<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Pho mò cua bắt cá để vào đại học</title>
</head>
<body>
<p align="center"><span id="PageContent_News_NewsDetail"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#FF0000">Pho mò
cua bắt cá để vào đại học </font></b></span></p>
<div style="float: left; width: 165px; height: 233px">
<table border="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="mo%20cua%20bat%20ca.JPG" width="150" height="205"></td>
</tr>
<tr>
<td><span id="PageContent_News_NewsDetail1">
<font face="Arial" color="#0000ff" size="2">Anh em Pho đang bẻ bắp
chuối đi bán kiếm tiền ăn học</font><font face="Arial" size="2">
</font> </span></td>
</tr>
</table>
</div>
<span id="PageContent_News_NewsDetail0">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tám năm trước, một người đi làm
thuê thiếu nợ, bị hành hung tới chết. Kẻ ác ra toà, lãnh án tù. Nhưng cũng từ
lúc ấy, người vợ buồn rầu, suy sụp tinh thần, gia cảnh đã khó khăn càng khó khăn
hơn. Gia đình 4 người, còn lại ba, nhưng thực ra gánh nặng bắt đầu chuyển qua
hai đứa trẻ. Đứa lớn là Pho, lúc đó mới 10 tuổi. Hằng ngày Pho lặn ngụp dưới
kênh Lái Hiếu, mò cua, bắt cá, làm thuê… nuôi người mẹ bệnh tâm thần và đứa em 8
tuổi. Ai thuê mướn việc gì Pho cố sức làm. Những hôm trời lạnh không thể lặn
ngụp, Pho hái rau, cắt bắp chuối bán được năm, mười ngàn đồng lo thuốc men cho
mẹ, cơm gạo và tích góp để mua sách vở cho cả hai anh em đi học. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cậu bé 10 tuổi cơ cực ấy, bây giờ
là Nguyễn Văn Pho, học sinh lớp 12A.P1, Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Phụng Hiệp
(Hậu Giang), học rất giỏi. Cô hiệu phó Nguyễn Minh Quyên kể: Hôm Pho đi thi học
sinh giỏi cấp quốc gia, trong mình chỉ có 5.000đ, một bộ đồ dính da, áo vàng ố,
quần bạc phếch, mặc đã ba năm. Thầy cô thấy vậy hùn tiền lại mua một bộ đồ mới,
một cái mùng, đôi dép và nhét vào túi 50.000 đồng cho Pho đi thi. Ngày về, Pho
gửi y nguyên số tiền đó lại thầy cô , bởi: “Ăn uống, BTC lo hết rồi, em không
tốn gì cả”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong căn nhà tình thương do UBND
xã cất, vách còn trống trước hụt sau, chỉ có một chiếc bàn do Pho tự đóng bằng
ván ghe xuồng bỏ đi để có nơi học tập, chung quanh đầy những bằng khen. Căn nhà
ấy có bà mẹ khi tỉnh khi mê, không đủ sức hướng con tới trường. Mẹ Pho tiều tuỵ,
ôm lấy ngực ho từng cơn, tưởng chừng không bao giờ dứt - đưa mắt nhìn chúng tôi,
hỏi: "Mua bắp chuối hả chú? Thằng Pho đang đi bẻ sau hè”. Sau hè là nơi cung cấp
bắp chuối để Pho bán nhưng đó cũng là nguồn thức ăn để anh em Pho ăn thay cơm.
Thiếu tiền, anh em Pho lại mò cua, bắt cá; đói không có cơm ăn thì luộc chuối để
no lòng, nuôi giấc mơ vào đại học. Thế nhưng, theo như Pho nói thì: "Sang năm
chắc anh em con phải có một đứa hy sinh nghỉ học ở nhà lo cho mẹ, chứ không anh
em con không biết phải làm sao để đi học tiếp được” - giọng Pho tắc nghẹn.
</font></p>
<p align="right"><b><i><font face="Arial" size="2">Theo Sài Gòn Tiếp Thị</font></i></b></p>
</span>
</body>
</html>