<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta content="text/html; charset=utf-8" http-equiv="Content-Type">
<title></title>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-family: Arial;">Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn – Nhớ mãi một lần viếng thăm…</span></strong></span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về một thời đau thương và hào hùng của dân tộc vẫn còn hằn sâu trong tâm trí của mỗi người dân đất Việt, vẫn ngân vang trong từng hơi thở của hàng triệu con người, trong từng nhịp đập của hàng triệu trái tim dù cho tháng năm có vô tình trôi đi... Trong cuộc chiến đấu quyết liệt mang tính chất sống còn của dân tộc, hàng triệu những người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng ngã xuống, ra đi bất chợt và lặng lẽ… Trong số họ, có những người giờ đang an nghỉ ở các nghĩa trang liệt sĩ trên khắp mọi miền đất nước nhưng cũng còn đó những người liệt sĩ đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ vĩnh hằng…</span></span> </div>
<div> </div>
<div style="text-align: center;"><img width="480" height="327" alt="" src="test.jpg" /></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Trong chuyến “Hành trình về với Trường Sơn” do Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào tháng 9 năm 2009, tôi có dịp được viếng thăm nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất cả nước, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Đây không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ mà còn là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là nơi thể hiện lòng biết ơn và sự tôn vinh thầm kín của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước. Chuyến viếng thăm đầy ý nghĩa đó đã để lại trong tôi nhiều tình cảm và kỷ niệm không thể nào quên. Cho đến tận bây giờ, những cảm xúc về nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn vẫn như ngọn lửa đang bừng bừng cháy ở một nơi sâu thẳm trong tôi…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn được xây dựng tại xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị với tổng diện tích hơn 100 ha, nằm ở phía Đông dãy trường Sơn, là nơi an nghỉ vĩnh hằng của hơn 10.330 liệt sĩ đã hy sinh trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Các ngôi mộ ở đây được phân chia theo khu vực và được bố trí đều đặn trên 5 quả đồi cạnh thượng nguồn sông Bến Hải, khúc ruột chia cắt hai miền Nam – Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Không giống đa phần các nghĩa trang liệt sĩ khác ở Việt Nam, nghĩa trang Trường Sơn có nét kiến trúc, bố cục thật độc đáo và khác biệt. Khu trung tâm nằm trên một ngọn đồi cao có đài tưởng niệm bằng đá trắng cao vút uy nghiêm, rỗng ruột và khuyết ba mặt, thể hiện nỗi mất mát to lớn của dân tộc ta. Phía sau đài tưởng niệm là sự phát triển cân đối và hài hoà của một cây đa mang trong mình những sự tích kì lạ, mọc lên và phát triển nhanh chóng như bàn tay thần kì, quanh năm tỏa bóng mát cho đài tưởng niệm. Xen kẽ các khu mộ là những cánh rừng thông xanh bạt ngàn, những hàng phi lao thẳng tắp, đung đưa nhẹ trong gió chiều vi vu nơi miền quê “gió lào cát trắng”. Dù đứng ở một nơi rất cao nhưng tầm mắt tôi vẫn không thể vượt ra xa hơn những hàng bia trắng xóa vẫn xếp dọc theo những lối đi và dường như bất tận trong không gian bao la. Đến đây, tôi như được quay trở về với quá khứ, về với những trang sử hào hùng, chói lọi nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt và đẫm máu của nhân dân ta.