<!DOCTYPE html PUBLIC "-//W3C//DTD XHTML 1.0 Transitional//EN" "http://www.w3.org/TR/xhtml1/DTD/xhtml1-transitional.dtd">
<html xmlns="http://www.w3.org/1999/xhtml">
<head>
<meta content="en-us" http-equiv="Content-Language" />
<meta content="text/html; charset=utf-8" http-equiv="Content-Type" />
<title>Giải phóng Trường Sa - Kỳ 2</title>
<style type="text/css">
.style2 {
font-family: Arial, Helvetica, sans-serif;
font-size: 10pt;
}
.style3 {
font-family: Arial, Helvetica, sans-serif;
font-size: 10pt;
text-align: justify;
}
.style4 {
text-align: justify;
}
.style5 {
font-family: Arial, Helvetica, sans-serif;
font-size: 10pt;
text-align: center;
color: #0000FF;
}
.style6 {
font-family: Arial, Helvetica, sans-serif;
font-size: 10pt;
text-align: center;
color: #808080;
}
.style7 {
font-family: Arial, Helvetica, sans-serif;
font-size: 10pt;
text-align: right;
}
</style>
</head>
<body>
<p class="style5"><strong>Giải phóng Trường Sa - Kỳ cuối: Tháng 4 sau 35 năm</strong></p>
<p class="style3">Đoàn công tác của TP.HCM đi Trường Sa đúng dịp tháng 4 sau 35
năm đất nước hòa bình, giang sơn về một mối. Nơi đây bây giờ đã trở thành điểm
đến của những chuyến đi nối đất mẹ với dải đất tiền tiêu của Tổ quốc giữa biển
Đông. </p>
<p class="style3">Biển tháng 4 lặng gió. Sóng nước chỉ vỗ lăn tăn theo mạn
thuyền. Con tàu HQ-960 cứu hộ hiện đại của hải quân thẳng tiến hướng mặt trời
mọc.</p>
<table align="center" border="0" cellpadding="0" cellspacing="2" class="tLegend" style="border-collapse: separate;" width="40">
<tr>
<td class="style4">
<img border="1" class="style2" hspace="0" hyperlink="" onclick="return showImage(this.src)" src="http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=413888" /></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p class="style6"><em>Những thùng nước ngọt quý giá từ tàu HQ-960 tiếp
tế cho đảo Cô Lin, vì gần bốn tháng nay ở đây không có một giọt mưa</em></p>
</td>
</tr>
</table>
<p class="style3"><strong>Đảo Cô Lin tiền tiêu</strong></p>
<p class="style3">“Nếu Trường Sa là tiền tiêu của cả nước thì Cô Lin là tiền
tiêu của Trường Sa” - chuẩn đô đốc Lê Văn Đạo, phó tư lệnh hải quân, nói khi tàu
đến đảo Cô Lin (nằm ở khu vực giữa quần đảo Trường Sa). Các chiến sĩ hải quân
vẫn ngày ngày “luyện tập, sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hi sinh trong mọi tình
huống” mặc dù ai nấy đều thấm nhuần tinh thần giữ hòa bình, ổn định để phát
triển kinh tế.</p>
<p class="style3">Khi tàu HQ-960 rời Cô Lin cũng là lúc cả đoàn tập trung lên
boong tàu làm lễ tưởng niệm những cán bộ chiến sĩ hải quân VN đã hi sinh tại
đây. Chuẩn đô đốc Lê Văn Đạo đọc diễn văn: “Các đồng chí đã anh dũng chiến đấu
hi sinh để bảo vệ vững chắc sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo thân yêu
của Tổ quốc. Chúng tôi bùi ngùi tưởng nhớ, thương tiếc các đồng chí đã nằm lại
với biển khơi”. </p>
<p class="style3">Tất cả đứng nghiêm mặc niệm các anh. Nhiều khóe mắt đỏ hoe,
nhiều cánh tay đưa lên lau nước mắt.</p>
<p class="style3">Vị tướng, chuẩn đô đốc cũng nghèn nghẹn, rưng rưng: “Trong
niềm xúc động sâu sắc, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các đồng chí,
thắp nén nhang, thả vòng hoa tưởng niệm tưởng nhớ tới hương hồn các đồng chí.
Mong các đồng chí thanh thản yên nghỉ cùng chúng tôi canh giữ chủ quyền biển
đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”. </p>
<p class="style3">Ở Trường Sa, các anh lính đảo dù bất kỳ tình huống nào đều
hiểu rõ nhiệm vụ số một ở nơi đầu sóng là giữ đảo, giữ bình yên cho cả biển Đông.</p>
<p class="style3">Đảo Trường Sa Lớn bây giờ đang như một công trường. Hàng loạt
công trình đường sá, nhà khách, đền chùa đang tiếp tục thi công. Các chuyến tàu
vào ra ngày càng tấp nập, hối hả. Có người đến người đi và cũng có người đã nằm
lại mãi mãi nơi này. </p>
<p class="style3">Mộ chàng trai Hoàng Văn Nghĩa, 24 tuổi, nằm trên bãi cát trắng
bên hàng cây phong ba. Nghĩa là nhân viên Trạm khí tượng hải văn Trường Sa, đã
ra đảo 15 tháng. Công việc hằng ngày của Nghĩa là đo đạc số liệu hải văn để báo
về Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung bộ. Số liệu sẽ được chuyển đến Tổ chức Khí
tượng thế giới vì đây là trạm phát báo quốc tế. </p>
<p class="style3">Trưởng trạm Đào Bá Cao kể lại: sáng 21-3-2010 cũng như những
ngày bình thường khác, Nghĩa ra cầu cảng Trường Sa đo đạc mức nước nhưng đến hết
ca trực mọi người không thấy Nghĩa về. Cả đảo đi tìm. Cầu cảng là khu vực nước
sâu. Xác Nghĩa đã trôi cách cầu cảng 200m. </p>
<p class="style3">Bàn thờ Nghĩa đặt ngay ở Trạm khí tượng hải văn Trường Sa.
