<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>New Page 2</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">
<span class="text16b" id="lbHeadline">"Bí kíp" của những CEO trẻ nhất nước Mỹ</span></font></b></p>
<div style="float: left; width: 161px; height: 46px">
<table border="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="CEO%20tre%20nhat%20nuoc%20My.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><font color="#008000">
<span id="AvatarDesc" style="font-size: 10pt; font-style: italic; font-family: Arial">
Ông giám đốc điều hành 33 tuổi K.Plank (giữa) và bạn bè </span>
</font></td>
</tr>
</table>
</div>
<span class="indexstorytext">
<p><font size="2" face="Arial">Đó là 8 vị giám đốc điều hành (CEO) thế hệ 7X,
người nhiều tuổi nhất chỉ mới 35 và trẻ nhất là 33 tuổi. Họ đang ngồi trên chiếc
ghế quản lý cao cấp của các công ty có giá trị vài trăm triệu USD và dưới trướng
là hàng trăm nhân viên. Hãy gặp 3 người trẻ nhất trong số này để tìm hiểu đường
đi đến thành công của họ.</font></p>
</span><span class="indexstorytext" id="lbBody">
<p><font color="#0000ff" size="2" face="Arial"><strong>Kevin A.Plank: Trở thành
nhà quản lý nhờ... lười </strong></font></p>
<p><font size="2" face="Arial">Cách đây 11 năm, Kevin A.Plank vốn là một cậu
sinh viên của Đại học Maryland. Quá chán vì mỗi lần chơi bóng đá lại phải thay
áo liên tục vì áo mau đẫm mồ hôi, còn chiếc áo thun anh vẫn mặc đến trường hễ
mỗi lần mắc mưa là ướt nhẹp, Plank muốn những chiếc áo này được làm từ chất liệu
tốt hơn để có thể khắc phục các nhược điểm nói trên. Vì lười phải thay áo liên
tục mà "tôi đã cho ra đời những chiếc áo may - ô mặc lót bên trong áo chơi đá
bóng có chất lượng tốt hơn" - Plank kể lại. Thế nhưng, chàng trai trẻ từng nghĩ
rằng "lúc 23 tuổi, chắc chắn tôi là người thông minh nhất hành tinh" đã phải mất
4 năm mới đưa được sản phẩm áo lót thể thao của mình vào các đội bóng của các
trường đại học và các đội bóng bầu dục dự giải NFL (giải vô địch quốc gia bóng
bầu dục của Mỹ). Và rồi Plank cho ra đời Công ty Under Armour chuyên cung cấp
các loại quần áo thể thao. Năm 2005, Under Armour đạt doanh thu 281 triệu USD.
Thành công này đã giúp Under Armour xếp vị trí thứ 6 trong danh sách những công
ty phát triển nóng nhất (Hot Growth) của tạp chí BusinessWeek.</font></p>
<p><font color="#0000ff" size="2" face="Arial"><strong>Matthew McCauley: Chuyên
gia "lượm lặt" ý kiến</strong></font></p>
<p><font size="2" face="Arial">McCauley tốt nghiệp ĐH Young Brigham ở Mỹ. Trải
qua mấy năm lăn lộn ở nhiều vị trí và một thời gian dài làm điều hành phân phối
hàng hóa tại hệ thống siêu thị Payless Shoes và Tập đoàn may mặc Gap, năm 2001
McCauley bắt đầu đến với Gymboree. Tại hãng sản xuất quần áo trẻ em này,
McCauley đã được tuyển dụng vào vị trí điều hành phân phối. Hai năm sau, cậu
được cất nhắc lên làm Phó phòng kế hoạch và phân phối. Đến tháng 2.2005, chàng
"chuyên gia phân phối" này được thăng lên chức Phó chủ tịch và Tổng giám đốc của
tập đoàn có giá trị 700 triệu USD.</font></p>
<p><font size="2" face="Arial">McCauley trở thành giám đốc điều hành trẻ nhất
nước Mỹ và "nhí" nhất trong lịch sử 30 năm qua của hãng này. Có thể gọi McCauley
là chuyên gia "lượm lặt" vì vị giám đốc trẻ này thường hay nhặt nhạnh những ý
kiến từ phía nhân viên của mình. McCauley hay nói: "Tôi thích nghe ý kiến của
mọi người bất kể họ ở vị trí nào. Nhân viên của Gymboree ai cũng tài năng và
lanh lợi". Có lẽ đó là "bí kíp" giúp McCauley gắn kết hàng trăm con người trong
công ty thành một khối đoàn kết và kịp thời điều chỉnh những bất cập khi một bộ
phận nào trong khối này có vấn đề. Cũng nhờ thế mà McCauley giúp Gymboree không
ngừng ăn nên làm ra và chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, doanh thu đã lên đến 189
triệu USD, hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái. </font></p>
<p><font color="#0000ff" size="2" face="Arial"><strong>Michael G.Rubin: Kiếm
tiền không đợi tuổi</strong></font></p>
<p><font size="2" face="Arial">Vốn là một cậu bé dám nghĩ dám làm, cộng với một
tình yêu mãnh liệt đối với môn trượt tuyết, mới 13 tuổi Rubin đã biến căn nhà
của bố mẹ ở Philadelphia thành một cửa hàng chuyên bán đồ chơi trượt tuyết. Ban
đầu, cậu nhóc bán hàng phía trước nhà, sau đó thì ký gửi hàng hóa cho các cửa
hàng bán lẻ. Rồi doanh nhân nhí này lại thuê hẳn một gian hàng tại một trung tâm
mua sắm ở gần nhà để tự mình làm ăn. Vào năm 1999, thời internet mới bùng nổ,
Rubin mở Công ty GSI Commerce để bán hàng trực tuyến. "Cửa hàng trên mạng" này
đã ra đời nhờ Rubin hợp tác với 5 nhà bán lẻ đồ chơi thể thao. Không dừng lại ở
đó, GSI Commerce của Rubin không chỉ bán đồ thể thao mà đủ mọi thứ từ vật liệu
xây dựng, quần áo, mỹ phẩm, dụng cụ gia đình, hàng điện tử, nữ trang... Giờ đây,
ở tuổi 33, Rubin đang là CEO của một công ty có doanh thu đạt 440 triệu USD vào
năm 2005. Ước tính con số này sẽ là 530 triệu USD trong năm nay.</font></p>
<p align="right"><font size="2" face="Arial"><br>
<i><b>Theo Forbes, BusinessWeeek</b></i></font></p>
</span>
</body>
</html>