<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Diễn đàn</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Từ Lý Tự Trọng đến những trang sử Đoàn</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Anh hùng Lý Tự Trọng hi sinh khi
vừa 17 tuổi nhưng với lẽ sống của mình, anh đã trở thành người tiếp lửa cho hành
trình suốt 80 năm qua của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Hành trình thực hiện bộ phim
Người tiếp lửa như một cố gắng của báo Tuổi Trẻ để tìm kiếm và dựng lại tư liệu
về ngọn lửa đã được người đoàn viên cộng sản đầu tiên thắp lên soi đường cho
nhiều thế hệ mai sau.</font></p>
<table class="tLegend" cellspacing="2" cellpadding="0" width="40" align="center" border="0" style="font-size: 12px; color: rgb(54, 54, 54); font-family: Arial; border-collapse: separate; " id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font size="2">
<img class="lImage" onclick="return showImage(this.src)" hspace="0" src="http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=484849" border="1" hyperlink style="text-decoration: none; "></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p class="tLegend" style="text-decoration: none; font-size: 10pt; color: #808080; font-family: Arial" align="center">
<i>Tấm ảnh chụp hiếm hoi của Lý Tự Trọng (người bên phải, nhìn ngang)
trong lần thăm mộ Phạm Hồng Thái ở Quảng Châu, Trung Quốc - Ảnh chụp lại
tư liệu của Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam</i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Kỳ 1: Chân dung người tiếp lửa</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đa số thời gian trong 17 năm tuổi
đời, anh Lý Tự Trọng sống trên đất Thái Lan và Trung Quốc nên câu chuyện về anh
chỉ còn tìm được trong một số tài liệu. Nhưng may mắn, anh Trọng vẫn còn một
người em kế là ông Lê Văn Đại, người gắn bó những tháng năm ấu thơ với anh ở
làng Bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan), đã giúp chúng tôi dần vẽ lại chân
dung người tiếp lửa Lý Tự Trọng.</font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Ký ức 90 năm</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Một sáng rét đậm mùa đông Hà Nội,
trong khu tập thể Thành Công A, ông Lê Văn Đại dậy từ sớm và ngồi đợi đoàn phim
Người tiếp lửa. Đã 96 tuổi, tay run rẩy và chân không còn đi lại được nhưng câu
chuyện về người anh kế của mình vẫn làm ông Đại phấn chấn hẳn. Và chuyện về anh
Lý Tự Trọng vì thế chẳng cần một kịch bản nào, cứ thế tuôn chảy theo dòng ký ức
đã 90 năm của ông Đại.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đó là một ký ức không dài, chỉ
đến năm ông Đại 7 tuổi và anh Lý Tự Trọng 9 tuổi, lúc anh Trọng được ông Thầu
Chín (Bác Hồ) đưa qua Trung Quốc học tập. Ký ức ấy được ông Đại bắt đầu bằng một
câu chuyện tếu táo: “Khi nớ, anh tui có được gọi bằng tên Trọng mô mà hay gọi là...
Dái Khoan”. Có cái tên dân dã ấy là vì cha mẹ ông là ông Lê Hữu Đạt và bà Nguyễn
Thị Sờm cưới nhau mãi rất lâu mới sinh được anh Trọng và tìm một cái tên xấu xí
ghép với tên Khoan (tên thường gọi của cha anh Trọng) để gọi. Cái tên Dái Khoan
là một chi tiết thú vị, bởi trước đó chúng tôi chưa từng được nghe trong tài
liệu nào nhưng khi gặp ông Đại rồi sang Nakhon Phanom để quay những thước phim
về ngôi nhà của cha mẹ anh Lý Tự Trọng, chúng tôi vẫn còn nghe người dân làng
Bản Mạy nhắc tới, như một ký ức xưa cũ thân yêu về anh Lý Tự Trọng.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ký ức dù ít ỏi nhưng vẫn làm ông
Đại nhớ về tính tình hào sảng, hay giúp đỡ người khác đã có ở anh Trọng ngay từ
lúc nhỏ. Lúc đó, như bao gia đình khác ở Bản Mạy, gia đình ông làm nông và phải
nuôi trâu để cày cấy. Hai anh em Trọng - Đại thường phụ cha mẹ thả trâu ven hồ
Noỏng Nhạt gần cánh đồng làng. Bọn trẻ lớn chăn trâu thường bắt nạt trẻ nhỏ hơn
phải giữ trâu để chúng đi chơi. Anh Trọng không những không hùa theo mà còn đứng
ra trông trâu cho đám em út để trâu không tràn ra ăn lúa.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Những năm tháng tuổi thơ thanh
bình ấy của hai anh em Trọng - Đại tưởng sẽ không có gì biến động thì giữa năm
1923 ngôi trường Bản Đông do chí sĩ Việt kiều Đặng Thúc Hứa lập nên, nơi anh
Trọng cùng nhiều con em Việt kiều Thái Lan theo học, bị cảnh sát Thái Lan và mật
vụ Pháp bao vây và phải đóng cửa. Anh Trọng cùng một số học sinh khác theo ông
Thầu Chín lên Xiềng Mày (một tỉnh miền đông bắc Thái Lan) học văn hóa và tiếng
