<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Tìm</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Giáo sư, Anh
hùng lao động Trần Văn Giàu: Cây “đại cổ thụ” của khoa học xã hội Việt Nam</font></b></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><strong>PGS-TS PHAN XUÂN BIÊN</strong><br>
<em>Tổng Thư ký Hội đồng KHXH TPHCM</em></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong><em>Ngoài sự nghiệp chính
trị với những đóng góp vẻ vang của một người đã hiến dâng cả cuộc đời cho độc
lập, tự do và xây dựng phát triển đất nước; một người thầy của nhiều thế hệ nhà
giáo Việt Nam, Giáo sư Trần Văn Giàu là một đại trí thức giàu sáng tạo trong
lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KHXH-NV).</em></strong> </font></p>
<div align="center">
<table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0" width="1">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img src="http://sggp.org.vn/dataimages/original/2010/09/images347162_4.jpg" name="imagePhoto" border="0" width="399">
</font></td>
</tr>
<tr>
<td class="Image">
<p align="center"><i><font color="#808080" face="Arial" size="2">
Tuổi trẻ TPHCM chúc mừng Giáo sư Trần Văn Giàu nhân dịp Giáo sư được
tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Có thể nói, chưa có một người
Việt Nam nào viết nhiều như Giáo sư Trần Văn Giàu. Hàng vạn trang sách đã ghi
dấu ấn sâu sắc sự cần mẫn và sáng tạo của nhà khoa học Trần Văn Giàu. Nhà xuất
bản KHXH in các tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh mỗi người 1 tập, bình quân
từ khoảng 500 - 1.500 trang. Riêng Giáo sư Trần Văn Giàu có 2 tập, tổng cộng
3.556 trang. Nhưng đó chỉ mới là dung lượng của 2 tác phẩm được nhận giải thưởng
Hồ Chí Minh trong số công trình khoa học của Giáo sư. Đó là tác phẩm “Giai cấp
công nhân Việt Nam” và tác phẩm “Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam”, mỗi tác
phẩm gồm 3 tập. Sự nghiệp khoa học, công trình nghiên cứu của ông không phải chỉ
chừng đó, mà như trên đã nói, ông có một khối lượng tác phẩm đồ sộ, liệt kê sơ
bộ cũng đã có hơn 150 công trình. Xin điểm sơ một số công trình tiêu biểu của
Giáo sư:</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>1</strong>- <em>Chống xâm
lăng</em> (Lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1898). Đây là giai đoạn lịch sử đau
thương mà oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Vào lúc tác giả đang đảm nhiệm công
tác ở Khoa sử Đại học Tổng hợp Hà Nội, đã “ tự đặt nhiệm vụ, đứng về phía nhân
dân, dùng phương pháp sử học Mác - Lê… làm sống lại cuộc kháng chiến anh dũng
của dân tộc ta…, đả phá những sự xuyên tạc, bóp méo của các sử gia đế quốc và
tay sai; bóc trần âm mưu và tính chất dã man của chính sách thực dân, sự phản
phúc của triều đình, sự thối nát của chế độ phong kiến, để làm cho học trò căm
thù đế quốc, phong kiến, từ đó mà nêu cao tinh thần yêu nước và dân chủ mới của
thanh niên…”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Công trình gồm 3 quyển 27 chương
gồm 1.000 trang, được xuất bản 1956-1957 do Giáo sư Trần Văn Giàu viết một mình,
đã kịp thời cổ vũ tinh thần đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>2-</strong> <em>Lịch sử
giai cấp công nhân Việt Nam</em>. Công trình gồm 4 tập, trên 1.800 trang khổ 16
x 24cm, là một đóng góp to lớn về tìm hiểu lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam,
về đội tiên phong của nó và từ đó đóng góp về lĩnh vực tư tưởng, nâng cao ý thức
trách nhiệm, vai trò, sứ mệnh của giai cấp công nhân trong sự nghiệp cách mạng
nước ta. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>3-</strong> <em>Lịch sử
Tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám</em>, gồm 3 tập, 1.750
trang khổ 16 x 24cm, được Giáo sư Trần Văn Giàu coi là sự kế tiếp tự nhiên sau
khi viết xong bộ Giai cấp công nhân Việt Nam. Theo Giáo sư thì đây không phải là
một tác phẩm triết học dù rằng có nhiều nội dung có liên quan đến triết học. Tìm
hiểu tư tưởng Việt Nam, nhằm mục đích là “góp phần nghiên cứu lịch sử cách mạng
Việt Nam”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Công trình này chủ yếu trình bày
đặc điểm và sự thất bại của hệ ý thức phong kiến và hệ ý thức tư sản trước các
