<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<div style="text-align: center;" class="fon12"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Sinh viên thực hành làm theo pháp luật</span></span></strong></span></div>
<div style="text-align: center;" class="fon12"> </div>
<div style="text-align: justify;" class="fon13 mt1"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Những video clip quay cảnh sinh viên không đội nón bảo hiểm, chở ba, chở bốn, cảnh trộm cắp, hút chích…. những tiểu phẩm sân khấu sống động về tình trạng sống thử, lừa tình, lừa tiền.</span></span></div>
<div id="contentdetail">
<p align="justify"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Chương trình Sinh viên đồng hành cùng pháp luật vừa cung cấp kiến thức, vừa khuyến khích sinh viên sống theo pháp luật.</span></span></p>
<p align="justify"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Bảo Anh (Trường ĐH Kinh tế-Luật) tâm sự: Ban đầu, tụi em gặp khó khăn về đề tài, vì luật pháp bao la, không biết chọn điều luật nào để nói. Nhưng sau đó, chúng em nghĩ cần phải chọn luật dân sự vì nó rất đời sống, ảnh hưởng tới quyền lợi của mọi người dân. Tiểu phẩm Trả cho tui của nhóm Bảo Anh phản ánh tình huống hai bà hàng xóm tranh giành con gà mái. Ba bạn sinh viên với trang phục hóa trang con gà múa theo nhạc thể hiện câu chuyện gà mái nhà này qua nhà kia ngủ lang, đẻ trứng, nở thành gà con khá dễ thương, được đông đảo khán giả tán thưởng. Bảo Anh khoe nhóm tự may trang phục hóa trang những chú gà từ nguyên liệu là áo mưa và giấy.</span></span></p>
<p align="justify"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Một tiểu phẩm khác gây ấn tượng là <i>Pháp luật chốn âm ty</i>. Chỉ trong vòng 10 phút nhưng thông điệp của tiểu phẩm đưa đến cho người xem rất rõ ràng: Hãy tuân thủ luật giao thông để bảo vệ bản thân và tránh làm tổn hại đến người khác. Đây cũng là một tiểu phẩm được đầu tư khá kỳ công. Bối cảnh tiểu phẩm diễn ra chốn âm ty nên xuất hiện những nhân vật đầu trâu, mặt ngựa, vương bà… có trang phục hóa trang cầu kỳ, công phu. Ngoài diễn kịch, nhóm còn trình chiếu những hình ảnh, số liệu, bối cảnh liên quan đến tiểu phẩm trên phông nền phía sau sân khấu. </span></span></p>
<span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><em> </em></span></span><em>
<p align="center"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><img width="360" alt="" style="margin: 5px;" src="http://phapluattp.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/11/28/8-chot.jpg" /></span></span></p>
</em>
<p align="center"><span style="color: rgb(128, 128, 128);"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><em>Sinh viên tự may trang phục và hóa thân vào các nhân vật trong tiểu phẩm </em>Pháp luật chốn âm ty.</span></span></span></p>
<p align="justify"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Bạn Hoàng Thị Hạnh Lê, sinh viên Trường ĐH Kinh tế-Luật, hào hứng kể về quá trình dàn dựng:<b> </b>“Chúng em đã phân công công việc cho từng người và đề ra thời hạn hoàn thành. Sau khi quay video, còn dùng phần mềm để chỉnh sửa như âm thanh, hiệu ứng ánh sáng, tiếng động… Lịch học dày đặc, khó thống nhất được thời gian nên cả nhóm đã tranh thủ quay vào giờ nghỉ trưa - lúc 12 giờ”.</span></span></p>
<p align="justify"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><b>Hãy biến kiến thức thành hành động</b></span></span></p>
<p align="justify"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Đó là thông điệp từ phần thi video clip của các bạn sinh viên nhóm IL Trường ĐH Kinh tế-Luật muốn gửi gắm. Bạn Nguyễn Thị Thùy Trang, trưởng nhóm, cho biết: “Sinh viên đa phần đều am hiểu luật giao thông nhưng không phải mọi người đều có ý thức chấp hành tốt. Bọn em muốn các bạn sinh viên hãy chấp hành luật giao thông như một nét văn hóa”. Còn bạn Nguyễn Thị Hồng Nhung, trưởng nhóm <i>Những người bạn dễ thương</i> lớp K09405B Trường ĐH Kinh tế-Luật, thì cho rằng: “Việc tham gia các cuộc thi này giúp bọn em trang bị thêm nhiều kiến thức về luật có thể áp dụng trong cuộc sống sau khi ra trường”.</span></span></p>
