<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <p align="justify"><span id="VNContent1__ctl0_NewsDetail"><strong> <span style="font-family: Arial; font-size: 10pt">Sách Việt tôi yêu: </span> </strong></span></p>
<p align="center"><strong><span style="font-family: Arial"> <font color="#0000FF" size="2">Bỏ trốn</font></span></strong></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tuy vào thời gian sau này có rất nhiều những cuốn sách dòng hiện đại, văn phong thiên về trinh thám, khoa học viễn tưởng, công nghệ cao… nhưng riêng tôi, tôi vẫn có ấn tượng và cảm tình với cuốn “Bỏ trốn”. Đó là một cuốn sách cũ, mà người chị họ tặng cho anh Hai tôi, lúc anh vừa tập tành sáng tác văn chương. Tôi đọc với sự tò mò và… say mê lúc nào không biết. Cuốn truyện đã khiến tôi rơi nước mắt vì xúc động. Tôi đã đọc Bỏ trốn tới bốn lần, nên hoàn toàn hòa nhập và cảm thông với các nhân vật.</font></p>
<p align="center"><img height="345" border="0" width="384" src="test10.jpg" alt="" /></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Viết Bỏ trốn, tác giả đã sử dụng văn phong dễ hiểu, gần gũi với lứa tuổi thiếu niên. Lời thoại rất thật, rất đời, làm cho người đọc cảm nhận được mình đang sống theo cốt truyện. Nhân vật chính của truyện là cô bé tên Thi, chỉ mới lên mười, đã chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải sống trong sự ruồng rẫy, ghét bỏ của người bác dâu. Sự hiểu lầm cay đắng đã khiến cô bé bị người bác dâu thẳng tay đuổi ra khỏi nhà, sống vất vưởng kiếm ăn với người đàn bà câm mà cô bé nhận là mẹ nuôi, cùng những người bạn lang thang cơ nhỡ. Những cảnh thương tâm mà cô bé nhỏ nhoi ấy hứng chịu làm người đọc mủi lòng, với một chút bất nhẫn. Người bác dâu với tính cách nhỏ nhen, ích kỉ, lúc nào cũng sợ cảnh “con gái cái bòn” của cô em chồng, rồi trút hết tức giận lên đầu cháu gái. Cuối cùng, bà gây ra một tảm cảnh đau lòng: Cô cháu gái vì quá sợ hãi đã cuống cuồng bỏ chạy trốn khi vừa thấy bà, mặc dù bà đến vì ý tốt là đem cô bé về nhà. Bà ngoại và người bác trai hết lòng yêu thương Thi, nhưng bà thì gần đất xa trời, còn bác trai phải đi làm xa. Hai cậu anh họ, một là Quang, luôn có ý nghĩ “Bầu phải thương Bí vì chung một giàn cũng coi như chung một nhà”. Vì thế cậu bé không đồng tình với mẹ và luôn bênh vực che chở cho Thi; Một là Quý, tuổi còn nhỏ nên không để ý thấy những bất công mà mẹ mình đối xử với cô em họ. Những người bạn nhỏ cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, là điểm nhấn tạo ra những nhân cách khác nhau của từng người trong từng hoàn cảnh. Tất cả hòa quyện, bổ sung cho nhau, tạo nên một bức tranh sống động, đầy đủ sắc màu của cuộc sống. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Bỏ trốn, đầy tính nhân văn, cốt truyện rất thường gặp thấy trong đời sống xã hội. Tác giả muốn truyền tải đến người đọc một thông điệp khẩn: Những ai còn ích kỉ, nhỏ nhen, hay còn thờ ơ với nỗi đau của các trẻ em bất hạnh, hãy thay đổi cách sống và cư xử, để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Riêng tôi, khi đọc xong cuốn truyện, tôi mới thật sự cảm nhận được hạnh phúc mà mình đang được hưởng. Đó là, được sống bên bố mẹ, được nhận sự bao dung, che chở của hai đấng sinh thành. Tôi vẫn day dứt vì còn quá nhiều mảnh đời mồ côi bất hạnh trong xã hội. Mong lắm thay, những tấm lòng nhân ái, đưa tay xoa dịu những nỗi đau mà các bạn phải hứng chịu.</font></p>
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2">ĐỖ QUỲNH NHƯ (Trường Tiểu học Trung Nhất)</font></b></p>
<table border="1" width="100%" id="table1">
<tbody>
<tr>
<td bgcolor="#D5F4FF">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Mời các bạn đoàn viên, thanh niên và độc giả yêu sách tham gia cuộc vận động bình chọn quyển sách yêu thích với chủ đề “Sách VIệt tôi yêu” do Thành Đoàn phối hợp với Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức. Tất cả mọi người yêu sách, không giới hạn độ tuổi, đều có thể tham gia bình chọn. Người tham gia bình chọn giới thiệu tối đa 5 quyển sách mình yêu thích, trong đó chọn lọc và viết cảm nhận, ấn tượng của mình về 1 quyển sách yêu thích nhất (không quá 1.500 từ)<br />
<br />
Hạn chót nhận bài ngày 31/5/2011. Mọi thư từ, bài viết xin gửi về Ban Tuyên giáo Thành Đoàn, số 1, Phạm Ngọc Thạch, quận 1; ĐT: 38.298.669; email: <a href="mailto:tuyengiaothanhdoan@gmail.com"> tuyengiaothanhdoan@gmail.com</a>. (Bạn đọc nhớ ghi địa chỉ, số điện thoại, email, đơn vị công tác,.. để Ban tổ chức dễ dàng liên lạc).</font></p>
</td>
</tr>
</tbody>
</table> </html>