<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Kỷ niệm 81 năm Ngày Truyền thống</title>
</head>
<body>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Kỷ niệm 81 năm Ngày Truyền
thống công tác Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930-1/8/2011):</font></b></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Ngành Tuyên
giáo của Đảng- Những chặng đường lịch sử</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và
Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế
đỏ 1-8” nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế đỏ 1-8, ngày đấu tranh chống chiến tranh
đế quốc, bảo vệ hòa bình...Từ đó, ngày 1-8 trở thành một cái mốc lớn trong lịch
sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với
sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý giá, đánh dấu một hoạt động rất có ý
nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng.</font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2">Phần mở đầu: Đảng Cộng sản
Việt Nam- Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Cuối thế kỷ XIX, sau khi bình
định xong Việt Nam, thực dân Pháp bắt tay thực thi các chính sách thực dân hà
khắc, biến nước ta từ một quốc gia độc lập tự chủ theo chế độ phong kiến trở
thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Sự thống trị tàn bạo của thực dân Pháp
đã làm cho mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với bọn thực dân xâm lược Pháp diễn
ra hết sức gay gắt, hàng loạt phong trào yêu nước theo các khuynh hướng khác
nhau liên tiếp nổ ra nhằm giải quyết mâu thuẫn chủ yếu đó. Tiêu biểu là phong
trào Cần Vương do Vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết khởi xướng; phong trào Đông Du
của Phan Bội Châu; phong trào cải cách của Phan Chu Trinh; khởi nghĩa Yên Thế do
Hoàng Hoa Thám lãnh đạo... Các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tuy diễn ra
quyết liệt, song cuối cùng đều bị thất bại vì thiếu một đường lối cứu nước đúng
đắn, thiếu một tổ chức lãnh đạo có khả năng tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc.
Thời kỳ này, đất nước đang chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu
nước. "Tình hình đen tối như không có đường ra".</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong bối cảnh đó, ngày 5-6-1911,
người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu
nước, giải phóng dân tộc. Sau bao nhiêu năm đi đến nhiều nước trên thế giới
thuộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ, châu Âu và trải qua nhiều nghề lao động khác
nhau, Người đã chứng kiến cuộc chiến tranh đế quốc (1914 - 1918), quan sát tìm
hiểu, nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, chính sách thực dân của
họ ở các thuộc địa, tình cảnh của nhân dân các thuộc địa... Người đã rút ra kết
luận quan trọng: ở đâu bọn đế quốc thực dân cũng tàn bạo độc ác, ở đâu người lao
động cũng bị bóc lột dã man, ở đâu cũng có hai loại người: người giàu và người
nghèo, người áp bức và người bị áp bức. Quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn
Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc thực chất là một quá trình khảo cứu rộng lớn về tâm
trạng xã hội, về cuộc đấu tranh chống áp bức, bất công giành độc lập dân tộc và
quyền sống cơ bản của con người. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sau khi Chiến tranh thế giới thứ
nhất kết thúc, các nước thắng trận triệu tập Hội nghị quốc tế ở Vécxây (ngoại vi
thủ đô Paris) để phân chia thế giới. Ngày 18-6-1919, Nguyễn Ái Quốc thay mặt
những người Việt Nam yêu nước, đã ký tên vào một bản yêu sách gửi tới đại biểu
một số nước tham dự Hội nghị. Bản yêu sách đồng thời được đăng tải trên các báo
L’Humanité (Nhân đạo) và Journal du Peuple (Nhật báo Dân chúng) của Đảng Xã hội
Pháp. Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam (Revendications du Peuple Annamite) đòi
