<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Một điểm cộng từ lòng tin</title>
<style>
<!--
span.apple-converted-space
{}
span.apple-style-span
{}
-->
</style>
</head>
<body>
<p align="left">
<span class="Apple-style-span" style="border-collapse: separate; color: rgb(0, 0, 0); font-family: 'Times New Roman'; font-style: normal; font-variant: normal; font-weight: normal; letter-spacing: normal; line-height: normal; orphans: 2; text-align: -webkit-auto; text-indent: 0px; text-transform: none; white-space: normal; widows: 2; word-spacing: 0px; -webkit-border-horizontal-spacing: 0px; -webkit-border-vertical-spacing: 0px; -webkit-text-decorations-in-effect: none; -webkit-text-size-adjust: auto; -webkit-text-stroke-width: 0px; font-size: medium; ">
<span class="Apple-style-span" style="font-family: Arial; font-size: 10pt"><b>
Bài dự thi cuộc thi viết “Ký ức thời tuổi trẻ sôi nổi”</b></span></span></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#0000FF"><b>Thời sinh viên sôi nổi trong kháng chiến chống
Mỹ</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial"><span style="font-size: 10pt">Ngày ấy, vào
mùa hè năm 1964, sinh viên Đại học Sư phạm Hà nội chúng tôi được đăng ký tình
nguyện đi lao động thực tế tại vùng mỏ than Hòn Gai - Cẩm Phả. Tập làm những
công việc của người công nhân mỏ rất vất vả và nguy hiểm. Suốt ngày người đen
nhẻm vì bụi than và rất khó thở, tuy vậy chúng tôi vẫn hăng hái, vui vẻ, say mê
lao động. Buổi chiều, hết ca làm việc về mới thấy thấm thía thế nào là lao đông
chân tay mà thời sinh viên chúng tôi chưa từng trải qua. Đấy là các chú lãnh đạo
mỏ đã rất thông cảm với sức “trói gà không chặt” của sinh viên chúng tôi, hướng
dẫn làm những công việc vào loại nhẹ nhất. Chứ thật ra, nghe công nhân kể lại
thì phải vào làm việc ở sâu trong hầm lò mới được gọi là những công nhân mỏ thật
sự…</span></font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="test4.jpg" width="500" height="333"></font></p>
<p align="center"><font face="Arial" color="#808080">
<span style="font-size: 10pt; font-style: italic">Mỗi thời kì đều có những phong
trào tình nguyện hình thức và nội dung khác nhau nhưng mục đích cuối cùng vẫn là
phục vụ quê hương, đất nước bằng chính sức trẻ của mình</span></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial"><span style="font-size: 10pt">Những buổi
tối cuối tuần, chúng tôi tổ chức biểu diễn văn nghệ phục vụ công nhân và nhân
dân vùng mỏ. Được mọi người yêu mến, khen hay là đã xóa tan bao mệt nhọc. Cuôc
sống vất vả là thế nhưng lại hấp dẫn chúng tôi. Một điều “ tế nhị” nhưng vô cùng
thú vị là chuyện ăn uống. Đang sức thanh niên trẻ khỏe, trong khi cơm sinh viên
ở trường chỉ là khái niệm “ăn ví dụ”, vậy mà giờ đây lại được ăn theo tiêu chuẩn
của công nhân mỏ thì đúng là “cầu được, ước thấy”. Ngay cả những ngày phải ăn
bánh mỳ thay cơm theo quy định, thì “bánh ra bánh mà súp cũng ra súp”, chứ không
như là món bột mỳ luộc và món “canh toàn quốc” mà chúng tôi thường ăn ở trường.
Chúng tôi khỏe ra và lên cân trông thấy, công việc lao động cũng quen dần , ngày
càng thấy tự tin và hứng thú…</span></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial"><span style="font-size: 10pt">Cuộc sống
sôi động đang diễn ra đều đặn như thế thì một biến cố lớn đã xảy ra mà chúng tôi
là người được chứng kiến. Đó chính là sự kiện lịch sử 5-8-1964, khi không quân
Mỹ lần đầu tiên cho máy bay ra ném bom ra miền Bắc khiêu khích, bắt đầu cuộc
chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc, mà một trong 3 địa điểm chúng tấn công
chính là Hòn Gai. Quân và dân vùng mỏ đã chiến đấu anh dũng, kiên cường. Chúng
tôi lúc bấy giờ cũng không hề sợ hãi mà chỉ thấy trào dâng trong lòng sự căm thù
giặc Mỹ xâm lược, nhiều người muốn xin nhập ngũ để được trực tiếp ra mặt trận
chiến đấu chống quân thù.</span></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial"><span style="font-size: 10pt">Hết kỳ nghỉ
hè, chúng tôi về trường ở Cầu Giấy Hà Nội, nhưng chỉ một thời gian sau thì có
lệnh sơ tán lên Việt Bắc. Với tinh thần thanh niên tình nguyện “Ba sẵn sàng”,
chúng tôi gồng gánh sách vở, đồ dùng cá nhân lên Thái Nguyên “Dựng trường chống
Mỹ”, tiếp tục chương trình học tập. Tất cả sinh viên đều phải tự mình vào rừng
chặt gỗ, tre, nứa, đem về xây dựng những lớp học. Dù chân tay phồng rộp, ăn uống
kham khổ,chúng tôi vẫn say mê học tập và lao động. Ai cũng muốn nhanh chóng tốt
nghiệp với tinh thần thanh niên “Ba sẵn sàng’’, đươc đi bất cứ nơi đâu khi Đảng
và Tổ quôc cần.</span></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial"><span style="font-size: 10pt">Năm học
1965-1966, chúng tôi còn đươc tận mắt chứng kiến các anh chị học trước chúng tôi
một khóa, trong lễ ra trường, đã chích máu của mình ký vào đơn “Ba sẵn sàng”,
đăng ký đi nhận công tác ở bất cứ nơi nào mà tổ chức phân công.</span></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial"><span style="font-size: 10pt">Mùa hè năm
1966, đến lươt chúng tôi ra trường đúng vào lúc chiến tranh ngày càng ác liệt.
