<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=utf-8">
<title></title>
<div style="text-align: justify; "><strong><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Diễn đàn “Nếu tôi là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn”</span></span></strong></div>
<p style="text-align: center; "><strong><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><span style="color: rgb(0, 0, 255); ">Hai việc cần làm ngay</span></span></span></strong></p>
<p style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Nếu là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, tôi sẽ thực hiện ngay hai việc sau:</span></span></p>
<p style="text-align: center; "><img alt="" src="test5.jpg" /></p>
<p style="text-align: center; "><span style="color: rgb(128, 128, 128); "><em><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Sinh viên Đại học Bách khoa TP.HCM xây cầu nông thôn cho bà con vùng Tháp Mười trong chiến dịch Mùa hè xanh 2010</span></span></em></span></p>
<p style="text-align: justify; "><strong><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">1. Tăng cường giáo dục về “giá trị” cho thanh niên:</span></span></strong></p>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Hiện nay không thể phủ nhận một bộ phận người trẻ có quan điểm và lối sống lệch lạc, thiên về hưởng thụ vật chất mà quên đi việc cống hiến cho xã hội. Theo tôi, nguyên nhân chính là việc thanh niên (TN) chưa hiểu rõ “giá trị” là gì để có cách ứng xử phù hợp. Vì vậy phải giáo dục hệ thống các “giá trị” sau cho TN:- Giá trị về “đất nước độc lập, tự do”: đây chính là giá trị cao quý nhất trong mọi giá trị. Người trẻ phải có nhận thức, ý chí và sẵn sàng cống hiến, thậm chí hi sinh để bảo vệ giá trị cao quý này.- Giá trị về “hòa bình, dân chủ, công bằng xã hội và đi lên chủ nghĩa xã hội”: giá trị này gắn liền với giá trị “độc lập, tự do”, mang tính thời đại và gắn với lợi ích của dân tộc.</span></span><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "> </span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><br />
- Giá trị về “nhân văn”: là giá trị đặc trưng của dân tộc VN với tính chất cơ bản là nhân ái, vị tha phải được giữ vững để đấu tranh với quan điểm “thực dụng” chỉ biết có bản thân và lợi ích của bản thân.</span></span></div>
<p style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">- Giá trị về “tri thức” và “nghề nghiệp”: để có được tri thức một cách đúng nghĩa, người trẻ phải có tinh thần hiếu học; biết tôn sư trọng đạo, quý trọng những người có tài. Nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là quan trọng chứ không phải vị trí trong xã hội.</span></span></p>
<p style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">- Các nhóm giá trị về “nhân cách”, “bản lĩnh thanh niên”, “quan niệm về cái đẹp, tình yêu, gia đình”, “văn hóa và văn minh trong cuộc sống”... là những giá trị góp phần làm TN trở thành công dân tốt của đất nước, thành viên tốt của cộng đồng và gia đình...</span></span></p>
<p style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Để các giá trị trên đến được với TN, được TN đồng tình và phấn đấu thực hiện, theo tôi phải thực hiện các biện pháp:</span></span></p>
<p style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">- Tham mưu với Đảng và Nhà nước thể chế hóa, chính sách hóa việc giáo dục giá trị cho TN.</span></span></p>
<p style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">- Xã hội hóa việc giáo dục giá trị, định hướng giá trị cho TN với vai trò nòng cốt là hoạt động TN trong các trường học, cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang...</span></span></p>
<p style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">- Đổi mới một cách căn bản cả nội dung lẫn hình thức công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cách mạng và nhân cách cho TN theo hướng phù hợp và thiết thực với từng đối tượng TN; đi vào thực chất, không lý thuyết và giáo điều máy móc.</span></span></p>
<p style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">- Từng bước lành mạnh hóa môi trường xã hội, môi trường văn hóa.</span></span></p>
<p style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">- Phát huy vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc giáo dục giá trị cho TN.</span></span></p>