hỏi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và bình đẳng của nhân
dân Việt Nam.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sau đó, nội dung bản yêu sách
được chuyển tải sang thể thơ lục bát với tên gọi “Việt Nam yêu cầu ca”[1] và in
dưới dạng truyền đơn gửi tới các tòa báo, phân phát trong các cuộc hội họp,
míttinh ở nhiều tỉnh nước Pháp và bí mật chuyển về Việt Nam nhằm truyền bá rộng
rãi hơn những quyền lợi cơ bản mà nhân dân Việt Nam cần đấu tranh để giành lấy.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 1920, Nguyễn Tất Thành -
Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Lý luận của chủ nghĩa Mác -
Lênin đã soi rọi cho Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước. Muốn cứu nước và
giải phóng dân tộc thì trước hết phải có “Đảng cách mệnh” để “trong thì vận động
và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai
cấp mọi nơi”. Từ nhận thức đó, Nguyễn Ái Quốc ra sức chuẩn bị mọi mặt cho việc
thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam. Người từng bước truyền bá có hệ
thống chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước, đưa phong trào công nhân chuyển dần
từ trình độ tự phát lên tự giác, đưa phong trào yêu nước chuyển dần sang lập
trường cộng sản.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc
như Bản án chế độ thực dân Pháp (Le procès de la colonisation francaise) năm
1925, Đường kách mệnh năm 1927, các tờ báo do Người sáng lập như báo Người cùng
khổ (Le Paria) năm 1922, báo Thanh niên 21-6-1925 và nhiều bài báo Người viết về
Lênin, về Cách mạng Tháng Mười Nga, về giai cấp công nhân... là những tài liệu
truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam đầu tiên. Những tài liệu này đã có
tác dụng thức tỉnh lòng yêu nước của người dân đất Việt, chỉ rõ con đường cách
mạng đúng đắn phải theo. Các tài liệu này đã có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với các
tầng lớp trí thức tiến bộ và những người tiên tiến trong giai cấp công nhân và
nhân dân lao động lúc bấy giờ, bởi nó không chỉ vạch trần bộ mặt áp bức, bóc lột
tàn bạo của bọn thực dân Pháp và phong kiến tay sai, kêu gọi nhân dân ta vùng
lên đấu tranh xóa bỏ gông cùm nô lệ, mà còn chỉ ra con đường đi đến thắng lợi,
chỉ ra xu thế tất yếu của dân tộc và thời đại, đó là con đường độc lập dân tộc
và chủ nghĩa xã hội, “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng
được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tiếp theo việc xuất bản các tác
phẩm, báo chí từ năm 1922 đến năm 1925, Nguyễn Ái Quốc cùng với những người cộng
sản coi trọng hoạt động tuyên truyền, cổ động, vì vậy một số tờ báo tiếp tục
được Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên xuất bản năm 1926 như Tuần báo Công
nông nhằm vào đối tượng công nhân, nông dân, bán nguyệt san Lính Kách mệnh nhằm
vận động binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp ở Đông Dương, nguyệt san Việt
Nam Tiền phong, báo Đồng Thanh, sau đó là Thân ái do Chi bộ Việt Nam Cách mạng
Thanh niên ở Xiêm xuất bản. Có thể coi năm 1929 là năm nở rộ của báo chí cách
mạng Việt Nam.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Án nghị quyết của Hội nghị trù bị
toàn quốc đại biểu đại hội ngày 23-1-1929 của Việt Nam Cách mạng Thanh niên ghi
rõ “Mỗi kỳ phải tổ chức một bộ tuyên truyền. Tài liệu tuyên truyền hoặc tự đồng
chí mình làm ra hoặc trưng cầu lợi dụng người ngoài”. Tùy theo điều kiện các kỳ
bộ có thể xuất bản báo chí bí mật hoặc công khai.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong năm 1929, Việt Nam Cách
mạng Thanh niên còn xuất bản một số báo và tạp chí như: Bônsêvích, Công Nông
Binh, Cờ đỏ, Hướng đạo, Lao động, Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng cũng xuất bản tạp
chí Bônsêvích, báo Cờ Đỏ, báo Đỏ (do Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở Thượng Hải).
