<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Lãnh đạo TP thăm chiến sĩ Mùa hè</title>
</head>
<body>
<p align="justify">
<span id="ctl01_chCenterLeft_ctl03_lblByline" style="font-family: Arial,verdana,tahoma; font-size: 10pt; font-weight: bold">
Kỷ niệm 81 năm Ngày Truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng
(1/8/1930-1/8/2011) :</span></p>
<p align="center">
<span id="ctl01_chCenterLeft_ctl03_lblHeadline" style="color: #0000FF; font-family: Arial,verdana,tahoma; font-size: 10pt; font-weight: bold">
Ngành Tuyên giáo của Đảng- Những chặng đường lịch sử (Phần 2)</span></p>
<table align="left" border="0" cellpadding="3" cellspacing="3" width="1" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">
<img id="ctl01_chCenterLeft_ctl03_imgAvatar" src="http://tuyengiao.vn/Images/Story.axd?ID=33724" style="border-color:Black;border-width:1px;border-style:solid;margin-right:8px" align="left"></font></td>
</tr>
<tr>
<td style="padding-right: 2px; padding-left: 2px; padding-bottom: 2px; padding-top: 2px">
<p align="center"><font face="Arial,verdana,tahoma">
<span id="ctl01_chCenterLeft_ctl03_lblAvatarDesc" class="text" style="color: #808080; font-size: 10pt; font-style: italic">
Tại Lễ kỷ niệm 80 năm truyền thống Ngành Tuyên giáo năm 2010,
đồng chí Nguyễn Phú Trọng trao bức trướng của Ban chấp hành Trung ương
Đảng tặng ngành Tuyên Giáo. Ảnh tư liệu (nguồn: Báo Nhân Dân)</span></font></td>
</tr>
</table>
<span id="ctl01_chCenterLeft_ctl03_lblSource" class="text" style="font-weight:bold;font-style:italic;">
</span>
<span id="ctl01_chCenterLeft_ctl03_lblTeaser" class="text" style="font-weight:bold;">
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">
<span style="FONT-WEIGHT: bold" id="ctl01_chCenterLeft_ctl03_lblTeaser" class="text">
Những “thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử” của 25 năm đổi mới đã khẳng định:
đó là công lao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó ngành tuyên
giáo đã góp phần quan trọng, như là một trong những chiến sĩ tiên phong của mặt
trận tư tưởng, lý luận của Đảng</span></font></span></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Sau đây là nội dung Phần thứ hai cuốn sách <em>Lịch sử 80 năm ngành Tuyên
giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam</em>: Thành tựu và bài học 80 năm công tác Tuyên
giáo.<br>
<br>
<b>I- MỘT SỐ THÀNH TỰU CHỦ YẾU</b><br>
<br>
<b>1. Ngành Tuyên giáo đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp giải phóng
dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ngay từ năm 1930,
công tác tuyên giáo đã tích cực tham gia vào việc thành lập Đảng và lãnh đạo
giành chính quyền. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc là người cộng sản Việt Nam đầu tiên
đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, trực tiếp tuyên truyền, giáo
dục cán bộ, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để đi đến thành lập Đảng
Cộng sản Việt Nam. Các tác phẩm: <i>Bản án chế độ thực dân Pháp</i>, <i>Đường
Kách mệnh</i>, các tờ báo do Người sáng lập như báo <i>Người cùng khổ</i>, báo
<i>Thanh niên</i>, là những tài liệu có tác dụng thức tỉnh lòng yêu nước của
người dân Việt, chỉ rõ con đường cách mạng đúng đắn phải theo, có sức cuốn hút
mạnh mẽ đối với tầng lớp trí thức tiến bộ và những người tiên tiến trong giai
cấp công nhân và nhân dân lao động lúc bấy giờ, chỉ ra xu thế tất yếu của dân
tộc và thời đại, đó là con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội: “chỉ có
chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức
và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”<a title name="_ftnref1" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftn1"><sup><sup>[1]</sup></sup></a>.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Những cán bộ đầu
tiên được Nguyễn Ái Quốc đào tạo đã trở thành những chiến sĩ cộng sản, ra sức
truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, đẩy lùi các khuynh hướng cải lương
và dân tộc hẹp hòi của các đảng phái tư sản và tiểu tư sản, đấu tranh chống lại
các khuynh hướng “tả” và “hữu” để “gây dựng lên một nền tư tưởng Bônsêvích”, làm
cho chủ nghĩa Mác - Lênin giữ vị trí chủ đạo trong đời sống xã hội. Cùng với
việc truyền bá mạnh mẽ chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, những người được giác
ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin đầu tiên đã lăn lộn vào phong trào quần chúng, tổ chức,
cổ vũ quần chúng đấu tranh với địch đòi quyền dân sinh, dân chủ, từ đấu tranh
kinh tế sang đấu tranh chính trị để giác ngộ quần chúng công nông, chuẩn bị điều
kiện để thành lập các tổ chức tiền thân của Đảng. Từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930,
Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản được tổ chức tại Hương Cảng, Trung Quốc,
dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị nhất trí thành lập một
đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Trong thời kỳ Mặt
trận dân chủ, công tác tuyên giáo đã góp phần quan trọng tạo ra một cao trào
cách mạng sôi nổi, là cuộc tổng diễn tập thứ hai cho thắng lợi của Cách mạng
Tháng Tám về sau. Công tác tuyên giáo đã gắn chặt với mục tiêu, nhiệm vụ chính
trị trong thời kỳ này, đấu tranh cho tự do, dân chủ, cải thiện đời sống và hoà
bình, chống phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh. Công tác tư
tưởng đã gắn chặt với công tác tổ chức và lãnh đạo quần chúng trong các đợt đấu
tranh chống các khuynh hướng sai lầm: cô độc, hẹp hòi, bảo thủ, rụt rè, thoả
hiệp vô nguyên tắc trong việc thực hiện chính sách mặt trận. Công tác tư tưởng
cũng đã liên tục tố cáo tội ác và thủ đoạn lừa bịp của địch và bè lũ tay sai,
chống lại những luận điệu xuyên tạc, chia rẽ của bọn tờrốtkít. Trong thời kỳ này,
Đảng triệt để lợi dụng khả năng hợp pháp để mở rộng công tác tuyên truyền cổ
động, giáo dục, truyền bá chữ quốc ngữ trong quần chúng, tổ chức các cuộc hội
họp, mít tinh, vận động tranh cử, xuất bản và phát hành sách báo công khai, tạo
điều kiện cho chủ trương, đường lối của Đảng đi vào quần chúng rộng rãi, góp
phần thúc đẩy sự phát triển của văn hoá dân tộc, cổ vũ mạnh mẽ khí thế của phong
trào cách mạng, tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tiến bộ tham gia vận động
cách mạng.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Công tác tuyên
giáo trong thời kỳ 1939-1945 đã gắn chặt và phục vụ thiết thực cho cuộc đấu
tranh giải phóng dân tộc oanh liệt và thắng lợi rất vẻ vang của nhân dân ta. Nó
phát huy cao độ lòng yêu nước và truyền thống đoàn kết, anh hùng bất khuất của
dân tộc ta, cổ vũ nhân dân nổi dậy tự giải phóng mình khỏi ách nô lệ của thực
dân và bè lũ tay sai. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 là thắng lợi của
chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối độc lập, tự chủ đầy sáng tạo của cách mạng
Việt Nam. Đồng thời, cũng là thành tựu to lớn của công tác tuyên giáo trong việc
giáo dục và vận động cách mạng, biến chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
và chủ trương, đường lối của Đảng thành phong trào cách mạng của quần chúng
trong quá trình đấu tranh giành chính quyền, giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức
của thực dân, phong kiến.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Sau khi giành được
chính quyền, trong các năm 1945-1946, công tác tuyên giáo tập trung giáo dục ý
chí kiên cường, bất khuất, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững lời
thề “Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững
quyền tự do và độc lập”, làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Chủ tịch
Hồ Chí Minh, của chính quyền cách mạng và Mặt trận Việt Minh, sẵn sàng làm mọi
việc để bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc; cổ vũ nhân dân thực hiện ba nhiệm vụ
lớn: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Ngay sau khởi nghĩa, Bộ
Tuyên truyền được thành lập, tiếp quản các cơ sở tuyên truyền, báo chí của chế
độ cũ. Đài phát sóng Bạch Mai, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam ra đời và hoạt
động từ ngày 7-9-1945. Việt Nam thông tấn xã cũng được thành lập để cung cấp tin
cho các cơ quan lãnh đạo và phục vụ công tác tuyên truyền. Báo <i>Cờ giải phóng</i>
của Đảng, báo <i>Cứu quốc </i>của Mặt trận Việt Minh, báo <i>Lao động</i> của
Hội công nhân cứu quốc, báo <i>Tiếng gọi phụ nữ</i> của Hội phụ nữ cứu quốc, báo
<i>Hồn nước</i> của Đoàn thanh niên cứu quốc, báo <i>Độc lập</i> của Đảng Dân
chủ, đã được phát hành công khai, rộng rãi. Trên cả nước, khắp nơi tổ chức các
cuộc mít tinh, các buổi nói chuyện về việc thành lập Chính phủ cách mạng, chính
quyền địa phương và nhiệm vụ công tác trước mắt. Công tác tuyên truyền đã liên
tục tố cáo những âm mưu và tội ác của thực dân Pháp ở miền Nam, khơi sâu lòng
căm thù và ý chí chống xâm lược, ủng hộ đồng bào miền Nam kháng chiến. Các tỉnh
đều có những cuộc mít tinh, biểu tình, biểu dương lực lượng chống thực dân Pháp
xâm lược. Các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ có nhiều hình thức động viên phong
phú để quyên góp thuốc men, quần áo, vũ khí chi viện cho cuộc kháng chiến ở miền
Nam. Hàng vạn thanh niên nô nức tham gia tòng quân, xung phong “Nam tiến”.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Ở Nam Bộ, công tác
tuyên truyền đã được tiến hành sâu rộng nhằm nâng cao quyết tâm chiến đấu bảo vệ
thành quả cách mạng. Ở Sài Gòn, Chợ Lớn, vào chiều 23-9-1945, chính quyền cách
mạng vận động đồng bào tổng đình công, không hợp tác với giặc, lập các công sự,
tổ chức cuộc chiến đấu trong thành phố bằng các vũ khí có sẵn.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Sau ngày
25-11-1945, công tác tuyên truyền tập trung vào nhiệm vụ chủ yếu trước mắt là
củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện
đời sống cho nhân dân. Công tác tuyên truyền vận động bầu cử thực sự là một cuộc
đấu tranh gay gắt chống lại sự phá hoại của quân đội Tưởng và bọn tay sai Việt
quốc.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Sau ngày
19-12-1946, công tác tuyên giáo tập trung tuyên truyền những khẩu hiệu: <i>toàn
dân đoàn kết, kháng chiến lâu dài; liên hiệp dân Pháp, đánh thực dân Pháp! Bảo
toàn lãnh thổ, giữ vững chủ quyền; đánh đổ chính quyền bù nhìn; củng cố cộng hoà
dân chủ! Việt Nam nhất định độc lập; Trung Nam Bắc nhất định thống nhất!</i></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Trong những năm
kháng chiến chống thực dân Pháp, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và
Chính phủ tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, vận động
trí thức. Ngày 25-11-1945, Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về <i>kháng
chiến kiến quốc</i>, đã xác định nhiệm vụ tổ chức bình dân học vụ, xoá nạn mù
chữ, phát triển nền giáo dục quốc dân, chống văn hoá nô dịch thực dân, xây dựng
nền văn hoá mới với ba nguyên tắc: khoa học hoá, đại chúng hoá, dân tộc hoá.