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Không gian nơi đây thật trang nghiêm và trầm lắng! Tôi kính cẩn nghiêm mình trong phút tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, những người đã anh dũng ngã xuống vì sự trường tồn của dân tộc… Chúng tôi được lắng nghe lời kể của người quản trang về những trận đánh ác liệt diễn ra tại nơi đây, đó là Vĩnh Linh những bông hoa trên tuyến lửa, là Khe Sanh “mắt thần” huyền thoại, là Cồn Tiên – Dốc Miếu lẫy lừng; …và chính trong những trận chiến không giới tuyến đó, bao người đồng chí, đồng đội của ông đã lần lượt ngã xuống. Lời kể của ông dẫn dắt chúng tôi quay trở về những thời điểm mà toàn thể dân tộc ta, nhân dân ta phải oằn mình trong sự khốc liệt của chiến tranh; dù là mưa bom bão đạn ngày đêm thiêu trụi mọi nẻo đường, dù là những tháng ngày chiến đấu kiệt sức, những đêm thâu chập chờn trong giấc ngủ, dù có lúc phải đứng trước họng súng của kẻ thù xâm lược; thì lòng yêu nước, căm thù giặc, ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất mãi luôn là sức sống mãnh liệt và không ngừng cuộn chảy trong tim mỗi người dân. Rồi trong phút giây được thắp những nén hương lên từng ngôi mộ, tôi đã không thể nào kìm được lòng mình khi biết rằng họ cũng như chúng tôi, những người con gái, con trai lứa tuổi đôi mươi đang ấp ủ biết bao hoài bão và khát khao được cống hiến lại phải sớm từ giã cuộc đời. Thật xót xa khi nhìn thấy trước nhiều hàng bia là những cái tên hy sinh khi đang ở độ tuổi trăng tròn. Càng xót xa hơn khi lần đầu tiên tận mắt trông thấy khu mộ của các liệt sĩ chưa biết tên mà nhiều người vẫn quen gọi là những liệt sĩ “vô danh”. Họ… họ là những người đã lặng lẽ hy sinh cả tuổi xuân và cả mạng sống của mình để đổi lấy sự bình yên cho nhân dân, độc lập cho non sông đất nước, họ đã khắc tên mình vào thiên anh hùng ca huyền thoại, hòa vào dòng chảy 4000 năm lịch sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc Việt Nam… Trong tôi lúc đó là những suy nghĩ miên man và những câu hỏi không lời đáp. Có nỗi đau nào hơn nỗi đau của chiến tranh; có thắng lợi vẻ vang nào không phải đánh đổi bằng máu và nước mắt nhưng làm sao có thể quên được khi những tổn thất mà nó để lại là quá lớn, nó lấy đi sinh mạng của hàng triệu triệu kiếp người. Bởi chiến tranh luôn là nỗi đau không nói nên lời, nỗi đau hiện hữu trong đôi mắt của người mẹ già mất con, của người vợ mất chồng, của đứa trẻ thơ ngơ ngác khi chờ mãi mà người cha thân yêu vẫn không trở về… Đến viếng thăm nghĩa trang Trường Sơn, tôi thực sự thấm thía hết những hy sinh, mất mát mà dân tộc ta phải gánh chịu, mới thấy hết giá trị của độc lập, tự do mà chúng ta đang có được của ngày hôm nay.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Thắp xong những nén hương trước phần mộ các anh hùng liệt sĩ với tấm lòng thành kính nhất, những đoàn viên, thanh niên chúng tôi giã từ nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn khi những cảm xúc vẫn còn đong đầy trong lòng mỗi người. Đó không chỉ là sự cảm thông và tri ân sâu sắc của thế hệ trẻ đối với những người đã hy sinh vì đồng bào Tổ quốc mà còn là những giá trị sống cao đẹp mỗi chúng tôi cần hướng đến, để luôn khắc ghi trong tim mình bản anh hùng ca bất diệt về truyền thống yêu nước muôn đời và nhiệm vụ của thế hệ trẻ chúng ta là viết tiếp những giá trị vẻ vang đó. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
“Trường Sơn Đông nắng Tây mưa, ai chưa đến đó như chưa rõ mình…”. Mới đó mà đã gần hai năm sau chuyến viếng thăm đầy cảm xúc. Tôi thấy mình như đang được một lần nữa trở về và đắm mình trong không gian trang nghiêm và trầm lắng nơi mảnh đất đại ngàn yêu dấu. Là một người đoàn viên, sinh viên đang được sống, lao động và học tập dưới ngôi trường giàu truyền thống cách mạng, bản thân tôi cảm thấy thật may mắn và tự hào. Hôm nay, thế hệ trẻ chúng con xin gửi đến thế hệ đi trước lòng biết ơn chân thành, vô hạn; nguyện tiếp bước cha anh để sống và cống hiến hết mình cho thành quả cách mạng, sự nghiệp phát triển đất nước mà Đảng, nhân dân ta đã và đang xây dựng nên.</span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<strong>HOÀNG VĂN TIẾN PHƯƠNG</strong><br />
</span></span></div>
</meta>
</div> </html>