<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Thời xa vắng – một thời để nhớ</title>
</head>
<body>
<p align="left"><span id="VNContent1__ctl0_NewsDetail"><strong>
<span style="font-family: Arial; font-size: 10pt">Sách Việt tôi yêu: </span>
</strong></span></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Thời xa vắng –
một thời để nhớ!</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đọc sách là một trong những sở
thích của tôi. Trên kệ sách gia đình, tôi có rất nhiều quyển của các nhà văn
nước ngoài và hơn chừng ấy là sách quốc văn. Chúng là những “Nhật kí Đặng Thùy
Trâm”, “Thời xa vắng” của Lê Lựu, “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, “Cô
gái đến từ hôm qua” và “Chô tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh,…
Tôi trưởng thành hơn qua những trang sách, và cuốn sách làm thay đổi tôi nhiều
nhất là cuốn “Thời xa vắng” của nhà văn Lê Lựu.<br>
<br>
“Tình yêu không chỉ có vị ngọt, mà nó còn có vị mặn của nước mắt, vị cay của
ghen tuông, vị chua của hiểu lầm, vị chát của cái “tôi” và vị đắng của chia li.
Đôi khi vị ngọt chỉ có thể cảm nhận được một lần duy nhất trong cuộc đời” –
Colleen McCullough, trong “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”.</font></p>
<p align="center">
<img border="0" src="pof1222095067.GIF" width="325" height="446"></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cuộc đời như một con sông lớn còn
mỗi con người trong cuộc đời giống như chiếc thuyền độc mộc – người ta có thể
dừng lại ở bất cứ bến nào mình muốn nhưng khi nhận ra cái bến ấy không phải là
nơi có thể đỗ lại mãi mãi thì bơi đến bến khác, cho đến khi nào vừa lòng thì
dừng lại, nhưng cũng có chiếc thuyền không bao giờ chọn cho mình bến thứ hai,
lại có những chiếc thuyền dùng dằng, lần lựa mãi lại quay về cái bến đầu tiên mà
trước đây quyết không bao giờ quay về… Con sông ấy đã chứng kiến và chứa đựng cả
nước mắt lẫn nụ cười, nụ cười thì ít nhưng nước mắt lại thường trực. Những giọt
nước từ đáy mắt nào đó sẽ còn tuôn cho đến khi nào cạn mới thôi? Cuộc đời dài
bao nhiêu để cứ mãi bất mãn? Không một ai hoàn toàn vừa lòng với tình yêu và sự
nghiệp của mình, phải có những lỗ hổng trong cái này để cái kia còn mong tròn
trịa. Con sông kia đôi khi chỉ toàn mang trong lòng nước mắt và nụ cười kia chỉ
là sự che đậy tạm thời, giả dối mà nó ban phát cho những con thuyền nhỏ bé, che
đậy những oái oăm, nghiệt ngã như những con sóng ập ào không báo trước. <br>
<br>
Con người trong “Thời xa vắng” của nhà văn Lê Lựu là những con thuyền độc mộc
trên con sông nghiệt ngã đó. Mấy ai may mắn tìm đúng nơi để mình thuộc về. Nhân
vật chính Sài trong truyện là một chàng trai khôi ngô, hiền lành, chịu khó và
học rất giỏi, đã trải qua hai mối tình, một là mối tình với Hương – cô bạn học
xinh đẹp, thông minh với phẩm chất của một thiếu nữ thôn quê trí thức; hai là
với Châu, người con gái thua anh chín tuổi, cũng xinh đẹp, thông minh, lấy Sài
khi cô mới đôi mươi và anh cũng ở tuổi “băm”. Nếu không có cái hủ tục tảo hôn
xiềng xích suốt thời trai trẻ thì anh và Hương đã thành đôi và sớm hạnh phúc,
không phải suốt đời chỉ dám “nuốt nước mắt vào trong”, mà nói đúng hơn, nếu bản
thân anh biết chủ động bảo vệ tình yêu cho mình thì đó là quyền của anh chứ
không ai ép uổng mãi được. Sài là con trai nhưng người con trai trong anh chưa
bao giờ lớn đủ để làm theo mong muốn cháy rực của chủ. Sài bản lĩnh và dũng cảm
trong chiến đấu với giặc bao nhiêu thì anh lại yếu đuối và thiếu chủ động trong