Công tác tuyên huấn đã động viên phong trào thi đua yêu nước diệt giặc đói, diệt
giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày
27-3-1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào thi đua
ái quốc trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân với mục đích: “diệt giặc đói, diệt
giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Công tác tuyên
truyền cổ động trong thời gian này tập trung nêu cao ý nghĩa của chiến thắng
Việt Bắc, phổ biến <i>Lời kêu gọi</i> ngày 19-12-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh,
chống tư tưởng chủ quan, khinh địch, vạch trần âm mưu lập chính quyền bù nhìn
Bảo Đại của thực dân Pháp, cổ vũ cho phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh
vực kháng chiến, kiến quốc. Tuyên truyền rộng rãi nội dung của Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ II của Đảng được tiến hành trong tháng 2-1951.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Chiến thắng Điện
Biên Phủ là mốc son chói lọi trong lịch sử chống quân xâm lược của dân tộc ta.
Công tác tuyên giáo đã góp phần quan trọng làm nên chiến công đó.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Trong suốt 21 năm
(1954-1975) xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cuộc kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước, công tác tuyên giáo đã thành công trong việc bồi dưỡng ý chí
quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Đảng ta lãnh đạo
công tác tuyên giáo thực hiện cuộc vận động chính trị to lớn nhằm quán triệt hai
nhiệm vụ chiến lược là cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và hoàn thành cách
mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập,
tự do”, Đảng đã lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc chiến tranh nhân dân, phát huy
tinh thần yêu nước của toàn dân tộc, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của nhân dân thế
giới, tạo ra sức mạnh tổng hợp để đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Trong từng
giai đoạn của cuộc cách mạng, công tác tuyên giáo đã góp phần vào việc xác định
mục tiêu chính trị, định hướng cho hành động gắn liền với những sự kiện lớn như
Hiệp định Giơnevơ năm 1954, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (1959),
phong trào Đồng khởi ở miền Nam (1959-1960), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết
Mậu Thân năm 1968, Hiệp định Pari năm 1973... Công tác tuyên giáo đã tập trung
vào việc tạo nên sự nhất trí về chính trị, tinh thần của toàn xã hội. Phát hiện
và uốn nắn những lệch lạc trong nhân dân. Chống sự phá hoại về mặt tư tưởng của
các lực lượng thù địch, chống chiến tranh tâm lý, chống văn hoá nô dịch, phê
phán lối sống đồi trụy của Mỹ - ngụy. Kết hợp giáo dục chính trị, động viên kịp
thời, phát động tư tưởng đi liền với tổ chức nhằm tập hợp rộng rãi tất cả mọi
người dân yêu nước, mọi lực lượng tiến bộ trên thế giới và ngay cả ở nước Mỹ;
tạo sự đồng tình ủng hộ cả về vật chất và tinh thần của các nước trong phe xã
hội chủ nghĩa anh em để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đánh thắng đế quốc
Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Ở miền Bắc, công
tác tuyên giáo đã góp phần động viên nhân dân ra sức khôi phục và phát triển
kinh tế, xây dựng hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa. Cổ vũ những điển hình xuất
sắc trên một số lĩnh vực chủ yếu được các ngành, các đoàn thể tổng kết, trở
thành ngọn cờ tiêu biểu của phong trào thi đua như: Gió Đại Phong, Sóng Duyên
Hải, Tiếng trống Bắc Lý, “Cờ ba nhất”, v.v.. Nhiều lĩnh vực trong công tác tuyên
giáo ở miền Bắc đã được phát triển mạnh mẽ, có quy mô lớn, đặc biệt là giáo dục
và y tế trở thành hai bông hoa tiêu biểu của chế độ mới.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Ở miền Nam, công
tác tuyên giáo khơi dậy lòng căm thù giặc, bồi dưỡng lòng yêu nước nồng nàn,
tinh thần dũng cảm, đức hy sinh, tạo nên phong trào thi đua giết giặc lập công
rộng khắp toàn miền. Tiêu biểu là các phong trào “Tìm Mỹ mà diệt ”, phấn đấu trở
thành “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt cơ giới”, “Dũng sĩ diệt máy bay”, “Năm
xung phong” trong phong trào của thanh niên, “Đội quân tóc dài” trong phong trào
của phụ nữ... Công tác tuyên truyền đã phổ biến kinh nghiệm giành và giữ quyền
làm chủ ở nông thôn, kinh nghiệm xây dựng làng, xã chiến đấu, thực hiện khẩu
hiệu: “Dân bám đất; cán bộ, đảng viên bám dân; du kích, bộ đội bám giặc”, đồng
bào miền Nam “một tấc không đi, một ly không rời” để giữ nhà, giữ ấp, giữ làng.
Nhận được sự chi viện của miền Bắc, nhân dân miền Nam đã vùng lên khởi nghĩa,
đánh bại các chiến lược “Chiến tranh một phía”, “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến
tranh cục bộ”, “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ, tiến tới Đại thắng mùa Xuân
năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Sau khi đất nước
đã thống nhất, công tác tuyên giáo tập trung tuyên truyền, giáo dục nhằm phát
huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống yêu nước trong chiến tranh thành
sức mạnh mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hoàn cảnh đất nước vừa trải
qua 30 năm chiến tranh với những hậu quả để lại hết sức nặng nề, công tác tuyên
giáo đã tập trung động viên các tầng lớp nhân dân nêu cao quyết tâm vượt qua thử
thách, nhanh chóng thực hiện thống nhất đất nước về mặt nhà nước, xây dựng hệ
thống chính trị thống nhất trong cả nước; cổ vũ khí thế phấn đấu nhanh chóng
khắc phục hậu quả chiến tranh, đánh thắng hai cuộc chiến tranh ở hai đầu biên
giới, từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật ban đầu quan trọng của đất
nước, tạo điều kiện cho các bước phát triển tiếp theo. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Tại Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12-1986), Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo sự
nghiệp đổi mới toàn diện đất nước. Công tác tuyên giáo của Đảng đã góp phần hình
thành và từng bước phát triển hệ thống lý luận, đưa đường lối đổi mới đi vào
cuộc sống, mở rộng dân chủ, khơi dậy sự sáng tạo của mọi ngành, mọi địa phương,
của các tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc để có những
thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Trong 10 năm đầu
của thế kỷ XXI, công tác tuyên giáo đã dồn sức tuyên truyền, giáo dục cán bộ,
nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế,
giải quyết các vấn đề xã hội, về hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ đối ngoại lên
tầm cao mới... Sự kiện Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO
(11-1-2007) và Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm
kỳ 2008-2009) đã khẳng định Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào quá trình toàn
cầu hóa, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Việc
đất nước vững vàng vượt lên thách thức, khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính,
suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008-2009 đã thể hiện thế và lực mới của Việt
Nam. Những “thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử” của gần 25 năm đổi mới đã
khẳng định: đó là công lao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó
ngành tuyên giáo đã góp phần quan trọng, như là một trong những chiến sĩ tiên
phong của mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2"><b>2. Cung cấp
những luận cứ khoa học, góp phần hình thành hệ thống các luận điểm mới trong
đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Trong những năm
qua, việc nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn nhằm xây
dựng các luận cứ cho việc hình thành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng
và Nhà nước ta của Ngành Tuyên giáo có nhiều tiến bộ và đóng góp quý giá.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Công tác lý luận
chính trị đã nghiên cứu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện
cụ thể của Việt Nam, giải quyết đúng đắn những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt
Nam trong mỗi giai đoạn phát triển. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Trong sự nghiệp
đổi mới, công tác tư tưởng, lý luận của Đảng đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học
cho việc xây dựng, bổ sung và phát triển đường lối đổi mới của Đảng; góp phần
tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Chất lượng,
hiệu quả của công tác lý luận được nâng cao một bước. Các cấp uỷ đảng đã coi
trọng việc tuyên truyền, giáo dục ý thức nâng cao cảnh giác cách mạng, vạch trần
các thủ đoạn phá hoại về tư tưởng, góp phần làm thất bại một bước chiến lược "diễn
biến hòa bình" của các thế lực thù địch.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Nhờ có những kết
quả của công tác lý luận, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội của Đảng và nhân dân Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn. Hệ thống quan
điểm lý luận về công cuộc đổi mới đã hình thành trên những nét cơ bản và đang
được kiểm chứng trong thực tiễn.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Dư luận xã hội là
một trong những phương thức thể hiện tâm tư, ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước ta đều xuất phát từ lợi ích của nhân dân, do
nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, ngay từ khi mới được thành lập Đảng ta đã rất coi
trọng việc nắm bắt dư luận xã hội. Trước đây, việc nắm bắt dư luận xã hội được
tiến hành theo các phương pháp truyền thống: cán bộ, đảng viên thâm nhập vào
quần chúng, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, sau đó phản
ánh với tổ chức đảng, chính quyền; trên cơ sở đó, tổ chức đảng, chính quyền có
các báo cáo tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình, đề ra các nhiệm vụ, việc
làm cụ thể nhằm hiện thực hóa những suy nghĩ, nguyện vọng chính đáng của quần
chúng hoặc đề ra các giải pháp thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận quần
chúng trong trường hợp dư luận quần chúng thiếu chuẩn xác. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Năm 1982, Ban Bí
thư đã ra Quyết định số 02-QĐ/TW, ngày 15-7-1982 thành lập Viện Nghiên cứu Dư
luận xã hội trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương. Trải qua quá trình phát triển,
đến nay Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương đã có nhiều
đóng góp, đã tiến hành điều tra xã hội học giúp các cơ quan lãnh đạo của Đảng,
Nhà nước nắm được tình hình tư tưởng, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các tầng
lớp nhân dân, có căn cứ khoa học chuẩn bị cho việc ban hành các chỉ thị, nghị
quyết, cơ chế, chính sách và kiểm tra kết quả thực hiện các chỉ thị, nghị quyết,
cơ chế, chính sách.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Khoa học xã hội,
nghiên cứu lý luận đã cung cấp những luận cứ khoa học góp phần khẳng định, vận
dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
trong giai đoạn hiện nay: khẳng định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã
hội; lý luận về xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi đây
là mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta;
con đường và bước đi của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; lý
luận về Đảng và xây dựng Đảng trong điều kiện mới; xây dựng Nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân; lý luận về xây dựng và phát
triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khẳng định văn hoá là nền
tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát
triển kinh tế - xã hội; lý luận về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà
nền tảng là liên minh công nhân - nông dân - trí thức; lý luận về nền quốc phòng
toàn dân và an ninh nhân dân với lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính
quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; lý luận về nền ngoại giao độc lập, tự chủ,
đa phương hoá, đa dạng hoá với tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác
tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và
phát triển, không ngừng mở rộng các quan hệ đối ngoại, nâng cao uy tín và vị thế
của Việt Nam trên trường quốc tế, v.v.. Những luận cứ khoa học đó đã góp phần
quan trọng vào việc luận giải ngày càng sáng tỏ hơn các vấn đề về chủ nghĩa xã
hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2"><b>3. Giáo dục,
tuyên truyền có hiệu quả chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường
lối, chính sách của Đảng và Nhà nước</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Được Bộ Chính trị,
Ban Bí thư uỷ quyền, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các cơ
quan hữu quan chỉ đạo nội dung giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống các trường chính trị -
hành chính, hệ thống trường của các ngành, đoàn thể và các trung tâm bồi dưỡng
chính trị cấp quận, huyện; chỉ đạo việc biên soạn, thẩm định giáo trình, sách
giáo khoa về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và nội dung giáo dục lý
luận chính trị cho các hệ thống trường nói trên. Nội dung, phương pháp giảng dạy
và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chương trình giáo dục
lý luận chính trị cho các ngành, các cấp đã không ngừng được đổi mới. Việc đào
tạo, giáo dục lý luận theo các trình độ lý luận khác nhau cho từng loại cán bộ
được thực hiện theo yêu cầu chung của Đảng; thực hiện việc giáo dục lý luận
chính trị phổ cập cho toàn thể cán bộ, đảng viên; đưa nội dung lý luận chính trị
của Đảng vào các chương trình của hệ thống giáo dục quốc dân, trong các loại
trường lớp cho các đối tượng khác nhau; bồi dưỡng lý luận chính trị thường xuyên
cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là các vấn đề mới và theo các chương trình
chuyên đề; tổ chức tuyên truyền, phổ biến lý luận chính trị trên hệ thống thông
tin đại chúng, qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên... Điều đó đã góp phần làm
cho thế giới quan Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong
đời sống tinh thần của xã hội. Đảng ta khẳng định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng. Điều đó không có nghĩa là
chúng ta học thuộc lòng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà cần phải
nắm vững lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh. Đó là lập trường cách mạng triệt để, phấn đấu cho thắng lợi hoàn
toàn của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là quan điểm khoa học, phát
hiện quy luật và làm theo quy luật. Đó là phương pháp biện chứng: thực tiễn,
lịch sử cụ thể, toàn diện, phát triển. Trong điều kiện mới, Đảng ta không ngừng
vận dụng sáng tạo, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Tuyên truyền đường
lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong mọi giai đoạn cách mạng, đặc biệt là
đường lối đổi mới, đó là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Ngành Tuyên giáo.