Chuẩn đô đốc Lê Văn Đạo vừa ra Trường Sa đã viếng mộ Nghĩa như viếng mộ một
người lính.</p>
<p class="style3"><strong>Đảo là nhà, biển cả là quê hương</strong></p>
<p class="style3">Nhìn từ xa, đảo nổi Sinh Tồn, Trường Sa Lớn như những cù lao
nhô lên giữa biển trời bao la. Cả chuỗi đảo chạy dài ngoài biển Đông như một lá
chắn lớn che cả biển và bờ đất nước. Nhưng nơi ấy vì cách quá xa đất liền nên
vẫn còn thiếu thốn nhiều thứ. </p>
<p class="style3">Nếu chưa ra đảo khó hình dung được từng cọng rau, từng giọt
nước ngọt quý giá đến cỡ nào. Suốt mấy tháng nay trời nắng như thiêu đốt, không
có lấy một giọt mưa. Những thùng chứa, bể trữ nước ngọt trên các đảo cạn dần.
Rau xanh chỉ được tưới bằng những ca nước tận dụng sau khi rửa mặt, tắm giặt...
Chuyện tiết kiệm nước ở đây trở thành một thói quen từ các cháu bé.</p>
<p class="style3">Nhưng thiếu thốn vật chất dù nhiều dù ít đều có đất liền chi
viện. Cái thiếu thốn khó bù đắp nhất có lẽ là hơi ấm gia đình. Cứ như phản xạ,
hễ gặp các anh lính đảo hay bà con trên đảo, lời hỏi thăm đầu tiên của chúng tôi
đều giông giống nhau rằng các anh các chị có nhớ nhà không dù ai cũng đoán được
câu trả lời. </p>
<p class="style3">Để động viên nhau, để truyền cho nhau hơi ấm giữa biển khơi,
mọi người đều xem “đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Câu khẩu hiệu ấy xuất hiện
khắp mọi nơi. </p>
<p class="style3">Trung úy hải quân Thái Đàm Hồng, 36 tuổi, phụ trách hệ thống
điện trên đảo Sinh Tồn, kể anh may mắn hơn nhiều anh lính khác nhờ xuất hiện
trên tivi hai lần nên người thân ở nhà đỡ nhớ. Đó là hai lần anh giao lưu trong
chương trình cầu truyền hình nối Trường Sa với đất liền. </p>
<p class="style3">Anh Hồng có thâm niên đi Trường Sa năm “tăng” (từ dùng của hải
quân). Mỗi tăng đi hơn một năm, chuyển từ đảo Phan Vinh sang Nam Yết rồi Sinh
Tồn, riêng Trường Sa Lớn đi hai tăng. Năm ngoái, đúng ngày sinh nhật con gái 3
tuổi, anh Hồng lại vác balô ra Trường Sa làm nhiệm vụ cho đến nay.</p>
<p class="style3">Dẫn đầu đoàn công tác thăm Trường Sa, bà Huỳnh Thị Nhân, phó
bí thư Thành ủy TP.HCM, nói đại ý: các anh có mặt ở đây đã là sự hi sinh lớn lắm
rồi. Quả thật sự hi sinh tình cảm gia đình làm sao cân đong đo đếm được dù các
anh rất ít khi nhắc đến. Ra đảo hơn một năm nay, thiếu úy Nguyễn Đức Trường luôn
đặt tấm ảnh cưới bên chiếc gối ở đầu giường - tấm ảnh duy nhất anh kịp mang ra
Trường Sa sau khi cưới vợ tháng 2 năm ngoái. Trường tâm sự: “Tháng 7 này về phép
mình phấn đấu có con”. </p>
<p class="style3">Mỗi anh lính là một hoàn cảnh. Có người chỉ kịp cưới vợ, chưa
kịp có con, có người có con nhưng chưa nhìn thấy mặt con vì ra đảo lúc vợ đang
mang thai. Có người đi lâu quá, người yêu ở nhà đã lấy chồng. Các anh lính đảo
bảo rằng ra đảo riết rồi quen, về đất liền thấy xô bồ, chật chội...</p>
<p class="style3">Trường Sa bây giờ không còn xa khi nước nhà đã thống nhất
nhưng đó vẫn là dải đất luôn phải đương đầu với bao hiểm nguy, nắng gió, bão tố
khắc nghiệt. Xưa kia cha ông ta xác lập chủ quyền bằng những chiếc thuyền gỗ,
nay ta đã có tàu sắt hiện đại thì không có lý do gì ngại gian khó. </p>
<p class="style3">Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước giữ từng mét đất, từng sải
nước Trường Sa. </p>
<p class="style3">Cả nước đang đầu tư cho Trường Sa để biến địa bàn có vị trí
chiến lược và đầy tiềm năng này thành một đô thị lung linh ánh đèn giữa biển
Đông.</p>
<p class="style7"><em><strong>Theo TTO</strong></em></p>
</body>
</html>