tình yêu bấy nhiêu. Vì yêu anh Hương đã trao cho anh những giây phút tuyệt vời
và quý giá nhất nhưng chỉ được đáp lại từ Sài cái lặng thinh, cái âm thầm đi
lính vì anh không muốn sống trong gièm pha, sợ mình phải khuấy động cuộc sống
vốn đã không êm ái. “Anh đi như sự chui luồn chạy trốn với tất cả hôm qua, hôm
nay và ngày mai mà tự bằng lòng với quyết định được coi là vô cùng “dũng cảm”
của mình: Hãy im lặng chịu đựng !!!” <br>
<br>
Suốt thời trai trẻ anh trốn tránh, không dám đấu tranh, luôn phải làm theo ý
người khác và hài lòng với những cố gắng mà người khác khuyến khích mình. “Bản
thân anh chất đầy cách sống của một anh làm thuê. Sẵn cơm thì ăn, sẵn việc thì
làm, chỉ hong hóng chờ chủ sai bảo chứ không dám quyết đoán định đoạt một việc
gì”. Sống như Sài khổ chứ, nhưng nếu biết khổ, nếu bản thân người ta là người
dám đứng lên vì mong muốn của mình thì nửa cuộc đời quý giá của anh đâu đến nỗi
chỉ là sự chua chát, chịu đựng. Hương yêu anh và được anh yêu lắm chứ, mối tình
trẻ dại ấy có sức sống mãnh liệt đến nỗi cả khi cách xa nhau, cả khi chỉ còn một
nửa của nó mới biết đấu tranh, nửa kia bất lực, cả khi không thể còn tiếp tục nó
vẫn sống và kéo hai nửa tinh thần về bên nhau. Ngày ấy Hương đã chua cay mà kêu
lên: “ Kẻ hèn nhát không muốn mất cái gì thì được tất cả. Người sẵn sàng đánh
đổi tất cả cho cái gì thì chỉ còn thân tàn ma dại”. Nỗi đau, hụt hẫng ấy chỉ còn
biết theo thời gian mà lắng dần đi, và chứng kiến người mình yêu cũng không hạnh
phúc gì hơn lòng Hương mới nguôi ngoai, vì tình yêu khi trẻ bây giờ dù vẫn còn
là ngọn lửa cháy bỏng nhưng gần hết chuyển thành sự cảm thông, thương xót. Một
ai đó đã nói, khi quay ngược hình ngọn lửa, ta sẽ thấy biểu tượng của tình yêu.
<br>
<br>
Sau đó, cuộc hôn nhân đau khổ của anh với Châu là hậu quả của tính toán, lừa dối,
của vội vã, mê đắm sau một tình yêu bị ngăn cản trước đây. Người đàn ông bị lệ
thuộc, bị điều khiển trong Sài được thể hiện rõ nhất khi anh sống với Châu. Chỉ
mới mười tám, hai mươi tuổi mà cô đã rất sõi đời, sõi cách thức điều khiền tình
yêu. Cô với Sài như hai người ở hai thái cực, không thể hòa hợp để bù đắp khuyết
điểm, hoàn toàn không nên tiến đến hôn nhân. Châu lại là một người đàn bà ngoài
mặt tri thức, nết na, nhưng bên trong lại là một kẻ tầm thường, tính toán, hay
trách phạt, đòi hỏi – chỉ biết đòi hỏi và làm khổ chồng mình. Ngay từ những ngày
đầu đến với nhau Châu đã thể hiện là người ưa sai khiến, chỉ bảo, lãnh đạo người
khác, không may Sài lại là đối tượng dễ dàng để tính cách ấy thường trực hơn
trong cô. Châu không hoàn toàn là người có toàn những cái đáng ghét, cô cũng là
một người mẹ thương con, biết cách ứng xử (nếu như được tiếp xúc với toàn những
người chiều theo được bản tính sinh động của cô). Càng về sau không còn ai có
thể chấp nhận và thanh minh hộ cho những hành động và suy nghĩ của cô trong vai
trò là người vợ, người con dâu. Cô coi khinh gia đình chồng vì họ không làm vừa
lòng cô và vì cô vốn là dân thành phố luôn xem thường nhà quê. Ông chồng “nhà
quê” của cô thương vợ như thế Châu lại chán ghét. Gia đình chồng quan tâm hết
lòng như thế cô lại thiếu thừa nhận, vô ơn và khinh bỏ. Bản tính chỉ biết đòi
hỏi, đòi hỏi và đòi hỏi của Châu sẵn sàng khiến cô nghĩ ác và gạt bỏ những người
không cho cô cái cô cần. Bao lần Châu nghĩ và buột ra những lời lẽ mà ở người
phụ nữ hiền thục không thể có, huống chi người nghe cô nói lại là chồng mình.
