<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<div style="text-align: center;">
<title></title>
<style type="text/css"></style></div>
<span style="font-family: Arial;">
<div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;">Đội trưởng biệt động cánh nam Sài Gòn </span></strong></span></div>
</span>
<div style="clear: both; height: 8px; overflow: hidden;"><span style="font-family: Arial;"> </span></div>
<span style="font-family: Arial;"> <span style="font-size: small;"> </span> </span>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Biệt động Sài Gòn là lực lượng “bám thắt lưng địch mà đánh”, vào tận sào huyệt của địch mà tiêu diệt chúng, làm cho chúng ăn không ngon, ngủ không yên. Đội biệt động cánh Nam Sài Gòn là một trong những đội tồn tại thời gian ngắn, nhưng đã lập được rất nhiều chiến công. Nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng hoàn toàn miền </span></span><st1:country-region w:st="on"><st1:place w:st="on"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Nam</span></span></st1:place></st1:country-region><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2010), tôi đã tìm gặp người Đội trưởng để nghe ông kể lại một thời oanh liệt, hào hùng.</span></span> </p>
<span style="font-family: Arial;">
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><strong>Cả nhà theo cách mạng</strong></span></p>
</span>
<table height="100" cellspacing="0" cellpadding="0" border="0" align="right" width="200" style="margin-left: 8px;">
<tbody>
<tr>
<td><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"> <img border="0" src="http://image.qdnd.vn/Upload//hoangha/2010/4/16/150410hha07.jpg" alt="" /></span></span></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p style="text-align: center;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><span style="color: rgb(128, 128, 128);"><em>Ông Trần Xuân Trí chụp năm 1973. </em></span><br />
</span></span></p>
</td>
</tr>
</tbody>
</table>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Ông tên thật là Trần Văn Thức, sinh năm 1940 tại xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An nhưng đồng đội quen gọi tên hoạt động của ông là Trần Xuân Trí (Chín Trí). </span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Cha của Trần Xuân Trí tên là Trần Văn Mười, là một chiến sĩ cách mạng, là đảng viên cộng sản từ năm 1930, đã tích cực hoạt động trong phong trào yêu nước. Ông Trần Văn Mười đã bị thực dân Pháp bắt, tù đày, tra tấn dã man, nhưng quyết không khai báo. Do không có chứng cớ, địch phải thả ông về. Lúc Chín Trí lên 5 tuổi thì cha qua đời. Trước khi chết, ông Mười còn gọi các con tới dặn dò phải một lòng theo cách mạng, không ai được theo giặc phản lại giống nòi, quê hương. </span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Năm 1952, Chín Trí mới tròn 12 tuổi, người mẹ lâm bệnh trong gia cảnh nghèo khó, không thuốc thang chạy chữa và đã qua đời, yên nghỉ ven sông Vàm Cỏ Tây. Không có điều kiện học hành, Chín Trí phải đi làm thuê, cuốc mướn, anh chị em đùm bọc bên nhau. Chị Trần Văn Hai là chị lớn trong gia đình rất thương em. Chị có 2 con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Chị Trần Thị Kiều có 4 con là liệt sĩ, được Nhà nước công nhận Bà mẹ Việt </span></span><st1:country-region w:st="on"><st1:place w:st="on"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Nam</span></span></st1:place></st1:country-region><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"> anh hùng. </span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Thấy cảnh quê hương lầm than trong gông xiềng đế quốc phong kiến, Chín Trí đã nuôi lòng căm thù giặc sâu sắc và sớm giác ngộ cách mạng. Năm 16 tuổi, Chín Trí tham gia làm liên lạc, đưa thư cho tổ chức Đảng ở xã Mỹ Lạc. Nhiều lần Chín Trí được giao nhiệm vụ dẫn đường cho đồng chí Võ Trần Trí, Bí thư huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An (sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh). Có lúc Chín Trí đã giả làm người đi câu, đi trước quan sát dẫn đường, còn ông Võ Trần Trí cùng các đồng chí khác giả làm người thăm câu. Có lúc hai người đóng vai bố con đi thăm người bệnh… Lần nào Chín Trí cũng che mắt được bọn mật thám chỉ điểm, dẫn đường trót lọt. Trong nhà mình, Chín Trí đào hầm bí mật để cán bộ về ẩn náu. Năm 1959, Chín Trí được kết nạp vào Đoàn, cũng năm đó ông bị giặc bắt. Chúng dùng các thủ đoạn tra tấn, hòng khai thác tin tức, nhưng ông thà chết không khai. Không có chứng cứ, địch phải thả Chín Trí ra, đồng thời cho người theo dõi. Ông trốn ra bưng, tìm đường gia nhập quân đội cách mạng. </span></span></p>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<span style="font-family: Arial;">
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><strong>Những ngày chiến đấu trong quân ngũ</strong></span></p>
</span>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Đầu năm 1960, Chín Trí gia nhập quân đội, vào đơn vị cơ động của bộ đội địa phương tỉnh Long An. Nhập ngũ trưa hôm trước, thì sáng hôm sau với cây trường mát, ông đã tham gia trận đánh phục kích trung đội ác ôn của tên Tường ở Thủ Thừa. Trung đội của ông đã diệt gọn trung đội địch và thu nhiều vũ khí. </span></span></p>