nhiệm vụ lịch sử của dân tộc, từ đó khẳng định tính chất khoa học và nhiệm vụ
lịch sử của hệ ý thức giai cấp công nhân Việt Nam.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Liên quan đến vấn đề lịch sử tư
tưởng Việt Nam, Giáo sư Trần Văn Giàu còn viết tác phẩm về Giá trị truyền thống
của dân tộc Việt Nam, phân tích chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc Việt Nam.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong>4-</strong> <em>Miền Nam
giữ vững thành đồng</em>, gồm 5 tập. Theo Giáo sư, thì khi Mỹ gia tăng cuộc
chiến, ông xin về miền Nam chiến đấu cùng đồng bào đồng chí quê hương, nhưng Nhà
nước vẫn giao ông nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nên ông đã dùng ngòi bút đánh
giặc. Một mình ông, vào những năm 60 của thế kỷ trước viết 1 bộ sách dày trên
2.500 trang, phản ánh chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí kiên cường bất khuất
của nhân dân miền Nam; thể hiện niềm tin mãnh liệt về sự chiến thắng của nhân
dân ta trong cuộc kháng chiến đầy khốc liệt. Bộ sách có tác dụng to lớn, động
viên, cổ vũ cho cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam, có sức mạnh lay
động lòng người, tạo nên sức mạnh tinh thần của bao lớp thanh niên “xẻ dọc
Trường Sơn đi cứu nước”. </font></p>
<div align="justify">
<font face="Arial" size="2">Ngoài những công trình do một mình thực hiện,
Giáo sư còn chỉ đạo, chủ biên nhiều công trình có giá trị, như bộ Giáo trình
lịch sử Việt Nam (8 tập, khổ lớn như khổ giấy A4 bây giờ), làm giáo trình
giảng dạy cho sinh viên. Toàn bộ Địa chí văn hóa TPHCM gồm 4 tập, hơn 2.000
trang về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tư tưởng, tín ngưỡng, khái quát khá
đầy đủ diện mạo văn hóa Sài Gòn - TPHCM qua các thời kỳ phát triển. Giới
nghiên cứu coi đây là Bách khoa thư của TPHCM. Trước khi “ngưng bút” do sức
khỏe không cho phép, Giáo sư Trần Văn Giàu đã chủ biên bộ sách “Lịch sử Việt
Nam” do Hội đồng KHXH TPHCM thực hiện, đã in được 2 tập, và viết các chuyên
đề tham gia Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần I và lần II.</font></div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trên đây chỉ là những công trình
tiêu biểu của Giáo sư Trần Văn Giàu trong khối công trình đồ sộ, đa dạng của
ông. Các công trình Giáo sư luôn thể hiện sự thống nhất giữa tính chiến đấu và
tính khoa học, và tất cả đều phục vụ tìm hiểu “lịch sử cách mạng Việt Nam”, phục
vụ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ông tâm sự: Khi thực sự hoạt động
chính trị, làm cách mạng chuyên môn thì “chuyên môn chính” lại là nghề dạy học.
Muốn dạy người ta thì phải làm nghiên cứu, phải viết sách. Cho nên tính khoa học
và tính cách mạng luôn thống nhất trong các công trình khoa học của Giáo sư Trần
Văn Giàu. Công trình của ông viết về nhiều lĩnh vực KHXH, nhưng nhiều nhất vẫn
là sử, triết, văn. Giáo sư Vũ Khiêu, người đồng nghiệp thân cận của ông đã nhận
định: các tác phẩm về sử học của Giáo sư Trần Văn Giàu đều có sự hấp dẫn của văn
và chiều sâu của triết. Ở Giáo sư, trong văn có triết và trong triết có văn. Cả
hai đều được lý giải vững vàng, gắn liền với sự chứng minh của sử học. Các hiện
tượng văn, sử, triết bất phân trong di sản trí tuệ Việt Nam và của các nước
phương Đông được thể hiện rất rõ trong các tác phẩm của Giáo sư Trần Văn Giàu đã
có đóng góp to lớn cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sở dĩ một nhà khoa học trong điều
kiện của đất nước ta vốn vô cùng khó khăn mà có được một khối lượng công trình
khoa học đồ sộ và có giá trị như vậy, phần lớn do sự lao động cần mẫn, nghiêm
túc, đầy trách nhiệm của một nhà chính trị chuyên nghiệp, một trí thức uyên thâm,
một người con thủy chung của “Miền Nam thành đồng”. Tự mình làm tư liệu, tự thức
khuya dậy sớm viết đi viết lại từng trang sách, từng câu chữ. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhà sử học Dương Trung Quốc kể
rằng, có lần ông được cử đến gặp Giáo sư Trần Văn Giàu tại nơi ở, gõ cửa nhiều
lần, một lúc sau cửa được hé mở từ từ đủ để khách lọt vào trong rồi đóng ngay
lại. Trong căn phòng giấy má tứ tung, phần lớn là những tờ giấy nhỏ bằng bàn tay
hay nhỏ hơn được vun lại thành từng xấp, từng đống nhỏ rải rác khắp căn phòng.