“Sự chiều chuộng của anh đã tạo nên một thói quen lười biếng trong cô. Cô nhận
ra, không có một kẻ đầy tớ nào hầu hạ lí tưởng bằng chồng, khi anh ta còn sức
lực và tự nguyện hết lòng, hết sức, hết hơi vì vợ con. Dù sao thì anh ta còn
hiểu mình hơn một thằng ở. Dễ sai bảo, không e ngại bất cứ công việc gì, không
cần ý tứ giữ gìn bất cứ một trường hợp nào”. <br>
<br>
Sài chỉ thụ động và chịu đựng người khác làm khổ mình hơn nửa cuộc đời, cho đến
khi không thể tiếp tục cái thế chống đỡ ấy nữa anh đã khôn ngoan để rời bỏ nó.
Châu đã bất ngờ, kiêng nể Sài hơn để rồi đến lúc mất anh mãi mãi cô mới đau đớn
đay nghiến anh. Châu phải day dứt suốt cuộc đời vì những toan tính và lừa dối
của mình, nhưng dù sao trong cuộc hôn nhân ấy, Châu cũng không hạnh phúc gì, sau
khi li hôn cô đã có thể đến bên người minh yêu thật sự. Chiếc thuyền đã về lại
cái bến mà nó kinh tởm bơi ra xa. Phần Sài, anh đã lại có thể sống với chính
mình. <br>
<br>
Sau những lở dở, không trọn vẹn, hạ danh dự, Sài đã trở lại là một người có
trách nhiệm và năng nổ, với ai? Với chính quê hương bao yêu dấu của mình. Anh đã
đi quá lâu và quên đi nó. Nó vẫn như xưa, tình nghĩa cũng như hoang dại, nghèo
khổ. Một người con có tình như anh phải là người làm nó phải thay đổi, chính anh
– thằng Sài học giỏi, hiền lành, chịu khó, tháo vát phải thay đổi nó. Và cuối
cùng, Giang Minh Sài – người mà gia đình và làng Hạ Vị mãi tự hào, đã làm được
điều phải tự hào lần nữa. Tôi gọi cái kết trong “Thời xa vắng” không hậu mà có
hậu là vì lẽ đó!<br>
<br>
“Thời xa vắng” nổi tiếng của nhà văn Lê Lựu thật xứng đáng với tình yêu mến của
mọi người dành cho nó và người viết ra nó. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của
một nhân vật như là của bao nhiêu con người trong xã hội, con người của những
khuyết điểm, của tài năng và sự cố gắng vươn lên để trưởng thành. Lê Lựu như một
người cha lớn của mọi người sống giữa mọi người, nhìn thấu những cái sai, cái
hay của họ để viết về họ, hư cấu, thai nghén nên hình tượng nhân vật như thật,
rất thật, rất sống động. Từng con người, từng tính cách, từng hoàn cảnh, từng
biểu hiện tâm lý đều được mô tả tinh tế, khiến cho chúng sống dậy trên từng
trang giấy. Cuốn hút từ đầu đến cuối, nhẹ nhàng rồi hồi hộp, thông cảm rồi phẫn
uất, trách rồi lại thương…. Ông đưa người đọc từ cảm xúc này đến cảm xúc khác.
“Hỉ, nộ, ái, ố” của con người, hiện thực thu nhỏ về con người và toàn xã hội
thời kì trước, trong và sau chiến tranh của nước ta nằm gọn gàng trong tác phẩm
ấy. Không ít thì nhiều, “Thời xa vắng” mang giá trị hiện thực và lịch sử. Với
tất cả tâm huyết và tài năng nhà văn dành cho tác phẩm xuất sắc và giá trị này,
Lê Lựu đã, đang và vẫn sẽ được kính trọng, yêu mến và nể phục, cũng như “Thời xa
vắng” không bao giờ mất đi vị trí của nó trong lòng người yêu văn, yêu nước.
Cuốn sách không những thay đổi quan niệm của tôi về những cuốn sách của thời
trước – sau chiến tranh và trước khi tôi ra đời, mà còn làm tôi có cách nhìn
sinh động hơn về tình yêu, sự nghiệp và những mối quan hệ phức tạp của người
trưởng thành. “Thời xa vắng” đã thay đổi cuộc sống của tôi, và không đơn giản
chỉ yêu quý cuốn sách, tôi xem nó như một người thầy của mình… </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b>HẮC NGỌC PHƯƠNG LINH</b></font></p>
</body>
</html>