<p style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">- Mạnh dạn giao việc, đề bạt TN vào những vị trí lãnh đạo phù hợp. Việc được giao trọng trách sẽ buộc người trẻ phải phấn đấu, rèn luyện cả về lập trường, tư tưởng, tri thức, đạo đức, nhân cách... </span></span></p>
<p style="text-align: justify; "><strong><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">2. Nâng chất công tác tình nguyện của thanh niên</span></span></strong></p>
<p style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Tuy có những đóng góp không nhỏ vào việc phát triển kinh tế, xã hội nước nhà, nhất là ở vùng sâu, vùng xa... nhưng phong trào tình nguyện (PTTN) của thanh niên (TN) vẫn còn một số bất cập cần phải giải quyết:<br />
</span></span></p>
<p style="text-align: center; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><img width="500" height="280" alt="" src="test4.jpg" /><br />
<span style="color: rgb(128, 128, 128); "><em>Tham gia hoạt động cộng đồng là một cách để bạn trẻ rèn luyện nhân cách và bản lĩnh. Trong ảnh: bác sĩ Đức Nhã, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), tham gia khám bệnh miễn phí tại Lào năm 2010</em></span></span></span></p>
<p style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">- Thứ nhất, PTTN của TN còn mang tính phong trào. Thông thường các PTTN chỉ được tổ chức trong hè, sau đó hầu như chẳng có hoạt động gì khác trong thời gian còn lại.<br />
<br />
- Thứ hai, PTTN của TN vẫn mang tính nghiệp dư:<br />
<br />
* Người của Đoàn phụ trách PTTN là đúng nhưng vấn đề là phải thực hiện một cách chuyên nghiệp hơn hiện nay.<br />
<br />
* Chưa có sự kết hợp để phát huy sức mạnh tổng hợp theo kiểu “binh chủng hợp thành”của quân đội mà chỉ độc lập “tác chiến” từng đơn vị nên hiệu quả chưa thật cao.<br />
<br />
- Thứ ba, PTTN của TN hiện nay chưa chú ý phát huy vai trò tình nguyện tại chỗ. Các địa phương có tâm lý ỷ lại, chưa chú trọng phát huy tiềm lực tại chỗ của địa phương, đơn vị mình.<br />
<br />
Nếu là Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, tôi sẽ nâng chất PTTN của TN theo hướng:<br />
<br />
- Thứ nhất, duy trì PTTN của TN thường xuyên, liên tục, không nhất thiết chỉ thực hiện vào mùa hè. Xung quanh địa bàn trường đóng, thậm chí ngay trong ký túc xá SV không thiếu những việc thích hợp cho công tác tình nguyện. Việc tổ chức những PTTN quy mô nhỏ, thời gian ngắn, địa bàn gần (một buổi hoặc một ngày cuối tuần) để duy trì tính tình nguyện cho TN, lấy đó làm thao trường tập dượt cho những “chiến trường” của các chiến dịch lớn trong hè. Sắp xếp hợp lý thời gian sẽ ảnh hưởng không nhiều đến việc học của SV.<br />
<br />
- Thứ hai, chuyên nghiệp hóa PTTN của TN:<br />
<br />
* Thành lập bộ máy chuyên trách về PTTN của TN ở Trung ương Đoàn và tỉnh đoàn. Biên chế không nhất thiết đông nhưng phải tinh. Đây là đầu mối giúp Ban bí thư T.Ư Đoàn, Ban thường vụ tỉnh đoàn chỉ đạo PTTN của TN trong phạm vi cả nước hoặc một tỉnh; nắm bắt các yêu cầu hỗ trợ của địa phương để từ đó xác định quy mô, thời gian, lực lượng, kinh phí... cho PTTN của TN một cách hợp lý.<br />
<br />
* Thành lập những đoàn công tác tình nguyện với cơ cấu tổ chức theo kiểu “binh chủng hợp thành” để “tác chiến” theo yêu cầu cụ thể của địa phương. Việc chuyên nghiệp hóa như vậy sẽ làm hiệu quả PTTN của TN tăng lên và cũng chính từ việc “tác chiến” trên những “chiến trường” phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo sẽ giúp SV rèn luyện tay nghề, sau này phục vụ tốt cho xã hội.<br />
<br />
- Thứ ba, phát huy PTTN tại chỗ. Nếu tại các trường học có thể tổ chức những chiến dịch tình nguyện quy mô nhỏ, thời gian ngắn, địa bàn gần để rèn luyện bản lĩnh và kỹ năng cho TN, thì ở từng địa phương Đoàn TN hoàn toàn có thể thực hiện mô hình này theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư - phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) để giải quyết. Các đoàn công tác tình nguyện của TN đến địa phương một thời gian rồi sẽ rút đi, họ chỉ mang đến cái “cần câu” chứ không phải “xâu cá”.</span></span></p>
<p style="text-align: right; "><span style="font-size: small; "><strong><span style="font-family: Arial; ">BÙI QUÝ KHIÊM</span></strong></span></p>
<p style="text-align: right; "><span style="font-family: Arial; "><span style="font-size: small; "><em><strong>Theo TTO</strong></em></span></span></p>
</meta>
</div> </html>