<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>New Page 1</title>
<style>
<!--
p.MsoNormal
{mso-style-parent:"";
margin-bottom:.0001pt;
font-size:12.0pt;
font-family:"Times New Roman";
margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
-->
</style>
</head>
<body>
<div>
<div class="ArticleBPN" id="Article_BPN">
<div class="NewsData">
<div class="subtitle">
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">65 NĂM NGÀY
NAM BỘ KHÁNG CHIẾN (23/9/1945 - 23/9/2010) </font></b></div>
<div class="newsTitle">
<p align="center"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Ta đi theo tiếng kêu
sơn hà nguy biến</font></b></div>
<div class="pageImgCont">
<div class="imgCap">
<p align="justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 13px;"><strong>“<em>Mùa thu rồi ngày
hăm ba ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến. Rền khắp trời
lời hoan hô, dân quân Nam nhịp chân tiến ra trận tiền</em>...”
(Tạ Thanh Sơn). Đến nay, nhiều người như vẫn nghe vang ca
khúc hào hùng một thời này - ca khúc đánh dấu thời điểm Nam
bộ kháng chiến - ngày 23/9/1945, mở đầu cho cuộc kháng chiến
kéo dài 30 năm, kết thúc vào ngày 30/4/1975 lịch sử.
</strong></span></font></p>
<table align="center" cellpadding="0" cellspacing="0">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 13px;">
<img alt="" src="http://www.phunuonline.com.vn/2010/Picture/phamvu/8a90/tinhthan1.jpg"></span></font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 13px;">15 năm trước, ngày 19/9/1995,
tôi có dịp được dự ngày kỷ niệm Nam bộ kháng chiến tổ chức
tại NVH Lao Động (nay là Cung VH Lao Động). Lật lại sổ tay,
tôi thấy mình đã ghi những phát biểu của khá nhiều văn nghệ
sĩ nổi tiếng. Bấy giờ, dù đã vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng
ông Huỳnh Văn Tiểng vẫn còn chất giọng sang sảng khi nói về
thời trai trẻ. Ông cho biết, sau ca khúc của Tạ Thanh Sơn,
nhóm Hoàng Mai Lưu đã sáng tác thêm nhiều ca khúc như <em>
Toàn người Việt Nam được tự do</em> - sau này là nhạc hiệu
của Đài Tiếng nói Đồng Tháp, <em>Đoàn quân du kích</em> (Lưu
Hữu Phước), <em>Tiến quân</em> (Lê Trần) - sau này là nhạc
hiệu của Đài Tiếng nói kháng chiến Nam bộ... Là nhân chứng
của ngày 23/9/1945 hào hùng, ông Tiểng kể:</span></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 13px;">Đúng 0 giờ ngày 22/9/1945
quân Pháp ngang nhiên nổ súng đánh chiếm Ủy ban nhân dân, Sở
Bưu điện, trụ sở Quốc gia tự vệ cuộc và nhiều cơ quan khác...
Tại căn gác riêng của luật sư Thái Văn Lung, chúng xộc vào,
xé áo sơ mi của ông và thoi ngay vào ngực những cú như trời
giáng. Trong lúc chúng điệu xuống nhà để đưa lên xe cây, ông
nhanh chân trốn thoát. Ông Hoàng Văn Đôn - phụ trách Tổng
công đoàn Nam bộ cũng bị chúng bắt và giết chết. Ngay trong
đêm đó, ông Trần Văn Giàu đã bí mật vào Chợ Lớn ngủ tại nhà
ông Tiểng.</span></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 13px;">Trước tình hình nghiêm trọng
này, rạng sáng ngày 23/9/1945, tại căn nhà số 107 đường Cây
Mai (nay đường Nguyễn Trãi), Hội nghị liên tịch được gấp rút
tổ chức. Ông Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Nguyễn đại diện Xứ ủy;
ông Phạm Ngọc Thạch, Phạm Văn Bạch, Ngô Tấn Nhơn đại diện Ủy
ban nhân dân Nam bộ; ông Trần Văn Giàu, Huỳnh Văn Tiểng đại
diện Ủy ban kháng chiến; ông Hoàng Quốc Việt, Cao Hồng Lãnh
đại diện Tổng bộ Việt Minh đã triệu tập các đại biểu tham dự.