Trong quá trình tuyên truyền, Ngành Tuyên giáo luôn kiên định những vấn đề có
tính quan điểm và nguyên tắc, góp phần nâng cao một bước sự thống nhất trong
Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng,
vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Bằng các phương thức và hình
thức thích hợp, công tác tuyên truyền, giáo dục đã biến quan điểm, lý luận thành
hành động cách mạng; làm rõ, phân biệt giữa cái đúng và cái sai, cái tiêu cực và
cái tích cực, giữa tư tưởng tiến bộ và tư tưởng lạc hậu; đấu tranh, phê phán mọi
biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội và những luận điệu phản động, thù địch;
uốn nắn những biểu hiện tư tưởng nóng vội, tư tưởng bảo thủ trì trệ, khắc phục
tư tưởng “tả” và “hữu” trong xử lý các vấn đề mới nảy sinh; đồng thời, đề phòng
chủ nghĩa giáo điều, rập khuôn theo kinh nghiệm nước ngoài trong quá trình đổi
mới và hội nhập quốc tế.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Thông qua tuyên
truyền các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng, các ngày kỷ niệm lớn của đất
nước, công tác tuyên giáo đã góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, tăng thêm
niềm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức
tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong
kháng chiến vào công cuộc đổi mới đất nước cho các tầng lớp nhân dân, nhất là
thế hệ trẻ. Điều này đã được khẳng định qua các kỳ Đại hội Đảng, bầu cử đại biểu
Quốc hội, kỷ niệm các ngày thành lập Đảng, thành lập nước, ngày sinh của Chủ
tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước qua các
thời kỳ.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Tuyên truyền, kết
hợp với tổ chức các phong trào xã hội, các cuộc vận động tạo ra sự hào hứng,
phấn khởi, thúc đẩy phong trào cách mạng của quần chúng, biến quan điểm, chủ
trương của Đảng, chính sách của Nhà nước thành hành động thực tiễn của nhân dân.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Đẩy mạnh phong
trào thi đua yêu nước, cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trên tất cả
các lĩnh vực của đời sống xã hội có tác dụng giáo dục, thuyết phục cao đối với
quần chúng nhân dân, đặc biệt trong điều kiện hiện nay, khi mà Việt Nam đang đẩy
mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế. Xây dựng nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa không có nghĩa là xem nhẹ vai trò của phong
trào thi đua yêu nước, chỉ đề cao một chiều vai trò cạnh tranh của cơ chế thị
trường. Trong điều kiện hiện nay, chúng ta càng phải coi trọng thi đua yêu nước
vì nó không chỉ tạo động lực cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị mà còn giúp
khắc phục những lệch lạc, những cách nhìn phiến diện, chỉ coi trọng lợi ích
trước mắt mà không coi trọng lợi ích lâu dài, hoặc chỉ coi trọng lợi ích vật
chất mà xem nhẹ đời sống tinh thần trong xã hội. Chính vì thế, trong thời gian
qua đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua sâu rộng, góp phần thổi bùng lên khát
vọng vươn lên làm giàu chính đáng của các tầng lớp nhân dân, đưa đất nước ta
vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội;
thực hiện xoá đói, giảm nghèo có hiệu quả, đưa nước ta ra khỏi nhóm nước kém
phát triển.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2"><b>4. Chú trọng
nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Nghị quyết Hội
nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) của Đảng (tháng 1-1993)
về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã khẳng định: “Phát triển
giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài...”<a title name="_ftnref2" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftn2"><sup><sup>[2]</sup></sup></a>.
Ban Tuyên giáo Trung ương đã tham mưu xây dựng nghị quyết và tích cực phối hợp
với các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào
tạo để đưa quan điểm chỉ đạo đó vào cuộc sống. Nếu như năm 1945, nước ta còn 95%
người dân mù chữ, thì đến nay đã có 96% người dân biết chữ. Số học sinh phổ
thông các cấp, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; số sinh viên đại học và cao
đẳng không ngừng tăng lên<a title name="_ftnref3" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftn3"><sup><sup>[3]</sup></sup></a>.
Năm học 2009-2010, cả nước có khoảng trên 22 triệu học sinh và sinh viên (không
kể các quy mô dạy nghề ngắn hạn dưới 1 năm). So sánh quy mô giáo dục trong hơn
10 năm qua, hầu hết các cấp học, ngành học đều tăng về quy mô. Số sinh viên đại
học, cao đẳng trên 1 vạn dân là 188. Đào tạo nghề tăng nhanh. Trong quá trình
đào tạo nguồn nhân lực, Đảng và Nhà nước luôn chú ý đào tạo nguồn nhân lực có
chất lượng cao. Hiện nay, đã có 7.062 phó giáo sư và 1.336 giáo sư. Việt Nam vốn
là một nước văn hiến, có truyền thống quý trọng nhân tài. Từ lâu ông cha ta đã
khẳng định: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước
mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Vì vậy, các
bậc thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ
sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên<a title name="_ftnref4" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftn4"><sup><sup>[4]</sup></sup></a>.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Ngay sau khi Cách
mạng Tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẩn thiết kêu gọi tìm
người tài đức để kiến thiết nước nhà. Người viết: “Kiến thiết cần có nhân tài.
Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo
phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”<a title name="_ftnref5" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftn5"><sup><sup>[5]</sup></sup></a>.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Khi đất nước bước
vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, từng bước phát triển kinh
tế tri thức thì Ngành Tuyên giáo đặc biệt coi trọng nhiệm vụ phát hiện, đào tạo,
bồi dưỡng và sử dụng nhân tài. Từ giữa năm 1997, thực hiện chủ trương của Đảng,
trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã đi đầu cả nước
thành lập hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng ở một số ngành mũi nhọn như toán,
vật lý, hoá học, sinh học. Đối tượng tuyển chọn là những học sinh trung học phổ
thông xuất sắc, đã đạt giải Ôlimpích quốc tế hoặc giải nhất trong các kỳ thi học
sinh giỏi quốc gia và các học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi vào đại học.
Kết quả từ các khoá đầu tiên cho thấy, sinh viên ra trường đạt chất lượng cao,
có năng lực tư duy nghiên cứu khoa học tốt. Trên cơ sở những kết quả đạt được,
Đại học Quốc gia Hà Nội dần dần mở rộng hình thức đào tạo này sang các ngành
khác như công nghệ thông tin, quản lý kinh tế, v.v.. Học tập kinh nghiệm của Đại
học Quốc gia Hà Nội, một số trường đại học khác như Đại học Quốc gia Thành phố
Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội... cũng đã mở các chương trình đào tạo cử
nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Chính phủ đã đưa
ra “Dự án thí điểm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực tài
năng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá”. Theo dự án này, đến hết
năm 2010, Nhà nước ta sẽ đầu tư 325 tỷ đồng và 11 triệu USD (mức thấp) đến 45
triệu USD (mức cao) để đào tạo 700 nhân lực tài năng tầm cỡ khu vực (gồm 350 nhà
khoa học tài năng, 175 doanh nhân tài năng, 175 cán bộ lãnh đạo và quản lý tài
năng) cho đất nước.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Do quan tâm đến
đào tạo đội ngũ nhân lực có chất lượng cao, Việt Nam đã không ngừng được nâng
cao trình độ khoa học và công nghệ cũng như ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa
học và công nghệ. Trong nghiên cứu khoa học cơ bản đã tập trung chủ yếu vào các
ngành toán học, công nghệ thông tin, điều khiển học; vật lý chất rắn, quang học,
vật lý laser, vật lý hạt nhân; cơ học các kết cấu công trình, cơ học các vật
liệu mới, động lực học, thuỷ khí động học; hoá hữu cơ, hấp thụ và xúc tác, hoá
phân tích; sinh vật học nhiệt đới, kỹ thuật tế bào, công nghệ gen, sinh học phân
tử; địa chất, vật lý địa cầu, nghiên cứu địa lý, biến đổi khí hậu, dự báo các
quá trình tai biến thiên nhiên Việt Nam, nghiên cứu biển, thềm lục địa.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Nhờ đó, khoa học
và công nghệ đã góp phần tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng
và hiệu quả trong sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học và công nghệ đã đạt được nhiều thành tựu to
lớn. Từ một nước thiếu lương thực, nước ta đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn
thứ hai thế giới. Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu nhiều nông sản có giá trị
khác như cà phê, cao su, chè, hạt điều, lạc nhân, hồ tiêu, đồ gỗ chế biến...
Trong 5 năm gần đây, các nhà khoa học đã tạo ra 142 giống cây trồng mới có chất
lượng và năng suất cao. Chương trình giống đã mang lại hiệu quả lớn trên 90%
diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, 100% diện tích điều. Những
đổi mới công nghệ trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là sản xuất cơ khí chế
tạo kết cấu thép chuyên dụng, đóng tàu, viễn thông, điện lực, dầu khí, khai thác
tài nguyên khoáng sản... đã làm cho sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao liên
tục trong những năm qua.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Khoa học và công
nghệ đã đóng góp đáng kể vào việc nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực
cạnh tranh của ngành giao thông vận tải trên các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ
tầng, làm chủ công nghệ trong nghiên cứu, thử nghiệm, thiết kế chế tạo các sản
phẩm có chất lượng cao như tàu chở dầu, tàu chở container, tàu chở khách đến
100.000 tấn, các dàn khoan trên biển đạt tiêu chuẩn quốc tế...</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Ngành xây dựng đã
làm chủ được công nghệ thiết kế và thi công những công trình quy mô lớn, phức
tạp như hầm Đèo Ngang, các loại cầu vượt khẩu độ lớn, các nhà máy nhiệt điện,
thuỷ điện quy mô lớn, nhà cao tầng, công trình ngầm và nhiều công trình đặc dụng
khác... Các kết quả ứng dụng công nghệ mới đã góp phần duy trì tốc độ tăng
trưởng chung của ngành ở mức trên 16% năm trong các năm qua.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Nhiều ứng dụng
công nghệ kỹ thuật cao trong ngành y tế như hiển vi cắt lớp, dao mổ laser, máy
tán sỏi thận, cấy ghép tạng, phẫu thuật tim bằng nội soi, siêu âm, sản xuất
vắcxin, tạo da chữa bỏng... đã mang lại hiệu quả to lớn trong khám chữa bệnh.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Trong thời kỳ
1996-2005, cả nước đã có nhiều kết quả ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ
phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và tính đến tháng 7-2008 đã có trên 700 hợp
đồng chuyển giao công nghệ nhập khẩu được thực hiện. Năng lực làm chủ công nghệ
nhập khẩu từng bước được nâng lên. Một số doanh nghiệp đã tổ chức nghiên cứu đổi
mới công nghệ nhập để vừa đáp ứng yêu cầu của sản xuất, vừa phát huy năng lực
sáng tạo, đẩy nhanh tốc độ đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2"><b>5. Tham mưu xây
dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Ngành Tuyên giáo
đã tham mưu cho Đảng hệ thống các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng và
phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Từ Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ VI đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng
Cộng sản Việt Nam là quá trình 20 năm đổi mới tư duy lý luận của Đảng về vai trò,
vị trí của văn hoá. Để nhìn nhận sự đổi mới ấy, phải trở về với những văn kiện
đầu tiên có tính chất cương lĩnh của Đảng về văn hoá. Năm 1943, Đảng công bố <i>
Đề cương về văn hoá Việt Nam.</i> Phạm vi vấn đề văn hoá đã được xác định “bao
gồm cả tư tưởng, học thuật và nghệ thuật”, đồng thời Đảng cũng xác định văn hoá
là một trong ba mặt trận: kinh tế, chính trị, văn hoá mà Đảng ta phải lãnh đạo.