Mỗi người đi mỗi ngả. Tôi được phân công và đi bộ gần 200 cây số vào Thanh Hóa,
về dạy tại trường Cấp 3 Quảng Xương 2 đúng nơi quê hương của anh hùng thiếu nhi
Nguyễn Bá Ngọc. Năm năm công tác tại vùng tuyến lửa có địa danh Phà Ghép rất ác
liệt nhưng cũng rất anh hùng mà giặc Mỹ gọi là vùng “cán xoong”, trong môi
trường thử thách gian khổ, khắc nghiệt, chúng tôi đã trưởng thành nhanh chóng mà
35 năm công tác sau này trong nghề dạy học, không gì so sánh được. Những tấm
gương hi sinh anh dũng của bạn tôi khi đang làm nhiệm vụ đưa học sinh đi phục vụ
chiến đấu ở trận địa cầu Hàm Rồng… đã thôi thúc tôi phải sống và chiến đấu đến
cùng. Bằng “nghiệp” dạy học của mình, tôi chuyển tải cho các em tình yêu quê
hương, đất nước.</span></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial"><span style="font-size: 10pt">Những kỷ
niệm của lứa tuổi chúng tôi một thời thanh niên sôi nổi gắn chặt với phong trào
thanh niên tình nguyện mà lúc bấy giờ được mang tên là phong trào “Ba sẵn sàng”.
Tôi nghĩ mỗi thời kì đều có những phong trào tình nguyện hình thức và nội dung
khác nhau nhưng mục đích cuối cùng vẫn là phục vụ quê hương, đất nước bằng chính
sức trẻ của mình.</span></font></p>
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2">BÙI THANH HÓA (Vũng Tàu)</font></b></p>
<table border="1" width="100%" id="table1">
<tr>
<td bgcolor="#CEF3FF">
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:6.0pt;text-align:justify">
<font face="Arial"><b><span style="font-size: 10pt; color: blue">Mời
tham gia cuộc thi viết “Ký ức thời tuổi trẻ sôi nổi”</span></b></font></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:6.0pt;text-align:justify">
<font face="Arial"><span style="font-size: 10pt; color: black">Cuộc thi
được tổ chức dưới hình thức bài viết cảm nhận,<span class="apple-converted-space"> </span><span class="apple-style-span">bút
ký, nhật ký, ký sự, tùy bút, phỏng vấn…</span><span class="apple-converted-space"> </span><span style="letter-spacing:-.1pt">Bài
viết dự thi dài tối đa 1.000 chữ, đánh máy hoặc viết tay rõ ràng trên
một mặt giấy, hoặc gửi qua e-mail.<span class="apple-converted-space"> </span></span>Bài
dự thi ghi rõ tên thật tác giả, năm sinh, địa chỉ công tác hoặc cư trú,
số điện thoại liên lạc. Bài dự thi gửi về Ban Tổ chức cuộc thi theo địa
chỉ: Ban Tuyên giáo Thành Đoàn, số 1 Phạm Ngọc Thạch, Quận 1, TP.HCM (ngoài
bì thư ghi rõ: Bài dự thi<span class="apple-converted-space"> </span><strong>“Ký
ức thời tuổi trẻ sôi nổi”</strong>). <i>E-mail:<span class="apple-converted-space"> </span><a style="color: blue; text-decoration: underline; text-underline: single" href="mailto:tuyengiaothanhdoan@gmail.com">tuyengiaothanhdoan@gmail.com</a>.</i></span></font></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom:6.0pt;text-align:justify">
<font face="Arial"><i><span style="font-size: 10pt; color: black">Hạn
chót nhận bài dự thi đến hết ngày 25/3/2011.</span></i></font></td>
</tr>
</table>
</body>
</html>