<table height="100" cellspacing="0" cellpadding="0" border="0" align="center" width="200">
<tbody>
<tr>
<td><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"> <img border="0" src="http://image.qdnd.vn/Upload//hoangha/2010/4/16/150410hha08.jpg" alt="" /></span></span></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p style="text-align: center;"> <span style="font-size: small;"><span style="color: rgb(128, 128, 128);"><em>Ông Trần Xuân Trí chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.</em></span></span></p>
</td>
</tr>
</tbody>
</table>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Các trận đánh kế tiếp, liên miên chống địch càn quét, gom dân, hành quân yểm trợ bình định, ông đã tham gia bắt sống tên quận trưởng Bình Chánh khi hắn đang đắp lục bình trốn dưới đầm lầy và cả đại đội bảo an của hắn bị đánh tan tác. Trong trận đánh thị trấn Đức Hòa, ông được giao nhiệm vụ hạ cờ địch, kéo Cờ đỏ sao vàng lên cột cờ dinh quận giữa làn đạn như mưa của địch. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông vội cầm khẩu trung liên bắn địch, yểm trợ cho quân ta xung phong vào thị trấn. Chiến thắng Đức Hòa 1960 là trận tấn công làm chủ huyện lỵ đầu tiên của bộ đội giải phóng. </span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Tháng 11-1960, Chín Trí được “lên chức” tiểu đội phó và được tuyển chọn về quân khu Sài Gòn-Gia Định. Có một trận đánh mà ông nhớ mãi-tiểu đội của ông có 7 người đi đánh đồn Trần Văn Châu ở quận 8. Tiểu đội bao vây bên ngoài giả danh “quân đảo chánh” kêu bọn lính ra hàng. Bọn địch đang hoang mang, tưởng lực lượng mạnh nên 40 tên lính đưa hai tay lên trời xếp hàng lần lượt ra khỏi đồn đầu hàng. Đến khi tập trung bãi cỏ, nhìn thấy chỉ một tiểu đội của ta, chúng mới biết bị lừa, nhưng chúng phải ngồi im lặng chịu cho ta tước súng. </span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Sau một loạt trận đánh, Chín Trí được về An Thạnh, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương tham gia trung đội cảnh vệ B603 bảo vệ Bộ Tư lệnh quân khu và Khu ủy Sài Gòn-Gia Định. Bọn gián điệp phát hiện cơ quan đầu não quân khu. Địch sử dụng phương tiện máy bay khu trục đánh bom, bắn đạn 12,7mm và hỏa tiễn. Rồi địch càn quét vào, trung đội đã bám sát từng con đường mòn, từng đoạn đường đất đỏ bảo vệ an toàn quân khu bộ. Trung đội đã mở đường rời căn cứ sang Củ Chi. Cuộc hành quân của trung đội đưa 300 tân binh của thành phố về căn cứ cách mạng thật gian nan. Địch cho quân đuổi theo. Một trận chiến khốc liệt đã diễn ra trên ranh giới đất Củ Chi và Đức Hòa, Long An. Các anh đã đưa an toàn 300 tân binh về căn cứ, nhưng đồng chí Ba Chiến nằm lại vĩnh viễn trong lòng đất. </span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Trung đội B603 còn vinh dự bảo vệ thành công hội nghị ra mắt “Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam” khu Sài Gòn-Gia Định do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch; bảo vệ an toàn tuyệt đối cho hàng trăm đại biểu của các quận nội, ngoại thành đi về căn cứ dự hội nghị. Sau này, trung đội B603 phát triển lên thành đại đội với phiên hiệu K17. Trận đầu ra quân, Chín Trí đã cùng đồng đội tiêu diệt gọn đồn Ma-ri Tân Quy, diệt sạch bọn ác ôn và bắt sống 12 tên tù binh. Chín Trí được bổ nhiệm Chính trị viên trung đội. Đại đội của ông đã tham gia đánh hàng trăm trận tại Củ Chi, diệt hàng ngàn tên địch, bắn cháy cả trăm xe quân sự, phá hủy một máy bay đầm già, thu nhiều súng đạn. </span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Trung đội của Chín Trí tách khỏi K17 thành lập B60 gồm gần 30 đồng chí, về hoạt động tại phía Nam khu Sài Gòn-Gia Định (khu vực Thủ Đức-Nhà Bè). Trung đội làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, cất giấu, bảo vệ và phân phát cho các đơn vị trong quân khu. Đơn vị của ông còn tổ chức diệt ác, phá kìm, bám dân, xây dựng cơ sở nhiều nơi. Đơn vị đã phát triển lên cả trăm đồng chí có cả trung đội nữ. Chính trị viên Chín Trí luôn đầu tàu gương mẫu trong chiến đấu và công tác. Đồng chí đã cùng đồng đội tiêu diệt nhiều tên Mỹ trong trận càn Xê-đê-phon của địch vào Củ Chi. </span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Khi được về học khóa chính trị tại Trường Quân chính H12 của miền (tiền thân của Trường Sĩ quan Lục quân 2), Chín Trí đã được đi báo cáo điển hình đánh Mỹ ở Củ Chi. Trong quá trình học, giặc Mỹ đã tổ chức càn quét vào khu vực trường. Chín Trí được phân công chỉ huy bộ phận bảo vệ trường, đã tổ chức anh em làm công sự, giao thông hào, chỉ huy anh em bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch. Trường học được bảo vệ, quân ta diệt cả trăm tên giặc, bắn cháy 2 máy bay trực thăng đang bốc quân. Sau trận này, ông được thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì. </span></span> </p>
<span style="font-family: Arial;">
<p style="text-align: right;"><strong><em><span style="font-size: small;">Theo QĐNDO</span></em></strong><em><span style="font-size: small;"><br />
</span></em></p>
</span></div> </html>