Từ năm 1986 đến nay, Đảng đã thể hiện rõ ràng sự đổi mới tư duy trên nhiều lĩnh
vực, trong đó có lĩnh vực văn hoá. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
VI của Đảng nhấn mạnh vị trí của văn hoá. Bước chuyển quan trọng trong đổi mới
tư duy về vai trò, vị trí của văn hoá, khi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong
thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội coi “có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản
sắc dân tộc” là một trong những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân
dân ta xây dựng<a title name="_ftnref6" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftn6"><sup><sup>[6]</sup></sup></a>.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (Khoá VII) khẳng định: văn hoá là
nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã
hội, đồng thời là một mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Mốc đánh dấu sự
đổi mới toàn diện trong tư duy về văn hoá của Đảng được khẳng định trong Nghị
quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII về xây dựng và
phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc<i>.</i> Đảng
Cộng sản Việt Nam đã nhận thức sâu sắc về các giá trị văn hoá của dân tộc với sự
tiến bộ của thời đại; giữa đời sống tinh thần và yêu cầu xử lý các nhiệm vụ kinh
tế - xã hội, đã chỉ ra mục tiêu, giải pháp cho sự nghiệp phát triển văn hoá
trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài của nước ta.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Ngành Tuyên giáo
đã trực tiếp, tích cực tham gia quá trình xây dựng, truyền bá các chủ trương,
quan điểm mới của Đảng và phát triển nền văn hoá Việt Nam.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2"><i>Nét mới đầu
tiên</i> trong tư duy lý luận về văn hóa của Đảng là sự xác định nội dung của
hai khái niệm: tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Từ <i>Đề cương văn hoá Việt
Nam</i> năm 1943,<i> </i>Đảng đã xác định ba nguyên tắc vận động của nền văn hoá
Việt Nam là: Dân tộc hoá, đại chúng hoá và khoa học hoá. Vào thời điểm ấy, Đảng
xác định nền văn hoá mới mà cuộc cách mạng văn hoá phải thực hiện là văn hoá xã
hội chủ nghĩa, văn hoá có tính chất dân tộc về hình thức, dân chủ về nội dung.
Trong sự nghiệp đổi mới, tính chất của nền văn hoá xã hội chủ nghĩa Việt Nam
được Đảng xác định là tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Tính chất <i>tiên
tiến</i> của nền văn hoá thể hiện trước hết ở tinh thần yêu nước và tiến bộ mà
nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cần phân biệt
tính chất tiên tiến và tính chất hiện đại. Không nên đồng nhất tính chất tiên
tiến với các sản phẩm văn hoá được tạo ra từ sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật
và các giá trị, các sản phẩm văn hoá phương Tây hay châu Mỹ. Mặt khác, tính chất
tiên tiến của nền văn hoá phải được thể hiện cả ở nội dung tư tưởng và trong
hình thức biểu hiện, trong các phương tiện chuyển tải nội dung.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2"><i>Bản sắc dân tộc</i>
phải được hiểu như một hệ thống mở, gồm nhiều thành tố, nhiều cấp độ. Khái niệm
dân tộc tại Việt Nam trong nhiều năm nay được hiểu ở hai cấp độ: dân tộc - quốc
gia bao gồm nhiều cộng đồng tộc người và dân tộc được hiểu là một cộng đồng mang
tính tộc người. Bản sắc dân tộc phải được hiểu là sự hoà hợp một cách biện chứng
bản sắc tộc người. 54 dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam, mỗi dân tộc,
qua trường kỳ lịch sử, trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên, xã hội và chính
mình đã tạo dựng được bản sắc dân tộc của mình và bản sắc dân tộc ấy góp phần
làm đậm nét, sinh động hơn bản sắc dân tộc Việt Nam.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2"><i>Nét mới thứ hai</i>
trong tư duy lý luận về văn hoá của Đảng là đặt văn hoá liên quan đến phát triển.
Văn hoá được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là
động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Xác định văn hoá là nguồn lực nội
sinh quan trọng nhất của phát triển là sự đổi mới vô cùng quan trọng trong tư
duy về văn hoá của Đảng, trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh. Năm 1946, Người
từng viết: “Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2"><i>Nét mới thứ ba</i>
trong tư duy lý luận về văn hoá của Đảng là khẳng định tính thống nhất mà đa
dạng của văn hoá Việt Nam. Việt Nam là quốc gia đa dân tộc. Nền văn hoá Việt Nam
được tạo thành từ văn hoá của 54 dân tộc chung sống trên đất nước Việt Nam. Mỗi
con người Việt Nam vừa là một thực thể với tư cách công dân của một dân tộc -
quốc gia, vừa là thực thể với tư cách một thành viên của một cộng đồng dân tộc -
tộc người. Trong cách hiểu khái niệm <i>thống nhất mà đa dạng</i> của văn hoá
Việt Nam không nên hiểu sự thống nhất ở nội dung mà đa dạng ở hình thức của văn
hoá các dân tộc. Sự <i>thống nhất mà đa dạng</i> phải được hiểu ở cả nội dung
lẫn hình thức, trong đó về mặt hình thức, văn hoá thể hiện tính đa dạng, tính
phong phú rõ hơn, nhưng về mặt nội dung, tính thống nhất lại giữ vai trò khẳng
định bản sắc văn hoá của từng dân tộc.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2"><i>Nét mới thứ tư</i>,
coi văn hoá là một trong ba yếu tố quyết định của sự phát triển toàn diện và bền
vững. “Bảo đảm sự gắn kết giữa <i>nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây
dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hoá - nền tảng
tinh thần của xã hội; </i>tạo nên sự phát triển đồng bộ của ba lĩnh vực trên
chính là điều kiện quyết định bảo đảm cho sự phát triển toàn diện và bền vững
của đất nước”<a title name="_ftnref7" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftn7"><sup><sup>[7]</sup></sup></a>.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2"><i>Nét mới thứ năm,</i>
coi văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá;
là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một
trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của
xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Chăm lo phát hiện, bồi
dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của
toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống
chính trị các cấp. Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận
lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ. Văn
nghệ sĩ, người chiến sĩ xây dựng và phát triển nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà
bản sắc dân tộc, cần phát huy lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân
dân, nêu cao trách nhiệm công dân, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị phụng
sự đất nước và dân tộc<a title name="_ftnref8" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftn8"><sup><sup>[8]</sup></sup></a>.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Thể chế hoá những
quan điểm mới về văn hoá của Đảng, Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Thư viện, Pháp
lệnh Quảng cáo, Luật Xuất bản, Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Di sản văn hoá,
quyền tác giả trong Bộ Luật Dân sự, v.v..</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Từ những quan điểm
của Đảng và các văn bản thể chế hoá của Nhà nước trong những năm qua, văn hoá đã
đi vào cuộc sống, phát triển khá mạnh mẽ. Xây dựng và phát triển nền văn hoá
Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong điều kiện toàn cầu hoá và hội
nhập quốc tế hiện nay là sự phát triển sáng tạo về lý luận và thực tiễn trong sự
nghiệp đổi mới của Đảng, trong đó có sự đóng góp tích cực và hiệu quả của Ngành
Tuyên giáo.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2"><b>6. Góp phần
phát triển lý luận về con người, xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động
lực trong quá trình phát triển </b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Công tác tuyên
giáo luôn hướng đến con người, phấn đấu góp phần giải phóng tiềm năng con người,
phát huy nội lực con người và sử dụng một cách có hiệu quả mọi nguồn lực con
người. Tuyên giáo các cấp đã chủ động, tham gia tích cực vào quá trình xây dựng,
hoàn thiện các quan điểm của Đảng về con người, tuyên truyền và tham gia trực
tiếp vào việc giải quyết những nhu cầu, lợi ích chính đáng của con người Việt
Nam. Cơ sở lý luận của việc nghiên cứu và phát triển con người là những quan
điểm có tính chất nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về
con người. Với sự nghiệp đổi mới, con người được hiểu một cách sâu sắc, thực tế
hơn dựa vào những thành tựu của khoa học hiện đại và những tư tưởng tiến bộ mà
nhân loại đã đạt tới... để nghiên cứu con người đúng như nó vốn có: một thực thể
văn hoá văn minh, một thực thể sinh học - xã hội đang sống, đang làm ra của cải
vật chất, làm ra các giá trị và làm ra chính bản thân con người. Chính vì vậy mà
chúng ta khẳng định con người Việt Nam là tài sản quý giá nhất của quốc gia.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Trong mọi hoàn
cảnh lịch sử của cách mạng Việt Nam, Đảng ta không quan niệm con người chung
chung, phi giai cấp mà chính là những người lao động, là quần chúng nhân dân, là
chủ thể của lịch sử. Sứ mệnh của Đảng là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp,
giải phóng con người, trong đó giải phóng con người là mục tiêu cao nhất. Vấn đề
dân tộc, giai cấp, vấn đề con người ở đây gắn bó hữu cơ với nhau. Con người chỉ
được giải phóng khi dân tộc, giai cấp được giải phóng. Không có độc lập dân tộc
thì giai cấp và con người không có tự do. Như vậy, việc giải phóng nhân dân khỏi
ách áp bức của thực dân, phong kiến mới chỉ là thắng lợi bước đầu của cách mạng.
Mục đích lâu dài của cách mạng là đem lại cho con người cuộc sống ấm no, hạnh
phúc, được làm chủ bản thân và làm chủ xã hội. “Nhưng nếu nước độc lập mà dân
không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”<a title name="_ftnref9" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftn9"><sup><sup>[9]</sup></sup></a>.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Chăm lo cho con
người, chú trọng “trồng người”, “lấy dân làm gốc”, phát triển con người một cách
toàn diện... là những tư tưởng từ lâu đã trở thành truyền thống của Việt Nam. Đó
là những nội dung tư tưởng quan trọng của Hồ Chí Minh được kế thừa và nâng lên
một tầm cao mới. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh coi vấn đề
con người là vấn đề hàng đầu. Đến tận cuối đời, Người vẫn dặn lại trong <i>Di
chúc</i> “Đầu tiên là công việc đối với <i>con người</i>”<a title name="_ftnref10" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftn10"><sup><sup>[10]</sup></sup></a>.
Thực tiễn lịch sử hiện đại cũng đã chứng minh rằng trong quá trình phát triển,
nhân tố quyết định là <i>nguồn nhân lực, </i>là <i>nguồn lao động,</i> con người
là<i> động lực</i> của sự phát triển. Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI
của Đảng đến nay, tư tưởng này từng bước đã được quán triệt trong các chủ trương,
chính sách kinh tế - xã hội và trở thành quan điểm chỉ đạo: con người vừa là mục
tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Trong nền kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa, vấn đề lợi ích được giải quyết dần dần theo hướng “Lợi ích của
mỗi người, của từng tập thể và của toàn xã hội gắn bó hữu cơ với nhau, trong đó
lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp”<a title name="_ftnref11" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftn11"><sup><sup>[11]</sup></sup></a>.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta khẳng định: “Phát huy nguồn
lực trí tuệ và sức mạnh tinh thần của người Việt Nam; coi phát triển giáo dục và
đào tạo, khoa học và công nghệ là nền tảng và động lực của sự nghiệp công nghiệp
hoá, hiện đại hoá”<a title name="_ftnref12" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftn12"><sup><sup>[12]</sup></sup></a>.