<p align="justify"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Nhung cho biết: “Nhóm em làm kịch bản có nội dung từ luật hình sự, quay cảnh bà ve chai vào phòng trọ mua giấy, chai lọ và xin nước uống. Trong lúc các bạn đang hối hả đi kiếm chai nước, bà ta “cuỗm” mất chiếc laptop của một bạn trong dãy trọ. Một clip khác quay cảnh một cặp sinh viên sống thử với nhau, người con gái bị lừa cả tình lẫn tiền bởi vì anh “chồng hờ” là một tay nghiện cá độ bóng đá. Anh thấy đó, thực trạng sinh viên sống thử và cá độ cũng rất phổ biến. Chúng ta hãy biến kiến thức của mình thành hành động để góp phần hạn chế được những tình trạng này”. </span></span></p>
<p align="justify"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><b>Sẽ nhân rộng mô hình</b></span></span></p>
<p align="justify"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Ông Phạm Thanh Sơn, Bí thư Ban Cán sự Đoàn ĐHQG TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức chương trình <i>Sinh viên đồng hành cùng pháp luật</i>, xác nhận những tình huống trong các thước phim, vở kịch phản ánh ý thức chấp hành pháp luật của sinh viên trong làng ĐH là hoàn toàn chính xác. Lúc đầu, ban tổ chức tính thể hiện cuộc thi bằng hình thức “đối kháng trực tiếp trên sân khấu”. Tuy nhiên, xét thấy nếu làm trực tiếp như thế thì khó có thể mở một chiến dịch để tuyên truyền lâu dài việc chấp hành pháp luật đối với các bạn sinh viên. Việc tổ chức <i>sân khấu hóa</i> và thiết kế video sẽ góp phần tuyên truyền tốt hơn. “Chúng tôi sẽ đưa các đoạn video này lên mạng của ĐHQG và các trường thành viên, sau đó in ra đĩa và gửi về trực tiếp cho các trường phát vào những giờ ngoại khóa. Riêng trong ký túc xá có một câu lạc bộ chiếu phim của sinh viên, đầu giờ chiếu phim sẽ đưa các đoạn video này vào cho các bạn xem. Thông qua đó, chúng tôi hy vọng những cảnh quay này sẽ đến được với từng sinh viên” - ông Sơn cho biết.</span></span></p>
<p align="justify"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">“Chúng tôi sẽ cố gắng nhân rộng mô hình này ra để các bạn sinh viên học tập và thực thi theo” - ông Sơn nhấn mạnh.</span></span></p>
<div align="center">
<table cellspacing="5" cellpadding="0" align="center" style="border: 1px solid black; background: none repeat scroll 0% 0% rgb(230, 230, 250); margin: 5px; width: 400px; border-collapse: collapse;">
<tbody>
<tr>
<td style="vertical-align: top;">
<p align="justify"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-weight: bold;">Học luật từ tình huống trong đời sống</span></span></span></p>
<p align="justify"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Như <i>Pháp Luật TP.HCM</i> đã thông tin, sau thời gian thực hiện chương trình <i>Sinh viên đồng hành cùng pháp luật</i>, sáng 27-11 tại ký túc xá ĐHQG TP.HCM, Trung tâm Điều hành ĐHQG, Đoàn Trường ĐHQG TP.HCM đã tổ chức chấm sơ khảo cuộc thi ở hai loại hình tiểu phẩm kích và video clip. Các tác phẩm dự thi còn nhiều khiếm khuyết về kỹ thuật nhưng đều có thế mạnh là đã pháp luật hóa những tình huống thường xảy ra trong đời sống. </span></span></p>
<p align="justify"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Bảy tiểu phẩm kịch dự thi chọn những đề tài gần gũi, quen thuộc: cá độ bóng đá, chia thừa kế, ép gả con lấy chồng, giành con gà, uống rượu say lái xe gây tai nạn giao thông…. </span></span></p>
<p align="justify"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Phần thi video clip sống động với hơn 40 đề tài, chủ đề khác nhau, tuy nhiên đều là những thước phim học luật gần gũi nhất với sinh viên.</span></span></p>
</td>
</tr>
</tbody>
</table>
</div>
<div align="center"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> </span></span></div>
<div align="center">
