<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Chàng hiệp sỹ xứ Ka Đơn và ngân</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#0000FF"><b><span class="main_title" id="lbHeadline">Chàng hiệp sỹ xứ Ka Đơn và ngân hàng máu online</span></b></font></p>
<span class="sapeau_box">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Không có điều gì làm Nguyễn
Trần Huy Phong nản chí. Cậu bé này đã trở thành một nhân vật đặc biệt với những
giấc mơ đặc biệt. Trên trang web mang tên mình, Phong tâm sự thành thực, suốt
thời tuổi dại, chỉ cần chạm được tay vào màn hình máy tính đã là một ước mơ quá
lớn lao với không chỉ riêng Phong mà với hầu hết những đứa trẻ vùng quê nghèo xã
Ka Đơn, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng.
</font></p>
<p align="center">
<img border="0" src="nguyen%20tran%20huy%20phong.JPG" width="180" height="223"></span></p>
<p align="center"><span class="time_zone" id="lbContinue"></span>
<span class="text_box" id="lbBody"><font color="#0000FF" face="Arial" size="2">
<i>Nguyễn Trần Huy Phong</i></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">"Chúng
ta có thể khác nhau về giới tính/ Chúng ta có thể khác nhau về tuổi tác/ Có thể
chúng ta không cùng quan điểm/ Có thể chúng ta sống không gần nhau/ Nhưng chúng
ta cùng dòng máu/ Và chúng ta sẵn sàng chia sẻ cho nhau hơi ấm, tình thương và
lòng nhân ái. Mời bạn chia sẻ với nhau thông tin về nhóm máu của mình tại </font>
<a href="http://www.nganhangmau.com/"><u>
<font face="Arial" size="2">http://www.nganhangmau.com</font></u></a><font face="Arial" size="2">”.
Từ lời giới thiệu ấy, tôi tìm đến gặp ông chủ nhà băng đặc biệt này. Và câu
chuyện về cậu và ngân hàng máu online bắt đầu. Nó bắt đầu từ nhánh của một câu
chuyện khác.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Không
bằng cấp, 22 tuổi, Nguyễn Trần Huy Phong bỏ công việc vài trăm USD ở Công viên
phần mềm Quang Trung (TP HCM) về nhà mở lớp dạy tin học miễn phí cho trẻ em và
được tặng danh hiệu Hiệp sỹ công nghệ thông tin của Báo Vietnamnet. 23 tuổi,
quay lại Sài Gòn, hiện cậu đang làm chủ Công ty Phần mềm VNAZ, thiết kế web,
viết phần mềm và cung cấp dịch vụ hosting tại Việt Nam. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trên
trang web mang tên mình, Phong tâm sự thành thực, suốt thời tuổi dại, chỉ cần
chạm được tay vào màn hình máy tính đã là một ước mơ quá lớn lao với không chỉ
riêng Phong mà với hầu hết những đứa trẻ vùng quê nghèo xã Ka Đơn, huyện Đơn
Dương, Lâm Đồng. Từ năm học lớp 8, trong những lần đi rao bánh phụ mẹ, lần nào
qua hàng máy tính, Phong cũng dán mắt vào cửa kính để được trông thấy chiếc cửa
sổ xanh kỳ diệu. Khi ấy, người cha là một ông giáo già đã nghỉ hưu và người mẹ,
bà bán bún riêu giá một ngàn một tô, không bao giờ có thể giúp ước mơ sở hữu một
chiếc máy tính của cậu con trai cả thành hiện thực, nhất là khi cậu còn hai đứa
em cũng đang tuổi cắp sách tới trường. 18 tuổi, Phong không thi đại học vì điều
kiện gia đình, về thành phố làm người trông nhà với mức lương 500 ngàn
đồng/tháng. Cậu được bạn cho mượn cái máy tính vào những giờ nghỉ cuối tuần. Và
đó là hành trình để Phong bước vào một thế giới hoàn toàn mới lạ. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tự học,
rồi cậu trở thành người lắp đặt máy tính. Lúc đó, với mức lương 350 ngàn
đồng/tháng, việc sở hữu cái máy tính với cậu vẫn lại là ước mơ xa vời. Nhưng,
trong một lần được tiền thưởng hơn 100 USD, cậu đã nghĩ đến việc có một cái máy
tính theo cách của mình. Mỗi món tiền sẽ là một linh kiện, cậu mua dần và chờ
ngày giấc mơ hoàn tất. Khi có một vị khách cần phải cứu dữ liệu quan trọng lỡ để
mất trong ổ đĩa, Phong đã đặt giá bằng đúng cái ổ cứng máy tính mà cậu mong đợi.