Đó là một tư tưởng có tầm chiến lược quan trọng. Con người Việt Nam trong thế kỉ
XXI, trước hết phải là những con người được đào tạo có trí tuệ, có tay nghề vững
vàng; là người lao động có chất lượng cao, giác ngộ cách mạng sâu sắc, có đạo
đức trong sáng - đó là những người “vừa hồng, vừa chuyên”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Vào thập niên 80
của thế kỷ XX, Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã đưa ra khái
niệm “phát triển con người”, xác định những tiêu chí để đánh giá và xếp hạng
trình độ phát triển của các nước trong Liên hợp quốc theo tiêu chí phát triển
con người (tiếng Anh viết tắt là HDI<a title name="_ftnref13" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftn13"><sup><sup>[13]</sup></sup></a>),
gồm tiêu chí về thu nhập đầu người (GDP/đầu người) và 2 tiêu chí về năng lực con
người (giáo dục và sức khoẻ). Từ năm 1990, HDI đã trở thành công cụ xác định
chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, thước đo đánh giá trình độ phát triển
hằng năm trên thế giới. Đây thực sự là một thành quả to lớn của chủ nghĩa nhân
văn trong thời đại mới.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Đảng và Nhà nước
ta thường xuyên chăm lo đến phát triển giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và nâng cao
đời sống vật chất cho nhân dân, đặc biệt là trong quá trình thực hiện công cuộc
đổi mới.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Nhìn lại lịch sử
phát triển giáo dục ở nước ta, không ai có thể phủ nhận được thành tựu to lớn
trong 65 năm qua. Nước ta đã hoàn thành xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học
trong cả nước vào năm 2000; đến tháng 6-2010, đã có 61/63 tỉnh, thành phố đạt
chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Lĩnh vực bảo vệ,
chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ở nước ta tiếp tục đạt được nhiều kết quả;
sức khỏe nhân dân các vùng, miền được quan tâm chăm lo, tuổi thọ trung bình của
người Việt Nam tăng từ 68 (1999) lên 74,3 (2009). Cơ bản xóa được xã trắng về y
tế, trên 97% số xã, phường trong cả nước đã xây dựng được trạm y tế vào cuối
tháng 12-2009, 100% số xã và 90% số thôn, bản đã có cán bộ y tế hoạt động, 69%
số xã có bác sĩ làm việc, hơn 65% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, trên 70% số xã
đã thực hiện khám bệnh, chữa bệnh ban đầu cho người có thẻ Bảo hiểm y tế. Công
tác dân số - kế hoạch hoá gia đình đã có nhiều chuyển biến tích cực, hệ thống
công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình đã từng bước ổn định và hoạt động có
hiệu quả; tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên có xu hướng giảm từ 1,31% năm 2005
xuống còn dưới 1,20% năm 2009 và dự kiến đạt 1,14% vào năm 2010. Giảm tỷ xuất
sinh đạt được mục tiêu Quốc hội giao; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm từ 20,8% vào năm
2005 xuống còn 16% năm 2009; chất lượng dân số từng bước được cải thiện cả về
thể chất, trí tuệ và tinh thần.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Kể từ khi Việt Nam
có mặt trong Báo cáo thường niên của UNDP, giá trị HDI của Việt Nam đã có sự
tiến bộ không thể phủ nhận trong tiến trình đổi mới, không chỉ là tăng trưởng
kinh tế, phát triển công nghệ hay hội nhập vào đời sống quốc tế, mà là phát
triển con người Việt Nam, nâng cao thứ bậc HDI của Việt Nam. Theo báo cáo của
Liên hợp quốc về Phát triển con người năm 2009 với số liệu lấy từ năm 2007, chỉ
số phát triển con người (HDI) của Việt Nam xếp thứ 116 /182 nước. Như vậy, trong
giai đoạn 1985 - 2007, mỗi năm HDI của Việt Nam tăng thêm 1,16% (từ 0,651 lên
0,725). Việt Nam có chỉ số tuổi thọ trung bình và tỷ lệ biết chữ ở người lớn khá
cao (chỉ số tuổi thọ trung bình xếp thứ 54 trên thế giới với tuổi thọ trung bình
là 74,3 và tỷ lệ biết chữ ở người lớn xếp thứ 69, chiếm 90,3% người từ 15 tuổi
trở lên).</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Sự phát triển con
người Việt Nam trong những năm qua đã có những đóng góp có ý nghĩa của Ngành
Tuyên giáo trong việc tham mưu cho Đảng, phối hợp, đôn đốc các cơ quan nhà nước
thể chế hóa và thực thi trong đời sống các quan điểm của Đảng, tích cực tuyên
truyền đến các thành viên trong toàn xã hội phải có trách nhiệm chăm lo đến đời
sống vật chất và tinh thần của người dân, khích lệ mọi người tiếp tục phấn đấu
vì mục tiêu phát triển của con người để con người thực sự trở thành động lực và
mục tiêu trong quá trình phát triển.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2"><b>7. Phản bác kịp
thời những luận điệu xuyên tạc, phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, đường lối đổi mới của Đảng</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Đấu tranh phản bác
các quan điểm sai trái, thù địch có ý nghĩa rất quan trọng trong việc truyền bá
hệ tư tưởng mácxít, tạo sự thống nhất tư tưởng trong đội ngũ trí thức, văn nghệ
sĩ thực hiện các nhiệm vụ văn hoá, văn nghệ trong mỗi thời kỳ cách mạng. Công
tác tuyên giáo của Đảng đã kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng của trí thức, văn
nghệ sĩ, phân tích các khuynh hướng tư tưởng phản mácxít tác động vào đời sống
văn hoá, văn nghệ ở nước ta, từ đó đề ra các biện pháp đấu tranh cụ thể.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Trong những năm
1933-1934, một số đồng chí cộng sản hoạt động hợp pháp ở các đô thị lớn ở nước
ta đã viết các bài báo công khai phê phán tư tưởng nô lệ, tự ti của một số trí
thức. Năm 1935, ở trong nước diễn ra một cuộc tranh luận công khai chung quanh
vấn đề quan điểm nghệ thuật: “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân
sinh”. Các đảng viên cộng sản đã giới thiệu quan điểm mácxít về văn học nghệ
thuật, nêu rõ văn học nghệ thuật không thể đứng ngoài cuộc đấu tranh dân tộc,
chống lại quan điểm văn học nghệ thuật tư sản, phê phán tư tưởng thoát ly đời
sống thực tiễn của đất nước của một số trí thức tiểu tư sản.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Trong cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp, nhiều văn nghệ sĩ của Đảng đã viết bài phân tích sâu
sắc quan điểm, đường lối văn hoá, văn nghệ cách mạng, đồng thời tích cực đấu
tranh chống văn nghệ phản động của Pháp; chống lại những “nọc độc” văn nghệ của
địch gieo rắc “tâm lý cầu an, sợ chết, thích khoái lạc”, “dùng văn nghệ mà mở
mang ánh sáng tự do và lửa chiến đấu vào vùng địch tạm chiếm”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Năm 1956, công tác
tuyên giáo của Đảng đã tham mưu cho Ban Bí thư mở Hội nghị các đảng viên làm
công tác văn nghệ. Hội nghị đã phân tích tình hình văn nghệ, phê phán các quan
điểm sai trái đòi văn nghệ phải tách rời sự lãnh đạo của Đảng, đòi tự do sáng
tác không có định hướng; phê phán những luận điệu chống chủ nghĩa xã hội qua các
bài viết trong sách <i>Giai phẩm mùa Xuân</i>, <i>Giai phẩm mùa Thu</i>, <i>Giai
phẩm mùa Đông</i> và báo <i>Nhân văn</i>. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Ở miền Nam, trong
vùng địch tạm chiếm, chính quyền ngụy Sài Gòn đã tiếp tay cho văn hoá nô dịch và
đồi trụy phát triển gây ảnh hưởng đến nền văn hóa Việt Nam. Đảng ta đã tiến hành
cuộc vận động phong trào quần chúng bảo vệ văn hoá dân tộc, bảo vệ nhân phẩm phụ
nữ, bảo vệ tinh thần thanh niên Việt Nam. Tháng 6-1966, 118 văn nhân, nghệ sĩ,
ký giả Sài Gòn ra tuyên bố tố cáo văn hoá đồi trụy, phản dân tộc. Ngày 7-8-1966,
Lực lượng bảo vệ văn hoá dân tộc ra đời. Cuộc thảo luận về bảo vệ văn hoá dân
tộc, chống văn hoá đồi trụy được đăng công khai trên báo <i>Tin văn</i>.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Trong năm 1975,
khi đất nước toàn thắng, non sông thống nhất, Đảng đã chủ trương vận động toàn
Đảng, toàn quân, toàn dân đấu tranh chống ảnh hưởng của văn hoá tư sản, thực dân
mới, quét sạch các tệ nạn xã hội cũ.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Sau năm 1991,
trước việc chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu bị sụp đổ, hệ thống xã
hội chủ nghĩa trên thế giới rơi vào khủng hoảng và phong trào xã hội chủ nghĩa
thoái trào thì nhiều luồng tư tưởng phản động chống chế độ xã hội chủ nghĩa được
truyền bá và ảnh hưởng vào nước ta, trong đó có những quan điểm sai trái trên
lĩnh vực văn hoá, văn nghệ. Trong nước đã xuất hiện một số văn nghệ sĩ viết các
tác phẩm văn học nghệ thuật nói xấu lãnh tụ cách mạng và chế độ xã hội chủ nghĩa,
đưa ra những quan điểm hạ thấp giá trị của nền văn nghệ dân tộc yêu nước và cách
mạng, tuyệt đối hóa “tự do sáng tác”, đòi văn nghệ sĩ thoát ly sự lãnh đạo và
định hướng chính trị của Đảng. Một số khuynh hướng sáng tác tư sản như kích động
bạo lực, truyền bá đồi trụy, bôi đen chế độ, khơi dậy hận thù dân tộc... xuất
hiện trong đời sống văn hoá. Đáng lưu ý là một số trí thức văn hoá, văn nghệ sĩ
tự xưng “cấp tiến”, tiên phong “đổi mới” văn hoá, văn nghệ đã viết bài, phát tán
tài liệu đưa ra quan điểm sai trái chống lại đường lối văn hoá, văn nghệ của
Đảng, phủ nhận lịch sử và thành tựu cách mạng, gây tâm lý hoang mang trong nhân
dân, góp phần tạo ra sự “tự diễn biến” trong nội bộ.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Trước tình hình đó,
công tác tuyên giáo đã tham mưu với Trung ương Đảng thành lập Hội đồng lý luận
phê bình văn học nghệ thuật, tập hợp các nhà lý luận, phê bình văn học nghệ
thuật đẩy mạnh hoạt động đưa ra những lập luận khoa học, thuyết phục bẻ gẫy
những luận điểm mơ hồ, xuyên tạc của các phần tử chống đối trên lĩnh vực văn học,
nghệ thuật.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Công tác tuyên
giáo trực tiếp chỉ đạo, định hướng tư tưởng chính trị cho các cơ quan ngôn luận
của các Hội Văn học nghệ thuật, các tổ chức nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý
nhà nước về văn hoá, có những hoạt động thiết thực, cụ thể tham gia vào cuộc đấu
tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần thống nhất về tư tưởng
và sự đồng thuận của xã hội về đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Trong thời gian
gần đây, các thế lực thù địch đã và đang sử dụng nhiều phương tiện, bằng nhiều
con đường với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để tiếp tục tuyên truyền các
luận điệu nhằm xuyên tạc, phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
đường lối đổi mới của Đảng. Chúng thường tập trung xuyên tạc, phủ định một số
vấn đề lý luận và thực tiễn sau:</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2"><i>Một là</i>, phủ
định những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chúng cho rằng những
nguyên lý đó chỉ đúng trong thời kỳ tư bản công nghiệp nửa cuối thế kỷ XIX, đầu
thế kỷ XX; ngày nay, loài người đã ở giai đoạn hậu công nghiệp, văn minh tin học
và nền kinh tế tri thức thì những lý luận đó đã lạc hậu, lỗi thời. Sau khi chế
độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ thì các thế lực thù địch đã phủ
định hoàn toàn chủ nghĩa Mác - Lênin.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2"><i>Hai là</i>, phủ
định tư tưởng Hồ Chí Minh và xuyên tạc đường lối đổi mới của Đảng. Theo chúng,
Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là nhà lý luận, không phải là nhà tư tưởng, ít
am hiểu về chủ nghĩa xã hội và văn hóa nhân loại nên không có tư tưởng cách mạng
gì để dẫn dắt nhân dân Việt Nam. Chúng xuyên tạc đường lối đổi mới của Đảng khi
cho rằng kinh tế thị trường không thể dung hợp được với chủ nghĩa xã hội; nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ là sự gán ghép, áp đặt chủ
quan; chế độ độc Đảng thì không bao giờ có dân chủ, nhân quyền, v.v..</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2"><i>Ba là</i>,
xuyên tạc lịch sử. Theo chúng, nhân dân ta không cần tiến hành hai cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mà vẫn có độc lập, tự do.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2"><i>Bốn là</i>,
xuyên tạc tình hình thực tế Việt Nam, vu cáo ta vi phạm dân chủ, nhân quyền,
dựng chuyện Việt Nam đàn áp tôn giáo, kỳ thị, phân biệt đối xử với các dân tộc
thiểu số, nhất là đồng bào thiểu số ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2"><i>Năm là</i>, bịa
đặt, dựng chuyện có phái cấp tiến, phái bảo thủ trong cán bộ lãnh đạo cấp cao
của Đảng và Nhà nước để chia rẽ nội bộ, gây sự hoài nghi lẫn nhau, làm giảm sút
lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Trước những luận
điệu phủ định, xuyên tạc, vu cáo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và
đường lối đổi mới của Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng toàn Ngành Tuyên giáo
đã nghiên cứu, chủ động, tích cực phản bác lại các luận điệu của các thế lực thù
địch, bảo vệ tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ
Chí Minh, đường lối đổi mới sáng tạo và hiệu quả của Đảng.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Chúng ta đã tổ
chức các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, tổ chức hội thảo khoa học; viết bài
phản bác, phê phán trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các cuộc
thi tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên Đài Truyền hình
Việt Nam; tổ chức các đợt tuyên truyền miệng; tham mưu cho Đảng phát động và tổ
chức triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
và nhiều hoạt động khác để làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực phản động.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Bằng những lập
luận khoa học và thực tiễn sinh động, chúng ta đã chứng minh một cách thuyết
phục một số vấn đề sau:</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">1. Giá trị bền
vững của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, học thuyết giá trị thặng dư, sứ
mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, thế giới quan khoa học và phương pháp duy
vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">2. Tư tưởng Hồ Chí
Minh “là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của
cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa
Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị
truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là tư
tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người...”<a title name="_ftnref14" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftn14"><sup><sup>[14]</sup></sup></a>.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">3. Đường lối đổi
mới là kết quả của quá trình tổng kết thực tiễn và phát triển lý luận của Đảng.
