<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Tiến sĩ của tình yêu thương</title>
</head>
<body>
<p align="center">
<font face="Arial" style="font-weight: 700" color="#0000FF" size="2">
Tiến sĩ của tình yêu thương</font></p>
<p class="pHead" align="justify">
<font face="Arial" style="font-style: italic" color="#800080" size="2">
“Cho yêu thương sẽ nhận lại yêu thương. Ai đã viết câu đó tôi không nhớ nhưng
với tôi, cho yêu thương cũng không mong nhận lại yêu thương mà trong cuộc sống
cần có một tấm lòng!”.</font></p>
<p class="pHead" align="center">
<img border="0" src="tien%20si%20cua%20tinh%20yeu%20thuong.JPG" width="200" height="170"></p>
<p class="pHead" align="center">
<font face="Arial" style="font-style: italic" color="#808000" size="2">
Nghiêm Cẩm Vân (thứ hai từ phải sang) đang chăm sóc những trẻ khuyết tật tại mái
ấm Thiên Phước (Củ Chi) - Ảnh: K.ANH</font></p>
<p class="pBody" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Đó là câu viết đầu tiên
trong những email của Nghiêm Cẩm Vân, một du học sinh tại Nhật, thường hay gửi
cho bè bạn.</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify">
<font face="Arial" style="font-style: italic" color="#008000" size="2">
Nuôi giấc mơ cho mình và cho bạn</font></p>
<p class="pBody" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Sống với mẹ, anh trai, sau
giờ học ở Trường THPT Lê Quí Đôn (TP.HCM) bé Vân phải vác bơm xe ra lề đường mưu
sinh, rồi đi lượm banh tennis kiếm chút tiền phụ mẹ chuyện cơm áo, sách vở. Khó
khăn vậy mà Nghiêm Cẩm Vân vẫn đậu vào ĐH Luật TP.HCM. Và ở giảng đường đại học,
Vân luôn dằn vặt mình khi nghe đâu đó bạn mình chuẩn bị về quê bởi không có tiền
đóng học phí. </font></p>
<p class="pBody" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Vậy là đi tìm cách giúp
bạn. Đi ngang qua khu Văn Thánh (Bình Thạnh) thấy chương trình thi tuyển diễn
viên triển vọng, Vân đăng ký. Đơn giản chỉ vì: “Tôi muốn có một số tiền giúp
người bạn cùng lớp mà chưa tìm ra cách nào. Chỉ cần được một giải thưởng nào đó
cũng có vài trăm ngàn để tặng bạn”- Vân tâm sự. </font></p>
<p class="pBody" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Giải khuyến khích cuộc thi
giúp Vân có đủ số tiền cho bạn đóng học phí. Không phụ lòng, kỳ thi ấy người bạn
đạt điểm cao nhất lớp và được nhận học bổng. “Như thế bạn ấy sẽ tiếp tục được
theo đuổi giấc mơ”- Vân tự nhủ. Và lúc này giấc mơ của Vân thành hiện thực khi
nhận giấy báo được học bổng ngành luật tại ĐH Tokyo của Chính phủ Nhật. </font>
</p>
<p class="pBody" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Ngày khoác balô lên máy
bay, trong hành trang của Vân chỉ có mấy viên thuốc nhức đầu, mấy gói mì tôm,
mấy bộ quần áo, còn lại là sách vở cùng 100 USD do mẹ vay mượn. Vừa học vừa làm
để tồn tại trong xã hội Nhật với đời sống đắt đỏ. Tốt nghiệp ĐH Tokyo, Vân tiếp
tục “săn” suất học bổng cao học tại Nhật và nghiên cứu sâu hơn về luật biển.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Hoàn thành chương trình
thạc sĩ luật như chưa đủ, Vân lại trổ tài “săn” tiếp suất học bổng của Quĩ phát
triển giáo dục dành cho khu vực Đông Nam Á của chương trình Nhật - Canada tổ
chức. Hai năm học tại Thái Lan, nửa năm ở Nhật và nửa năm nữa tại Canada, Vân
bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khi cô vừa tròn 28 tuổi. Hiện Vân đang làm trợ
giảng cho ĐH ShinShyu tỉnh Nagano, miền trung nước Nhật. </font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify">
<font face="Arial" style="font-style: italic" color="#008000" size="2">
Gieo mầm yêu thương </font></p>
<p class="pBody" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Những ngày còn là sinh viên
trên đất Nhật, với Vân, việc quan tâm đến những mảnh đời bất hạnh là điều không
thể thiếu. Vân cùng nhóm bạn tổ chức những đợt vào các trại dưỡng lão chăm sóc,
đưa các cụ già đi chơi. “Cuộc sống của họ không thiếu thốn nhưng lại mong có
người trò chuyện, mình có thể làm được việc đó” - Vân cho biết. Vân vận động
thành lập nhóm từ thiện “Heal The Pains - Xoa dịu nỗi đau”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Những cuộc họp, quyên góp
đều phải họp online bởi mỗi người mỗi nơi. Số tiền ít ỏi của những ngày làm thêm
được Vân và những du học sinh tích cóp lập quĩ. Nhóm còn tham gia những hội chợ
tổ chức tại công viên vào dịp cuối tuần để bán hàng lưu niệm gây quĩ. </font>
</p>
<p class="pBody" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Mùa trung thu năm ngoái,
Vân về VN thăm gia đình. Ở nhà chưa bao lâu Vân lại theo một nhóm từ thiện đến
thăm trẻ mồ côi chùa Diệu Giác, Đồng Nai. Những câu chuyện, hình ảnh những đứa
trẻ bất hạnh nơi quê nhà đã làm Vân suy nghĩ rất nhiều và quyết định đưa nhóm
thiện nguyện “Xoa dịu nỗi đau” từ Nhật về VN.</font></p>
<p class="pBody" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Sau những cuộc họp online,
tổ chức nguồn quĩ, nếu những du học sinh ở Nhật không về được, các bạn trong
nước sẽ lên kế hoạch, khảo sát và thực hiện. Sau chuyến đi PaPếch (Bình Phước)
năm 2005 đến với trẻ em dân tộc S’Tiêng, nhóm “Xoa dịu nỗi đau” đã chọn sóc Bom
Bo (Bình Phước) để trao quà cho những gia đình khó khăn. </font></p>
<p class="pBody" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Một ngày lễ đầu tháng
5-2006, trong khi nhiều người đổ về các khu du lịch, nhóm “Xoa dịu nỗi đau” lại
đèo nhau trên xe gắn máy đến với mái ấm Thiên Phước (Củ Chi), nơi nuôi dưỡng hơn
50 em nhỏ khuyết tật nặng. Lần đến PaPếch, thấy trẻ em phải học dưới mái trường
rách nát, cả nhóm đang lên kế hoạch vận động xây dựng trường học cho các em.</font></p>
<p class="pBody" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Có lần một thành viên mới
sau khi gia nhập nhóm hỏi: “Mình giúp cho người nghèo thì như người đi rót nước
vào ly, uống xong họ lại khát thế rồi mình được gì?”. Vân tâm sự: “Các bạn cứ
làm những việc mình có thể làm dù là nhỏ, nhiệt huyết không bao giờ vơi đi. Mình
không chỉ là người đi rót nước mà còn chuyển nước từ những người khác hỗ trợ
thêm”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Đợt này nghỉ hè cộng những
ngày phép thăm gia đình, Vân và nhóm tranh thủ “đánh” vài chuyến đi Bình Phước,
Củ Chi và trước ngày lên đường trở lại Nhật làm việc sẽ là chuyến đi thăm người
già neo đơn ở quận 8. Giờ đây nhiều xóm nghèo, các trung tâm xã hội đều biết “cô
Vân, tiến sĩ ở Nhật về!” nhưng với tôi, Vân đơn giản là một tiến sĩ của tình yêu
thương... </font></p>
<p class="pBody" align="right"><b><i>
<font face="Arial" size="2">Theo Tuổi Trẻ</font></i></b></p>
<p align="justify"> </p>
</body>
</html>