Nhưng đông đảo nhất phải kể đến báo chí Đông Dương Cộng sản Đảng và các tổ chức
trực thuộc: Tạp chí Công hội Đỏ, Bônsêvích, Người Cộng sản, báo Búa Liềm, Lá cờ
Cộng sản, Cờ Đỏ, Dân cày, Giải thoát, Hầm mỏ, Học sinh, Lao động, Liềm, Mỏ than,
Người thợ mỏ, Sao Đỏ, Sắt, Tia Lửa, Tia Sáng...</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Theo thống kê, trước khi thành
lập Đảng, các tổ chức cộng sản đã xuất bản 37 tờ báo, tạp chí làm công tác tuyên
truyền, vận động, tổ chức phong trào cách mạng.<br>
Báo chí cách mạng trước khi có Đảng đã góp phần tuyên truyền chủ nghĩa Mác -
Lênin, đẩy mạnh phong trào đấu tranh và chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức
cho sự thành lập Đảng.[2]</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Không chỉ bằng các tài liệu, sách
báo từ nước ngoài gửi vào trong nước và báo chí xuất bản ở trong nước, để truyền
bá chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc còn tổ
chức mở các lớp tập huấn cán bộ, tổ chức cho một số cán bộ sang Liên Xô để đào
tạo thành những cán bộ cốt cán cho sau này. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong thời gian từ năm 1924 đến
năm 1929, Nguyễn Ái Quốc đã gửi 27 thanh niên Việt Nam sang đào tạo ở Trường Đại
học Phương Đông (Liên Xô), trong đó có Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Lý
Tự Trọng, Phạm Văn Đồng... Cũng trong thời gian từ năm 1924 đến năm 1927, khi
hoạt động ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc tổ chức các lớp huấn luyện chính trị cho
thanh niên yêu nước Việt Nam. Lớp đầu tiên mở vào khoảng cuối năm 1925, đầu năm
1926 với 10 học viên. Mỗi lớp khoảng một tháng rưỡi.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trường huấn luyện chính trị đặt
tại ngôi nhà số 13, đường Diên An (Quảng Châu)... Trường hoạt động dưới sự giúp
đỡ của Chính phủ Quảng Châu và đoàn cố vấn Liên Xô. Tham gia giảng dạy có Nguyễn
Ái Quốc, bà Liêu Trọng Khải (Trung Quốc), vợ chồng B. Bôrôđin, A. Páplốp (Nga),
Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Các học viên được nghiên cứu
nhiều nội dung về tình hình thế giới, lịch sử tiến hóa nhân loại, phong trào
giải phóng dân tộc ở một số nước, chủ nghĩa Tam dân, chủ nghĩa Mác - Lênin, Cách
mạng Nga, lịch sử các tổ chức Quốc tế I, Quốc tế II và Quốc tế Cộng sản, các
hình thức tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng, công tác bí mật, các hình thức tuyên
truyền, cổ động... học viên còn học cách diễn thuyết, cách làm báo... </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn
luyện 75 học viên. Tổng số học viên cho đến tháng 4-1927 là 10 lớp với khoảng
250-300 học viên. Đại đa số học viên học xong đã trở về Việt Nam, về Xiêm hoạt
động cách mạng. Một số được gửi đi học tiếp ở Đại học Phương Đông.[3]</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Những cán bộ đầu tiên được Nguyễn
Ái Quốc đào tạo đã trở thành những chiến sĩ cộng sản ra sức truyền bá chủ nghĩa
Mác - Lênin vào Việt Nam, đẩy lui các khuynh hướng cải lương và dân tộc hẹp hòi
của các đảng phái tư sản và tiểu tư sản, đấu tranh chống lại các khuynh hướng
“tả” và “hữu” để gây dựng nên một nền tư tưởng “Bônsêvích”, thực hiện “Bônsêvích
hóa” tư tưởng quần chúng, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin giữ vị trí chủ đạo trong
phong trào cách mạng. Cùng với việc truyền bá mạnh mẽ chủ nghĩa Mác - Lênin vào
Việt Nam, những người được giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin đầu tiên đã lăn lộn
vào phong trào quần chúng, tổ chức, cổ vũ quần chúng đấu tranh với địch đòi
quyền dân sinh, dân chủ, từ đấu tranh kinh tế sang đấu tranh chính trị để giác
ngộ quần chúng công nông, chuẩn bị điều kiện cho việc thành lập tổ chức tiền
thân của Đảng (Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên). Nhờ những hoạt động không mệt
mỏi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và những cán bộ cách mạng tiền bối mà những điều
kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng chín muồi. Hội nghị thành lập
Đảng được tổ chức từ ngày 6-1-1930 đến ngày 7-2-1930 tại Hương Cảng dưới sự chủ
trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đã hợp nhất các tổ chức cộng sản, nhất trí
thành lập một Đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết định lấy ngày 3-2 hằng năm làm ngày
kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam).</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đó là một mốc lớn đánh dấu bước
ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về
đường lối cứu nước kéo dài mấy chục năm. Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng,
Sách lược vắn tắt do đồng chí Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, được Hội nghị thành lập
Đảng thông qua, đã xác định cách mạng Việt Nam phải tiến hành giải phóng dân tộc
tiến lên chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là con đường cách
mạng duy nhất đúng để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp,
giải phóng xã hội, giải phóng con người. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam
với cương lĩnh, đường lối cách mạng đúng đắn chứng tỏ giai cấp công nhân Việt
Nam đã trưởng thành, đủ sức lãnh đạo cách mạng. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt
Nam gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Người sáng lập và
rèn luyện Đảng ta. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là người đầu tiên truyền bá chủ
nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, và Người cùng với những người cộng sản đầu tiên
của Đảng ta, là những chiến sĩ làm công tác tư tưởng đầu tiên trong lịch sử Đảng
Cộng sản Việt Nam.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Như vậy, trong lịch sử 80 năm của
Đảng ta, công tác tuyên giáo đã phát triển cùng với sự phát triển lớn mạnh của
Đảng. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta đã nhận thức được rằng: công tác
tư tưởng là công tác có tầm quan trọng hàng đầu, là một bộ phận hợp thành chủ
yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Thông qua hoạt động tư tưởng, dưới sự lãnh
đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đã hình thành cương lĩnh đầu tiên, hình thành
đường lối cách mạng, chiến lược, sách lược cách mạng của Đảng. Trong lịch sử 80
năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi công tác tư tưởng cùng với công tác tổ
chức góp phần xây dựng Đảng thành đội tiền phong và bộ tham mưu chiến đấu của
giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc nói rằng: “công
việc thành hay bại đều do tư tưởng và lề lối làm việc đúng hay sai”, do đó “Toàn
Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm tròn
nhiệm vụ của Đảng”, và đó chính là một trong những vị trí trọng yếu của công tác
tuyên giáo. Mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều có phần đóng góp quan trọng
của việc hình thành cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn của Đảng, đề ra
những khẩu hiệu hành động đúng lúc và sát hợp với nhiệm vụ chính trị của từng
giai đoạn cách mạng, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến quần chúng nhân dân, biến đường lối,
chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thành hành động tự giác của hàng triệu
quần chúng, thành cao trào cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi
này đến thắng lợi khác. Công tác tuyên giáo cũng góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội
ngũ các thế hệ cán bộ trung kiên, có đức, có tài của Đảng và Nhà nước, để từ đội
ngũ này mà giáo dục, giác ngộ, tập hợp, tổ chức, cổ vũ, động viên quần chúng
tiến hành các hoạt động cách mạng, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,
chống lại sự tấn công của các lực lượng thù địch và các phần tử cơ hội chính trị,
bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng, phát triển phong trào cách mạng của quần chúng.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>Ngày 1 tháng 8 - Ngày Truyền
thống công tác tuyên giáo của Đảng</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và
Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế
đỏ 1-8” nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế đỏ 1-8, ngày đấu tranh chống chiến tranh
đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xôviết, ủng hộ phong trào giải phóng
dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với nhân dân, hưởng ứng cuộc đấu tranh chống
chiến tranh đế quốc. Đây là tài liệu duy nhất, sớm nhất còn lưu giữ cho đến nay
đề rõ “Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành”. Tài liệu
này khi vừa được phát hành đã gây được dư luận rất lớn trong xã hội đương thời
và có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công nông nước ta đứng lên đấu tranh
chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ Liên bang Xôviết, ủng hộ phong trào giải phóng
dân tộc. Kể từ ngày 1-8 đến tháng 10-1930, trong cả nước đã nổ ra hàng trăm cuộc
mít tinh, biểu tình của nhân dân ta.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ đó, ngày 1-8 trở thành một cái
mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của
Đảng, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý giá, đánh dấu một hoạt
động rất có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Căn cứ vào những tài liệu và sự
kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khoá
VIII) quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày Truyền thống công tác tư tưởng,
văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và Ban
Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung
ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày Truyền thống công
tác tuyên giáo của Đảng. <br>
Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương, Lịch sử 80 năm ngành Tuyên giáo của Đảng Cộng
sản Việt Nam, Nxb. CTQG, H, 2010.<br>
<br>
[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 1, tr.
439. <br>
[2]. Xem: Lịch sử biên niên công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng Cộng sản Việt
Nam (1925-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 75.<br>
[3]. Xem: Lịch sử biên niên công tác tư tưởng - văn hoá của Đảng Cộng sản Việt
Nam (1925-1954), Sđd, tr. 46.</font></p>
</body>
</html>