Đảng đã xây dựng và phát triển một hệ thống các luận điểm đầy sáng tạo, trong đó
tiêu biểu nhất là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - đây được
coi là mô hình kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
ở Việt Nam.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">4. Việt Nam không
hề có đàn áp tôn giáo, phân biệt, kỳ thị các dân tộc thiểu số. Mỗi một người dân
đều có quyền tự do tín ngưỡng, tham gia sinh hoạt các tôn giáo theo quy định của
pháp luật. Có nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tạo thuận lợi
cho đồng bào các dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển. Xây dựng nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa là để nhân dân thực sự là người làm chủ đất nước,
làm chủ vận mệnh của mình. Đại đoàn kết toàn dân tộc để gắn bó đồng bào các dân
tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và đồng bào ta định cư ở
nước ngoài là một chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">5. Các đồng chí
lãnh đạo cấp cao của Đảng cũng như toàn thể đảng viên và nhân dân Việt Nam nhất
trí cao với đường lối đổi mới của Đảng. Trong lãnh đạo cấp cao cũng như lãnh đạo
đảng các cấp không bị chia rẽ nội bộ do bất đồng về quan điểm. Trong mỗi dịp Đại
hội Đảng, nội dung văn kiện không những được toàn thể đảng viên tham gia góp ý
mà còn xin ý kiến đóng góp của toàn thể nhân dân bằng con đường tổ chức hoặc
trên các phương tiện thông tin đại chúng.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Do có nhiều cố
gắng trong việc phản bác những luận điệu xuyên tạc, phủ định chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng nên xã hội ổn định về
chính trị, tư tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng được giữ vững, toàn Đảng, toàn
quân, toàn dân nhất trí cao và cố gắng thực hiện được mục tiêu xây dựng đất nước:
dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2"><b>Tuy nhiên, công
tác tuyên giáo vẫn còn một số hạn chế sau: </b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">1. Tham mưu trên
một số lĩnh vực công tác tuyên giáo còn chưa kịp thời, nhạy bén, chưa chú trọng
đúng mức nghiên cứu, đề xuất những vấn đề có tính chiến lược. Một số vấn đề ở
tầm quan điểm, chủ trương lớn chưa tích cực góp phần làm rõ nên chưa đạt được sự
thống nhất cao về nhận thức và thiếu dứt khoát trong hoạch định chính sách, chỉ
đạo điều hành như mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển;
giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội; giữa đổi mới kinh tế và
đổi mới hệ thống chính trị; giữa đổi mới với ổn định và phát triển; giữa độc lập,
tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế...</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Do vậy, một số
ngành thuộc lĩnh vực Tuyên giáo còn có những hạn chế, cụ thể là: </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">- Chất lượng giáo
dục đại trà đạt thấp, chưa tiếp cận được với trình độ tiên tiến của khu vực và
trên thế giới, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất
nước. Đào tạo chưa gắn với nhu cầu của thị trường lao động, với yêu cầu của công
nghệ sản xuất. Kiến thức cơ bản về xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng thực hành, khả
năng tự học của số đông học sinh phổ thông còn kém. Chất lượng giảng dạy, học
tập các môn giáo dục chính trị, đạo đức và ngoại ngữ còn thấp. Các học sinh,
sinh viên tốt nghiệp còn hạn chế về năng lực tư duy sáng tạo, kỹ năng thực hành,
khả năng thích ứng với nghề nghiệp, kỷ luật lao động, tinh thần hợp tác và cạnh
tranh lành mạnh chưa cao, khả năng tự lập nghiệp còn rất hạn chế.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">- Đội ngũ cán bộ
khoa học và công nghệ đã có sự tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng còn thấp,
chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của các ngành kinh tế - xã hội và của doanh
nghiệp. Bất hợp lý về cơ cấu ngành nghề và phân bổ đội ngũ, nhiều lĩnh vực phát
triển nhanh còn rất thiếu nhân lực khoa học và công nghệ. Đội ngũ cán bộ khoa
học và công nghệ chủ chốt đang bị lão hoá, kiến thức mới ít có điều kiện cập
nhật, sự hẫng hụt về cán bộ trong nhiều lĩnh vực là nghiêm trọng, nhất là trong
lĩnh vực khoa học cơ bản.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">- Trong lĩnh vực
văn hoá, văn nghệ còn ít các công trình, tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao và
bền vững trên cả bình diện tư tưởng lẫn nghệ thuật. Công tác bảo tồn, phát huy
các giá trị di sản văn hoá dân tộc còn yếu kém. Sự chênh lệch về văn hoá giữa
các vùng, các dân tộc, các bộ phận dân cư còn quá cao. Đời sống văn hoá các vùng
dân tộc thiểu số, nông thôn, miền núi còn rất thấp. Nhiều văn nghệ sĩ lúng túng
khi chọn hướng sáng tác trong cơ chế mới và trong điều kiện mở cửa, hội nhập.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">2. Công tác tư
tưởng còn thiếu sắc bén, sức thuyết phục chưa cao, tính chiến đấu còn hạn chế,
chưa sát với thực tiễn. Chưa triển khai tốt công tác giáo dục chính trị, tư
tưởng và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, những quan điểm mơ
hồ, sai trái. Chưa quan tâm đúng mức việc giáo dục lý tưởng, văn hoá sâu rộng.
Công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc còn bị động,
hiệu quả thấp. Chưa huy động được đầy đủ sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính
trị làm công tác tư tưởng, văn hoá. Vai trò của nhiều cấp uỷ chưa nổi rõ. Nội
dung, phương pháp công tác tư tưởng, văn hoá chậm được đổi mới, hoạt động của
các lĩnh vực tư tưởng, văn hoá chưa đồng đều, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa
các ngành, các cấp, các bộ phận. Nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân trong lĩnh
vực khoa giáo (ô nhiễm môi trường sinh thái; các vấn đề dạy thêm, học thêm, chất
lượng giáo dục, viện phí, tình trạng quá tải bệnh viện, y đức, đạo đức cầu thủ,
bạo lực gia đình...) chưa được giải quyết kịp thời và triệt để.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">3. Công tác nghiên
cứu lý luận còn trong tình trạng lạc hậu trên một số mặt, chưa đáp ứng được
những đòi hỏi của thực tiễn đang vận động nhanh chóng, phong phú và phức tạp.
Nhiều vấn đề lớn, bức xúc đặt ra từ thực tiễn trong nước và quốc tế chưa tìm ra
hướng giải quyết hoặc giải đáp chưa có sức thuyết phục. Kết quả các công trình
nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, khoa học xã hội và nhân văn có chất lượng
chưa cao, ít có kết quả được ứng dụng, vận dụng vào thực tiễn. Hiệu quả nghiên
cứu chưa tương xứng với sự đầu tư của Đảng và Nhà nước. Một số vấn đề lý luận đã
được thảo luận, làm rõ nhưng chậm được kết luận, khẳng định để đưa vào thực hiện.
Công tác lãnh đạo, quản lý các hoạt động lý luận còn chưa đáp ứng được đòi hỏi
của thực tiễn. Cơ chế, chính sách đối với hoạt động lý luận còn nhiều bất hợp lý.
Đội ngũ cán bộ lý luận chưa có sự phát triển về chất, thiếu các chuyên gia đầu
đàn trên các lĩnh vực trọng yếu. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">4. Công tác tổ
chức và cán bộ còn nhiều bất hợp lý. Mảng công tác khoa giáo cùng với mảng tư
tưởng và văn hoá đã nhiều lần tách ra, nhập vào nhưng không phải lúc nào cũng
dựa trên những luận cứ khoa học đầy đủ, nhất là ở cấp tỉnh và thành phố trực
thuộc Trung ương. Nhiều cán bộ tuyên giáo được đào tạo thiếu tính hệ thống nên
chất lượng tham mưu còn hạn chế, nhất là ở cấp Trung ương. Chưa có chế độ, chính
sách phù hợp để thu hút được cán bộ giỏi, cán bộ có năng lực về làm công tác
tuyên giáo. Nhiều vụ ở Ban Tuyên giáo Trung ương cũng như nhiều Ban Tuyên giáo ở
cấp tỉnh, thành phố trong nhiều năm tuyển không đủ biên chế hoặc có đầy đủ biên
chế thì một số cán bộ có trình độ rất hạn chế, khó phát triển trở thành những
cán bộ giỏi để công tác lâu dài trong ngành. Nhiều người không muốn làm cán bộ
tuyên giáo không chỉ vì điều kiện vật chất hạn chế mà còn do yếu tố tinh thần.
