thường mỗi nhóm sẽ chọn ra người có khả năng nói tốt để
trình bày trước lớp. Tuy nhiên, cũng có những giảng viên đòi hỏi sự tham gia
đồng đều của cả nhóm nên “bốc” ngẫu nhiên một thành viên trong nhóm để trình
bày. Nhóm nào có vài “mem” học hành theo kiểu lãng tử thì tha hồ hồi hộp mỗi khi
đến lượt trình bày.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">“Tụi mình đã chuẩn
bị bài vở đâu ra đó rồi, chuẩn bị cả video clip để minh họa cho bài thuyết
trình, vậy mà thầy gọi đúng cái đứa chả biết gì đến bài của nhóm lên, thế là
công sức đổ công đổ bể…” - Nam, sinh viên năm hai Đại học Khoa học Xã hội & Nhân
văn phân trần.</font></p>
<p class="pBody" align="right"><font face="Arial" size="2"><i><b>Theo MT</b></i></font></p>
</body>
</html>