<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Diễn đàn</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Thời sôi nổi
của một cựu tử tù</font></b><span class="date-line" style="float: right; font-weight: normal; padding-top: 5px; color: rgb(141, 141, 141); "></span></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhắc đến nguyên Tổng thư ký Hội
Liên hiệp sinh viên - học sinh (SV-HS) khu Sài Gòn-Gia Định Lê Quang Vịnh, người
ta hay nhớ đến bài thơ<span class="Apple-converted-space"> </span><em>Tiếng hát
tử tù</em><span class="Apple-converted-space"> </span>rực lửa, đanh thép của ông
cất lên từ sau song sắt…</font></p>
<p style="line-height: 18px; " align="justify"><font face="Arial" size="2">
<strong>Tuổi xanh anh hùng</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tiếp chúng tôi tại nhà riêng là căn phòng nhỏ ở lầu 3 một chung cư cũ trên đường
Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM, người cựu tử tù năm xưa cho biết sắp tới gia đình ông
sẽ chuyển ra sống ở Huế, là nơi ông sinh ra và lớn lên.</font></p>
<p style="margin-top: 0; margin-bottom: 0" align="justify"> </p>
<table align="center" style="border-collapse: collapse; width: 259px; height: 26px; " id="table1">
<tr>
<td>
<p style="line-height: 18px; text-align: center">
<font face="Arial" size="2">
<img alt="" src="http://www.thanhnien.com.vn/Pictures20113/Tieukhuong/01/p9a1moi.jpg" style="margin-right: 10px; "><br>
<span style="color: #808080; font-style: italic">Giáo sư Lê Quang Vịnh (áo
vest đen - giữa) và những học trò trường Pétrus Ký năm xưa. Người đứng
sát tượng Petrus Ký (hàng trên cùng) là học sinh Nguyễn Minh Triết, nay
là Chủ tịch nước</span></font></td>
</tr>
</table>
<p style="line-height: 18px; " align="justify"><font face="Arial" size="2">Mới
14 tuổi, Lê Quang Vịnh đã bị địch bắt và bị tù giam 7 tháng vì hoạt động trong
Đoàn HS kháng chiến tại Huế. Đến năm 1955, Vịnh đậu tú tài toàn phần nhưng không
đi học mà tham gia làm báo cách mạng (Báo Ngày Mai) với vai trò thư ký tòa soạn.
Lần này, Vịnh lại bị bắt và chịu cảnh tù giam 1 năm.</font></p>
<p style="line-height: 18px; " align="justify"><font face="Arial" size="2">Bị
cấm hoạt động cách mạng tại Huế, năm 1957, chàng trai 21 tuổi Lê Quang Vịnh
chuyển vào Sài Gòn. Tại đây, anh tham gia Đoàn Thanh niên Lao động và đến năm 24
tuổi được kết nạp vào Đảng. Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chỉ định anh làm Bí thư
chi bộ SV các trường ĐH ở Sài Gòn, sau đó giữ chức vụ Tổng thư ký Hội Liên hiệp
SV-HS khu Sài Gòn-Gia Định. 24 tuổi, anh tốt nghiệp thủ khoa trường ĐH Sư phạm
Sài Gòn (khoa Toán) và hoàn thành văn bằng chính quy Cử nhân Giáo khoa Toán học
do trường ĐH Khoa học Sài Gòn cấp. Trong thời gian đó, anh ghi danh học thêm
những trường khác như ĐH Luật khoa, ĐH Văn khoa Sài Gòn, chủ yếu là để liên hệ,
quy tụ SV nhiều trường trong thành phố. Do đỗ thủ khoa nên Lê Quang Vịnh được
quyền chọn trường dạy học. Và ngôi trường danh giá hàng đầu miền Nam hồi ấy là
trường Trung học Pétrus Ký Sài Gòn (nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
TP.HCM - PV) đã chào đón Lê Quang Vịnh vào đội ngũ giáo sư cử nhân thời đó còn
rất hiếm hoi.</font></p>
<table align="right" style="border-collapse: collapse; width: 93px; height: 26px; " id="table2">
<tr>
<td>
<p style="line-height: 18px; text-align: center">
<font face="Arial" size="2">
<img alt="" src="http://www.thanhnien.com.vn/Pictures20113/Tieukhuong/01/p9a2moi.jpg" style="margin-right: 10px; "><br>
<span style="color: #808080; font-style: italic">Nguyên Bí thư T.Ư Đoàn,
Chủ tịch Hội LHTN VN Lê Quang Vịnh ở tuổi 75 </span></font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Mùa hè năm 1961, theo yêu cầu của
Khu ủy, giáo sư Lê Quang Vịnh ra căn cứ của Khu Đoàn Sài Gòn - Gia Định để chuẩn
bị thoát ly. Từ nơi đây, ông viết báo cáo gửi SV quốc tế và báo cáo phong trào
đấu tranh của SV miền Nam. Hai bản báo cáo chưa kịp gửi đi thì gặp địch càn. Lê
Quang Vịnh và một số đồng chí chạy vô bưng Đức Huệ (tỉnh Long An). Địch tìm thấy
tài liệu và phát hiện giáo sư trường Pétrus Ký Lê Quang Vịnh chính là người đã