Nhìn chung, xã hội chưa tôn trọng và đánh giá đúng vai trò của người cán bộ
tuyên giáo so với công sức mà họ cống hiến cho Đảng và nhân dân.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2"><strong>II- MỘT SỐ
BÀI HỌC CHỦ YẾU</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2"><b>1. Kiên định
lập trường cách mạng, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh vào quá trình xây dựng và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng </b>
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Chủ nghĩa Mác -
Lênin là hệ thống lý luận cách mạng về giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc,
giải phóng con người trong thời đại tư bản chủ nghĩa. Khi mới tiếp cận, Nguyễn
Ái Quốc đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ
nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”<a title name="_ftnref15" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftn15"><sup><sup>[15]</sup></sup></a>,
là con đường giải phóng đồng bào ta khỏi đọa đày đau khổ. Sự ra đời của Đảng
Cộng sản Việt Nam là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công
nhân, phong trào yêu nước. Từ khi ra đời đến nay, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào,
Đảng vẫn xác định chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng lý luận cách mạng tiên tiến,
bảo đảm tính đúng đắn và thành công cho sự lãnh đạo của mình. Đi theo chủ nghĩa
Mác - Lênin nhưng Đảng ta không rập khuôn máy móc, luôn luôn tìm tòi, vận dụng
sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử của đất nước, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin có
sức sống lâu bền ở Việt Nam. Quá trình tiếp thu và vận dụng chủ nghĩa Mác -
Lênin vào Việt Nam đã dần hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó không phải là
một nhánh khác với chủ nghĩa Mác - Lênin mà là một sự cụ thể hoá, một bước phát
triển của tinh thần “cách mạng giải phóng giai cấp” vào sự nghiệp “giải phóng
dân tộc” ở Việt Nam. Quá trình vận dụng đồng thời là quá trình làm cho chủ nghĩa
Mác - Lênin trở thành hệ tư tưởng chủ đạo trong đời sống chính trị - xã hội; tư
tưởng Hồ Chí Minh là kết quả tất yếu của sự vận dụng đó, đồng thời là di sản
tinh thần vô giá của lịch sử dân tộc ta ở thế kỷ XX. Sau từng thời kỳ cách mạng,
thông qua tổng kết thực tiễn, nhờ có trí tuệ của Đảng, của nhân dân mà lý luận
cách mạng được nâng cao một bước, tiếp tục tạo đà cho cách mạng đi lên. Như vậy,
chỉ có kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta mới đưa
đất nước ta từng bước phát triển phù hợp với xu thế của thời đại. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Công tác tuyên
giáo của Đảng thực chất là công tác định hướng và giáo dục chính trị, tư tưởng
trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Chính vì vậy, trong công tác tuyên
giáo thì sự kiên định lý tưởng, bảo vệ sự chân chính của chủ nghĩa Mác - Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh, khắc phục tính giáo điều, rập khuôn, máy móc được coi là
sợi chỉ đỏ để bảo đảm tính đảng, tính cách mạng và tính khoa học cho chất lượng
tham mưu. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Với vai trò là cầu
nối giữa lý luận với thực tiễn, công tác tuyên giáo đã làm cho tinh thần cách
mạng chân chính của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thẩm thấu vào
đảng viên, quần chúng nhân dân, hình thành lý tưởng cách mạng, tạo niềm tin,
thôi thúc họ đi theo Đảng, theo Bác Hồ để giành và giữ nền độc lập dân tộc và
hướng tới chủ nghĩa xã hội. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2"><b>2. Phát huy sức
mạnh của cả hệ thống chính trị, bám sát cơ sở, xây dựng điển hình tiên tiến làm
hạt nhân cho phong trào cách mạng </b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Công tác tuyên
giáo được vận hành theo một quy trình chặt chẽ, trước hết là tham mưu cho Trung
ương, các cấp uỷ đảng địa phương ban hành nghị quyết, chỉ thị; trên cơ sở đó
giúp cấp trên tổ chức triển khai, đưa nghị quyết, chỉ thị đi vào cuộc sống, tạo
ra những chuyển biến tích cực trong xã hội. Thực tiễn cho thấy nếu không biết
phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị (trong đó vai trò của các cấp uỷ
đảng đặc biệt quan trọng), làm hạt nhân cho sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với
các tổ chức, đoàn thể trong việc triển khai nghị quyết, chỉ thị của Đảng thì
hiệu quả công tác tuyên giáo sẽ không đáp ứng được yêu cầu. Mặt khác, cũng cần
phải nhận thức rằng: mọi chủ trương, đường lối của Đảng dù qua nhiều kênh khác
nhau song đều hướng đến các cơ sở, lấy cơ sở làm hạt nhân cho phong trào cách
mạng. Vì vậy, với vai trò giúp Trung ương, các cấp uỷ đảng trong việc triển khai,
kiểm tra, đôn đốc cơ sở thực hiện nghị quyết, chỉ thị, công tác tuyên giáo phải
hướng dẫn chương trình, kế hoạch hành động với những biện pháp đúng đắn, sáng
tạo; huy động được sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn
thể, tổ chức, đủ sức lôi cuốn được quần chúng hành động theo đúng tinh thần của
nghị quyết, chỉ thị.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Mục tiêu của các
nghị quyết, chỉ thị là định hướng tư tưởng chính trị, thúc đẩy cán bộ, đảng viên
và quần chúng nhân dân hành động cách mạng, hành động một cách có tổ chức, được
dẫn dắt bởi hệ thống chính trị và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, tổ
chức. Xác định phong trào cách mạng của quần chúng là động lực của cách mạng vì
vậy công tác tuyên giáo không chỉ gắn liền với phong trào cách mạng của quần
chúng mà còn có nhiệm vụ khơi dậy, tổ chức, hướng dẫn, tổng kết phong trào cách
mạng của quần chúng. Phải coi phong trào cách mạng của quần chúng là sự phản ánh,
là thước đo hiệu quả, chất lượng của công tác tuyên giáo. Trong quá trình cách
mạng, các phong trào quần chúng đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách
mạng nước ta. Sở dĩ các phong trào cách mạng thu được thắng lợi chính là vì công
tác tuyên giáo biết tổ chức, hướng dẫn các phong trào quần chúng, xác định mục
tiêu cụ thể, xác thực, xây dựng kế hoạch rõ ràng, có cơ chế chính sách, có cán
bộ đủ năng lực để hướng dẫn và làm nòng cốt cho phong trào. Mỗi phong trào đều
có những tập thể, cá nhân điển hình nên công tác tuyên giáo không những phải
nhanh nhạy, kịp thời phát hiện những điển hình để có biện pháp định hướng nâng
tầm, nhân rộng, mà còn phải biết đúc kết bài học kinh nghiệm từ các phong trào
đó. Bất kỳ phong trào nào cũng có những thành công, song ít nhiều cũng có những
mặt hạn chế, thậm chí có khi còn vấp phải những thất bại, do vậy, công tác tuyên
giáo cũng phải biết nghiêm túc phân tích, chỉ ra bài học từ thất bại để khắc
phục trong tương lai. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Thực tế đã chứng
minh, ở đâu có phong trào tốt thì ở đó có công tác tuyên giáo đi đúng hướng, có
sự quyết tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng (với vai trò gương mẫu, nhiệt tâm của
người đứng đầu), có sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao của các tổ chức,
đoàn thể, đặc biệt là sự hưởng ứng tự giác của quần chúng.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2"><b>3. Bám sát thực
tiễn, kịp thời dự báo, định hướng tư tưởng chính trị, tạo sự đồng thuận xã hội
trong quá trình triển khai chủ trương, đường lối của Đảng </b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Công tác tuyên
giáo là làm cho chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào thực
tiễn, tạo sự chuyển biến tích cực trong mọi mặt của đời sống xã hội, qua đó mang
lại cuộc sống tốt đẹp và sự bình yên cho nhân dân. Tuy nhiên, mỗi khi Đảng, Nhà
nước ban hành chủ trương, đường lối, chính sách mới hoặc trước những biến động
trong nước và quốc tế, dư luận xã hội thường có những trạng thái đa chiều, đôi
khi trái ngược nhau. Bởi vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác
tuyên giáo là phải nhanh nhạy nắm bắt một cách xác thực diễn biến tư tưởng, tâm
trạng xã hội, kịp thời đề xuất với cấp trên những giải pháp định hướng tư tưởng
chính trị. Qua các thời kỳ cách mạng, nhờ có định hướng chính trị đúng và tương
đối kịp thời nên công tác tuyên giáo đã góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Nhà
nước ngày càng vững mạnh, khẳng định và bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng và
Nhà nước. Cũng do nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng, tâm trạng xã hội mà công
tác tuyên giáo đã góp phần giữ gìn và củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng
và sự đồng thuận trong xã hội; gắn kết chặt chẽ hơn với những nhiệm vụ kinh tế -
xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đấu tranh chống lại các luận điệu tuyên
truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Định
hướng đúng và kịp thời không những rất quan trọng đối với các vấn đề chiến lược
của đất nước mà còn đối với các sự kiện thời sự quan trọng và những vấn đề mới
nảy sinh có tác động lớn đến tâm trạng, dư luận và tư tưởng xã hội, qua đó nâng
cao cảnh giác với những thủ đoạn lừa bịp, phá hoại của kẻ thù. Trong các lĩnh
vực thuộc công tác tuyên giáo của Đảng, việc định hướng đúng và kịp thời trước
hết phải được thực hiện đối với báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ cũng như
tuyên truyền, bởi đó là những công cụ rất quan trọng, nhạy cảm, hằng ngày tác
động đến đông đảo quần chúng nhân dân.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Để định hướng đúng
và kịp thời thì những người làm công tác tuyên giáo phải luôn luôn bám sát thực
tiễn, kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng chính trị, nâng cao khả năng dự báo;
đi trước, đi trong, đi sau mọi diễn biến của đời sống; dự báo chiều hướng phát
triển tư tưởng chính trị của các đối tượng trong xã hội phải căn cứ trên các cơ
sở dữ liệu được thu thập (thông qua điều tra xã hội học, thông qua mạng lưới
cộng tác viên, thông qua khai thác tư liệu từ các phương tiện thông tin đại
chúng); từ đó phân tích khuynh hướng tư tưởng chính trị của xã hội; trên cơ sở
như vậy mới có thể tham mưu cho cấp trên có giải pháp định hướng tư tưởng chính
trị đúng và kịp thời. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2"><b>4. Chủ động,
kiên quyết phản bác một cách có cơ sở khoa học, có sức thuyết phục đối với những
quan điểm sai trái, những luận điệu phản động</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Như một quy luật
tất yếu, ở bất kỳ nước nào trong quá trình cách mạng nói chung luôn luôn diễn ra
cuộc đấu tranh giữa tích cực và tiêu cực, giữa cái mới và bảo thủ, giữa tiên
tiến và lạc hậu. Cuộc đấu tranh này được cả hai phía huy động toàn bộ hệ thống
chính trị, sử dụng lực lượng chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp, áp dụng tiến bộ
khoa học - công nghệ. Mục tiêu của cuộc đấu tranh này là giữ vững định hướng
chính trị của mình, phá vỡ chiến lược của đối phương. Ở nước ta, quá trình cách
mạng kể từ khi có Đảng lãnh đạo đã cho thấy cuộc đấu tranh giữa chính nghĩa và
phi nghĩa diễn ra rất phức tạp và khốc liệt; trong cuộc chiến này, Đảng ta đã
biết phát huy tối ưu tài trí và sức mạnh quân sự theo đường lối “chiến tranh
nhân dân”, “chiến tranh toàn diện”. Đấu tranh trên mặt trận tư tưởng chính trị
bao giờ cũng là một nhiệm vụ quan trọng của công tác tuyên giáo, đặc biệt là
định hướng và hướng dẫn nhân dân đấu tranh chống lại các thủ đoạn xảo quyệt, các
luận điệu của các thế lực thù địch, phản động, những tư tưởng, quan điểm sai
trái của bọn cơ hội chính trị, bọn phản động trong nước và nước ngoài chống phá
cách mạng nước ta. Cuộc đấu tranh này diễn ra hằng ngày một cách gay gắt, phức
tạp, trên mọi lĩnh vực, thông qua nhiều kênh thông tin, nên đòi hỏi công tác
tuyên giáo phải được giữ vững và phát huy thế chủ động tiến công. Do đó, phải
bám sát thực tiễn, nghiên cứu, phân tích đúng tình hình tư tưởng chính trị trong
từng thời gian, thời điểm thì mới đề ra được phương hướng, nhiệm vụ đấu tranh tư
tưởng đúng, mới làm thất bại được hoạt động chống phá của các thế lực thù địch,
giữ vững được an ninh tư tưởng chính trị.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Muốn giành thắng
lợi trong cuộc đấu tranh tư tưởng chính trị thì những người làm công tác tuyên
giáo phải chủ động phát hiện âm mưu, phân tích rõ thủ đoạn và cách thức chống
phá của lực lượng phản động; trên cơ sở đó đấu tranh kiên quyết, không khoan
nhượng nhưng lại có sức thuyết phục, mở rộng đối thoại với những người có quan
điểm sai trái, giúp họ nhận thức được sai lầm, ăn năn, hối cải đi theo cách mạng.