Mua thêm một đôi loa, cậu đã có được một cái máy tính hoàn hảo, mà sau đó về nhà
nó đã mang đến cho gia đình Phong những tháng ngày hạnh phúc nhất, cả nhà đêm
nào cũng quây quần bên cái máy tính để nghe nhạc hoặc xem phim.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngày
Phong bỏ đất Sài Gòn về lại Ka Đơn, nhiều người cho rằng cậu bị khùng. Nhưng
Phong lại nghĩ khác. Ka Đơn cách thị trấn không bao xa, nhưng những đứa trẻ Ka
Đơn thì lại nghèo xác xơ và chúng chẳng biết gì về thế giới bên ngoài cả. Cậu mở
lớp dạy tin học cho trẻ em, những đứa trẻ chăn bò bỗng nhiên biết sử dụng công
nghệ thông tin. Bố Phong cũng mở lớp dạy tiếng Anh trên máy tính. Còn mẹ Phong
là người quản lý bọn trẻ trong lớp học đặc biệt này. Thời gian Phong ở lại Lâm
Đồng, nhiều người bất ngờ trước một trang web đặc biệt ra đời đúng dịp lễ hội
hoa Đà Lạt. Trang web </font><a href="http://www.dalatrose.com/"><u>
<font face="Arial" size="2">www.dalatrose.com</font></u></a><font face="Arial" size="2">
được Phong xây dựng như một ngân hàng khổng lồ các loại hoa cỏ đặc biệt của Đà
Lạt. Trang web ngay lập tức thu hút hàng triệu lượt người truy cập và những lúc
cầm máy đi rong khắp các triền đồi, khe suối của Đà Lạt của Phong đã không uổng
phí. Trang web này sắp tới sẽ được Phong nâng cấp và sẽ làm dịch vụ tin nhắn để
những ai yêu thích hoa Đà Lạt có thể tải những bức ảnh về làm hình nền điện
thoại di động. Và Phong cũng đang chuẩn bị xuất bản một tập sách ảnh về cuộc
sống thường ngày tại Ka Đơn, trong đó không thể thiếu những bức ảnh hoa và những
đôi mắt trẻ thơ. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Phong
lại rời Ka Đơn sau khi những đứa trẻ đã biết sử dụng thành thạo máy tính. Cậu về
lại Sài Gòn và thành lập công ty phần mềm riêng của mình. Trên chuyến xe Đà Lạt
- Sài Gòn, gối lên đầu gối chiếc laptop cũ, Phong viết về hành trình mới: "Thế
là tôi lại tìm một sự khởi đầu mới ở Sài Gòn, mảnh đất cho những giấc mơ. Anh
Hai Lúa, một người anh mà tôi quen ở Đà Lạt bảo tôi, xuống Sài Gòn cùng làm. Thế
là Công ty VNAZ ra đời. VNAZ, cái tên mà có người bảo là nghe đơn điệu quá,
nhưng tôi muốn nó là Việt Nam từ A tới Z. Và tôi bắt đầu bằng chữ H., hosting,
dịch vụ đầu tiên mà VNAZ cung cấp, </font><a href="http://www.vnaz.com/"><u>
<font face="Arial" size="2">www.vnaz.com</font></u></a><font face="Arial" size="2">
là trang chủ cho dịch vụ này. Không ồn ào, nhưng với niềm tin chất lượng phục vụ
sẽ có chỗ đứng, vnaz.net sẽ là một địa chỉ cho những nhu cầu về lưu trữ trực
tuyến".</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Còn
trang web ngân hàng máu? Phong cười bảo, chắc anh nghĩ rằng, phải có một lý do
mùi mẫn nào đó, kiểu như người thân bị tai nạn mà được ai đó cứu giúp bằng việc