<table cellspacing="5" cellpadding="0" align="center" style="border: 1px solid black; background: none repeat scroll 0% 0% rgb(230, 230, 250); margin: 5px; width: 400px; border-collapse: collapse;">
<tbody>
<tr>
<td style="vertical-align: top;">
<p align="justify"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Cuộc thi <i>Sinh viên tìm hiểu pháp luật</i> năm 2010 có bảy đội thi kịch, 40 đội thi thiết kế video clip và hơn 400 cá nhân thi trắc nghiệm kiến thức luật. Ban tổ chức sẽ căn cứ số điểm ban giám khảo chấm trong ngày thi 27-11 để trao giải cho các nhóm thi. Các nhóm đạt giải cao sẽ trình diễn tác phẩm của mình trong buổi tổng kết trao giải vào ngày 19-12. Riêng phần thi trắc nghiệm cá nhân, đợt một từ ngày 15 đến 19-11, đợt hai từ ngày 22 đến 26-11 và đợt ba từ ngày 28-11 đến 3-12. Cuối mỗi đợt ban tổ chức sẽ sơ kết và trao thưởng. </span></span></p>
<p align="justify"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Cuộc thi do Ban Cán sự Đoàn Trường ĐH Quốc gia tổ chức, báo <i>Pháp Luật TP.HCM</i> bảo trợ thông tin.</span></span></p>
<p align="justify"> </p>
<span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">
<p align="justify"><b>Cách nhìn hài hước khiến người xem nhớ lâu</b></p>
</span></span>
<p align="justify"> </p>
<span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">
<p align="justify">Những tình huống không mới nhưng nhiều người chưa để ý tới. Cái nhìn trẻ trung, hài hước của các em khiến người xem phải bật cười sảng khoái và sẽ nhớ lâu tình huống luật. Ví dụ: Khi đi đường không đội mũ bảo hiểm, người ta sẽ nhớ tới lời thoại “chân dài tới nách” (đi nạng gỗ) mà bật cười nhưng sau đó sẽ rùng mình và ý thức trong chuyện đội mũ bảo hiểm, tự bảo vệ mình.<b> </b></p>
</span></span>
<p align="right"> </p>
<span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">
<p align="right">Đạo diễn<i> </i><b>LÊ NINH GIANG</b>,<i> Nhà hát kịch TP.HCM</i></p>
</span></span>
<p align="justify"> </p>
<span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">
<p align="justify"><b>Kiến thức luật chính xác, nhẹ nhàng, dễ hiểu</b></p>
</span></span>
<p align="justify"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Tôi rất bất ngờ khi thấy các em không học chuyên ngành luật nhưng các em có đầu tư rất kỹ kiến thức về luật pháp. Nội dung luật trong các tiểu phẩm kịch rất phong phú… Kiến thức luật mà các em chuyển tải đến người xem rất chính xác nhưng nhẹ nhàng, dễ hiểu, không khô cứng. </span></span></p>
<p align="right"> </p>
<span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">
<p align="right">Thạc sĩ<i> </i>luật<i> </i><b>VÕ TRUNG TÍN</b>,<i> giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM</i></p>
</span></span>
<p align="justify"> </p>
<span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">
<p align="justify"><b>Sẽ đưa các clip đến khu dân cư</b></p>
</span></span>
<p align="justify"> </p>
<span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">
<p align="justify">Việc tuyên truyền luật giao thông hay luật pháp nói chung không chỉ là nhiệm vụ của riêng cơ quan nào. Chúng tôi rất cần những đơn vị khác “chia lửa” việc giới thiệu luật pháp tới mọi người, nhất là giới trẻ, sinh viên, các em có sự nhiệt huyết, óc sáng tạo và kiến thức. Qua theo dõi cuộc thi, tôi thấy có nhiều tiểu phẩm, video clip có nội dung rất hay. Nếu được, tôi sẽ hợp tác với Trường ĐH Quốc gia để giới thiệu những tác phẩm này đến với các khu phố, khu dân cư...<b> </b></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Đại úy<i> </i><b>TRƯƠNG QUANG PHÚC</b>, <i>cán bộ tuyên truyền giao thông quận Thủ Đức</i></span></span></p>
</span></span></td>
</tr>
</tbody>
</table>
</div>
<span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> </span></span>
<p align="right"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><strong><em>Theo PLO</em></strong><br />
</span></span></p>
</div>
</div> </html>