Giáo sư Giàu đang cởi trần mặc quần đùi; trời nóng nhưng không mở quạt vì sợ gió
làm đảo lộn các miếng giấy tờ nhỏ. Đó chính là các tờ “fiche” do giáo sư ghi
chép, cắt dán, đang được phân loại… </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Giáo sư Trần Văn Giàu cũng kể lại:
“Khi tiến hành làm công trình “Giai cấp công nhân Việt Nam” có nhiều giờ nóng
bức, ngồi trong cái núi tư liệu còn lộn xộn của Thư viện Hà Nội, khi tìm được
một cuộc bãi công hồi 1900 chẳng hạn, hay một lá đơn tập thể phản kháng của công
nhân mỏ hồi 1897, lòng tôi khoan khoái, dễ chịu vô cùng…, tưởng chừng như mình
vừa phát hiện được một lục địa nào mới trên trái đất”. Đó là tác phong làm việc
khoa học của Giáo sư Trần Văn Giàu. Ông luôn tự mình làm hết mọi thứ, chưa bao
giờ nhờ bất cứ ai làm tư liệu hay viết bài để sửa lại rồi ký tên. Đối với nhiều
cuốn sách mà ông chủ biên, ông luôn là “cái đầu”, là nhân vật chính, không những
đề ra “tư tưởng, chủ đề” của tác phẩm mà còn trực tiếp biên soạn đề cương, phân
công cụ thể, kiểm tra và đọc duyệt cuối cùng. Giáo sư Giàu là con người lao động,
lao động nghiêm túc bằng cả tấm lòng, trí tuệ và lương tâm, trách nhiệm. Những
năm gần đây, đã bước vào tuổi bách niên, ông vẫn miệt mài với bao công trình,
công việc khoa học. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhiều lần ông “tuyên bố”, sau
công trình “Lịch sử Việt Nam” do ông chủ biên, ông sẽ không làm đề tài nào nữa.
Nhưng cái máu của người lao động khoa học, những vấn đề triết lý phát triển của
lịch sử đất nước vẫn được ông đeo đuổi để có một công trình nào đó, góp phần nhỏ
vào sự tìm tòi con đường phát triển của đất nước hôm nay. Chỉ đến năm nay, năm
Giáo sư Trần Văn Giàu bước sang tuổi 100, ông mới thực sự “ngưng bút”, nhưng
chắc chắn trong đầu ông, tấm lòng của ông vẫn còn nhiều trăn trở, chưa thể ngơi
nghỉ </font></p>
<div align="center">
<table id="table6" bordercolordark="#ffffff" bordercolorlight="#008fd4" border="0" cellpadding="2" cellspacing="0" width="95%">
<tr>
<td bgcolor="#008fd4" height="7">
<p align="justify"> </td>
</tr>
<tr>
<td height="3">
<p align="justify"></td>
</tr>
<tr>
<td bgcolor="#eaf8ff">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhờ sự lao động cần
mẫn, nghiêm túc, đầy trách nhiệm và trí tuệ, Giáo sư Trần Văn Giàu
được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên, được phong
tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Cũng như nhờ công lao đào tạo nên
bao thế hệ thầy giáo nền đại học nước nhà mà ông được Đảng và Nhà
nước phong tặng ông là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân; nhờ công lao đóng
góp trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ông được tặng Huân
chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.
Đảng và Nhà nước tặng ông những danh hiệu thật xứng đáng, phù hợp
với cống hiến của ông.</font></td>
</tr>
<tr>
<td height="3">
<p align="justify"></td>
</tr>
<tr>
<td bgcolor="#008fd4" height="3">
<p align="justify"> </td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo SGGPO</i></b></font></p>
</body>
</html>