Trong cuộc họp có ba ý kiến khác nhau: án binh bất động chờ
ý kiến chỉ đạo của Trung ương; tổ chức biểu tình chính trị
phản đối; phát động toàn dân kháng chiến. </span></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 13px;">Cuối cùng, mọi người thống
nhất với hai quyết định khẩn cấp: kêu gọi quân dân đánh trả
lại kẻ thù, cùng lúc thỉnh thị Trung ương. Quyết định khẩn
cấp và nhiệm vụ cần kíp này đã được Trung ương đồng ý. Lập
tức trong ngày 23/9/1945, Sài Gòn và lục tỉnh tràn ngập bản
hiệu triệu của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ kêu gọi toàn dân
đứng lên kháng chiến. </span></font></p>
<table align="center" cellpadding="0" cellspacing="0">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 13px;">
<img alt="" src="http://www.phunuonline.com.vn/2010/Picture/phamvu/8a90/tinhthan2.jpg"></span></font></td>
</tr>
</table>
<p style="text-align: justify"><font face="Arial"><em>
<span style="font-size: 13px;">Tinh thần của thanh niên miền
Bắc với Nam bộ kháng chiến</span></em></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 13px;">Sống lại những ngày hào hùng
này, nhà văn Sơn Nam cho biết: “Lúc bấy giờ Tỉnh bộ Việt
Minh đã họp và chọn tôi làm cán bộ huấn luyện chính trị
thường thức cho các xã, học viên gồm cán bộ các ngành phụ nữ,
thanh niên, nông dân. Tôi được trợ cấp hai cái áo bà ba, cái
nóp mới, một quyển tập trăm trang, thêm cây viết chì...”.
Tác giả <em>Hương rừng Cà Mau</em>, kể lại những ngày sống
chung với nhà thơ Nguyễn Bính và đọc những câu thơ mà nay
tuyển tập của Nguyễn Bính còn bỏ sót như: “<em>Vì nước bỏ
mình là bất tử/Xưa nay chinh chiến mấy ai về.</em>..”.
</span></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 13px;">Mọi người xúc động khi biết
nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu lúc ấy mới 21 tuổi đã có ca khúc <em>
Giải phóng quân, Mùa đông binh sĩ</em> và tham gia tổ chức
quyên góp tiền cho các chiến sĩ Nam bộ. Ông dí dỏm kể, khi
ra Huế xuất bản ca khúc <em>Giải phóng quân</em>, nhuận bút
được trả đến 800đ khiến ông... suýt ngất! “Với số tiền đó,
tôi có thể ăn cơm bình dân hơn 5 năm”! Khi cầm tiền đem về
đưa cho mẹ, mẹ ông không tin: “Ai mua bài hát làm gì? Đờn
địch vậy mà cũng có tiền sao con? Có đúng là tiền của con
không hay con phỉnh má?”. </span></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 13px;">Ít ai biết, nhạc sĩ Hoàng
Hiệp thuở đó từng là diễn viên chính của đoàn Văn công Long
Châu Hà. Ông kể về những ngày đó với niềm say mê âm nhạc tột
cùng: “Tôi và cây đàn không bao giờ rời nhau. Chúng tôi đêm
nào cũng nằm chung một nóp. Hành quân dù đường xa đến mấy
tôi cũng không dám nhờ ai mang hộ. Hễ đến một chỗ nghỉ nào
là tôi mang đàn ra một góc vườn vắng để tập luyện”. Nhờ
những ngày “<em>ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến</em>”
mà sau này khi tập kết ra Bắc, ông có được những tác phẩm
đỉnh cao. </span></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 13px;">Nhạc sĩ Quang Hải cho biết,
ông đến với ban Tuyên truyền Quân bộ Việt Minh tại Cai Lậy
chỉ với cây đàn mandolin phục vụ bộ đội. Các ca sĩ, nhạc sĩ
Xuân Mai, Hoàng Mãnh... đã gắn bó với Đài Tiếng nói Nam bộ
từ những ngày đầu tiên phục vụ cho Nam bộ kháng chiến...
NSƯT Xuân Mai có kể, lần nọ mới rạng sáng, máy bay của địch
đã quần trên đầu, ai cũng lao xuống hầm nấp nhưng máy bay
vừa đi thì Hoàng Mãnh và Quang Hải lại lao lên tập đàn tiếp!
Mọi người trách sao liều mạng thế, Quang Hải đáp tỉnh bơ:
“Ố, nó bắn hoài, hơi đâu mà núp”...</span></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial">
<span style="font-size: 13px;">Nay, những nhân chứng người
còn người mất, nhưng những tháng ngày tươi đẹp đó chắc chắn
vẫn còn được nhiều thế hệ kể tiếp về một lớp người sống đúng
nghĩa vụ con dân lúc “<em>sơn hà nguy biến</em>”.</span></font></p>
<p style="text-align: right"><font face="Arial"><strong>
<span style="font-style: italic; font-size: 13px">Theo PNO</span></strong></font></div>
</div>
</div>
</div>
</div>
</body>
</html>