viết hai bản báo cáo nói trên với chức danh “Tổng thư ký Hội Liên hiệp SV-HS khu
Sài Gòn-Gia Định”. Tại Tòa án quân sự đặc biệt của chính quyền Sài Gòn diễn ra
vào ngày 23.5.1962, ông bị khép án tử hình. Như vậy, “tiểu đội” của Lê Quang
Vịnh gồm 12 thanh niên, HS chịu những mức án hà khắc: tử hình (4 người), chung
thân (4), mức án tù từ 5-15 năm (4). Về sự kiện này, nhà thơ Tố Hữu có làm bài
thơ<span class="Apple-converted-space"> </span><em>Tiểu đội anh hùng</em><span class="Apple-converted-space"> </span>với
những câu:<span class="Apple-converted-space"> </span><em>Lê Quang Vịnh và các
anh/Tiểu đội anh hùng của tuổi xanh/Mười hai tên mạnh như tên lửa/Chấp hết gươm
treo, án tử hình...</em></font></p>
<p style="line-height: 18px; " align="justify"><font face="Arial" size="2">Gần 1
tháng sau ngày xử, đại tá ủy viên chính quyền Sài Gòn Lê Văn Khoa đến tận ngục
tử hình ở khám Chí Hòa gọi là thăm và đưa cho ông một cây bút, một tờ giấy trắng
bảo làm đơn xin Tổng thống Ngô Đình Diệm ân xá. “Tôi đã dùng cây bút ấy viết lên
tờ giấy ấy bài thơ Tiếng hát tử tù, rồi lén gửi ra bên ngoài theo một đường dây
bí mật mà tôi tiếp cận được. Thật không ngờ bài thơ ấy đã ra tận Hà Nội chỉ
trong vòng mấy tuần sau đó, và Đài Tiếng nói VN đã quảng bá bài thơ ra khắp đất
nước”, ông kể. Bao lớp thanh niên yêu nước thời ấy thuộc nằm lòng bài thơ của
ông bởi những câu chân tình mà rực lửa, như:<span class="Apple-converted-space"> </span><em>Đi
cho trọn con đường đi quá nửa/Vững niềm tin sắt đá đời đời/Quân thù dù giết được
một mình tôi/Đâu giết được cả loài người đang đứng dậy?/ Trao đồng chí tâm tình
tôi đấy/Trước khi lên máy chém của quân thù.</em></font></p>
<p style="line-height: 18px; " align="justify"><font face="Arial" size="2">
<strong>Đôi chân không mỏi mệt</strong></font></p>
<p style="line-height: 18px; " align="justify"><font face="Arial" size="2">Lê
Quang Vịnh chịu cảnh tù đày khốc liệt nhiều năm ở Côn Đảo cho đến ngày 1.5.1975
(ngày Côn Đảo hoàn toàn giải phóng). Tại Hội nghị hiệp thương thống nhất lực
lượng thanh niên VN, Lê Quang Vịnh được bầu làm Chủ tịch Ủy ban T.Ư Hội Liên
hiệp Thanh niên (LHTN) VN suốt trong khoảng thời gian dài, từ năm 1976 cho đến
năm 1988. Trong thời gian đó, ông đảm nhiệm một số chức vụ khác như: Giám đốc Sở
GD - ĐT TP.HCM; Bí thư T.Ư Đoàn; Thường vụ Đặc khu ủy Bà Rịa - Vũng Tàu kiêm Bí
thư Quận ủy Côn Đảo…</font></p>
<p style="line-height: 18px; " align="justify"><font face="Arial" size="2">“Phải
nói rằng, thời làm công tác Đoàn - Hội LHTN là giai đoạn hoạt động sôi nổi nhất
của tôi. Đất nước lúc ấy đánh Mỹ vừa xong lại đánh đuổi Tàu, tiếp đến góp phần
giải phóng nước bạn Campuchia khỏi nạn diệt chủng Pol Pot. Cuộc sống rất thiếu
thốn, khó khăn, đôi khi còn thể hiện sự duy ý chí nhưng tinh thần cách mạng hừng
hực khắp nơi. Phong trào “Ba sẵn sàng” lúc đó vẫn còn phát triển rất mạnh. Bài
hát Em ở nông trường, em ra biên giới của Trịnh Công Sơn đã phản ánh rất đúng
tinh thần thời đại khi ấy”, nguyên Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN VN Lê
Quang Vịnh nói.</font></p>
<p style="line-height: 18px; " align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong
thời gian đó, ông rất chú trọng việc tập hợp tầng lớp thanh niên lao động tự do,
thanh niên đường phố. Đi công tác tại Cần Thơ, ông cũng tổ chức sinh hoạt cho
những người chạy xe ôm, xe lôi. Cánh “bác tài trẻ” này tỏ ra rất thích thú, vinh
dự khi được kết nạp làm hội viên. Vì vậy, sau mỗi chiếc xe, họ đều tự hào gắn
tấm bảng “Hội LHTN VN”.</font></p>
<p style="line-height: 18px; " align="justify"><font face="Arial" size="2">Theo
ông, thanh niên ngày nay nắm giữ nhiều phương tiện hiện đại nhưng lại thiếu kinh
nghiệm sống, kinh nghiệm phân biệt xấu-tốt, bạn-thù. Chính vì thế, lớp trẻ cần
sự hỗ trợ của những thế hệ đi trước. “Để tránh ngộ nhận, nên biết rằng một ý
tưởng tốt đẹp như thế nào thì cũng phải phù hợp với thực tiễn”, ông nhắn nhủ.</font></p>
<p style="line-height: 18px" align="right"><font face="Arial" size="2"><b>NHƯ
LỊCH</b></font></p>
<p style="line-height: 18px" align="right"><font face="Arial" size="2"><i><b>
Theo TNO</b></i></font></p>
</body>
</html>