<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Treo cái học trên</title>
</head>
<body>
<span id="PageContent_News_NewsDetail">
<p align="center"><font color="#FF0000"><b><font face="Arial" size="2">Treo cái
học trên... ngọn thốt nốt </font></b></font></p>
<p align="justify"><i><b><font face="Arial" size="2" color="#000080">Ngồi trên ngọn cây thốt nốt
cao chót vót ngút tầm mắt, cánh đồng tứ giác Long Xuyên trải rộng mênh mông và
dãy Thất Sơn hùng vĩ thu vào tầm mắt để chắp cánh cho những ước mơ bay cao và xa
hơn ở giảng đường đại học, và ước mơ của em Cảnh sẽ bắt đầu từ việc chắt mót
từng giọt nước bông cây thốt nốt. </font></b>
</i></p>
<div style="float: left; width: 162px; height: 211px">
<table border="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="treo%20cai%20hoc%20tren%20cay%20thot%20not.JPG" width="150" height="205"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ánh nắng chiều đổ nghiêng bên
sườn núi, chúng tôi đặt chân đến ấp Tây Hưng, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên (An
Giang) - nhà Nguyễn Thanh Cảnh (học sinh lớp 12A5 trường THPT Tịnh Biên) chỉ
cách con kênh Vĩnh Tế (biên giới Campuchia) chừng 500 mét. Ở đây đang vào cao
điểm mùa khô hạn nhất trong năm, ruộng rẫy đã thu hoạch xong, người dân Bảy Núi
đang mùa khai thác nước bông cây thốt nốt để nấu đường. Cảnh gấp gọn mấy quyển
tập sách rồi vội vã thay áo, dắt con dao vào thắt lưng và đeo thêm mấy cái chai
nhựa đi lấy nước thốt nốt. Cảnh cho biết, nước bông thốt nốt lấy phải đúng giờ
kẻo chua nấu đường không ngon. Nhà em chỉ có 2 cây, nhà cậu và dì cho thêm 5 cây
nữa, mỗi ngày lấy 2 lần (sáng và chiều) hơn chục lít nước, nấu cô đọng lại được
2 kg đường thô, bán 12.000 đồng. Khoản tiền này dù ít ỏi nhưng rất lớn so với
thu nhập của người dân nghèo xứ núi. Việc trèo cây thốt nốt cao chót vót, Cảnh
nói, lúc đầu leo cao nhìn xuống dễ bị choáng, ngán lắm chú ơi. Nhưng vì kiếm
tiền để duy trì việc học, leo hoài riết cũng quen. Mùa nắng đỡ vất vả, mùa mưa
trơn trượt ghê lắm, chỉ cần sơ sẩy hoặc nạn tre mục không phát hiện để thay kịp
cũng dễ mất mạng như chơi. Ngủ dậy, sáng sớm bụng đói leo lấy nước xong 7 cây
thốt nốt run cả tay chân, nhưng cũng vừa kịp thời gian thay áo đi học. Nghe Cảnh
nói, tôi sực nhớ đã mấy lần đưa tin về tai nạn của người dân Khmer Bảy Núi trèo
cây thốt nốt bị ngã, có người bị tàn tật vĩnh viễn và cũng có người đã ngủ yên
trong lòng đất vì tai nạn. Còn mẹ Cảnh, chị Phạm Thị Mum cho biết, việc tích luỹ
tiền bằng cách trữ đường vào lu, cuối mùa đem bán được vài trăm ngàn đồng để
dành đóng tiền trường và mua tập sách, áo quần cho ba anh em Cảnh (Nguyễn Thị
Thu Thảo đang học lớp 9 và Nguyễn Thanh Thuận học lớp 8). Nhà có 5 miệng ăn
nhưng chỉ có duy nhất một công đất ruộng, mỗi năm canh tác cũng chỉ một vụ lúa
không đủ xay gạo ăn. Chị Mum nuôi thêm con heo nái làm kinh tế phụ và anh Nguyễn
Văn Nhàn (chồng chị) làm thợ mộc, trong xóm ai kêu cất nhà, đóng tủ bàn ghế, anh
cũng làm. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ở nhà, Cảnh là anh trai mẫu mực
trong việc học hành và siêng năng lao động. Nghỉ hè, từ năm học lớp 9 đến nay,
năm nào Cảnh cũng đi làm “cu li” phụ hồ, mỗi ngày 25.000 đồng tiền công. Làm
ngày nắng, nghỉ ngày mưa, cả mùa hè Cảnh làm thêm được khoảng hai tháng. Năm
nay, Cảnh lên lớp 12, Thuận theo anh tập trèo cây thốt nốt để sang năm Cảnh vào
đại học, Thuận sẽ thay anh leo cây thốt nốt lấy nước đem về cho mẹ nấu đường.
Kinh nghiệm leo cao rất nguy hiểm được Cảnh chỉ bày cho em. Kỳ thi tuyển sinh
đại học năm nay, Cảnh đặt nguyện vọng “kép” cho tương lai của mình, em đã nộp hồ
sơ dự thi khối A, ngành sư phạm toán trường Đại học An Giang và khối B, ngành
dược trường Đại học Y dược Cần Thơ. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Một cô giáo trong BGH trường THPT
Tịnh Biên cho hay, Cảnh là học sinh giỏi ba năm THPT, riêng năm học lớp 12, em
vừa đoạt ba giải thưởng cấp tỉnh và quốc gia. Cấp tỉnh, có giải A “Kỹ năng thí
nghiệm thực hành môn hoá học” và giải nhì “Học sinh giỏi bộ môn hoá học”; giải
khuyến khích toàn quốc “Cuộc thi máy tính bỏ túi”. Năng lực học của em Cảnh thừa
khả năng vào đại học nhưng chỉ tiếc là nhà em quá nghèo. BGH nhà trường đang tìm
giới thiệu cho em một suất học bổng để không bỏ quên nhân tài, giờ nghe tin Quỹ
EDF tiếp sức, có niềm vui nào hơn. </font></p>
<p align="right"><b><i><font face="Arial" size="2">Theo Sài Gòn Tiếp Thị</font></i></b></p>
</span>
</body>
</html>