Trong gần 25 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác tuyên giáo đã liên
tục, thường xuyên đấu tranh và đã đấu tranh có kết quả, làm thất bại âm mưu và
hoạt động chống phá của những bọn cơ hội chính trị, các thế lực thù địch, những
người có tư tưởng dân chủ cực đoan, vô tổ chức, kỷ luật, phát ngôn vô chính phủ...
Nhờ đó, an ninh tư tưởng chính trị được giữ vững, công cuộc đổi mới thu được
những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Trong những năm
đổi mới vừa qua, đất nước tiến hành mở cửa, hội nhập quốc tế, cơ chế thị trường
có những mặt tích cực song cũng có mặt trái, làm xuất hiện khá nhanh nhiều vấn
nạn như tham nhũng, quan liêu, lãng phí, mất dân chủ và nhiều tiêu cực khác
trong xã hội... Công tác tuyên giáo đã kịp thời tuyên truyền, giáo dục và tích
cực đấu tranh chống tiêu cực, góp phần giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (mà công tác
tuyên giáo đang đóng vai trò quan trọng) chính là nhằm hướng tới mục tiêu làm
cho mọi người Việt Nam nhận thức đúng, tự giác học tập, noi gương và có hành
động theo những nét đẹp trong phẩm chất cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; trên
cơ sở đó, góp phần tạo lập nền tảng tinh thần dân tộc trong thời đại mới. </font>
</p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2"><b>5. Quan tâm xây
dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo có bản lĩnh, tâm huyết với nghề, có tri thức và
phương pháp công tác khoa học </b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Do tính chất và
yêu cầu cách mạng trong mỗi thời kỳ cách mạng mà hệ thống Ngành Tuyên giáo có
lúc hoà nhập giữa công tác tư tưởng - văn hoá với khoa giáo, có lúc tách ra làm
hai để bảo đảm tính chuyên sâu. Tuy về cơ cấu tổ chức bộ máy không nhất thể
trong suốt 80 năm qua nhưng đều được Trung ương quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện
thuận lợi để củng cố, hoàn thiện bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, từng bước bổ
sung, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc. Nhất là từ sau khi có
Quyết định số 80-QĐ/TW của Bộ Chính trị (28-8-2007) đến nay Ngành Tuyên giáo đã
có được một hệ thống cơ cấu tổ chức khá hoàn thiện, bảo đảm tính thống nhất từ
trung ương tới địa phương; đội ngũ cán bộ ngày càng đông về số lượng, đang dần
đảm nhận tốt các mảng công tác theo chức năng, nhiệm vụ được cấp trên giao.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Đứng trước những
yêu cầu mới, nhiệm vụ của công tác tuyên giáo ngày càng nặng nề, phức tạp, đòi
hỏi người làm công tác tuyên giáo phải có bản lĩnh chính trị, có lập trường kiên
định, vững vàng, nhạy bén trước sự biến đổi của thời cuộc; phải không ngừng tri
thức hoá, chuyên nghiệp hoá đội ngũ cán bộ Ngành Tuyên giáo. Công tác tuyên giáo
không đơn thuần là một nghề nghiệp như trong lao động sản xuất, trong nghiên cứu
khoa học mà là một loại hình hoạt động xã hội thiên về định hướng tư tưởng chính
trị. Do vậy, mỗi cán bộ công tác trong lĩnh vực tuyên giáo phải có được sự tổng
hoà trên nhiều phương diện có liên quan tới tư tưởng chính trị - xét trên khía
cạnh này thì công tác tuyên giáo thực sự là một khoa học tổng hợp. Thực tế cho
thấy: nhiều giá trị lịch sử truyền thống, nhiều giá trị văn hoá, đạo đức truyền
thống cũng như các yếu tố tâm lý, tôn giáo, tín ngưỡng... đã được vận dụng khá
sâu sắc vào công tác tuyên giáo, nên có tính thuyết phục cao đối với quần chúng
nhân dân. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Việc bảo đảm tính
khoa học là một nguyên tắc cơ bản của công tác tuyên giáo, tức là những sản phẩm
của công tác tuyên giáo phải có hàm lượng chất xám cao, là sự hội tụ giữa cái
“tâm” giàu nhiệt huyết và cái “tầm” giàu tri thức khoa học. Cái “tâm” của người
cán bộ tuyên giáo được thể hiện ở tinh thần kiên định, tự giác, dám vượt qua khó
khăn, thiệt thòi về vật chất, có kỷ luật nghiêm khắc, có thái độ cầu thị. Cái
“tầm” của người cán bộ tuyên giáo được thể hiện ở trình độ chuyên môn theo từng
lĩnh vực chuyên ngành được đào tạo và được giao nhiệm vụ, bên cạnh đó còn phải
có một nền tảng văn hoá vững chãi. Tính khoa học của công tác tuyên giáo được
thể hiện trong nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với các
vấn đề bức thiết trong thực tiễn<i>. </i>Vì thế, cần thiết phải có các đề tài
nghiên cứu cụ thể, lý giải bản chất của các sự kiện, hiện tượng trong đời sống
xã hội một cách khách quan, khoa học, có sức thuyết phục, để làm căn cứ hình
thành đường lối, chính sách, pháp luật. Công tác tuyên giáo phải mang tính xác
thực, phản ánh đúng hiện thực khách quan với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, nói
đúng sự thật. Khi tuyên truyền không nói một chiều, không tô hồng, không bôi đen.
Khi biểu dương hoặc phê phán đều phải có thái độ đúng mức, tôn trọng sự thật
khách quan và mang ý thức xây dựng ngay cả trong khi phê phán. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Nhiệm vụ trước
tiên của công tác tuyên giáo là tham mưu về chủ trương, đường lối, chính sách
cho Đảng và Nhà nước, nên đòi hỏi mỗi cán bộ tuyên giáo phải có tính chủ động,
tính độc lập trong tư duy, đồng thời lại phải biết phối hợp chặt chẽ với đồng
nghiệp, với các cơ quan trong khối, nhất là biết lắng nghe ý kiến từ cơ sở thông
qua phát huy tính dân chủ. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Khi mọi người đã phát biểu ý
kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra <i>quyền tự do
phục tùng chân lý</i>”<a title name="_ftnref16" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftn16"><sup><sup>[16]</sup></sup></a>.
Điều đó cho thấy công tác tuyên giáo không thể gò ép, mệnh lệnh như kiểu quản lý
hành chính, càng không thể chủ quan duy ý chí, độc đoán, áp đặt. Công tác tuyên
giáo càng mở rộng dân chủ thì càng khuyến khích mọi người khám phá, sáng tạo,
tìm tòi những tri thức mới đóng góp cho Đảng, Nhà nước<i> </i>trong quá trình
lãnh đạo cách mạng. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">Ngày nay, khi mà
khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, các luồng thông tin được truyền đi
trên nhiều kênh, rất đa chiều, với tốc độ cực nhanh; các thế lực thù địch đã và
đang sử dụng rất hiệu quả các phương tiện thông tin hiện đại (nhất là mạng
internet) để tung tin thất thiệt, bôi nhọ Đảng và Nhà nước ta. Do vậy, công tác
tuyên giáo phải rất nhanh nhạy, không thể chỉ sử dụng mỗi hình thức “tuyên
truyền miệng” mà phải phát huy tổng hợp các loại hình báo chí, truyền hình,
truyền thanh, mạng internet...; tức là phải phát huy thế mạnh của các “binh
chủng” trên mặt trận tuyên giáo, đồng thời phải hiện đại hoá phương tiện thông
tin để đấu tranh có hiệu quả, chống lại cuộc chiến thông tin hiện đại do kẻ địch
thực hiện. </font></p>
<div align="right">
<font face="Arial,verdana,tahoma" size="2"><strong>Nguồn: <i>Ban Tuyên giáo
Trung ương, ,Lịch sử 80 năm ngành Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam Nxb.
CTQG, H, 2010.</i></strong><br clear="all">
</font></div>
<div align="justify">
<hr size="1" width="33%"></div>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">
<a title name="_ftn1" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftnref1">
[1]</a>. Hồ Chí Minh: <i>Toàn tập, Sđd,</i> t.10, tr.128.<i> </i></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">
<a title name="_ftn2" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftnref2">
[2]</a>. Đảng Cộng sản Việt Nam: <i>Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, </i>t.52,
tr.507. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">
<a title name="_ftn3" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftnref3">
[3]</a>. Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: <i>Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ X</i>, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.58.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">
<a title name="_ftn4" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftnref4">
[4]</a>. Xem: Thân Nhân Trung: <i>Bài ký đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất</i> khắc
trên bia đá dựng ở Văn Miếu, Hà Nội, năm 1442. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">
<a title name="_ftn5" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftnref5">
[5]</a>. Hồ Chí Minh: <i>Toàn tập</i>, <i>Sđd</i>, t.4, tr.99.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">
<a title name="_ftn6" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftnref6">
[6]</a>. Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: <i>Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ VII, </i>Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.111. </font></p>
<p style="LINE-HEIGHT: 14pt" align="justify">
<font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">
<a title name="_ftn7" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftnref7">
[7]</a>. Kết luận Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá IX,
ngày 20-7-2004 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) về “Xây
dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong
những năm sắp tới.</font></p>
<p style="LINE-HEIGHT: 14pt" align="justify">
<font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">
<a title name="_ftn8" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftnref8">
[8]</a>. Xem: Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khoá X), ngày 16-6-2008,
về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">
<a title name="_ftn9" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftnref9">
[9]</a>. Hồ Chí Minh: <i>Toàn tập</i>, <i>Sđd</i>, t.4, tr.56.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">
<a title name="_ftn10" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftnref10">
[10]</a>. Hồ Chí Minh: <i>Toàn tập</i>, <i>Sđd</i>, t.12, tr.503.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">
<a title name="_ftn11" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftnref11">
[11]</a><i>. </i>Đảng Cộng sản Việt Nam: <i>Chiến lược ổn định và phát triển
kinh tế - xã hội 1991-2000</i>, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.8.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">
<a title name="_ftn12" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftnref12">
[12]</a>. Đảng Cộng sản Việt Nam: <i>Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
IX, </i>Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.91.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">
<a title name="_ftn13" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftnref13">
[13]</a>. Chỉ số HDI cơ bản được mang giá trị từ 0 đến 1. Chỉ số giáo dục được
coi là có giá trị bằng 1 khi 100% người lớn (trên 15 tuổi) biết đọc, biết viết;
bằng 0 khi không có ai trong số người lớn (trên 15 tuổi) biết đọc, biết viết.
Chỉ số tuổi thọ được coi là có giá trị bằng 1 khi tuổi thọ bình quân là 85; bằng
0 khi tuổi thọ bình quân chỉ đạt 25 tuổi. Chỉ số kinh tế được coi là có giá trị
bằng 1 khi GDP bình quân đầu người đạt 40.000 USD (tính theo PPP - sức mua tương
đương của đồng tiền); bằng 0 khi GDP bình quân đầu người chỉ đạt 100 USD (tính
theo PPP).</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">
<a title name="_ftn14" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftnref14">
[14]</a>. Đảng Cộng sản Việt Nam: <i>Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
IX, Sđd, </i>tr.83. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">
<a title name="_ftn15" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftnref15">
[15]</a>. Hồ Chí Minh: <i>Toàn tập, Sđd, </i>t.2, tr.268. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial,verdana,tahoma" size="2">
<a title name="_ftn16" href="http://tuyengiao.vn/Home/BantuyengiaoTW/lichsu/2011/7/33724.aspx#_ftnref16">
[16]</a>. Hồ Chí Minh: <i>Toàn tập, Sđd, </i>t.8, tr.216. </font></p>
</body>
</html>