Hoa, rồi sau đó sang Quảng Châu, Trung Quốc tiếp tục học tập.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ông Đại nói nếu ngày ấy ông đã có
em và lớn thêm chút nữa thì cha mẹ ông đã đồng ý để ông Thầu Chín đưa ông đi
cùng anh Trọng, cuộc đời cách mạng về sau biết đâu đã khác. Ngày anh Trọng đi
ông khóc lóc, van nài đòi đi theo, mẹ ông phải dỗ dành nói anh Trọng chỉ theo
ông Thầu Chín lên Xiềng Mày học ít lâu rồi lại về.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhưng ngày đó, gần 90 năm rồi,
mãi mãi đã trở thành ký ức cuối cùng về anh Trọng trong ông.</font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Cội nguồn người anh hùng</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ở xóm 3, xã Việt Xuyên (xưa là
thôn Hưng Long, xã Thạch Minh), Thạch Hà, Hà Tĩnh - quê cha đất tổ của anh hùng
Lý Tự Trọng - có một con sông nhỏ mà dân xóm 3 thường gọi là hói (sông, suối nhỏ
- PV) Cầu Sông. Người già nhất xóm 3 là cụ Xuân (tên thật là Lê Hữu Xuân) nay đã
100 tuổi chỉ tay về bờ hói Cầu Sông và kể lại rằng: “Lùm cây ven bờ hói ni suốt
mấy năm trời đã che giấu bác tui (tức ông Lê Hữu Đạt - cha anh Lý Tự Trọng)”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Mấy năm trời mà cụ Xuân kể ấy là
thời điểm những năm 1930-1931, khi ông Lê Hữu Đạt đã là đảng viên Đảng Cộng sản
Đông Dương, mỗi năm mấy lần băng rừng từ Nakhon Phanom qua Lào về Hà Tĩnh gầy
dựng cơ sở cách mạng. Cụ Xuân, người cháu họ kêu ông Đạt bằng bác, theo lời cha
dặn mỗi ngày cất sẵn một gói cơm và bộ quần áo để đêm đến ông Đạt từ bờ hói Cầu
Sông trở về. Bờ hói Cầu Sông nay đã trở thành bãi ngô và ruộng lúa tốt tươi,
nhưng theo lời cụ Xuân thì hơn 80 năm trước ken dày cây rừng, đêm đêm khái (cọp)
về thành bầy. Nhưng vì việc lớn ông Đạt đã chọn bờ hói làm nơi ẩn nấp, không dám
về làng sợ làm liên lụy đến bà con ruột thịt.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Câu chuyện ấy về lòng yêu nước
của gia đình Lý Tự Trọng thực tế không cần phải đợi đến những năm thập niên 1920
khi Tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội móc nối, mà ngay từ năm 1916 ông
Lê Hữu Đạt đã tham gia thổi lên đốm lửa cuối cùng trong phong trào Cần vương của
vua Hàm Nghi do Đội Quyên và Quản Khôn lánh nạn tại Thái Lan dẫn đầu. Khi đốm
lửa cuối cùng này bị dập tắt thì ông Đạt lại nhiệt tình gầy dựng phong trào ái
quốc của cụ Đặng Thúc Hứa, mà một trong những việc cụ thể là lập nên các trường
học, trong đó có trường Bản Đông và Xiềng Mày nơi anh Lý Tự Trọng theo học.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Bà Lê Thị Bảy, người em gái út
của anh Lý Tự Trọng, nay vẫn còn sống ở Việt Xuyên là một chứng nhân cho những
cuộc chia ly lẫn sum vầy khắc khoải vì nghĩa lớn của đại gia đình anh hùng Lý Tự
Trọng. Bà kể năm 1937 khi bà mới bốn tuổi đã được mẹ (cũng là đảng viên Đảng
Cộng sản Đông Dương) gồng gánh cùng chị gái Lê Thị Sáu từ Thái Lan suốt mấy
tháng trời về đến Hà Tĩnh để tránh sự bố ráp của chính quyền Thái. Và đó không
phải là lần duy nhất, suốt những năm tháng từ khi anh Lý Tự Trọng hi sinh cho
đến ngày cả đại gia đình về lại đất nước năm 1957, gia đình ông Lê Hữu Đạt đã
trải qua không biết bao nhiêu cuộc chia ly vì nhiệm vụ mà cách mạng giao phó.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Những đốm lửa cách mạng khi lụi
tàn, khi bừng lên trước mắt cậu bé Trọng suốt những năm tháng tuổi thơ ấy là
những bài học vỡ lòng đầu tiên về lòng yêu nước. Và cũng là những đốm lửa căm
hờn, đốm lửa yêu nước đầu tiên được nhen nhóm. Để mùa xuân năm 1931, một ngọn
lửa mạnh mẽ đã bùng cháy giữa Sài Gòn.</font></p>
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2">VIỄN SỰ - LAN PHƯƠNG</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
------------------------------------------------</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<em style="text-decoration: none; "><strong>Bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom (Thái
Lan) ngày hôm nay với những câu chuyện về tình yêu nước nồng nàn vẹn nguyên như
thời của anh Lý Tự Trọng.</strong></em></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><strong><u>Kỳ tới:</u><em style="text-decoration: none; "><span class="Apple-converted-space"> </span>Di
sản người anh hùng trên đất Thái</em></strong></font></p>
<p align="right"><strong><em><font face="Arial" size="2">Theo TTO</font></em></strong></p>
</body>
</html>