hiến máu, nên mới xuất hiện ý tưởng làm trang web này... Nhưng thực ra, chỉ là
một suy nghĩ đơn giản, nếu chúng ta làm được một ngân hàng máu trực tuyến, thì
nghĩa là chúng ta có thể tạo ra được một kênh thông tin quan trọng, hữu ích đối
với ngành Y tế trong việc cấp cứu người bệnh. Thế thôi. Nhưng không chỉ giản đơn
như lời Phong, trang web này đã và đang tỏ ra có hiệu quả khi số người đăng ký
nhóm máu và tự nguyện hiến máu cứu người ngày một tăng. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trên
trang web, Phong đã thống kê tất cả các xã, huyện, tỉnh và các trạm y tế gần
nhất. Từ đó, người đăng ký nhóm máu sẽ cung cấp địa chỉ, số điện thoại và chúng
sẽ được những người quản trị mạng bảo mật. Phong bảo, trang web này có phát
triển hay không là do chính cộng đồng cùng đóng góp. Cậu rất muốn giao lại trang
web này cho một tổ chức y tế hoặc một bệnh viện nào đó. Mục đích cuối cùng là
làm sao có nhiều hơn cơ hội cứu sống những người bệnh nguy kịch.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đầu
tháng 3, tôi gọi điện cho Phong, bất ngờ gặp cậu quần lửng, áo thun tại quán cà
phê Culi trên phố Lương Ngọc Quyến, Hà Nội. Cậu hẹn những người bạn trong một
diễn đàn để đi làm từ thiện. Cũng chính nhóm này đã quyên góp sách vở để lập nên
thư viện sách tại xã Ka Đơn cho trẻ em. Và lần này, họ lại tiếp tục hành trình
mà không hề quan tâm đến những lợi ích mình có được sau những chuyến đi ấy.
Phong bảo, vẫn có thể làm việc từ những chuyến đi chơi như thế này, khi cậu có
một máy tính xách tay và đến một quán cà phê wifi. Sau chuyến đi Hà Nội, cậu về
Sài Gòn sẽ tiếp tục triển khai một số dự án như trang web về nhà đất, nhằm giúp
sinh viên có thể tìm được những thông tin về nhà trọ hay việc thiết lập một
trang web quảng cáo cho các thương hiệu... Có vẻ như với Phong, không có gì là
không thể. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trông bề
ngoài, người ta thấy Phong không có dáng của một @ như nhiều người vẫn hay hình
dung. Thậm chí, giám đốc trẻ này còn có phần... luộm thuộm. Phong có rất nhiều
bạn, nhưng nhiều nhất là bạn trên Internet, vì thế đi tới đâu cũng có thể gặp
những người tâm giao. Nếu bạn có khả năng và bạn biết nắm bắt khả năng đó cho
những mục tiêu chính của cuộc đời mình, thì dù bạn ở đâu và làm gì, những cánh
cửa vẫn mở ra mà thôi - hiệp sỹ xứ Ka Đơn tâm sự như vậy trước khi về Sài Gòn.
Tôi thì tin rằng, để có thể rút ra điều ấy, Phong đã phải mất những tháng ngày
trải nghiệm trong khó khăn và khổ cực. Nhưng cậu đã thành công. Và phía trước
Phong, tương lai vẫn còn rất rộng<b>..</b></font></p>
</span>
<p align="right">
<font face="Arial" style="font-weight: 700" size="2"><i>Theo Công
An Nhân Dân</i></font></p>
</body>
</html>